Phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51: Hành động trước khủng hoảng khí hậu

20:00 | 25/11/2021

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 25/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 (2022). Đây là lần thứ 34 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 (2022) với đề tài “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu” (Tiếng Anh: “Write a letter to someone influential explaining why and how they should take action on the climate crisis).

Phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51: Hành động trước khủng hoảng khí hậu
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU 51 cho biết, Chủ đề cuộc thi năm nay gắn với Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa được diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh. Hội nghị lần thứ 26 với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo của nhiều quốc gia để thảo luận, đưa ra các quyết tâm chính trị, các giải pháp giải quyết vẫn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, việc lựa chọn chủ đề của cuộc thi quốc tế lần thứ 51 gắn với các vấn đề nóng tại COP26 để tạo cơ hội cho giới trẻ nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình trước vấn đề toàn cầu về khủng hoảng khí hậu, kỳ vọng vào những hành động thực tiễn đối với các nhà lãnh đạo các quốc gia trong việc giải quyết các khủng hoảng khí hậu.

Theo thể lệ, đối tượng dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 51 (2022) là các em học sinh Việt Nam từ 9-15 tuổi. Thời gian dự thi: từ ngày 2/12/2021 đến ngày 2/3/2022 (tính theo dấu Bưu điện). Nơi nhận bài thi là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, số 5 Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - 1161. Bài dự thi dài không quá 800 từ, viết tay trên 1 mặt giấy. Đặc biệt, bài thi phải cho vào phong bì có dán tem, gửi thường qua đường Bưu điện.

Bên cạnh đó, nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng cho bài thi, tại buổi lễ đại diện Ban Giám khảo cuộc thi và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều chia sẻ về đề tài cũng như kĩ thuật viết thư UPU. Theo đó, chủ đề của cuộc thi năm nay đề nghị chúng ta tham gia giải quyết một vấn đề nóng mang tính toàn cầu, mà hàng ngày, hàng giờ chúng ta đang trải qua và đối mặt ở nhiều cấp độ khác nhau tại tất cả các quốc gia trên thế giới: sự biến đổi khí hậu, khủng hoảng khí hậu hay thảm họa về khí hậu. Chúng ta là một thành viên của hệ sinh thái trái đất rộng lớn, sự tham gia và đưa ra các giải pháp, hành động cụ thể bảo vệ trái đất là quyền và cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã tổ chức trao giải cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) với đề tài: “Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19”, giải Nhất quốc gia đã thuộc về em Đào Anh Thư, lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ý tưởng bức thư gửi cho em bé gái được sinh ra khi mẹ đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để nói lên những khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ và tự hào về sự đóng góp của họ trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.

Bức thư của em Đào Anh Thư đã được dịch sang tiếng Pháp gửi dự thi tới Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ và đã đoạt giải Ba quốc tế.

N.H

Hiểu nhanh về Hiểu nhanh về "Hiệp ước khí hậu Glasgow" được ký kết tại COP26
Cam kết lịch sử của hơn 20 quốc gia về việc chấm dứt cung cấp tài chính cho dầu khí và than đáCam kết lịch sử của hơn 20 quốc gia về việc chấm dứt cung cấp tài chính cho dầu khí và than đá
Đã đến lúc G20 phải biến chương trình nghị sự kinh tế thành nghị sự về khí hậuĐã đến lúc G20 phải biến chương trình nghị sự kinh tế thành nghị sự về khí hậu