Sự thật về 'công chúa Hằng Nga cứu nhân độ thế'

14:14 | 28/11/2015

2,742 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Suốt mấy năm nay một phụ nữ thất nghiệp, vô công rỗi nghề, cư ngụ ở chợ Trường Xuân, ấp 5A, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp âm thầm tự xưng là "Công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt giáng trần để thực hiện thiên mệnh cứu nhân độ thế".

Hằng ngày bà ta tổ chức nhiều trò nhố nhăng sặc mùi mê tín dị đoan trước mắt chính quyền sở tại. Thậm chí, bà ta còn tự tung lên mạng xã hội những bức ảnh, đoạn phim để hòng lôi kéo người dân tin vào những trò nhảm nhí mình đặt ra?

Tâm linh hay tâm thần?

Đại úy Trần Quốc Khánh - Trưởng Công an xã Trường Xuân cho biết, người tự xưng "Công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt" tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, 33 tuổi, có chồng tên là Trần Thanh Phong, 35 tuổi. Bà Châu đã có 2 đứa con còn nhỏ.

Hai vợ chồng bà Châu không có nghề nghiệp ổn định, vẫn còn ăn bám vào cha mẹ. Mẹ ruột của bà Châu là bà Nguyễn Thị Phụng - nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Xuân. Cha ruột bà Châu có tên thường gọi là Hai Phận. Ông Hai Phận tự lập tổ từ thiện lấy tên là "Tổ từ thiện Hai Phận" - trực thuộc Hội Chữ thập đỏ xã Trường Xuân.

cong chua hang nga giang pham cuu nhan do the o dong thap
Cung trăng của "công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt" mô phỏng cung trăng của truyện tranh "Công chúa Mặt trăng" và "Thủy thủ Mặt Trăng".

Thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Phụng là cơ sở kinh doanh "tổng hợp" tại ngôi nhà 3 tầng ở góc chợ Trường Xuân: Karaoke, cà phê - nước giải khát, tạp hóa gia dụng, nước tinh khiết đóng chai. Trước ngôi nhà có treo 2 biển hiệu "Quán nhậu bình dân Minh Châu" và "Cà phê giải khát Minh Châu".

Quan sát cách trị bệnh của "công chúa" Nguyễn Thị Mỹ Châu, thấy rất lạ

Khi đến giờ "nhập thất điều trị", Nguyễn Thị Mỹ Châu cho hết người bệnh vào gian thờ trên tầng hai. Chính giữa gian thờ có đặt một bàn hương án có linh ảnh Phật Thích Ca, Phật Quán Thế Âm, Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ và ảnh chân dung của Nguyễn Thị Mỹ Châu. Bức vách bên cạnh bàn hương án treo hàng chục bức ảnh chân dung của Nguyễn Thị Mỹ Châu mặc trang phục cosplay diêm dúa.

Phía trước bàn hương án đặt một biểu tượng mặt trăng khuyết - được xem là chiếc "ngai của công chúa".

Trước khi bắt tay vào buổi điều trị, mọi người đều phải trải qua một thủ tục rất... văn nghệ. Đó là nhảy nhạc dance sexy (múa khêu gợi).

Nguyễn Thị Mỹ Châu đốt nhang khấn vái trước bàn thờ Đức Phật Thích Ca rồi mở nhạc remix vũ trường để nhảy điên cuồng cho các bệnh nhân xem.

Nhảy chán chê nhạc remix vũ trường, Châu ra lệnh cho người nhà mở nhạc chachacha, rồi nhảy nhót lăn lộn ra sàn nhà. Có khi cao hứng, Châu cầm gậy múa "võ phát tâm" tức trong đầu nghĩ sao, huơ gậy như vậy chứ không theo một bài bản nào?

Múa chán chê, "công chúa" leo lên chiếc ghế có hình mặt trăng khuyết, cố diễn một bộ mặt thộn như một cách khiến mọi người tin mình là thần thánh? Sau khi "công chúa" ngồi vắt vẻo trên "cung trăng" thì có 2 cô gái trẻ vận trang phục như "tì nữ cải lương" xuất hiện bảo những con bệnh nhảy múa.

