Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp

09:19 | 10/07/2012

471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày 9/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng trưởng thấp; tình hình xuất khẩu khả quan nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội: Tăng thấp hơn trung bình của cả nước

Bộ Công Thương đánh giá: Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của cả nước có tăng trưởng nhưng ở mức thấp. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước ta tăng 4,5%, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,7%). Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp có sự chuyển biến theo chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng. Điều đó cho thấy các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như: giảm thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực ưu tiên đã bắt đầu có tác dụng.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp của hai đầu tàu kinh tế của cả nước là TP HCM và Hà Nội có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2011, trong đó Hà Nội có mức tăng thấp hơn so với mức tăng chung của cả nước (chỉ tăng 3,2%), TP HCM tăng 5,3%.

Các ngành có mức tăng trưởng thấp là công nghiệp khai thác mỏ có mức tăng trưởng tăng 3 %, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4%. Ngành có mức tăng trưởng cao nhất là sản xuất, phân phối điện, ga, nước có mức tăng trưởng tăng 14,2%.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân làm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp chủ yếu do kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, sức mua thấp, tồn kho ở mức cao,… sản xuất hàng hoá vì thế tăng chậm lại. Có những thời điểm dù tăng lương cơ bản nhưng sức mua vẫn không tăng.

Hàng tồn kho vẫn ở mức cao

Tính đến ngày 1/6, lượng tồn kho của nhiều mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ như: tồn kho sản xuất xi măng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 25,7%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,1%…

Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 22%

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 53 tỉ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2011 và bằng 48,5% kế hoạch đề ra trong năm 2012; trong đó: khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 20,5 tỉ USD, chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 4%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,6 tỉ USD, chiếm 61,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm hàng chủ lực đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 33,2 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước cũng có sự tăng trưởng khá như: phân bón các loại (tăng hơn gấp 2 lần), chất dẻo nguyên liệu tăng 67,8%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 55,9%, máy móc thiết bị, phụ tùng khác tăng 43,5%, sản phẩm từ sắt thép tăng 34,9%…

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: giá hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt là giá hàng nông sản giảm sút, làm cho mức giá xuất khẩu bình quân của 6 tháng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ.

Nhóm hàng nông sản, giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 916 triệu USD kim ngạch xuất khẩu; mặt hàng than đá giá giảm đã làm giảm 61 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, do lượng hàng xuất khẩu tăng nên mặt hàng nông sản và khoáng sản vẫn đóng góp hơn 770 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn

Mặt hàng dệt và may mặc có giá trị xuất khẩu lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 8,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước và thấp hơn so với cùng kỳ của nhiều năm trước. Điều đó cho thấy sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ở những doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ trong nước.

Mai Phương