Sân khấu "lạc nhịp" với khán giả

07:00 | 04/07/2018

240 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sân khấu Việt Nam đang “bắt nhịp” với cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, ngoài những liên hoan, hội diễn đang diễn ra rầm rộ, sân khấu vẫn còn “lạc nhịp” với thị trường, với khán giả.   

Trong những năm trở lại đây, có thể nói, sân khấu kịch nói, cải lương, tuồng, chèo... trên cả nước đang tồn tại nhiều điểm yếu. Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” vừa qua, NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: Thời kỳ mới, nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa thế giới cũ - mới, nhưng sân khấu vẫn chỉ quanh quẩn những đề tài về quá khứ lịch sử hoặc đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân vụn vặt, đời thường. Mò mẫm làm sân khấu thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc. Sân khấu Nhà nước còn nặng nề, lấy xưa nói nay, né tránh thực tại, tìm sự an toàn hơn là dấn thân đi tìm cái mới, hoặc nếu có ý thức tìm tòi cũng nghiêng về an toàn tư tưởng. Trong khi đó, sân khấu xã hội hóa nương theo các yếu tố giải trí như đồng tính, ma, kinh dị, hài, hề… dần mất đi sức hút với công chúng.

san khau lac nhip voi khan gia
Vở “Kiều” - thử nghiệm mới của Nhà hát Kịch Việt Nam

Bên cạnh đó, sân khấu đang thực sự khủng hoảng khán giả - sự khủng hoảng đáng lo ngại nhất. Sân khấu nói chung và sân khấu xã hội hóa nói riêng đang kêu cứu vì một show diễn chỉ có 100 hoặc dưới 100 người xem, sân khấu Nhà nước cũng ít người xem... Lý giải nguyên nhân của sự xuống dốc này, NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng, đây là hệ quả của hàng loạt vấn đề bế tắc trong đời sống sân khấu như: Thiếu kịch bản có chất lượng tốt để dàn dựng, thiếu đạo diễn trẻ có năng lực, thiếu diễn viên đáp ứng đủ các tiêu chí thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật…

Nhiều ý kiến cho rằng, để lấy lại sức sống cho sân khấu Việt cần phải có những thay đổi đồng bộ và sân khấu buộc phải tự cứu mình bằng sự đổi mới. Bàn về giải pháp giúp các nhà hát công lập lẫn tư nhân có thể “sáng đèn” trong thời đại mới, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện thực đời sống thế kỷ XXI thay đổi toàn diện và liên tục phát triển nên muốn có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống đương đại buộc các đơn vị nghệ thuật phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách phản biện và cách phản ánh hiện thực…

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, trong cơ chế thị trường, sân khấu đang tồn tại hai dòng sáng tạo chính là tinh hoa và đại chúng. Trong đó, với dòng tinh hoa, các đơn vị nghệ thuật đang cần các “Mạnh Thường Quân” biết kinh doanh để chăm lo “lợi nhuận kinh tế” và dành cho nghệ sĩ lo toan “lợi nhuận tinh thần”. Dòng đại chúng phải có những sáng tạo hướng tới thị hiếu khán giả, hòa vào cảm xúc thẩm mỹ của nhân dân để trở thành “văn nghệ dân gian” thời công nghiệp hóa. Nghệ sĩ cần sản xuất những mặt hàng mà “thượng đế” muốn, chứ không phải những thứ mình muốn.

Bên cạnh đó, để sân khấu đến với công chúng, cần có những đột phá trong việc quảng bá tác phẩm sân khấu. Ngoài những vở diễn giải trí, những vở diễn chính thống được Nhà nước đặt hàng, trong kế hoạch chính thức cần có khoản kinh phí quảng bá bằng 20-30% kinh phí chi cho việc dàn dựng tác phẩm hiện nay.

Các đơn vị nghệ thuật cũng cần tránh việc dựng vở diễn theo cách “ăn đong” để “săn” huy chương tại các kỳ liên hoan, hội diễn. Để thu hút được khán giả, các đơn vị nghệ thuật cần xây dựng kế hoạch dựng vở diễn dài hơi với kịch bản cụ thể được tìm hoặc đặt hàng. Khi có kịch mục ổn định sẽ tránh được việc vở mới diễn một đợt rồi cho vào kho mà tuổi thọ vở diễn phải được kéo dài, phục vụ nhiều thế hệ khán giả.

Hiện thực đời sống thế kỷ XXI thay đổi toàn diện và liên tục phát triển nên muốn có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống đương đại buộc các đơn vị nghệ thuật phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách phản biện và cách phản ánh hiện thực…

K.An