QZ 8501 gặp nạn: Không phải điều quá bất ngờ

16:20 | 08/01/2015

1,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ tai nạn máy bay số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia chi nhánh Indonesia, tuy là một bi kịch nhưng lại không hẳn là bất ngờ quá lớn đối với những ai theo dõi quá trình hoạt động của ngành hàng không Indonesia.

>> Nguyên nhân thảm họa hàng không Malaysia dưới góc nhìn khác

>> Phát hiện phần đuôi máy bay QZ 8501

Hồ sơ hàng không đáng báo động

Indonesia là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất châu Á nhờ sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Trong vòng một thập kỷ qua, số người thuộc tầng lớp này đã tăng từ 80 triệu lên 130 triệu - một mức tăng trưởng đáng nể của quốc gia nơi mà máy bay là lựa chọn số 1 để đi du lịch.

Tuy nhiên, bất chấp những tiềm năng kinh tế, công nghiệp hàng không Indonesia vẫn thuộc hàng yếu kém và nguy hiểm nhất thế giới. Bất kỳ ai biết về ngành hàng không quốc gia này đều biết về kỷ lục khủng khiếp các vụ tai nạn máy bay và bên cạnh đó là những chính sách yếu kém liên quan tới hàng không so với các nước thu nhập trung bình khác. Tính từ năm 2000 cho đến nay, các hãng hàng không nước này đã để xảy ra gần 90 vụ tai nạn máy bay, theo thống kê từ tổ chức quốc tế phi lợi nhuận Fly Safety Foundation.

Hồ sơ an toàn hàng không của Indonesia cũng đáng thất vọng như những nước nghèo và bị chiến tranh tàn phá: Yemen, Somalia hay Afghanistan. Nhiều hãng hàng không Indonesia, ví dụ Adam Air, đã phải đóng cửa trong nhiều năm sau hàng loạt các sự cố, tai nạn. Liên minh châu Âu và Mỹ đã ra lệnh cấm rất nhiều hãng hàng không của Indonesia bay tới lãnh thổ của mình. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã từ chối không cho Lion Air - hãng hàng không giá rẻ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất của Indonesia tham gia hiệp hội này bởi các hồ sơ an toàn của Lion Air. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, đã xếp Indonesia là một trong những thị trường bay nhiều rủi ro nhất thế giới.

Nguyên nhân do đâu?

Một trong những lý do dẫn tới tình trạng trên là sự bùng nổ của ngành hàng không tại quốc gia quần đảo này không tương xứng với nguồn nhân lực. Trong những năm 1990, cứ vài tháng lại có một hãng hàng không ra đời. Chỉ từ năm 2000 - 2007, số hành khách đã tăng 20%. Đến năm 2011, ước tính có 60 triệu người Indonesia thường xuyên sử dụng máy bay để di chuyển.

Nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước đều cảnh báo từ lâu rằng với tốc độ phát triển như vậy, nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị sẽ không không thể đáp ứng kịp.

Bên cạnh đó, Jakarta cần đề ra luật mới, nâng lương cho nhân viên hoạt động trong lĩnh vực hàng không: quản lý sân bay, kiểm soát viên không lưu, thanh tra an toàn hàng không. Mức lương không hấp dẫn thì rất khó để thu hút người thực sự có tài năng, trình độ đồng thời làm tăng nguy cơ mua chuộc, hối lộ nhân viên.

Theo một báo cáo mới đây của CNN, chiếc QZ 8501 không có giấy phép bay chặng Surabaya - Singapore vào Chủ nhật, ngày máy bay gặp nạn. Theo CNN, Bộ trưởng Giao thông Indonesia - ông Ignatious Jonan đã miêu tả hành động cố ý bay trái phép này là sự vi phạm vô cùng nghiêm trọng. Làm thế nào chiếc máy bay được cất cánh? Ai là người mà họ đã tác động đến để thực hiện chuyến bay. Đó có thể là ban quản lý sân bay hoặc bộ phận kiểm soát không lưu. Và làm như thế nào để những người này đồng ý? Chỉ có thể là hối lộ.

Thêm nữa, Jakarta cần đảm bảo phi công nước mình được đào tạo tốt, được cập nhật thông tin đầy đủ và được hưởng chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Indonesia vào tuần này đã có bước đi tích cực đầu tiên khi bắt buộc tất cả các phi công phải tham dự cuộc họp ngắn trước khi cất cánh để bàn về tình hình thời tiết, đường bay và một số vấn đề khác.

Các hãng hàng không giá rẻ Indonesia đang dần kéo những tiếng xấu về mình khi buộc phi công làm việc quá sức. Đó có thể là một trong những lý do vì sao các phi công của Lion Air, vào 3 năm trước, đã bị bắt khi đang sử dụng methaphetamine - ma túy đá, có một tác dụng là giúp tỉnh ngủ. Jakarta cần quy định chặt chẽ và nghiêm khắc về số giờ bay của phi công trong một tuần và tăng cường các kỹ thuật kiểm tra nồng độ cồn, chất gây nghiện với họ. Ngoài ra, chứng chỉ phi công cần được cấp phép một cách chặt chẽ và tiêu chuẩn hơn.

Nếu muốn duy trì sự sống cho ngành hàng không cũng như tăng trưởng du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài, Jakarta cần nhanh chóng thực hiện cuộc cải tổ đem lại an toàn cho mỗi chuyến bay. Tai nạn của chiếc QZ 8501 hy vọng sẽ là cú sốc tinh thần cho ngành công nghiệp hàng không đang phát triển quá nhanh nhưng không bền vững của Indonesia.

Hà My (tổng hợp)