Sự thành tâm là lễ lớn nhất

07:00 | 15/02/2017

1,588 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đi lễ đầu năm từ lâu đã là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam với mong ước cầu an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân trong năm mới. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa này đã ngày càng mai một khi tại rất nhiều lễ hội diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp, thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Một số hoạt động tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội bỗng biến tướng thành hoạt động… tranh cướp và người ta buộc phải làm quen với cụm từ “cướp lộc”, “cướp ấn”, “cướp hoa tre”, “cướp phết”... Phóng viên báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia văn hóa, xã hội để hiểu cho đúng về văn hóa chùa chiền, lễ hội trong thời điểm tết đến, xuân về.

Lễ hội là dịp để chúng ta nhớ về những công lao hiển hách của cha ông mình, là dịp để để người Việt thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mình. Lễ hội, văn hóa có nhiều cách thể hiện bản sắc riêng nhưng chung quy lại tất cả lễ hội văn hóa đều thể hiện đời sống tâm linh, tình cảm của con người Việt Nam.

Thế nhưng, đang có hiện tượng trục lợi, vì những người được giao tổ chức nhiều khi nhảy vào “đạo diễn” các lễ hội dân gian, theo hiểu biết lơ mơ của mình. Có người thích nhảy vào đạo diễn hoặc xí phần tổ chức, thế nên nhiều lễ hội dân gian cứ na ná nhau. Còn nếu như người dân không đồng tình, ủng hộ cách quản lý của chính quyền sở tại thì lễ hội ấy sẽ chết hoặc mờ nhạt.

Cùng với một thực trạng đáng buồn mà chúng ta thấy hiện nay, đó là một bộ phận người dân, trong đó có cả những người trẻ đang làm hình ảnh, sự linh thiêng, bản sắc đẹp đẽ của các lễ hội văn hóa bị biến tướng nặng nề.

Nét đẹp văn hóa ngày càng biến tướng khi tại rất nhiều lễ hội xảy ra ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp, thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Ví như chuyện ăn mặc phản cảm đi đền, chùa. Hoặc từng có cảnh hàng nghìn người trèo tường, leo lên lư hương, giẫm lên bệ thờ để cướp ấn tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định). Rồi, hình ảnh biển người chen lấn nhau đi hội Đền Hùng. Mới đây là hình ảnh sư thầy ném lộc tại chùa Hương góp phần tạo sự hỗn loạn khi tranh lộc. Tương tự như tranh cướp lộc hoa tre ở hội Gióng cũng chẳng kém gì v.v...

Những “hạt sạn” đó luôn được dư luận, nhất là giới truyền thông quan tâm và “đánh” liên hồi. Ấy vậy mà, hết năm cũ lại sang năm mới, xong lễ năm này thì chờ đợi hội năm sau, đâu lại vào đó. Sự việc vẫn lặp lại, khiến nhiều người chẳng buồn nhắc tới, thậm chí bỏ luôn cả việc đi đền, chùa đầu năm vì sự xô bồ, ngột ngạt do chính con người tạo ra.

TS Nguyễn Thị Hồng Khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đừng nghĩ “trần sao âm vậy”

PV: Trong nhiều năm qua, không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm với các lễ hội dịp đầu năm, bởi người ta vẫn thấy khá nhiều hình ảnh phản cảm, tiêu cực được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải. Là một chuyên gia văn hóa, bà nhìn nhận về tình hình lễ hội thế nào?

su thanh tam la le lon nhat
TS Nguyễn Thị Hồng

TS Nguyễn Thị Hồng: Thực ra nếu nói trong nhiều năm qua lễ hội đa phần là những hình ảnh xấu xí, tiêu cực thì không đúng. Việt Nam là đất nước có rất nhiều lễ hội, một năm có gần 8.000 lễ hội. Rõ ràng người ta phải thấy được vai trò, ý nghĩa tích cực, vẻ đẹp của lễ hội thì các lễ hội mới có thể tồn tại.

Lễ hội thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thỏa mãn nhu cầu giải trí và đem lại nhiều giá trị thẩm mỹ. Mỗi lễ hội là một bảo tàng lịch sử văn hóa. Lễ hội Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với văn hóa truyền thống và có vai trò tích cực trong đời sống văn hóa Việt Nam. Và cũng chính vì lễ hội đóng vai trò tích cực, ý nghĩa tích cực nên khi có những biểu hiện tiêu cực, hình ảnh phản cảm trái thuần phong mỹ tục, truyền thống đại chúng sẽ đề cập tới. Điều này cũng chính vì vai trò to lớn của lễ hội, là để giữ gìn hình ảnh đẹp của các lễ hội.

PV: Không ít lễ hội bị biến tướng, trở thành nơi tranh cướp giành giật, bạo lực diễn ra… là bởi chúng ta buông lỏng quản lý hay vì khó quản lý?

TS Nguyễn Thị Hồng: Tôi nghĩ rất khó quản lý. Thứ nhất, vì có quá nhiều lễ hội nên việc quản lý bất cập. Trong nhà đông con cũng khó dạy, nói gì tới một đất nước có tới hàng nghìn lễ hội như vậy. Thứ hai, biến tướng của lễ hội là do sự xung đột giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Không ít các phong tục tập quán của văn hóa truyền thống đang bị mai một dần. Chưa kể có một số người, một số nơi, một vài chỗ quản lý lễ hội người ta nghĩ và hiểu không đúng về lễ hội truyền thống. Chúng ta kế thừa có sáng tạo, có chọn lọc, nhưng bây giờ lại khôi phục y nguyên, có một số nơi thì không dám loại bỏ những lệ tục đã thành thói quen. Như tục chém lợn rồi treo cổ trâu máu me rất ghê rợn và khi bị dư luận lên án gay gắt mới bắt đầu thay đổi. Rồi chuyện tranh cướp lộc, một số người còn có quan điểm rất kỳ lạ “lộc thì phải cướp”. Cướp nhưng phải hiểu thế nào, lộc lại cướp bằng vũ lực, bằng hành vi vô văn hóa thì không còn ý nghĩa, không còn giá trị khơi dậy khát vọng an lành, hạnh phúc cho con người nữa.

Thứ ba, khó quản lý còn do cá nhân con người. Trước đây khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, con người không nghĩ tới việc vui chơi, giải trí tham gia các lễ hội. Nhưng bây giờ xã hội phát triển, cuộc sống con người không chỉ là “ăn no mặc ấm”, người ta “ăn ngon mặc đẹp” rồi nhu cầu giải trí cũng tăng lên. Lễ hội có khi diễn ra quanh năm. Con người có nhiều thời gian hơn, bắt đầu dư dả kinh tế để tham gia vào các hoạt động lễ hội. Lúc đó, bản thân họ cho rằng mình có thể vui chơi giải trí, có thể buông thả, làm bất cứ điều gì mình muốn, họ không hiểu rằng hoạt động lễ hội là xây dựng nét đẹp văn hóa cộng đồng. Một lý do nữa đó là tác động của nền kinh tế thị trường, cũng có ảnh hưởng tới các phong tục tập quán, nhiều trò chơi dân gian bị mất đi, thay vào đó là các trò chơi có thưởng, các gameshow tân tiến.

PV: Đầu năm người ta đua nhau đi lễ nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa đích thực của việc đi chùa đầu năm. Không ít người nhầm lẫn khi biến cửa chùa thành nơi để cầu cúng, buôn thần bán thánh?

TS Nguyễn Thị Hồng: Đi lễ chùa, đình đền, các nơi thờ tự phải luôn luôn nghĩ rằng cần nhất là một tấm lòng thành. Sự thành tâm mới là lễ lớn nhất chứ không phải ở mâm cao cỗ đầy, không phải ở giá trị vật chất. Chùa là chốn thanh tịnh, chỉ có hương hoa, có tấm lòng chứ không phải là để dâng cỗ mặn, nhưng nhiều người lại dâng xôi thịt, vàng bạc, còn cố gắng vươn lên tay Đức Phật nhét tiền, đến chùa xin duyên, thăng quan tiến chức, xin “buôn một bán mười”… mà đáng lẽ ra khi đến cửa chùa người ta chỉ cầu hai chữ bình an. Chùa là nơi con người ta cảm thấy thanh tịnh trong tâm hồn, chùa là nơi để người ta có thể tìm cho mình sự thanh thản, thanh tịnh, một niềm tin vào chân - thiện - mỹ. Chúng ta cần gạt bỏ trước hết từ trong tư tưởng, đừng nghĩ “trần sao âm vậy”, bởi vì Phật giáo thì có “tứ diệu đế, bát chính đạo” và chủ trương của nhà Phật là diệt tham, sân, si.

