Sinh viên nghèo không về quê ăn tết

14:54 | 30/01/2012

1,229 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tất cả những sinh viên không về quê ăn Tết đều có nhiều lý do. Nhưng phổ biến nhất và giống nhau ở một điểm: Nghèo, cần tiền để trang trải cho cuộc sống sinh viên trong khi cha mẹ ở quê túng thiếu.

Nhiều sinh viên tìm việc làm thêm dịp Tết để trang trải thêm cho cuộc sống.

Tết Nguyên đán là những ngày thiêng liêng nhất đối với người Việt Nam. Dù ở bất cứ chân trời, góc bể nào, người ta cũng cố gắng bằng mọi cách trở về quê hương bản quán để đón Tết với sự sum vầy của gia đình. Vậy mà một số lượng không ít sinh viên đã không có được niềm vui sum họp ấy, vì hoàn cảnh, điều kiện không cho phép, họ đã ở lại Hà Nội, kiếm thêm chút thu nhập, trang trải phần nào gánh nặng cuộc sống và năm nay, họ đón tết cùng những người xa lạ.

Từ nhiều cảnh ngộ

Dĩ nhiên, tất cả những sinh viên không về quê ăn Tết đều có nhiều lý do. Nhưng phổ biến nhất và giống nhau ở một điểm: Nghèo, cần tiền để trang trải cho cuộc sống sinh viên trong khi cha mẹ ở quê túng thiếu, không ít gia đình lâm vào cảnh “Vay nợ lắm khi trào nước mắt, chạy ăn nhiều bữa toát mồ hôi”.

Năm nay, khá nhiều trường đại học, cao đẳng nghỉ Tết từ trước ngày ông Công, ông Táo. Đó là thuận lợi để nhiều sinh viên nghèo quyết định ở lại Hà Nội, không về quê. Họ tranh thủ về trước Tết, để đến sát ngày tất niên, trở lại Hà Nội. Vì đến thời điểm này, những “ô sin”, các nhân viên phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng đều về quê. Họ đã thay thế đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu của gia chủ.

Nhìn những sinh viên ăn mặc khá tươm tất bước lên giảng đường, ít người có thể hình dung hết cuộc sống vô vàn khó khăn của họ. Quỳnh Hương, sinh viên trường Đại học Lao động – Xã hội khá xinh đẹp, quê ở Quảng Xương – một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá tâm sự: nhà em có 3 chị em, em là con đầu, còn hai em đi học. Bố mẹ đều làm ruộng. Riêng bố biết nghề thợ xây nhưng chỉ là thợ phụ. Lúc đầu em đã định bỏ, không thể theo học nhưng được các cô dì chú bác động viên mãi, em mới cố gắng lên Hà Nội học. Mọi thứ tiền liên quan đến việc học của em là một gánh nặng lớn đối với bố mẹ nên ở Hà Nội, ngoài giờ học, em không từ bất cứ việc gì, miễn kiếm được tiền để đỡ cho bố mẹ. Kể cả những việc mù chữ cũng có thể làm được như rửa bát, bưng bê trong các tiệm ăn, làm ô sin theo giờ, vì sinh viên thì quá nhiều mà những gia đình cần người dạy kèm cho con họ học có hạn nên không phải ai cũng có thể làm gia sư. Vậy nên Tết là dịp may mắn để làm thêm kiếm tiền.

Đỗ Thị Len, sinh viên học viện Hành chính Quốc gia là con một, quê ở Ninh Bình nhưng có bố ốm nặng đã nhiều năm nay, không làm được gì. Mẹ là giáo viên tiểu học nhưng cũng yếu nên phải về nghỉ mất sức, mở quán bán hàng vặt nhưng tiền kiếm thêm không đáng kể. Cô phải chi tiêu rất chắt bóp mới đủ sống. Thậm chí, không dám ăn sáng, 2 bữa chính thì khống chế không quá 12 nghìn đồng/bữa (cơm và một bát canh loãng, kèm mấy miếng đậu phụ hoặc vài miếng thịt kho). Cô sẵn sàng làm mọi việc nếu có ai nhờ, không cần nghĩ đến tiền công nhiều hay ít, chỉ cần họ mời ăn cơm vì như vậy cũng bớt được tiền ăn.

