Phố đi bộ làm “khổ” bộ đội, công an

14:47 | 12/09/2016

5,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước hết phải khẳng định rằng, việc Hà Nội tổ chức phố đi bộ quanh bờ Hồ từ tối thứ 6 đến tối chủ nhật hằng tuần là chủ trương rất sáng tạo và được sự đồng thuận lớn của người dân Thủ đô.
pho di bo lam kho bo doi cong anCông an, bộ đội sẽ trông xe ở phố đi bộ quanh hồ Gươm để ngăn 'chặt chém'
pho di bo lam kho bo doi cong anBa ngày thí điểm không gian đi bộ, Hà Nội thu hơn 500 tỉ đồng
pho di bo lam kho bo doi cong anCảnh sát hình sự hóa trang trên phố đi bộ chống trộm cắp

Bên cạnh kết quả tích cực sau hai tuần triển khai thí điểm không gian đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, đề án cũng làm bộc lộ những hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

Những ngày đầu triển khai thí điểm không gian phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, việc trông giữ phương tiện phục vụ người dân và du khách trở nên hỗn loạn, mỗi nơi một phách. Nơi thì trông giữ miễn phí, nơi thì thu 10.000 đồng/lượt/xe máy, nơi thì thu 50.000 đồng/lượt/xe máy. Còn phí trông giữ ôtô thì không biết đâu mà lần. Có ý kiến cho rằng, tổ chức phố đi bộ chỉ “béo” người trông xe…(!?)

pho di bo lam kho bo doi cong an
Hình ảnh phố đi bộ tại khu vực đài phun nước.

Nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng lộn xộn này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tham gia không gian phố đi bộ, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan chuyển giao các điểm trông giữ xe cho Đoàn thanh niên Công an thành phố và Đoàn thanh niên Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô thực hiện.

Quyết định giao các điểm trông giữ phương tiện cho lực lượng vũ trang tiếp quản được xem như một chủ trương “cực chẳng đã” và việc làm “bất đắc dĩ” này đã chứng minh một điều: Thực lực quản lý của chính quyền cơ sở là rất kém, cực kỳ kém. Ngăn chặn việc chặt chém gửi xe còn không làm nổi thì nói gì đến chuyện lớn.

Lực lượng công an hay quân đội sinh ra không phải để đi trông giữ phương tiện tại không gian phố đi bộ, mà là bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự… Công an, bộ đội trông xe, thì chính quyền sở tại đi đâu? làm gì…?

Qua sự việc cho thấy, công tác quản lý ở cấp cơ sở của chúng ta nói chung, các phường quanh hồ Hoàn Kiếm nói riêng quá dở. Cần gì lực lượng vũ trang vào cuộc, chỉ cần lãnh đạo các phường “vi hành” hoặc giao cho công an phường, quản lý trật tự đô thị kiểm tra và nếu phát hiện hành vi thu phí trông xe “cắt cổ” thì thu hồi ngay giấy phép hoạt động hoặc phạt thật nặng. Có cứng rắn và cương quyết mới trị được những kẻ lợi dụng chủ trương phát triển du lịch để trục lợi cá nhân.

Bên cạnh những bất cập xung quanh câu chuyện trông giữ phương tiện, thì phần lớn người dân sinh sống, kinh doanh và buôn bán tại các tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đều mong muốn chỉ nên áp dụng đi bộ vào buổi tối. Người dân nơi đây cho rằng, thực hiện không gian phố đi bộ vào ban ngày gây nhiều bất cập, cản trở việc kinh doanh và bất tiện trong sinh hoạt.

Nhiều người dân cho rằng, các tuyến phố quanh hồ Gươm không có gì để vui chơi hay ngắm cảnh gì cả. Chỉ thực hiện vào ban đêm là hợp lý nhất, ban ngày để người dân còn đi lại, kinh doanh buôn bán.

Qua sự việc cho thấy, từ xưa đến nay, chưa hề có bất kỳ một chủ trương nào mà có thể nhận được sự đồng thuận một cách tuyệt đối. Cái gì cũng có hai mặt, được cái này thì mất cái kia. Và để phát triển du lịch của thủ đô thì, lãnh đạo Hà Nội cũng như các sở ngành hữu quan cần có những cơ chế đặc thù cho người dân. Chẳng hạn, có chính sách ưu tiên về thuế đối với người dân tại các tuyến phố này, khi doanh thu bị giảm vì hai ngày “đi bộ”.

Thiên Minh