Xong phần văn nghệ, "công chúa" bắt đầu buổi thuyết giảng đạo pháp về "thời buổi mạt pháp, ma quỷ của thế lực bóng tối lộng hành, con người sắp đến ngày diệt vong"? Văn ngôn lủng củng, ý tứ lộn xộn không theo một trường phái tôn giáo nào cụ thể. Kết thúc bài  thuyết pháp, luôn luôn có bài ca ngợi sự huyền diệu của "công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt".

Nguyễn Thị Mỹ Châu cho rằng mình là hiện thân của "công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt được "cõi trên" cử xuống trần gian dùng phép thuật trị "bệnh u mê của loài người? Vì u mê mà con người bị nhiều chứng bệnh nan y. Ngoài ra, “công chúa” còn cứu giúp loài người thoát khỏi một thế lực đen tối nhân danh bóng đêm đang tìm cách bao trùm nhân loại"?!

Khi đến phần "trị bệnh", "công chúa" ra lệnh cho 2 tì nữ vật bệnh nhân ra dùng ngón tay chỉ vào chỗ bệnh khua khoắng như cảnh truyền nội công trong phim kiếm hiệp. Như để tăng thêm uy lực, 2 tì nữ và công chúa chu mồm kêu "xuýt xuýt" mỗi khi "xuất chiêu". Sau khi "tì nữ" dùng ngón tay truyền nội lực, "công chúa" thực hiện động tác cuối cùng là hét lớn một câu nhảm nhí gì đó rồi xoe tay chưởng đập vào không khí. Khi ấy, 2 "tì nữ" phải giật bệnh nhân một phát mạnh tương ứng với "lực chưởng" của "công chúa".

Kết thúc quy trình chữa bệnh bằng ma thuật, "công chúa" lệnh cho "tì nữ" bán cho bệnh nhân 1 hộp cao dán thảo dược hiệu Ecosip và 1 thùng nước suối đóng chai mà mẹ của "công chúa" đang làm… đại lý bán lẻ. Bệnh nhân nào "công chúa" cũng khuyên đau chỗ nào dán cao Ecosip chỗ đó. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải ăn hoa huệ hàng ngày, dán thật nhiều miếng dán Ecosip và uống thật nhiều nước đóng chai. Tất nhiên là phải uống loại nước đóng chai và cao dán Ecosip do chính "công chúa" bán mới hiệu nghiệm?

Mong muốn mau chóng hết bệnh, ai cũng cố mua thật nhiều cao dán và nước đóng chai của "công chúa".

Ngoài ra, "công chúa" còn vận động bệnh nhân đóng góp tiền vào "quỹ từ thiện Hai Phận" của cha ruột "công chúa". Tuy gọi là "đóng góp tùy lòng từ tâm" nhưng bệnh nhân nào đóng ít tiền, lần "tái khám" sau, trong buổi thuyết giảng, "công chúa" sẽ mắng mỏ bằng giọng bề trên: "Ích kỷ, ngu độn, không thương người nghèo sẽ khó trị dứt bệnh". Khi đến công đoạn trị bệnh, người "thiếu lòng hảo tâm" sẽ bị "công chúa" "chưởng" không nương tay.

Một phụ nữ nghèo 45 tuổi, cư ngụ ở huyện Vĩnh Hưng (Long An), bị viêm loét dạ dày nhưng không đủ tiền đi bệnh viện, nghe mọi người đồn "công chúa" trị bệnh miễn phí nên lặn lội hàng trăm cây số đến trị bệnh. Không tiền mua cao dán, mua nước đóng chai, không đóng góp vào quỹ từ thiện nên mỗi lần trị bệnh bà đều bị "công chúa" gọi là "con quỷ lỳ lợm" và bắt múa đến thở không ra hơi. Khi đến công đoạn "chưởng", bà bị 2 "tì nữ" nhồi đến tả tơi. Sau 2 buổi "điều trị", cơn đau dạ dày không dứt lại thêm cơn đau bị "chưởng", bà đành chia tay vĩnh viễn "công chúa"…

“Công chúa” ở cõi nào?