Nguyễn Đại Phúc, sinh viên đại học Luật Hà Nội có cái tên thật trớ trêu với hoàn cảnh: mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng khác. Bố dượng của Phúc có cuộc sống không đến nỗi gì nhưng chỉ tập trung cho hai đứa con đẻ nên Phúc bị bỏ rơi. Mỗi lần đưa tiền cho Phúc, mẹ phải lén lút. Bố dượng mà biết thì ông ta xỉ vả mẹ thậm tệ. Thế nên cậu phải tự bươn chải để cố theo học. Mới là năm thứ 2, không biết có theo được tiếp 2 năm nữa? Cậu quyết định ở lại Hà Nội kiếm tiền dịp Tết với việc nhận chở bình ga cho một cửa hàng thay nhân viên về quê.

Một hoàn cảnh rất thương cảm là Hồng Thắm, sinh viên trường đại học Công đoàn. Bố mẹ ly hôn từ năm cô lên 10 tuổi. Từ đó, cô ở với bà ngoại vì cả 2 bố mẹ đều bận rộn với cuộc sống mới, không ngó ngàng đến cô. Do cô học giỏi lại ngoan nên cả họ hàng xúm vào nuôi cô ăn học trên Hà Nội. Nhưng cô không muốn nhận mãi sự giúp đỡ nên đã vừa học, vừa đi làm kiếm tiền. Tết này, cô muốn có tiền chữa bệnh cho bà ngoại nên đã quyết định ở lại làm gia sư kèm cặp 2 đứa trẻ 1 nhà giàu có dịp Tết kiêm việc trông nom nhà cửa vì vợ chồng chủ nhà thường xuyên vắng nhà. Rất thương, nhớ bà nhưng cô phải hy sinh tình cảm để tính chuyện thiết thực hơn.

Hoàn cảnh của Lâm Trường – sinh viên trường đại học Giao thông- khá độc đáo: do không giữ gìn được, cậu đã khiến người yêu có thai và quyết định sẽ cưới sau Tết. Cậu quyết định ở lại Hà Nội, lao vào kiếm tiền để lo việc sinh nở của vợ tương lai. Cũng may cả hai người cũng sắp tốt nghiệp ra trường.

Làm bất cứ việc gì

Với sinh viên, có tuổi trẻ, sức khoẻ, lại có một chút kiến thức nên thuận lợi khi làm bất cứ việc gì. Họ không hề “ kén cá chọn canh”, sẵn sàng nhận làm mọi việc miễn có tiền và không vi phạm pháp luật, kể cả những việc chỉ thuần tuý chân tay, không cần đến kiến thức, học vấn.

Người có mối quen biết, quan hệ tốt với gia chủ thì được nhờ làm công việc trông nhà vì năm nay nghỉ Tết kéo dài, nhiều gia đình về quê ăn Tết, kết hợp du lịch, lễ chùa. Họ giàu có, nhà cao, cửa rộng, không thể yên tâm bỏ nhà nên cần người trông coi. Thuê người của các công ty bảo vệ thì giá quá cao. Thuê sinh viên rẻ hơn nhiều. Trong các việc làm thêm, việc này là” ngon” nhất, vì chẳng phải làm gì. Nhà chủ lại rộng rãi, đầy đủ các phương tiện nghe, nhìn, internet, tha hồ giải trí. Chủ chỉ có một yêu cầu duy nhất: Không được đưa bất cứ ai, kể cả bạn thân đến nhà và mất mát gì phải chịu trách nhiệm. Giá thuê cho công việc này từ 100.000-150.000đồng/ngày. Không mất tiền ăn (vì gia chủ có sẵn rất nhiều đồ ăn, cho người làm thuê sử dụng). Không phải mất công sức gì, lại kiếm được một khoản tiền không nhỏ đối với sinh viên nghèo, thật là hấp dẫn!

