Phát triển văn hóa đọc và phong trào viết thư UPU:

Khơi dậy được cảm xúc thật của mỗi học sinh

07:50 | 17/05/2017

889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với sự phát triển của Internet và các hình thức thông tin khác, những bức thư tay đang ngày càng xa rời cuộc sống. Thế nhưng, tại Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), phong trào này vẫn đang được duy trì với những kết quả nổi bật. Cụ thể, chỉ tính riêng tại ngôi trường nhỏ này, đã có 11 giải thưởng của cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Trong đó, có 3 giải Nhất Quốc gia, 1 giải Nhất Quốc tế. Mới đây, trường lại tiếp tục đạt giải Nhất cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 46 với bức thư của em Nguyễn Đỗ Huyền Vi. Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với thầy, trò Trường THCS Tây Sơn về những thành tích đáng tự hào này.  

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh (Hiệu trưởng): Khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong học sinh

PV: Em Huyền Vi vừa đạt giải Nhất cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46. Và đây cũng không phải lần đầu tiên học sinh của trường đoạt giải. Tại cuộc thi lần này, nhà trường có sự chuẩn bị gì đặc biệt không?

khoi day duoc cam xuc that cua moi hoc sinh

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh: Khi tiếp nhận chủ đề cuộc thi từ Bộ Thông tin & Truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng, Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ trực tiếp cho thầy cô chủ nhiệm và tổ bộ môn. Cô giáo có nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn cho các em học sinh về chủ đề đó. Tại cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 46, sau khi nhận được chủ đề các cô đã định hướng cho các em như một sườn bài, rồi sau đó học sinh tự thêm những ý tưởng. Những em có năng khiếu, từ “sườn bài” ấy đã xây dựng thành những bài văn có cốt chuyện mạch lạc với nhiều thông tin phong phú…

Các em học sinh của trường đã viết 1.755 bài và đặc biệt hay là em Nguyễn Đỗ Huyền Vi học sinh lớp 8/9. Em là một học sinh có năng khiếu về văn. Năm ngoái em đã tham gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn của thành phố gồm môn Văn, môn Công dân và môn Lịch sử. Và đã đạt giải Nhất, gửi đi dự thi Quốc gia đạt giải Khuyến khích. Đây không phải là sự may mắn, mà là sự rèn luyện và có 1 nền tảng kiến thức nhất định.

Lá thư của em đạt giải là một sự tìm tòi, sáng tạo. Em không chỉ tham khảo ở sách báo, trên mạng Internet, mà mỗi lần cần sửa chữa em còn trao đổi với cô giáo hướng dẫn, rồi trao đổi với mẹ, cũng là một giáo viên dạy Văn… Có được sự say mê ấy, chính là do em có kiến thức. Và tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, tạo nền tảng văn hóa, nhất là văn hóa đọc cho học sinh, mà nhà trường luôn chú trọng đã thu được kết quả như vậy. Điều đó chứng tỏ chiến lược phát triển lâu dài của nhà trường đang đi đúng hướng.

PV: Không phải ngẫu nhiên mà Trường THCS Tây Sơn nhiều lần đoạt giải Nhất cuộc thi Viết thư UPU. Vậy từ phía nhà trường, có những bí quyết nào để đạt được điều đó không?

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh: Như đã nói, nhà trường luôn chú trọng văn hóa đọc và nền tảng kiến thức xã hội cho học sinh. Là một trong những trường dẫn đầu của quận về văn hóa đọc. Ngoài thư viện, nhà trường có cả một tủ sách lưu động đặt tại sân trường. Tại các buổi chào cờ, nhà trường luôn dành thời gian nhất định để giáo viên phụ trách thư viện tuyên truyền về sách mới và những cuốn sách hay để các em biết tìm đọc. Nhà trường cũng giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, bộ môn Văn xây dựng các chuyên mục hằng tháng. Chính những mẩu chuyện hay, giàu ý nghĩa từ các chuyên mục này đã được nhiều học sinh đón nhận.

