Sao lại “thưởng” như thế?

15:05 | 24/08/2013

704 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lễ trao thưởng diễn ra chóng vánh, không có chúc mừng, không tặng hoa, không hứa hẹn, không chụp ảnh chung giữa người trao giấy khen và người được khen thưởng như lệ thường.

Tầm Văn (NLM số 250)

Có hai thông tin đáng quan tâm sau vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức Hà Nội là 3 lương y dũng cảm chống tham nhũng đã được khen thưởng.

Theo đó, chị Hoàng Thị Nguyệt và hai chị Phan Thị Nam Đông và Khuất Thị Định, những người dũng cảm tố cáo vụ “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được khen thưởng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Với hình thức khen thưởng là “Giấy khen” và mỗi người 320.000 đồng của Sở Y tế Hà Nội “theo quy định”.

Lễ trao thưởng diễn ra chóng vánh, không có chúc mừng, không tặng hoa, không hứa hẹn, không chụp ảnh chung giữa người trao giấy khen và người được khen thưởng như lệ thường.

Ba người phụ nữ dũng cảm hàng đầu của ngành y tế thủ đô vinh dự nhận thưởng mà mắt đỏ hoe. Nghẹn ngào vì xúc động, chị Hoàng Thị Nguyệt nói: “Tôi cảm ơn các cấp lãnh đạo, các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí đã mang đến niềm tin lớn nhất cho tôi ngay từ phút đầu… Tôi làm những việc đặng chẳng đừng là tố cáo sai phạm của đồng nghiệp chỉ để với hy vọng trả lại quyền lợi chính đáng cho bệnh nhân chứ không vì tư lợi cá nhân. 

Và cũng thật bi kịch, trước ngày nhận thưởng chị Nguyệt bị tố cáo ngược với gần 40 chữ ký của cán bộ, đảng viên và nhân viên bệnh viện. Vòi bạch tuộc tham nhũng của chính những người bị khởi tố vẫn kịp bủa vây lừa mị họ ký đơn phản đòn. Tuy nhiên, sau đó họ nhận ra bị lừa mị nên đã rút đơn vu cáo chị Nguyệt.

Chung quanh vụ “nhân bản” này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khiến cho các cơ quan chức năng vào cuộc rất rốt ráo, khiến cho tiến trình xử lý nhanh hơn. Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên đặt vấn đề, trong bối cảnh các tổ chức như Đảng ủy, Công đoàn, thanh tra của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức gần như bị tê liệt, không phát hiện được việc làm “động trời” tại đây thì hành động của chị Nguyệt và đồng nghiệp là dũng cảm, cách làm tốt và rất đáng trân trọng, cần kịp thời khen thưởng, động viên. Tuy nhiên, chỉ có Sở Y tế tặng giấy khen là chưa đủ. Hà Nội, mà cụ thể là cơ quan phòng chống tham nhũng như Ban Nội chính nên có khen thưởng xứng đáng với những người dũng cảm tố cáo tham nhũng.

Còn Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương nhận định, hành động của chị Nguyệt và đồng nghiệp cần được tuyên dương và nhân rộng hơn nữa. Thậm chí, nếu họ có năng lực, cần cân nhắc đề bạt lên vị trí cao hơn. Những người đứng lên tố cáo gặp rất nhiều thiệt thòi, áp lực. Cho nên việc khen thưởng, ngoài mặt tinh thần phải kèm cả vật chất, tích cực bảo vệ, ngăn ngừa hành vi trù dập, trả thù. Như thế mới tạo được sự tự tin cho những người dũng cảm đứng lên đấu tranh với cái ác, cái sai.

Vậy xem ra cung cách khen thưởng của Sở Y tế Hà Nội chỉ là khen thưởng đối phó, chiếu lệ, thậm chí bôi bác quá với cách hành xử kiểu rất thiếu y đức và văn hóa này. Các vị lãnh đạo Sở Y tế  nên tự xem xét mình còn đáng ở ngành Y hay không?

                                               T.V