Tôi nghĩ, nhiều người cho rằng phải sắm lễ thật lớn, nhưng chỉ cần “tâm xuất là Phật đã chứng”, có nghĩa là chỉ cần mình có lòng hướng thiện với Đức Phật, mình đến cửa chùa bằng một tấm lòng thôi là đã trọn vẹn rồi.

su thanh tam la le lon nhat
Một nhà sư ném lộc ở chùa Hương

PV: Có không ít người nghĩ rằng tới chùa này, đền kia, đình nọ sẽ cầu được duyên, sẽ giải được vận hạn. Là một chuyên gia văn hóa, quan niệm của bà thế nào?

TS Nguyễn Thị Hồng: Có những ngôi chùa, đền là phức hợp của các tôn giáo tín ngưỡng. Mà nếu nói tới Phật giáo nguyên thủy, người ta kêu gọi con người “xuất gia tu hành, ép xác khổ hạnh” chứ không phải là nơi để cầu duyên, cầu lộc, cầu tài. Đôi khi người ta cứ nghĩ đi chùa mới nên duyên được. Nhưng chuyện duyên số không phải là chuyện của nhà chùa. Mặc dù chùa Việt Nam bây giờ cũng có cúng giải hạn, cắt tiền duyên, đám cưới Hằng Thuận. Mọi người cứ nghĩ đơn giản Phật ngàn mắt, ngàn tay, nhìn thấy hàng ngàn nỗi khổ và sẵn sàng chìa bàn tay ra cứu độ chúng sinh, xin gì được nấy. Nhưng không, con người phải hiểu rằng cái quan trọng là lòng mình thanh thản.

Điều đáng buồn là ngày nay việc đi lễ chùa đang bị ảnh hưởng nhiều từ thói quen dung tục và lòng tham của con người. Các nhà quản lý, thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng cần phải vào cuộc, các hệ thống cơ sở giáo dục đều phải đưa chuyện văn hóa ứng xử nơi công cộng vào trong các bài giảng… để cho người Việt Nam hiểu chùa không phải là nơi đưa tất cả các sinh hoạt dung tục hằng ngày, các khát vọng tầm thường của con người làm vấy bẩn chốn linh thiêng! Tư duy quà to, lễ lớn, mâm cao cỗ đầy mới có thể đổi được những thứ mong cầu ăn sâu vào nhận thức của người Việt. Thói quen sùng bái tiền bạc, vật chất khiến giá trị đạo đức bị giảm đi, tư duy mọi thứ quy đổi đều bằng tiền không thể phù hợp nơi cửa Phật. “Tham, sân, si” là điều Phật khuyên con người từ bỏ, vậy mà ở chùa, “tham, sân, si” lại thể hiện rất rõ. Người ta khấn vái lầm rầm kêu cầu xin Phật thánh phù hộ, ban phát cho lộc này, tiền bạc kia, rồi nhà cửa chỗ nọ, thăng quan tiến chức. Thậm chí cả những phi vụ làm ăn bất chính người ta hay là việc hãm hại người khác người ta cũng chẳng ngại ngần khấn cầu xin Phật.

PV: Hoạt động dâng sao giải hạn của nhà chùa hiện nay có người cho rằng đó là hoạt động tâm linh truyền thống, còn có người cho rằng đó là hủ tục, mê tín dị đoan?