Thu Hằng – sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội, trong năm cô là gia sư cho một gia đình khá giả, cô đã tận tâm kèm đứa con trai cưng của họ từ học kém thành học sinh khá nên Hằng rất được yêu quý. Cô được nhà chủ mời đến trông nhà dịp Tết với mức giá 150.000đồng/ngày. Suốt cả chục ngày, với chiếc máy tính của nhà chủ, cô thư giãn nghe nhạc, xem đĩa, đọc tin tức. Lúc nhà chủ trở về, cô lĩnh được gần 2 triệu tiền công cùng nhiều quà họ mua từ chuyến du lịch.

Nhiều việc khác cũng khá nhẹ nhàng như giúp chủ quán giải khát bưng bê, dọn bàn, rửa cốc. Làm ở quán giải khát nhẹ nhàng hơn nhà hàng ăn nhiều. Những bạn nữ có hình thức, nói năng nhẹ nhàng sẽ rất được chủ quán ưng ý, nếu chịu khó ngồi tiếp chuyện khách thì càng tốt.

Châu Sơn – sinh viên trường Cao đẳng Du lịch – chân dài, tóc dài, da trắng, trượt trường Sân khấu Điện ảnh do không có năng khiếu nghệ thuật, được một quán cafe ở đường Nguyễn Du thuê bán hàng những ngày Tết với giá 200.000đồng/ngày, được nuôi ăn 3 bữa, ngủ tại nhà chủ. Bà chủ có yêu cầu: sẵn sàng ngồi tiếp khách. Cô ra điều kiện trở lại: chỉ nói chuyện xã giao, không “vớ vẩn”. Quán của bà mở cửa 24/ 24, đông khách hơn hẳn mọi năm. Tết, bà ta nâng giá, suốt ngày không lúc nào vơi khách, nên khoản tiền hơn 2 triệu trả cho Sơn chẳng đáng gì.

Công việc phổ biến nhất là thay thế ôsin. Những ngày tết có vất vả hơn do chủ nhà đông khách, lại ăn uống nhiều, nên các cô phải rửa bát, dọn nhà cũng mất công hơn, nhất là những nhà có nhiều đàn ông. Bữa ăn của họ để lại “ chiến trường” lổng chổng rất nhiều bát, đũa, chai, lon khiến các cô mệt phờ khi khắc phục.

Có lẽ cực nhất là công việc vào bệnh viện chăm sóc bệnh nhân, nhất là người già ốm liệt giường. Hà Mi – sinh viên trương đại học Thương Mại – phải nhắm mắt nhắm mũi nhận việc vào bệnh viện chăm sóc 1 cụ ông gần 90 tuổi, đang sắp sửa về hoàn vũ. Tuy nhiên, bù lại, cô nhận được tiền lương khá hậu hĩnh.

Không thiếu những trường hợp khá trớ trêu. Nhưng vì nghèo, quá cần tiền mà các sinh viên đành phải ngậm đắng nuốt cay nhận việc. Một gia đình giàu có ở khu đô thị mới Định Công về quê ăn Tết, để lại ông bố già 80 tuổi bị bại liệt, phải ngồi xe lăn. Ông chỉ liệt chân, chứ tay thì không liệt. Ngọc Lan nhận đến chăm sóc ông dịp Tết không lường trước sự việc: ông luôn đòi nắm tay, hôn cô sinh viên đáng tuổi cháu mình. Biết ông già bại liệt không “làm ăn” được gì nhưng cô luôn ức chế trước biểu hiện không thể chấp nhận của ông già. Song vì chủ hứa trả cô 250.000đồng/ngày nên cô vẫn cố gắng hoàn thành công việc theo thoả thuận.

Ngọc Thu cũng gặp phải trường hợp cười ra nước mắt: cả hai vợ chồng một nhà đều làm “sếp”, muốn về quê ăn Tết ở Quảng Trị, nhưng không muốn mang theo cậu con trai bị thiểu năng trí tuệ đi cùng, bèn thuê cô là chỗ quen biết đứa con gái đầu của họ đến trông nhà và quản lý cu cậu. Thằng bé tuy dở người nhưng suốt ngày đòi cô cõng đi chơi, mặc dù đã hơn 10 tuổi. Nó còn bắt phải ngủ cùng giường, và đòi nhìn cô…tắm! Không được đáp ứng, nó khóc lu loa khiến cô sinh viên chỉ hơn nó chưa đầy chục tuổi rất mệt mỏi.

Một số sinh viên được thuê làm công việc mới phát sinh ở nước ta vài năm gần đây: làm người yêu… “giả”. Có những chàng trai đã nhiều tuổi nhưng do ham kiếm tiền mà quên… lấy vợ, bị bố mẹ ở quê giục giã, thậm chí la mắng. Họ cảnh báo Tết này mà không dẫn được người yêu về cùng thì đừng về quê nhìn bố mẹ. Một anh chàng liền tìm đến các công ty môi giới thuê người đóng thế. Và Kim Loan – sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia – đã vào vai cô vợ chưa cưới kia. Cô được trả trọn gói 2 triệu chỉ với công việc nhập “ vai” cho tròn. Tất nhiên giữa ba bên phải thoả thuận những điều khoản rất cụ thể, trong đó có việc cô phải được “bất khả xâm phạm” về cơ thể và ngày, giờ vào vai phải được giữ đúng giao kèo, không kéo dài thêm dù chỉ nửa ngày.

Quang Huy – sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân, đã ra trường được 1 năm nhưng chưa có việc làm như ý lại vào vai chú rể tương lai cho 1 cô gái đã 30 tuổi, chưa chồng, luôn bị bố mẹ mắng mỏ vì tội thờ ơ chuyện chồng con bởi họ chỉ có cô là con độc nhất. Huy trông già hơn tuổi, lại lam lũ nên tuy mới 24 tuổi nhưng nói 30, ai cũng tin. Cậu được cô gái kia thuê trực tiếp với giá 1,5 triệu chỉ với 5 ngày về quê cô tận ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Cô ta tuy xấu xí nhưng giàu có, đã mua được ô tô riêng. Huy nhận vì được khoản tiền đáng kể, lại được chè chén thoải mái trong mấy ngày. Có lẽ vì nhan sắc của thân chủ quá khiêm tốn nên Huy trở thành 1 chàng rể tương lai bất đắc dĩ, được cả gia đình cô gái khen là dè dặt, ít nói, đứng đắn. Huy tâm sự với bạn bè là chỉ cần cô ta xinh một chút thì anh ta sẽ nhân đà “cưa đứt đục suốt” liền, bất cần tiền công.

Xã hội hôm nay đã văn minh, hiện đại hơn, cũng phát triển nhiều công việc mà ngày trước không có. Có cầu ắt có cung. Đó là quy luật của thị trường. Cũng do tầng lớp người giàu có không thiếu tiền nên tất cả mọi việc họ có thể bỏ ra để thuê, mướn.Và đội ngũ sinh viên nghèo đã là đối tượng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ, bởi rất cần tiền, lại có học, ít nhiều có hiểu biết và nhìn chung là tự trọng, phần nhiều không thể làm những việc phi pháp, tổn hại đến nhân cách, thể diện. Họ đều rất thương cha mẹ nghèo mà chia sẻ, không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng hy sinh quyền lợi tinh thần, chấp nhận nỗi xa, nhớ nhà để ở lại thủ đô làm việc kiếm tiền.

Việc sinh viên nghèo không về quê ăn Tết đã trở thành không còn cá biệt từ mấy năm nay. Họ đã được xã hội nhình nhận bằng con mắt cảm thông, chia sẻ, thậm chí là cảm phục. Nhưng cũng không ít người ái ngại với ý nghĩ: Thật tội nghiệp, cả năm đã xa nhà, có cái Tết thiêng liêng cũng không về quê sum họp cùng những người ruột thịt. Qua hình ảnh của những bạn trẻ này, những bạn trẻ có điều kiện hơn hãy nhìn lại bản thân mình, cuộc sống ít bộn bề lo toan hơn, hãy sống sao cho xứng đáng với những gì bạn đang có mà bạn không biết rằng rất nhiều người đang mơ ước!

Hoài Ninh