Cam kết lịch sử của hơn 20 quốc gia về việc chấm dứt cung cấp tài chính cho dầu khí và than đá

22:59 | 05/11/2021

531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hơn 20 quốc gia và tổ chức, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mali và Costa Rica đã đưa ra một tuyên bố chung cam kết chấm dứt cung cấp tài chính công quốc tế trực tiếp cho than, dầu và khí đốt vào cuối năm 2022 và ưu tiên cung cấp tài chính cho năng lượng sạch.

Sau làn sóng cam kết chấm dứt tài chính cho than đá quốc tế trong năm nay, đây là cam kết chính trị quốc tế đầu tiên đề cập đến tài chính công cho dầu khí. Nếu được triển khai hiệu quả, sáng kiến ​​này có thể trực tiếp chuyển hơn 15 tỷ USD mỗi năm các khoản hỗ trợ ưu đãi, do chính phủ hậu thuẫn từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch - và con số đó có thể cao hơn nữa nếu các bên ký kết ban đầu thành công trong việc thuyết phục các đồng nghiệp của họ tham gia.

Cam kết lịch sử của hơn 20 quốc gia về việc chấm dứt cung cấp tài chính cho dầu khí và than đá
Chuyển dịch nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch đã trở thành cam kết của G20 và các quốc gia tiến bộ.

Chuyển dịch tài chính công cho năng lượng, từ tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, là một nhiệm vụ cấp bách. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, năm 2021 cần đánh dấu sự kết thúc của các khoản đầu tư mới vào không chỉ than mà còn dầu mỏ và khí đốt mới.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của tổ chức Oil Change International và Friends of the Earth US cho thấy từ năm 2018 đến năm 2020, các tổ chức tài chính công quốc tế của các nước thuộc khối G20 và các Ngân hàng phát triển đa phương (MDB) vẫn hỗ trợ ít nhất 188 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Con số này cao hơn 2,5 lần so với hỗ trợ của G20 và MDB cho năng lượng tái tạo, vốn đạt trung bình 26 tỷ USD mỗi năm.

Việc cung cấp tài chính công cho năng lượng sạch đã đình trệ kể từ năm 2014, mặc dù nhu cầu của lĩnh vực này tăng lên theo cấp số nhân để đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng sạch phổ biến và duy trì ở mức tăng nhiệt của trái đất dưới 1,5°C. IEA nhận thấy rằng các khoản đầu tư công và tư hàng năm vào năng lượng sạch sẽ đạt gần 4 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.

Tham gia tuyên bố chung có một số nhà cung cấp tài chính công lớn nhất trong lịch sử cho nhiên liệu hóa thạch như Canada, Hoa Kỳ, Anh và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Tuy nhiên, các nhà cung cấp tài chính lớn khác vẫn chưa tham gia với họ.

Các nước đó bao gồm Nhật Bản (10,9 tỷ USD/năm), Hàn Quốc (10,6 tỷ USD/năm) và Trung Quốc (7,6 tỷ USD/năm), là những nhà cung cấp tài chính nhiên liệu hóa thạch công quốc tế lớn nhất trong G20 và chiếm tổng cộng 46% nguồn tài chính cho nhiên liệu hóa thạch của G20 và MDB. Italia (2,8 tỷ USD/năm) và Tây Ban Nha (1,9 tỷ USD/năm), một số nhà tài trợ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của EU, cũng chưa tham gia.

Tuy nhiên, các nhà vận động hy vọng rằng tuyên bố chung có thể giúp tăng áp lực lên các quốc gia chưa tham gia ký kết, tương tự như động lực chấm dứt tài chính cho than đá. Vào cùng buổi sáng của ngày phát động tuyên bố, các nhà hoạt động đã xuống đường phố Glasgow với những chú Pikachu bơm hơi để thúc giục Nhật Bản ngừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch.

Tasneem Essop, Giám đốc Điều hành Mạng lưới Hành động khí hậu quốc tế, cho biết: “Việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Thông báo này là một bước đi đúng hướng nhưng phải được nhân rộng hơn với sự tham gia của nhiều chính phủ và các tổ chức tài chính công, bao gồm MDB, cùng cam kết chấm dứt cung cấp tài chính cho nhiên liệu hóa thạch. Nguồn tài trợ công này cần phải được chuyển hướng khẩn cấp sang một quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho các cộng đồng ở Nam bán cầu và hỗ trợ cộng đồng và công nhân ngành than, dầu và khí đốt mà không khiến các quốc gia phải gánh thêm bất kỳ khoản nợ nào”.

EIB đã ký tuyên bố và liên minh Big Shift Global đang thúc giục các MDB khác cũng tham gia, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Nói chung, các MDB vẫn cung cấp ít nhất 6,3 tỷ đô la mỗi năm cho các dự án nhiên liệu hóa thạch từ năm 2018 đến năm 2020. Đầu tuần này, các MDB đã cung cấp bản cập nhật về nỗ lực tuân thủ Hiệp định Paris chung của họ, trong đó họ xác nhận phạm vi thực hiện của họ sẽ không có loại trừ đối với các dự án dầu khí.

tin-hieu-mung-cua-nganh-than
Các quốc gia phát triển nói không với than đá tại COP26.

Kate DeAngelis, Giám đốc Chương trình Tài chính quốc tế, tổ chức Friends of the Earth US, cho biết: “Năm ngoái vào thời điểm này, tôi đã không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy các quốc gia cam kết chấm dứt hỗ trợ hàng tỷ đô la cho các dự án nhiên liệu hóa thạch quốc tế. Trong khi đây là một tiến bộ đáng hoan nghênh, các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, phải giữ vững các cam kết này và chấm dứt hỗ trợ các công ty nhiên liệu hóa thạch như Pemex và Exxon. Những nước đi sau như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải đẩy mạnh và tham gia vào cam kết này để nâng cao hiệu quả của cam kết”.

Sự kết hợp giữa các nước gây ô nhiễm lớn và các nước thu nhập thấp cùng tham gia ký kết tuyên bố là điều tích cực và phản bác lại quan điểm cho rằng các nước đang phát triển ký kết muốn hoặc cần đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để đạt được các mục tiêu phát triển của họ.

P.V

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan