Bỏ đốt vàng mã: Tuy muộn còn hơn!

07:45 | 03/03/2018

1,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị Tăng Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã trong chùa chiền, các cơ sở thờ tự Phật giáo. Với công văn này, nhiều người khấp khởi tin rằng, rồi đây các hoạt động mê tín dị đoan, mà cụ thể là đốt vàng mã, cầu cúng lễ bái linh đình sẽ được loại dần ra khỏi sinh hoạt Phật giáo cũng như đời sống người dân. Nhân đây, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Huệ Đăng, Giảng sư Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Buddha Yoga - người đã nhiều năm nói không với cúng kiếng, đốt vàng mã trong chùa về công văn này.  

PV: Được biết là từ lâu rồi, Thượng tọa chủ trương hướng dẫn Phật tử không cầu cúng linh đình, không đốt vàng mã trong chùa. Vì sao vậy?

tuy muon con hon

Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Đơn giản vì điều này không đúng với Chánh Pháp của Đức Phật. Theo Phật thì không có chuyện cúng kiếng, lễ bái hay đốt vàng mã, bởi đó là mê tín, không mang lại lợi ích gì cho bản thân và cộng đồng cả. Chúng ta lạy Phật là để nhớ ơn Ngài đã để lại chân lý cho nhân loại chứ không phải cúng kiếng Phật để mong Phật phù hộ, ban phước cho ta; điều đó không đúng với lời dạy của Phật.

PV: Còn chuyện dâng sao giải hạn, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Cũng không đúng với Chánh Pháp. Có lẽ ai cũng hiểu về “nghiệp”, về triết lý nhân - quả sâu sắc trong Phật Pháp, nhân - quả tức là làm thiện thì được phước báo tốt, làm ác thì gặp quả xấu. Trong Phật cũng có nói đến việc phước ai nấy hưởng, họa ai nấy mang, chứ không có chuyện làm ác rồi cúng tiền vàng là giải được nghiệp!

PV: Vậy thì người Phật tử nói riêng và mọi người nói chung nên lễ Phật thế nào cho đúng?

Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Mọi người Quy y tam bảo Phật - Pháp - Tăng nên hiểu rõ ý nghĩa của ba ngôi quý báu này. Trong đó, Phật là tâm, là nguồn năng lượng của tâm, Pháp là trí tuệ và Tăng là người dùng nguồn năng lượng của tâm để ứng dụng trí tuệ. Như vậy, Quy y Tam bảo cũng không có nói gì đến cầu cúng mà tất cả là do con người.

Cụ thể, người theo Phật phải ứng dụng được chân lý và rèn luyện 5 bản tâm sau, đó là tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục, tâm siêng năng, tâm chân thật và tình thương. Đây là con đường của Đức Phật Thích Ca đã đi qua và thành đạo. Đầu tiên, Ngài hy sinh cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan đó là tâm hy sinh; sau đó, Ngài có 5 năm cầu Pháp, 6 năm khổ hạnh, 49 năm mang bát đi khất thực là tâm nhẫn nhục; trong quá trình cầu đạo, Ngài gặp nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng đều vượt qua được và thành đạo đó là tâm siêng năng. Và cuối cùng, Ngài luôn sống bằng sự chân thật và tình thương, từ bi với tất cả chúng sanh, đó là tâm chân thật và tình thương.

5 con đường này không chỉ dành riêng cho tu sĩ xuất gia mà cả cho Phật tử tại gia và tất cả mọi người. Bởi bất kỳ ai cũng cần hy sinh, nhẫn nhục, siêng năng, chân thật và tình thương mới thành công trong cuộc sống. Học Phật, theo Phật là phải hiểu và ứng dụng như vậy chứ không phải suốt ngày cầu cúng, lễ bái linh đình Ngài là tốt đâu!

tuy muon con hon
Hiện tượng đốt vàng mã trong chùa chiền

PV: Được biết ở chùa Thanh Quang, các Phật tử của Thượng tọa thực hành Chánh Pháp ngay tại trong chùa, Thượng tọa có thể chia sẻ thêm về điều này?

Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Tu là phải có sức khỏe, có trí tuệ, có uy tín. Trong đó, sức khỏe là phải do tập luyện; trí tuệ là phải nhờ có triết lý của Phật giáo hỗ trợ khai mở; và ứng dụng trí tuệ, sức khỏe ấy vì cộng đồng là có uy tín. Nhưng quan trọng hơn hết là làm được với tâm từ bi rộng lớn thì sẽ khác.

Và thầy đã ứng dụng chân lý Phật giáo đó ngay trong chùa Thanh Quang suốt bao năm qua. Tại Thanh Quang, đồng thời là cơ sở trồng hoa lan, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô với gần 50 kỹ sư đang ở với thầy. Tiền lương của họ do thầy trả, hằng ngày thầy dạy Buddha Yoga, dạy chân lý Phật giáo cho họ.

