Phanh phui thế giới tội phạm chứng khoán

19:30 | 20/05/2011

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1152011 Raj Rajaratnam đã bị kết án với 14 tội danh gian lận chứng khoán, trong vụ điều tra giao dịch nội gián lớn nhất Mỹ trong ít nhất một thập niên qua…

Kỳ I: Một đường dây giao dịch nội gián chấn động Wall Street

Cuộc chiến bắt đầu từ một viên chức cấp cao IBM…

Viên chức điều hành tại Wall Street Mitchel Guttenberg ngày bị bắt

7 giờ 30 phút ngày 16-10-2009, Robert Moffat, 53 tuổi, đã có mặt khoảng một tiếng rưỡi tại bàn làm việc ở trụ sở Tập đoàn Công nghệ máy tính đa quốc gia (IBM). Tương tự gần như mọi ngày trong suốt 31 năm làm việc cho IBM, Moffat rời nhà lúc 5 giờ 30 phút và lái xe đến văn phòng. Ông vừa nhận cuộc gọi đầu tiên trong ngày. Người gọi là cô vợ Amor. Ông phải về ngay – bà vợ gọi. 5 nhân viên FBI đang ở nhà với trát của tòa bắt Moffat về tội giao dịch nội gián. Gác máy, Moffat gọi cho luật sư rồi hối hả xuống bãi xe lái chiếc Lexus ra cổng. Đó là lần cuối cùng người ta thấy Moffat ở IBM…

Moffat, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hệ thống và kỹ thuật IBM, là viên chức cộm cán nhất trong đường dây tội phạm kinh tế mà giới điều tra liên bang phải vào cuộc và phanh phui, với nhiều nhân vật liên quan, trong đó có Raj Rajaratnam, người sáng lập quỹ đầu tư Galleon Group. Vụ việc làm chấn động Wall Street, từ đó phanh phui một thế giới phạm pháp với những thương vụ cửa sau giữa giới quản trị công ty quỹ đầu tư và viên chức điều hành doanh nghiệp làng công nghệ kỹ thuật cao. Không chỉ Moffat, còn có một Giám đốc McKinsey & Co, một viên chức cấp cao Intel, một Giám đốc Công ty quỹ New Castle Partners…

Với trường hợp Moffat, sự kiện này đã khiến những người từng biết ông bị sốc. Chẳng ai có thể ngờ Moffat lại bán rẻ sự nghiệp cho “quỷ sứ” như vậy. Được xem là “nhân vật IBM tinh túy”, được đánh giá như một gương mặt lãnh đạo kinh điển của làng doanh nghiệp Hoa Kỳ, là bạn thân Tổng giám đốc điều hành IBM Samuel Palmisano và được xem là người kế nhiệm ghế CEO tại IBM, Moffat chẳng có lý do gì để không sống một cách đàng hoàng…

Mọi chuyện bắt đầu xảy ra năm 2002, khi Moffat lọt vào một chiếc bẫy tình của nhà phân tích đầu tư rủi ro Danielle Chiesi – một phụ nữ xinh đẹp, từng chẳng ngại khi tâm sự chỉ thích đàn ông lớn tuổi và “tôi chỉ yêu ba chữ S – đó là tình dục (sex), cổ phiếu (stocks) và thể thao (sports)”. Bị bắt cùng ngày với Moffat, Chiesi được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) miêu tả là một trong những nhân vật chủ chốt trong đường dây mua bán tin nội bộ cho Rajaratnam. Nói như tác giả James Bandler của chuyên san kinh tế Fortune trong phóng sự điều tra Moffat, vũ điệu ballad êm ái và ngọt ngào giữa Moffat và Chiesi là câu chuyện kinh điển về sự đam mê và phản bội. Lén lút quan hệ với Moffat nhưng người tình mà Chiesi thật sự yêu lại là ông chủ của cô – Mark Kurland, người đồng sáng lập quỹ New Castle Partners…