Nhiều người dân cư ngụ ở chợ Trường Xuân khẳng định, trước đây Nguyễn Thị Mỹ Châu đã từng lâm vào trạng thái thất tình, từng uống thuốc độc tự tử. May được gia đình phát hiện kịp thời, cứu sống. Kể từ đó, Châu có nhiều biểu hiện bất thường trong hành vi. Nhiều khi đang đi giữa chợ, bỗng dưng cười ngu ngơ rồi ca hát, uốn éo mất mấy phút rồi mới đi tiếp. Hễ ai làm điều gì tức giận là lăn ra ngất, sùi bọt mép. Họ đều có chung nhận xét: Bà Châu mắc chứng bệnh hoang tưởng nhưng gia đình không đưa đi chữa trị nên bệnh tình có chiều hướng nặng thêm.

Chị Tr. Th. N. - tiểu thương chợ Trường Xuân cho biết: "Tui rành con đó (ám chỉ người phụ nữ tự xưng là công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt - PV) từ hồi nó còn học cấp 2. Nó mắc chứng bệnh động kinh. Dân ở nơi khác nghe đồn kéo đến trị bệnh chứ dân ở đây chỉ xem nó là con khùng thôi. Nó âm thầm chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan lâu lắm rồi nhưng khoảng đầu năm 2012 mới bắt đầu lập bàn thờ kiểu cung trăng". Chị N. còn cho biết thêm, Châu rất nghiện truyện tranh "Công chúa Mặt Trăng" và "Thủy thủ Mặt Trăng".

cong chua hang nga giang pham cuu nhan do the o dong thap
Trang phục của Nguyễn Thị Mỹ Châu là trang phục dạng cosplay

Lúc nào Châu cũng hoang tưởng mình là nhân vật Cinder - Công chúa Mặt Trăng (tác giả Marissa Meyer). Trong truyện, nhân vật này bị chết và được tái sinh thành người nửa người nửa máy có khả năng… sửa chữa các loại máy Androi?!

Mê đắm nhân vật Cinder - Công chúa Mặt Trăng nên Nguyễn Thị Mỹ Châu luôn mặc trang phục giống như Cinder. Đó là kiểu chơi cosplay style rất thịnh hành trong giới học trò.

Sau đó, Châu chuyển sang chơi cosplay style theo hình mẫu nhân vật con mèo Lunar trong truyện tranh "Thủy thủ Mặt Trăng" (Truyện tranh Nhật "Bishoujo Senshi Sailormoon" của tác giả Naoko Takeuchi).

Trong nguyên tác, Usagi Tsukino là một cô bé hậu đậu, học kém, làm việc gì cũng không nên thân được con mèo Lunar hóa phép trở thành Thủy thủ Mặt Trăng với vũ khí là vương miện mặt trăng gắn trên trán.

Bị "nhiễm độc" truyện tranh, Châu tự cho rằng mình chính là Usagi Tsukino có sứ mệnh nhân danh Mặt Trăng đi tiêu diệt những thế lực ma quái chuyên đi cướp lấy năng lượng con người để hồi sinh vị chúa tể bóng tối Verin! Nhân vật này thường ngồi vắt vẻo trên mặt trăng nghỉ ngơi sau những trận thư hùng với thế lực bóng đêm…

Xem ra, "công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt" chỉ là phiên bản biến dị của nhân vật trong 2 truyện tranh. Ngay cả những lời thuyết pháp của Nguyễn Thị Mỹ Châu cũng có vẻ như là sự pha tạp giữa những kiến thức cơ bản của Phật giáo và... truyện tranh!

