Phim tư nhân độc chiếm Liên hoan phim Việt

08:25 | 13/11/2017

1,726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 đã công bố danh sách đề cử ở hạng mục phim truyện điện ảnh với hàng loạt đại diện của các hãng phim tư nhân. Đây không phải lần đầu tiên phim tư nhân “độc diễn” tại một liên hoan phim, lấn át các sản phẩm điện ảnh do các hãng phim Nhà nước sản xuất.

Teo tóp và lép vế

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11-2017 với hạng mục phim truyện điện ảnh có 16 bộ phim dự thi. Trong số đó, toàn bộ đều là sản phẩm của các hãng phim tư nhân và đều là những bộ phim đang “làm mưa làm gió” tại các rạp chiếu phim trong cả nước. Điều này khiến ít nhiều đạo diễn, biên kịch bất ngờ, bởi từ trước tới nay, các liên hoan phim vẫn “mặc định” là sân chơi của các hãng phim lớn và khó có cơ hội dành cho các bộ phim tư nhân.

phim tu nhan doc chiem lien hoan phim viet
Một cảnh trong phim “Đảo của dân ngụ cư” - đạo diễn Hồng Ánh

Tuy nhiên, việc phim nhà nước vắng bóng tại một liên hoan phim lớn không phải là lần đầu tiên, bởi trước đó, tại Liên hoan phim Cánh diều 2016, 19 bộ phim truyện điện ảnh được công bố đều là phim tư nhân và lĩnh trọn các giải thưởng quan trọng.

Chia sẻ về sự “lấn át” của phim tư nhân trong giải thưởng Cánh Diều 2016, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải, đạo diễn Đặng Xuân Hải khẳng định, điều đó minh chứng cho thực tế phim tư nhân đang có sự chuyển mình và gây ảnh hưởng lớn tới thị hiếu, thu hút khán giả đến rạp với nhiều sản phẩm chất lượng. Đồng thời, thị trường điện ảnh đang từng bước phá thế độc quyền, không còn là “sân chơi” riêng của phim nhà nước.

Theo thống kê năm 2016, đã có hơn 50 phim truyện ra rạp, nhưng không có phim nào được Nhà nước tài trợ. Mặc dù trong kế hoạch năm 2015-2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có phê duyệt 4 phim truyện điện ảnh được đặt hàng sản xuất từ nguồn chi trợ giá của ngân sách, nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có phim nào được “trình làng” do vướng mắc ở khâu kinh phí.

Không hạ chuẩn phim tư nhân

Có nhiều cách để lý giải phim nhà nước vắng bóng tại 2 sự kiện quan trọng của điện ảnh như Giải thưởng Cánh Diều 2016 và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20. Thời điểm hiện tại, các hãng phim lớn của Nhà nước đang trải qua công cuộc cổ phần hóa, nhất là Hãng phim truyện Việt Nam đang “lục đục” trong nội bộ, nên việc tập trung sản xuất một bộ phim có tầm vóc là điều khó khăn. Bên cạnh đó, đại diện Cục Điện ảnh cho biết lâu nay chưa có kịch bản nào đủ tầm để đầu tư vốn làm phim.

Như vậy, sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Cục Điện ảnh vẫn chưa triển khai thêm bất kỳ dự án phim nào cả. Điều này cũng cho thấy khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, các hãng phim Nhà nước không thể trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách mà phải tự vận động theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, sự vắng bóng của phim Nhà nước tại nhiều giải thưởng lớn của điện ảnh nước nhà đã mở ra cơ hội lớn cho dòng phim tư nhân. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách đề cử hạng mục phim truyện điện ảnh của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, có thể thấy ngoài phim “Cha cõng con” và “Đảo của dân ngụ cư”, các phim còn lại đều thiên về yếu tố giải trí như “Em chưa 18” hay các phim remake (làm lại) như “Sắc đẹp ngàn cân”. Đây cũng không phải tín hiệu mừng cho điện ảnh Việt, bởi phim tư nhân thường chú trọng tới doanh thu và tính giải trí, còn những bộ phim có ý nghĩa nhân văn như “Cha cõng con” và “Đảo của dân ngụ cư” chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng điện ảnh muốn phát triển hài hòa và vững vàng phải ở thế kiềng ba chân: phim chính thống do Nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí và dòng phim nghệ thuật. Như vậy, sự “bùng nổ” của phim tư nhân chỉ nên là xu hướng tạm thời trong bối cảnh thiếu những kịch bản chất lượng, chứ không nên là xu hướng chủ đạo của cả một nền điện ảnh. Vì thế, việc một liên hoan điện ảnh cấp quốc gia được tổ chức bằng ngân sách, mà chỉ có phim tư nhân tranh giải là điều đáng báo động.

Điện ảnh Việt phát triển theo hướng xã hội hóa là một cách đi đúng đắn, tránh thụ động, ỷ lại vào ngân sách như trước. Thế nhưng để việc xã hội hóa phát huy được hiệu quả, rất cần sự quản lý của Nhà nước đối với điện ảnh, nhằm tránh những bộ phim nhảm nhí, dung tục, chạy theo thị hiếu tầm thường hay những bộ phim làm lại theo kịch bản nước ngoài mà thiếu vắng những yếu tố nhân văn, sâu sắc, những nét riêng có của Việt Nam.

Phim tư nhân phát triển là điều đáng mừng, song nên chăng các biên kịch, các đạo diễn cũng cần để tâm hơn nữa tới dòng phim do Nhà nước sản xuất? Bởi xét cho cùng, đó mới chính là sản phẩm mang hồn cốt và đại diện cho nền điện ảnh của cả một quốc gia.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức giải, đạo diễn Đặng Xuân Hải: “Muốn có nền điện ảnh phong phú, đa dạng, phát triển phải có sự góp sức của các đơn vị sản xuất phim và huy động nguồn vốn sản xuất phim trong cả nước. Do đó, xã hội hóa là xu hướng phát triển tất yếu”.

K.An