TS Nguyễn Thị Hồng: Có người hỏi tôi rằng, con người có số không? Và họ cũng hỏi tôi về chuyện sao xấu, năm xấu hoặc số xấu hoặc là những năm tuổi hạn. Tất cả những điều đó có không? Thật ra từ cách đây hàng trăm năm đã nêu ra câu hỏi rằng: vật chất ý thức cái gì có trước, cái gì có sau, cái gì quyết định cái gì và khả năng của con người có thể nhận thức được thế giới hay không, khả năng con người có thể nhận thức được chính chúng ta hay không…? Tôi cho rằng chừng nào khoa học, triết học hiện đại còn chưa chứng minh được thì tôn giáo còn có mảnh đất để tồn tại. Khi khoa học chưa giải thích, chứng minh được bí ẩn cuộc sống thì tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin con người còn có “đất dụng võ”. Và hiện tượng giải sao giải hạn còn có cơ hội tồn tại.

Điều này có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, phụ thuộc vào mức độ cách thức cũng như mục đích những người đến xin dâng sao giải hạn và những người làm công việc này. Ví dụ để trấn an tinh thần, mang lại niềm tin khiến họ hưng phấn, có thái độ sống tích cực thì đó là điều tốt. Còn nếu như họ đến chùa, mà lại nghe thấy rằng năm nay bị tổn thất về mặt vật chất, di họa ở trong đầu, mình đi đâu, làm gì cũng không may mắn đâu, bởi năm nay là năm xấu của mình thì đó là việc làm xấu.

Tôi cho rằng cách tốt nhất qua được kiếp nạn là tu nhân tích đức, làm nhiều điều thiện, điều tốt, giúp đỡ được nhiều người. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, đi chùa là để mong cầu bình an, lấy tâm của mình làm thước đo. Bởi nếu làm điều ác, tham vọng quá mức, thì có cầu cúng thế nào cũng không đem lại sự thanh thản.

PV: Mới đây nhất, việc một nhà sư ở chùa Hương ném lộc lại tạo ra thêm một hình ảnh xấu trong mùa lễ hội đầu năm. Theo bà liệu việc làm này có trở nên phổ biến không? Bởi việc làm này lại bắt nguồn từ chính một vị sư của một ngôi chùa lớn?

TS Nguyễn Thị Hồng: Tôi cho rằng sẽ không thể phổ biến vì đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Chính chúng ta lên án hành vi đấy, như vậy để thấy hành vi của nhà sư là hành vi phản cảm, không phải mang tính chất phổ biến. Khi một người có hành vi như vậy và bị cộng đồng lên án và đó sẽ là bài học cho những người khác rút kinh nghiệm.

Việc ném lộc của nhà sư hay những hành vi xả rác nơi công cộng, ăn mặc hở hang, tạo dáng chụp ảnh, nói năng vô lối… tất cả những hành vi này trực tiếp hoặc gián tiếp ít hay nhiều, sớm hay muộn, với sự góp ý của công luận, dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi tin lễ hội Việt Nam sẽ có những chuyển biến tốt đẹp hơn.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Không được đưa trần tục vào chốn tôn nghiêm

su thanh tam la le lon nhat
PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Những chuyện giành giật để lấy lộc, lấy lá, lấy phần ở trong kỳ dịp lễ hội diễn ra từ cổ xưa và người ta giành giật như vậy giành vinh quang như trò chơi cướp cờ của bọn trẻ nhằm cướp chiếc khăn đỏ về phía mình. Nó không phải là lễ, mà là hội nhưng cũng phản ánh phần nào chuyện “cướp lộc” đã có truyền thống từ xa xưa. Chúng ta vẫn khẳng định việc “cướp” từ trước vẫn có, nhưng họ cướp đẹp, cướp biểu trưng, ước lệ. Mà thậm chí ai vớ được trước rồi, mình ở thế yếu hơn có thể gây khó khăn nhưng không đến nỗi đánh nhau bầm dập để cướp được.

Nhưng tất nhiên, cái chuyện “cướp” hay “giành” của lễ hội xưa không nhằm việc bất chấp làm cho đối tác bị thương, người bảo vệ, người khiêng kiệu bị thương. Đây mới chính là điều đáng nhìn nhận suy ngẫm hiện nay về bạo lực ở lễ hội. Người ta mang bạo lực trần thế áp vào hình thức diễn xướng của lễ hội. Lẽ ra những việc giành lộc, cướp lộc phải diễn ra một cách ước lệ tượng trưng thay vì làm cho nhau bị thương với cái hình ảnh đánh nhau một cách thật sự, trực tiếp, cụ thể.

Sở dĩ bây giờ người ta cướp lộc bởi đó là tâm lý thực dụng của một bộ phận những con người hiện đại ngày nay. Người ta cướp thật, lấy thật và giành giật thật thay vì tham gia diễn xướng của lễ hội ấy như một thứ nghi thức. Họ đã tách phần tâm linh tín ngưỡng này ra khỏi nghi thức, họ tiến công như những hành vi bạo động đích thực. Đó là một thứ tâm lý thực dụng và tâm lý của những người ăn sổi, thậm chí còn mặc cả với thần linh.

Họ cứ nghĩ thả đồng tiền ra thì lấy lại được phần lễ trả. Cướp lộc lấy lợi về mình, thả tiền vô lối, thả tiền mệnh giá lớn bất chấp thả vào đâu cũng giống như sự mặc cả với thần linh. Xét đến cùng là động cơ rất vị kỷ. Lý do tại sao mà con người ngày nay hung hãn, bởi không gian xã hội mỗi ngày một cơ học hơn và mai một các giá trị nhân văn.

Tương tự việc gì bây giờ cũng có xu hướng chạy theo kỷ lục, các kỷ lục Guiness: Hủ tiếu khổng lồ, bánh chưng to khổng lồ… Nó không phải là sự tôn vinh những giá trị văn hóa, cũng không phải một sự kiện lạ thường mà từ trước đến nay không có. Lý do mà người ta chạy theo những thứ “kỷ lục” ấy là vì họ đang bịa ra hình thức để đạt được sự toan tính, có gặt hái, về tên tuổi, về danh vị, thương mại hóa… từ chính những giá trị văn hóa “tự xây”.

Xu hướng trần tục hóa nhiều giá trị văn hóa này đang dần phổ biến trong xã hội ngày nay. Nhiều người đã nhận định, đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Ví như nhà anh xây thế này, nhà tôi phải xây cao hơn. Nhưng đó cũng chỉ là kiểu ganh đua lặng lẽ âm thầm kiểu tiểu nông.

Còn về phía cơ quan tổ chức các lễ hội, tại sao lại làm cho trở nên trần trụi, bạo lực và côn đồ như vậy, theo tôi là do chính chúng ta đã đưa những giá trị trần tục vào chốn tôn nghiêm. Có một câu nói cửa miệng “trần sao âm vậy” hay “trần sao thượng giới vậy”, họ ham muốn bao nhiêu thì họ cho rằng đấng thiêng liêng, đấng tối cao ham muốn như vậy và họ đặt vấn đề mặc cả, họ quẳng tiền để đấng tối cao trả lại cho mình phần lợi lộc.

Dường như không có ai kiểm soát họ và họ sẵn sàng lấy cắp cái phần nghi lễ của người khác để chuyển cho mình. Đối với thần linh thì mình cứ nộp nhiều là được nhiều, trong khi không thấy được một điều cốt lõi, ấy là khi ta đến với Phật, với Thánh thì lòng dạ phải trong sáng, phải thanh sạch từ trong ra ngoài để lắng nghe, để thẩm thấu những điều hay ý đẹp của đấng tối cao.

Thế nhưng xu hướng bây giờ đang rất thực dụng. Tôi cho rằng đó là hậu quả của việc giáo dục đạo đức “lệch nhịp”, do quan niệm sai trái về tín ngưỡng, về cầu cúng nói chung. Cuộc sống hiện đại ngày nay đang có xu hướng như thế thì mọi người nói rằng là thiết chế giáo dục phải chịu trách nhiệm bởi nó không bồi bổ, không chuyển hóa cho người ta thường ngày để giá trị tinh thần được chuyển giao tinh tế và kỳ diệu.

Tại hội nghị giao ban lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, những hành vi phản cảm lễ hội có liên quan đến trách nhiệm của cả Sở VHTT và các quận, huyện.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu: “Năm tới, chúng ta cần làm việc với Trung tâm Quản lý di tích tại Sóc Sơn hay các sư trụ trì ở Chùa Hương để không thực hiện phát lộc gây ra sự tranh cướp như vừa rồi. Việc này đã diễn ra nhiều năm rồi, cần được chấn chỉnh”.

Thanh Huyền - Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.