Là kỹ sư, hằng tháng họ được lãnh lương gửi về cho gia đình - đó là Nhân thừa của Phật. Hằng sáng vào lúc 5 giờ, tất cả ngồi tập Yoga - đó là thực hành Thinh văn thừa. Còn công việc là làm khoa học, nuôi cấy mô là trí thức - đó là Thiên thừa. Tới buổi chiều được thầy dạy giáo lý Đại thừa - là Bồ Tát thừa. Đức Phật để lại ngũ thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thinh Văn thừa, Bồ Tát thừa, Phật thừa và tại chùa Thanh Quang, các Phật tử của thầy thực hành ngũ thừa này; các bạn học giáo lý và sau đó ứng dụng những gì đã học vào ngay trong công việc. Ở Viện Nghiên cứu và ứng dụng Buddha Yoga của thầy học là ứng dụng ngay, chứ không phải học rồi bỏ trong tủ.

PV: Thượng tọa nghĩ gì về việc vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn yêu cầu không đốt vàng mã ở chùa chiền, nơi thờ tự Phật Pháp?

Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Nhận được công văn này, tôi rất lấy làm hoan hỷ; đây được xem là một cuộc cải cách quá lớn của Phật giáo rồi. Công văn chứng tỏ thời gian qua, Giáo hội Phật giáo đã có cái nhìn lại một cách thấu đáo và quyết liệt hơn về các hình thức lễ cúng trong cửa Phật. Đốt vàng mã đã diễn ra quá lâu rồi, nó đáng ra phải được loại bỏ ra khỏi sinh hoạt Phật giáo từ sớm vì nó không đúng với Chánh Pháp.

Ở Việt Nam, phải 60% theo Phật nhưng lại thường theo với hình thức mê tín, mà cứ để mãi tình trạng mê tín như thế này, con người sẽ càng đi xuống. Phật không dạy đốt vàng mã, không bảo người ta phải coi bói, xem ngày tốt xấu… Rồi có những hành động như nhét tiền lẻ vào tay Phật để cầu may mắn… Nhiều người không hiểu gì về Phật giáo và cứ tưởng đốt nhiều vàng mã, cúng lễ thật hậu là tốt, là đạt được mục đích vật chất. Đó là điều mà thầy rất trăn trở và cũng đã nhiều lần lên tiếng.

Rất may là Phật giáo Việt Nam đang đi vào đúng con đường là trí tuệ và khoa học nên sẽ có nhiều thay đổi và việc Giáo hội lên tiếng về việc đốt vàng mã vừa qua là một sự khởi đầu cho một thời đại mới của Phật giáo, thời đại mà những hủ tục, mê tín sẽ bị quyết liệt đẩy lùi.

PV: Hiện nay, vẫn còn nhiều chùa tổ chức dâng sao giải hạn, lễ bái, đốt vàng mã thì sao, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Huệ Đăng: Giáo hội Phật giáo mới ra công văn yêu cầu không đốt vàng mã trước tết 2018 thôi, thầy tin từ từ rồi sẽ có những thay đổi tích cực. Chúng ta không thể đòi hỏi trong một ngày, một bữa mà mọi người bỏ ngay được một thói quen và quan niệm vốn đã ăn sâu vào trong tư duy. Nhưng với cách làm của Giáo hội Phật giáo hiện nay, thầy tin tưởng mọi người sẽ dần thoát khỏi mê tín, cúng kiến mà đi vào đạo Phật một cách trí tuệ, nhân văn hơn.

Thầy tâm niệm, những ai mang họ “Thích” thì phải làm sao đi đúng con đường của Phật, tức là thầy mình mới xứng đáng!

PV: Cảm ơn Thượng tọa!

PGS.TS Phan An: Hãy tuyên truyền cho mọi người hiểu!

tuy muon con hon

Vừa qua, phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã ở các chùa chiền, rồi nhiều ý kiến cũng kêu gọi việc cấm đốt vàng mã trong rộng rãi cộng đồng. Nhưng cũng cần bình tâm mà nhìn lại một cách thấu đáo, thỏa đáng, nhất là ở góc độ văn hóa.

Thứ nhất, việc đốt vàng mã xuất phát từ quan niệm của con người về mối quan hệ giữa thế giới hiện hữu và thế giới tâm linh - thế giới bên kia. Đây cũng là tập tục từ lâu đời. Người đốt vàng mã nghĩ là đốt cho người đã khuất được ấm no, như ở một số dân tộc Tây Nguyên, người chết thì được chia tài sản mang theo cùng chôn xuống mồ mả. Cho nên, việc đốt vàng mã này, ở một chừng mực là biểu hiện của nét văn hóa uống nước nhớ nguồn, văn hóa biết ơn tổ tiên, đó là nét văn hóa nhân văn của con người chứ không phải hoàn toàn là hủ tục đâu! Thế hệ sau nghĩ đến công ơn thế hệ trước và thể hiện lòng tưởng nhớ, biết ơn, đây là chuyện hết sức bình thường.