Trước kia, căn phòng trên tầng hai là nơi Nguyễn Thị Mỹ Châu đặt biểu tượng mặt trăng khuyết của nhân vật Cinder và Usagi Tsukino rồi mặc trang phục cosplay để chụp ảnh tự sướng.

Kể từ khi gia đình làm đại lý bán lẻ thuốc cao dán Ecosip, thỉnh thoảng những người hàng xóm bị đau nhức cơ bắp đến mua cao dán, Châu thường đưa họ lên phòng để cạo gió rồi dán cao để giới thiệu sản phẩm.

Thấy Châu mặc trang phục quái đản, khách hàng nêu tò mò. Được chạm đến sở thích, Châu đem truyện tranh ra kể. Những người nông dân chân chất lại hiểu câu chuyện "công chúa Mặt Trăng" theo chiều hướng mê tín dị đoan. Dần dà, chính những người dân chân chất đã bị hoang mang thực sự với những câu chuyện nhảm nhí của Nguyễn Thị Mỹ Châu.

Có lẽ nhận ra câu chuyện nhảm của mình thu hút được khách hàng mua cao dán, Châu đã dần chuyển không gian cosplay thành không gian tâm linh. Từ đó, Châu "Việt hóa" nhân vật truyện tranh thành "Công chúa Hằng Nga Minh Nguyệt". Thế là  Châu tự biến mình thành thần thánh. Bất kỳ bệnh gì, Châu cũng bán cao dán và bán nước đóng chai.

Dù chữa trị bệnh nhảm nhí như vậy nhưng lời đồn thổi cứ lan xa dần, có ngày hơn 100 người ở các địa phương xa kéo đến xin dán cao.

Giá 1 miếng cao chỉ khoảng 2.000 đồng nhưng đa phần bệnh nhân đều được "công chúa" khuyên đóng góp  cho quỹ "từ thiện Hai Phận" 100.000 đồng. Vì vậy, sau khi "đóng góp", các bệnh nhân đều được "công chúa" phát cho một tờ giấy "cảm tạ" giống như mẩu giấy khen có ghi: "Hội Chữ thập đỏ xã Trường Xuân - Tổ từ thiện Hai Phận ấp 5A". Trên giấy "cảm tạ" có in sẵn bức chân dung Nguyễn Thị Mỹ Châu.

Ngoài việc bán cao dán "từ thiện", Châu còn khuyên bệnh nhân phải uống nước đóng chai "đã được công chúa làm phép". Và "công chúa" bán loại nước đóng chai này với giá 7.000 đồng/chai. Trong khi, ở các quán tạp hóa khác chỉ bán giá 2.000 đồng/chai. Mỗi người bệnh phải mua ít nhất 10 thùng, loại 12 chai.

Ông Đặng Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trường Xuân cho biết, gia đình bà Châu tự in loại giấy "cảm tạ" mà không trình báo với Hội Chữ thập đỏ cũng như chính quyền địa phương.

Ngày 12/11/2015, chính quyền huyện Tháp Mười đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh tại nhà của "công chúa Hằng Nga". Khi đoàn kiểm tra đến "công chúa" không còn trịch thượng như người nhà trời mà ỉu xìu "dạ thưa". Châu luôn mồm xin lỗi và chối đây đẩy rằng mình không chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan.

Tại đây, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm với lỗi khám chữa bệnh không có bằng cấp, đồng thời yêu cầu Nguyễn Thị Mỹ Châu ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, có khoảng 10 phụ nữ vẫn đang được "công chúa" trị bệnh kiểu quái đản. Tất cả họ đều cư ngụ ở các tỉnh lân cận. "Công chúa" rêu rao rằng: "Người dân tự đến mua cao dán chứ công chúa không dụ dỗ. Khi nào chính quyền cấm người dân đến mua cao thì công chúa sẽ không bán cao".

Mặt khác, Nguyễn Thị Mỹ Châu còn lên mạng tuyên bố: "Công chúa sẽ tiếp tục trị bệnh để cứu dân nghèo". Kèm theo đó là những lời thách thức chính quyền?

An ninh thế giới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc