Sẽ công bố các doanh nghiệp sử dụng chất tạo nạc

14:01 | 10/04/2012

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Trước những thông tin gây hoang mang dư luận về một số doanh nghiệp sử dụng “chất tạo nạc” trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, Bộ NN&PTNT đã có những bước đi cụ thể để giải quyết sự việc này.

Trong buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT ngày 9/4, rất nhiều những câu hỏi “nóng” được báo giới đưa ra chất vấn Bộ về chất tạo nạc như “Bộ Nông nghiệp có công khai được những nhãn hàng vi phạm để dân tránh được không?”, “Bộ đã có những hành động gì để kiểm soát những hộ kinh doanh chăn nuôi bị phát hiện sử dụng chất tạo nạc?”, “Có giải pháp nào toàn diện để giải quyết sự việc này?”…

Trước mối quan tâm này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Cục đã chỉ đạo lấy 4 loại mẫu, phân tích định lượng về chất cấm trên cả nước. Kết quả cho thấy, với mẫu thức ăn chăn nuôi có 13/268 mẫu, trên thuốc thú y là 2/18 mẫu; mẫu thịt, gan lợn 8/179 mẫu; trên nước tiểu có 7/108 mẫu dương tính với chất cấm tạo nạc”.

13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất tạo nạc độc hại

Tuy nhiên, trong số các mẫu lấy được, một số mẫu là đoàn kiểm tra của Cục đi lấy, còn lại là của các địa phương gửi lên, nhưng không nói rõ danh tính là lấy ở địa chỉ nào. Vì vậy, “Bộ sẽ cho kiểm tra lại để xác định rõ doanh nghiệp nào vi phạm, có kết quả định lượng chính xác và sẽ công bố danh tính, đồng thời áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định”, ông Sơn cho biết thêm.

Bộ đã thực hiện kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi tại 15 tỉnh miền Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ do Cục Chăn nuôi, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) và chỉ phát hiện 3 mẫu dương tính với chất cấm trong tổng số 136 mẫu xét nghiệm (2 mẫu thức ăn, 1 mẫu gan lợn).

Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nôi với 20 mẫu thịt, 6 mẫu thức ăn chăn nuôi ở Hà Nội thì hiện chưa phát hiện ra có chất cấm. Riêng các mẫu cám có chất cấm ở Hòa Bình và Hải Dương (lấy ở một đại lý và một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi), Cục đang phối hợp với Thanh tra bộ làm rõ, công bố đối tượng vi phạm trong thời gian tới.

Ông Sơn cũng cho biết: Ngoài các loại chất cấm tạo nạc như nhóm Beta agonist, hoóc-môn sinh trưởng, còn lại một số chế phẩm sinh học, kim loại, nhóm kháng sinh, dùng với liều lượng nhỏ, giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ của lợn, kích thích quá trình tạo nạc, không gây hại, vẫn được sử dụng, không được quá liều lượng cho phép.

Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã dùng các mỹ từ như “bung đùi”, “nở vai”, “nhiều nạc”, chỉ dùng để quảng cáo thì chưa đủ cấu thành mức độ phạm tội. Thế nhưng cũng có không ít các công ty làm không đúng liều lượng công bố, khi kiểm tra, các cơ quan chức năng sẽ có quyền xử phạt. Tuy nhiên, việc kiểm soát ở nước ta khó hơn ở các nước phát triển, vì chăn nuôi ở ta còn nhỏ lẻ, do vậy, quy định về quảng cáo, chế tài xử phạt, cần phải cụ thể hơn.

Về việc phát hiện một số hộ kinh doanh sử dụng chất cấm (nhóm Beta Agonist) trong thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý các trường hợp phát hiện vi phạm đã xác định được địa chỉ cụ thể.

Trước đó, ngày 3/4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 223 chính thức báo cáo Thủ tướng về việc kiểm tra, xử lý tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Về phía Cục Chăn nuôi sẽ tổng hợp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng thể trên toàn quốc với Thủ tướng, đồng thời đưa ra một số giải pháp kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo ông Sơn, hiện nay tỉ lệ mẫu chất cấm có thấp hơn so với trước đây (lúc phân tích định tính), nhưng sự việc này cũng là điều cần báo động. Bộ đang chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Thú y, xử lý những trường hợp vi phạm có địa chỉ cụ thể, ở cơ sở sản xuất thức ăn, thuốc thú y, trại lợn.

Nguyễn Nga