Tuy nhiên, có một vấn đề là việc đốt vàng mã lâu nay đã bị biến tướng, bị lạm dụng nhằm mục đích khác, để cầu xin lợi lộc cho bản thân. Đó là kiểu hối lộ, mua thánh bán thần!

Thêm nữa là việc đốt vàng mã hay đốt nhang về bản chất là giống nhau. Và trong một số đình chùa bây giờ người ta đốt nhang quá nhiều. Tôi cho rằng, chúng ta nên hạn chế đốt vàng mã cũng như đốt nhang chứ đừng vội cấm. Không phải cái gì bị lạm dụng và không quản lý được thì cấm, mà quan trọng hơn là phải tuyên truyền cho mọi người hiểu về ý nghĩa của việc đốt vàng mã hay đốt nhang để từ đó họ có những hành động cho phù hợp, văn minh, văn hóa.

Việc ta thắp một cây hương, đốt vài lá vàng mã để tưởng nhớ đến tổ tiên, tôi cho không phải là việc gì quá đáng để lên án. Còn việc đốt hàng trăm kilôgam, hàng tấn vàng mã là một chuyện khác, nó đã thành mê tín.

Ở đây tôi nhấn mạnh thêm rằng, đốt nhang cũng gây lãng phí, người ta không đốt 1 hay 3 cây mà đốt cả bó, cả nắm tay. Đốt như vậy không phải vì tưởng nhớ tổ tiên hay tôn kính Trời Phật mà đốt với quan niệm, đốt càng nhiều thì càng nhiều may mắn, càng nhiều lộc. Điều đó làm hoàn toàn sai lệch ý nghĩa của việc thắp hương. Cho nên tôi nghĩ nên hạn chế đốt vàng mã và cả đốt nhang nơi công cộng!

Sư Thích Minh Phú - Tịnh xá Ngọc Chánh (TP HCM): Đây là một cuộc cách mạng!

tuy muon con hon

Đốt giấy tiền vàng mã là tập tục cổ xưa ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Hành động này bắt nguồn từ quan niệm sống sao chết vậy, người chết rồi vẫn cần tiền vàng để chi tiêu ở thế giới bên kia. Và việc đốt giấy tiền, vàng mã này xuất phát từ tình thương người sống đối với người chết. Tuy nhiên, tình thương đó chưa được soi sáng bởi ánh sáng trí tuệ.

Con người khi từ bỏ thân mạng này, tức là chết đi thì đến một cõi giới khác theo nghiệp báo. Họ không còn thân thể để ăn uống, tiêu xài như lúc còn sống trên cõi đời này. Cho nên, nghĩ đốt tiền vàng mã cho họ xài là không đúng.

Đạo Phật là đạo trí tuệ thì tại sao không nhìn theo hướng tích cực? Quan niệm đốt vàng mã cho người chết có cần phải được nhìn nhận lại hay không? Rõ ràng, đây là hành động thiếu khoa học, chỉ nhằm thỏa mãn tình thương của người sống với người đã khuất thôi chứ không đúng sự thật, không lợi ích gì; vậy thì đem điều này vào trong đạo Phật vốn lấy trí tuệ làm hàng đầu thì liệu có xứng hợp hay không?!

Nhưng có thực tế lâu nay là hình ảnh các thầy tu đã và đang tạo điều kiện, mở ra Pháp sự mà trong đó có hướng dẫn Phật tử tín ngưỡng đốt vàng mã; như trong dịp cúng cuối năm, giao thừa, đầu năm đều có đốt giấy tiền vàng mã. Làm một tu sĩ Phật giáo chân chính, không ai lại đi hướng dẫn tín đồ của mình đi vào con đường mê tín đó, tin rằng người thân đã khuất có thể thọ hưởng được những gì mình cúng để không bị thiếu thốn. Là một nhà tu có chánh kiến thì sẽ ý thức rõ rằng, điều đó không như thật. Hành động đó mang hình thức là Phật giáo nhưng nội hàm thì không phải, là mê tín!

Tóm lại việc đốt giấy tiền vàng mã là hủ tục nên cần loại bỏ để giữ gìn nét đẹp khác trong văn hóa Phật giáo. Ai có tâm xây dựng nét đẹp văn hóa Phật giáo thì cần phải ủng hộ, tham gia và tuyên truyền, vận động mọi người dần bỏ việc đốt vàng mã, thay vào đó là những hành động đẹp khác giàu tình thương, từ bi và trí tuệ.

Công văn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, yêu cầu:

- Các Ban Trị sự hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo;

- Đề nghị chư tôn đức Tăng Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam;

- Chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; Lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử.

Lê Trúc (thực hiện)