Thực trạng chung hiện nay là học sinh ít nghiên cứu, ít tìm hiểu về các vấn đề xã hội và ít đọc sách hơn so với thế hệ trước. Nhưng nhờ việc nhà trường mở những tủ sách “lưu động”, kết hợp với các cách làm như đã nêu trên, nên đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều học sinh tham gia. Việc đọc sách tại thư viện trở thành thói quen, thành “món ăn” không thể thiếu của học sinh. Tủ sách của nhà trường cũng đã đạt 21.190 quyển. Số sách này từ nhiều nguồn: từ nhà trường mua, từ các tổ chức tặng... Có thể nói, số lượng và nội dung rất phong phú nên các em có thể tìm đọc và tìm hiểu. Và từ đó, kiến thức xã hội, lòng yêu thương và ý thức trách nhiệm với cộng đồng cứ thế được nhân lên trong mỗi học sinh; đó là nền tảng tốt cho các em khi muốn thể hiện kiến thức bản thân trong các cuộc thi như Viết thư UPU.

khoi day duoc cam xuc that cua moi hoc sinh
Em Nguyễn Đỗ Huyền Vi nhận giải thưởng tại cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46

PV: Cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!

Cô Doãn Thị Vân (giáo viên Văn): Ủng hộ quan điểm của riêng học trò

PV: Được biết cô là một giáo viên bộ môn Văn và là người trực tiếp hướng dẫn Huyền Vi và những học sinh khác viết thư tham dự cuộc thi. Và kết quả là đạt giải cao. Cô có thể nêu những phương pháp cụ thể?

khoi day duoc cam xuc that cua moi hoc sinh

Cô Doãn Thị Vân: Sau khi biết được đề tài, nhà trường đã giao cho các giáo viên trong tổ bộ môn triển khai theo chủ đề. Trước hết phải làm cho học sinh hiểu chủ đề rồi sau đó kết hợp nhiều kiến thức để hướng dẫn các cháu. Giáo viên sẽ chịu trách nhiệm truyền đạt những ý tưởng cho các em, khuyến khích các em đọc những bức thư đoạt giải trước đó được lưu tại thư viện của trường. Rồi hướng dẫn cho các em viết bằng những suy nghĩ thật sự của mình về vấn đề đã nêu. Những bức thư đoạt giải trước đó đều chạm đến trái tim người đọc bằng cảm xúc thật khi người viết biểu đạt những suy nghĩ thật sự của mình. Điều đó đã tạo cảm hứng cho học sinh tham dự cuộc thi.

Chúng tôi cũng luôn dặn các em: Những dàn ý, những hướng dẫn của nhà trường chỉ là “một kênh” để tham khảo về cách lựa chọn vấn đề hoặc cách viết. Còn các em phải tự lựa chọn chủ đề và cách diễn đạt của mình. Tôi cũng luôn nói cách em rằng, hãy viết một bức thư bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Và trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc.

Sau đó có thể là cả lớp viết thử một lần, rồi sẽ chọn lọc những em có nền tảng kiến thức xã hội tốt để hướng dẫn những em đó kỹ hơn. Nhà trường cũng khuyến khích các em tìm hiểu kiến thức trên mạng Internet rồi vận dụng vào bức thư của mình. Chúng tôi luôn nói với các em hãy truy cập thông tin nhiều lên, đó là cách để mình tăng cường kiến thức, không chỉ để viết thư tham dự cuộc thi, mà còn là bổ sung kiến thức xã hội phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

PV: Trong các phương pháp mà cô nói, có một phương pháp là nhà trường khuyến khích các em học sinh tìm hiểu thông tin qua mạng Internet. Nhưng có một thực tế là thông tin trên mạng Internet có thông tin tốt và thông tin xấu. Vậy nhà trường có khuyến cáo gì cho các em học sinh về vấn đề này không?

Cô Doãn Thị Vân: Chúng ta đều biết, lượng kiến thức trên Internet là vô tận. Và những thông tin này có khả năng tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm của các đối tượng sử dụng nó ở mức độ khác nhau. Trong thế giới thông tin ấy, những thông tin tốt và những thông tin độc hại trộn lẫn với nhau, có thể tác động trực tiếp đến các em học sinh. Về vấn đề này, nhà trường đã có những hướng dẫn cho các em học sinh nên truy cập những trang web nào, tìm kiếm thông tin ra sao. Thậm chí, về sách đọc, nhà trường cũng hướng dẫn học sinh nên đọc tác phẩm của tác giả nào, hay sách của nhà xuất bản nào.

PV: Để có được thành công đã khó, nhưng có được những phương pháp tiếp nối thành công còn khó hơn. Các em học sinh của trường đã nhiều lần đoạt giải cuộc thi Viết thư UPU, vậy nhà trường và cụ thể là tổ bộ môn Văn có phương pháp nào để giữ vững truyền thống đó?

Cô Doãn Thị Vân: Có thành tích là tốt, nhưng giữ được là vô cùng khó. Ngoài những biện pháp giúp trường có được một số thành công nhất định thì trường sẽ tiếp tục tuyên truyền về cuộc thi cũng như tìm cách nâng cao văn hóa đọc, kiến thức nền tảng cho các em. Bằng cách sẽ đầu tư hơn về tủ sách lưu động. Tiếp tục huy động học sinh và giáo viên đóng góp.

Ngoài ra cũng sẽ khuyến khích các em nên đưa ra lý lẽ, quan điểm của cá nhân rồi tìm các dẫn chứng thuyết phục để chứng minh cho các quan điểm đó của mình. Hãy cố gắng thể hiện khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề mà cuộc thi yêu cầu. Có thể là tùy từng đề tài sẽ cho các em đi tìm hiểu thực tế để khơi dậy cho các em những cái đam mê và đôi khi có thể là sẽ nảy sinh ý tưởng mới. Điều đó sẽ giúp các em hào hứng viết và có những cảm xúc thật. Đây là một điều rất quan trọng, tạo nên cái hồn và sự đặc sắc trong bức thư dự thi.

PV: Cảm ơn cô về cuộc trao đổi!

Em Nguyễn Đỗ Huyền Vi (giải Nhất Quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46): Đọc sách nhiều và thích sách văn học

PV: Chủ đề của cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 46 là “Hãy hình dung, nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mới, bạn sẽ cố vấn cho ngài ấy vấn đề nào của thế giới cần xử lý đầu tiên và giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?”. Vi đã giành giải Nhất Quốc gia trong cuộc thi này. Vậy ngoài kiến thức ở trường thì Vi tìm hiểu thông tin ở đâu?

khoi day duoc cam xuc that cua moi hoc sinh

Nguyễn Đỗ Huyền Vi: Khi cuộc thi diễn ra, các thầy cô trong trường đã có những hướng dẫn cho học sinh về chủ đề của cuộc thi. Và ngoài những kiến thức đó ra thì em tìm hiểu thông tin ở trên mạng Internet và coi trên các chương trình thời sự. Từ đó tổng hợp thông tin lại, rồi trao đổi thêm với mẹ. Mẹ em cũng là một giáo viên dạy Văn. Thời gian trao đổi thì thường là trong bữa cơm tối, ngay khi chương trình thời sự diễn ra.

Em nhớ là đã thấy ở đâu đó tấm ảnh người lớn đang bồng một em bé hai tuổi đưa qua hàng rào thép gai để sang trại tị nạn. Khi xem bức ảnh này thì em bị ám ảnh vì bức ảnh này và cảm thấy em bé rất tội nghiệp, xót thương. Ngay lập tức em nghĩ, nếu mình ở một cương vị nào đó, mình sẽ giải quyết vấn đề này đầu tiên. Khi chủ đề của cuộc thi Viết thư UPU năm nay được công bố, em đã lên ý tưởng và viết ngay. “Ông biết không, cháu đã bị ám ảnh bởi bức ảnh người đàn ông tị nạn đã cố đưa đứa trẻ luồn qua hàng rào thép gai tại biên giới Serbia với Hungary. Em cháu cũng bằng tuổi đứa bé này. Đó có phải là tận cùng những gì người tị nạn đang hứng chịu?”. Em đã mở đầu bức thư như thế.

PV: Trong bức thư đoạt giải của mình, Vi có nhắc đến một vị tỉ phú Ai Cập sẵn sàng bỏ tiền ra mua hai hòn đảo cho người tị nạn; Vi cũng nhắc đến Thủ tướng Đức Angela Merkel vì giúp đỡ người tị nạn mà nhận phải những sự phản đối về chính trị. Đó là những thông tin rất thời sự. Vậy bắt nguồn từ đâu, Vi chọn những thông tin này để sử dụng trong bức thư của mình?

