Singapore: Những bài học quản lý hàng đầu

07:00 | 23/08/2015

2,800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình ảnh những chiếc xế hộp đắt tiền Ferrari, Rolls Royces rất phổ biến trên các đường phố sạch sẽ là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi thần kỳ so với sự khởi đầu khiêm tốn của hòn đảo 50 năm trước, khi hơn 1 triệu dân Singapore sống trong các túp lều gỗ tạm bợ trong làng.

Singapore trong cuộc đua sức cạnh tranh

Singapore trong cuộc đua sức cạnh tranh

Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore là một trong những nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhiên, mô hình phát triển của đảo quốc Sư tử đang lộ ra những nhược điểm mà để tiếp tục là một mô hình phát triển ở châu Á cũng như không bị tụt lại trong cuộc đua nâng cao sức cạnh tranh, Singapore cần có những thay đổi, thích nghi với tình hình mới.

Quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới

Năm 1959, nước Anh thực hiện bước đi đầu tiên hướng tới trao trả độc lập bằng cách giao quyền tự trị cho Singapore. Ông Lý Quang Diệu của đảng Nhân dân hành động giành chiến thắng vang dội trong Quốc hội dân cử đầu tiên. Tuy nhiên, các thành viên của liên đoàn không đồng ý về những vấn đề cơ bản như ai sẽ kiểm soát tài chính của Singapore.

Căng thẳng chủng tộc dẫn đến bạo loạn giữa các nhóm người gốc Trung Quốc và gốc Mã Lai. Năm 1965, Singapore bị buộc phải rời khỏi Liên bang Malaysia. Đó là cú sốc đối với mọi người.

"Tại thời điểm đó, quy mô dân số chúng tôi là 1,6 triệu người, trong số đó, 1,3 triệu người không có đất, chưa kể đến hàng ngàn người khác đang sống trong khu ổ chuột và các tòa nhà cũ" - Liu Thai Ker, kiến trúc sư "bậc thầy kế hoạch" của Singapore trong những năm 70-80 thế kỷ trước cho biết. Các thị trấn mới mọc lên với trường học, cửa hàng và các phòng khám. Lần đầu tiên, người Singapore biết đến các tòa nhà cao tầng sử dụng nhà vệ sinh dội nước và các vòi nước sạch.

Đến năm 1985, chỉ trong một thế hệ, Ban Phát triển Nhà (HDB) rất thành công trong chính sách tái định cư và có thể khẳng định Singapore là quốc gia "không có người vô gia cư, không lấn chiếm, không có khu ổ chuột nghèo và không có những cộng đồng dân tộc thiểu số". Các nhà lãnh đạo cũng thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, ngăn ngừa khạc nhổ nơi công cộng hoặc tạo ra "những kẻ xả rác".

Cũng tại thời điểm này, những khó khăn hàng đầu của Singapore đã được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp không còn đáng lo, tỷ lệ tội phạm thấp, và dân số ở mức phù hợp.

Singapore: Những bài học quản lý hàng đầu
Singapore sau 50 năm.

Với diện tích khoảng 700km2, Singapore từ chỗ hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nguyên liệu đầu vào đều phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong nước. Tuy nhiên, quốc đảo Sư tử Singapore đã vươn lên trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất trên toàn thế giới trong nhiều năm liền, đánh giá này do Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC thực hiện dựa trên một số yếu tố như thời gian để bắt đầu khởi nghiệp, thời gian nộp thuế và lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của từng quốc gia.

Thu nhập bình quân đầu người của Singapore đã tăng mạnh, từ 435 USD/người vào năm 1959, đến 12.700 USD/người vào năm 1990 và đạt ngưỡng 68.541 USD/người vào năm 2013, trở thành nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trên toàn thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội của Singapore đến từ hai ngành chính, đó là ngành công nghiệp và ngành dịch vụ trong đó công nghiệp chiếm 26,6% và dịch vụ chiếm 73.4%.

Nhờ chính sách hiệu quả của chính phủ

Chính phủ Singapore theo đuổi các chính sách lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái thực cạnh tranh, lãi suất thực ở mức dương, chính sách tài khóa ổn định và cán cân thanh toán luôn ở mức an toàn nhằm duy trì được cả trạng thái tăng trưởng cao và khuyến khích đầu tư trong dài hạn. Chính phủ tập trung đầu tư cao vào 3 lĩnh vực chính bao gồm:

- Điều tiết thị trường lao động: Chính phủ Singapore đã xây dựng khu vực việc làm cho lao động phổ thông thông qua việc thu hút đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp. Đồng thời áp đặt mức lương tối thiểu cao nhằm duy trì mức cạnh tranh.

- Khuyến khích giáo dục: Chính phủ tập trung xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Giáo dục và đào tạo ban đầu được trợ cấp bởi chính phủ và sau đó khuyến khích đầu tư nhằm hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của các hoạt động này nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ở quốc gia này. Hiện nay Singapore có hệ thống giáo dục và đào tạo tiên tiến bậc nhất thế giới.

- Tăng cường tiết kiệm: Bao gồm tiết kiệm về mặt không gian, tiết kiệm nước, tiết kiệm chất xám con người. Các nguyên tắc này được thể hiện cụ thể qua các hành động sau:

Do tình trạng mặt bằng hẹp nên Chính phủ Singapore đã quy hoạch hệ thống giao thông khoa học nhằm tiết kiệm không gian một cách hợp lý nhất nhưng đảm bảo giao thông luôn thông suốt, không có tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng ngày, đồng thời ban hành và chế tài nghiêm khắc đối với việc tuân thủ Luật Giao thông. Hệ thống giao thông thuận tiện đã giúp cho quốc gia này tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại của toàn dân cũng như tiết kiệm được chi phí sửa chữa, làm mới các công trình giao thông hàng năm.

Chính phủ thành lập Ban Phát triển nhà ở để thực hiện xây dựng nhiều nhà cao tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân và cho người lao động nước ngoài với mức giá bán và cho thuê thấp. Chỉ trong một thời gian ngắn, những khu đầm lầy đã biến thành các tòa nhà chung cư, giúp những người gốc Singapore, hay gốc Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ rời khỏi các khu sống riêng của họ để hòa nhập vào các cộng đồng chung được quy hoạch ngăn nắp.

Chính phủ thực hiện nâng cấp nhiều lần, thay mới những tòa nhà cũ để đem lại cho người dân cuộc sống tốt hơn. Ngày nay, 82% dân cư Singapore sống trong các căn hộ do Ban Phát triển nhà ở của chính phủ cung cấp. Chính phủ yêu cầu toàn dân tham gia trồng cây tại tất cả những nơi trống xung quanh các tòa nhà cao tầng, chính vì vậy giờ đây Singapore được đánh giá có môi trường xanh và sạch.

Nhà nước Singapore xem xét việc tiết kiệm nước là quốc sách, các cuộc vận động tiết kiệm nước luôn được tiến hành và nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Bên cạnh đó, tái sử dụng nguồn nước thải đã giúp Singapore có thêm nguồn nước mới dồi dào và giá rẻ, đồng thời giải quyết triệt để nạn ngập nước vào mùa mưa.

Tiết kiệm chất xám và sức lao động được thực hiện thông qua việc khai thác chất xám, khai thác sức lao động một cách hiệu quả. Từ một nơi chuyên sản xuất hàng giá rẻ vào những năm 60, Singapore hiện giờ là trung tâm ngoại hối lớn, đứng thứ 4 thế giới với ngành kinh doanh tài chính và quản lý tài sản có giá trị trên 1.000 tỉ USD.

Khuyến khích đầu tư dựa trên chính sách thuế hiệu quả: Chính phủ Singapore đã ban hành chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh cho các nhà đầu tư nước ngoài khiến Singapore trở thành một trong những "thiên đường" thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới. Chính sách thuế hiệu quả giúp nguồn lực được tái đầu tư trong nền kinh tế Singapore.

Chính sách thuế hấp dẫn đi kèm với chi phí hoạt động thấp và môi trường nhân công biết sử dụng tiếng Anh đã giúp Singapore thu hút hàng loạt tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài ồ ạt đổ đến Singapore làm ăn, điển hình là hai đại gia dầu lửa của thế giới là Shell và Essco đã xây dựng nhà máy lọc dầu ở đây khiến cho đến giữa năm 1970, Singapore trở thành trung tâm lọc dầu lớn thứ ba thế giới.

Chính phủ Singapore nhận định rằng những chính sách mở để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng do họ nhận ra rằng các tập đoàn đa quốc gia khi đến Singapore sẽ mang theo cả hệ thống phân phối và thị trường của họ. Vậy nên khi các tập đoàn sản xuất tại Singapore và xuất khẩu ra nước ngoài sẽ giúp Singapore mở ra cánh cửa tới phần còn lại của thế giới.

Chính vì những lý do trên, Singapore đã trở thành một trong số quốc gia phát triển hàng đầu ở khu vực châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người cao, phúc lợi từ các tiện ích, dịch vụ cuộc sống và an sinh xã hội được xếp loại cao trên thế giới. Với những cải thiện về nền kinh tế kể từ giai đoạn đầu thành lập đất nước đến nay mới 50 năm, mô hình phát triển nền kinh tế Singapore xứng đáng trở thành mô hình cho các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á, học tập.

An ninh thế giới