Nguyễn Đỗ Huyền Vi: Em cũng rất ấn tượng với cách vị tỉ phú Ai Cập tên là Naguib Sawiris đưa ra ý tưởng và cố thực hiện việc mua lại hai hòn đảo để làm chỗ ở cho người tị nạn. Ở trên đó, ông ấy sẽ xây trường học, bệnh viện và nhà máy, công xưởng để tạo công ăn việc làm cho người tị nạn và cho trẻ em được đến trường. Em tìm hiểu trên mạng thì biết ông ấy chỉ là vị tỉ phú giàu thứ 557 trong số những người giàu nhất thế giới. Trên thế giới còn những người giàu hơn ông ấy và sẵn sàng bỏ phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện. Vậy tại sao lại không chuyển đổi một phần tài sản đó để giúp người tị nạn. Em nghĩ như vậy và kỳ vọng một số vị tỉ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos... sẽ làm điều đó. Nếu điều đó được tiến hành, sẽ là con đường sống cho hàng triệu người tị nạn trên thế giới và trong đó có cả những em nhỏ.

PV: Vi có đọc những bức thư đã từng đoạt giải hay thích đọc sách không? Và Vi thích bức thư nào hay tác phẩm văn học nào nhất?

Nguyễn Đỗ Huyền Vi: Em đọc sách nhiều và thích sách văn học của mẹ. Trong số các tác phẩm thì em thích tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Còn các bức thư UPU từng đoạt giải thì em đặc biệt thích bức thư của chị Hiếu Hiền (cũng là học sinh của Trường THCS Tây Sơn đạt giải Nhất cuộc thi Viết thư UPU năm 2010). Nhất là ý tưởng chị ấy đưa ra, “nếu là một nhà làm phim có tài, sẽ làm ngay một bộ phim về chủ đề AIDS để cảnh báo và thức tỉnh cho mọi người”. Và cả cái cách chị ấy đưa ra những ý tưởng trong bức thư của mình. Đó là việc lấy cảm hứng từ những cảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Đó là một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình, nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Và cả những em bé thơ ngây, đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào thần chết tới mang đi. Đó là một bức thư em thấy yêu thích nhất và học hỏi được nhiều từ cách viết thư đó.

PV: Vi muốn nói gì về bức thư đoạt giải của mình?

Nguyễn Đỗ Huyền Vi: Em muốn tất cả mọi người hãy quan tâm đến vấn đề người tị nạn. Em muốn lá thư của mình không chỉ trong khuôn khổ một bài viết tham dự cuộc thi, mà nó thực sự là câu chuyện, một lời thỉnh cầu gửi đến tất cả mọi người. Em nghĩ phải có cách nào đó giải quyết vấn đề người tị nạn một cách nhân văn với sự chung tay của cả thế giới… Em mong bài viết của mình được hồi âm, được quan tâm và có thể tạo ra được một điều kỳ diệu nào đó cho những người tị nạn, cho những em nhỏ không nhà cửa trên khắp thế giới.

PV: Cảm ơn em!

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU là cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học dưới hình thức lá thư do Liên minh Bưu chính Quốc tế (gọi tắt là UPU) phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) và một số tổ chức chuyên môn khác của Liên Hiệp Quốc tổ chức thường niên dành cho thiếu niên trên toàn thế giới, đến nay đã qua 46 năm (1971-2017).

Thành phố Đà Nẵng có 7 học sinh đoạt giải Nhất Quốc gia, trong đó có 1 học sinh đoạt Nhất Quốc tế Viết thư UPU. Trong đó, riêng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) đã có 3 học sinh đoạt giải Nhất là Hồ Thị Hiếu Hiền (UPU 39, Nhất Quốc tế và Nhất Quốc gia), Đào Thụy Thùy Dương (UPU 42) và Nguyễn Đỗ Huyền Vi (UPU 46).

Bức thư đoạt giải cuộc thi viết lần thứ 46 của em Nguyễn Đỗ Huyền Vi viết về vấn đề tị nạn khi chủ đề của cuộc thi là: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”. Trong bức thư, Vi viết: “Ông biết không, cháu đã bị ám ảnh bởi bức ảnh người đàn ông tị nạn đã cố đưa đứa trẻ luồn qua hàng rào thép gai tại biên giới Serbia với Hungary. Em cháu cũng bằng tuổi đứa bé này. Đó có phải là tận cùng những gì người tị nạn đang hứng chịu?”.

Sau đó, với tư cách “cố vấn”, Vi đã nêu lại câu chuyện về vị tỉ phú Ai Cập tên Naguib Sawiris mua đảo cho người tị nạn và kêu gọi những vị tỉ phú khác áp dụng cách này với những viện dẫn, lý giải rất thuyết phục.

Thanh Hiếu