Hè 2008, Công ty Công nghệ kỹ thuật cao AMD (Advanced Micro Devices – đối thủ số một của Intel) đang trong quá trình thương lượng hợp tác để đưa bộ phận sản xuất họ – Fabco – liên doanh với một nguồn quỹ Trung Đông. IBM có liên quan đến tiến trình thương thảo bởi họ được AMD nhờ cung cấp giấy phép việc sử dụng kỹ thuật của IBM. Moffat là người được IBM chỉ định làm việc trực tiếp. Quen biết thân cả Hector Ruiz (Tổng giám đốc điều hành AMD) lẫn Moffat, người đẹp Chiesi được phép có mặt tại một trong những cuộc họp tuyệt mật giữa Ruiz và Moffat. Không chỉ vậy, Moffat còn cập nhật liên tục thông tin mới (tiến trình thương thảo) cho Chiesi. Moffat lẫn Ruiz chẳng ngờ rằng, mọi thông tin về quá trình đàm phán thương vụ đều được Chiesi tiết lộ cho tình nhân Kurland. Từ những gì được cung cấp, Công ty Quỹ đầu tư rủi ro New Castle của Kurland mạnh tay mua 199.400 cổ phiếu Fabco.

Ngày 22-8-2008, khi tiết lộ thêm với Chiesi việc “Những người Arập sẽ chi 2,1 tỉ USD cho 50% trong Fabco”, Moffat không biết rằng, cuộc điện đàm đã bị Kurland nghe trộm. Và Kurland không là người duy nhất mà Chiesi bán tin. Cô còn cung cấp thông tin thương vụ Fabco cho người bạn Raj Rajaratnam (gốc Sri Lanka). Thời điểm đó, Rajaratnam là một trong 300 người giàu nhất thế giới với tài sản khoảng 1,8 tỉ USD. Có lúc quỹ đầu tư rủi ro Galleon của Rajaratnam có nguồn vốn lên đến 7 tỉ USD (những nguồn tin mật nội bộ khác mà Galleon mua còn từ giới chức cấp cao McKinsey & Co và Intel). Đến cuối tháng 11-2008, New Castle đã đầu tư 2,3 triệu cổ phiếu vào AMD và Galleon hơn 8 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, Galleon và New Castle kiếm được 20,8 triệu USD từ thông tin nội gián được cung cấp từ Chiesi lẫn một số nguồn khác…

Tưởng mọi chuyện “chỉ chúng mình biết với nhau”, đường dây Rajaratnam – Chiesi không biết rằng gần như tất cả cuộc điện đàm họ đã bị FBI nghe trộm. Giới điều tra liên bang bắt đầu theo dõi Rajaratnam từ năm 2007. Đến cuối năm 2009, FBI đã thu thập đủ bằng chứng để tiến hành bắt các đối tượng liên quan. Sáng sớm ngày 16-10-2009, Amor Moffat vẫn còn mặc bộ đồ ngủ khi nghe tiếng chuông cửa liên hồi. Đi sau hai con chó đen, bà xuống thang lầu và ngạc nhiên khi thấy 5 nhân viên FBI. “Mở cửa” – một nhân viên FBI nói: “Chúng tôi đến đây để bắt chồng bà”…

Ngày 13-9-2010, Robert Moffat bị xử 6 tháng tù. Tại tòa, ông đã bật khóc vì xấu hổ. Chẳng sơ múi gì trong vụ Rajaratnam, Moffat lại dính vào một trong những vụ giao dịch nội gián tai tiếng nhất lịch sử Wall Street. Vụ án của ông khiến người ta nhớ lại vụ nhà đầu tư James McDermott Jr cách đây hơn một thập niên. Thời hoàng kim, McDermott là ngôi sao đang lên (Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Keefe, Bruyette & Woods) với thu nhập 4 triệu USD/năm. Thế rồi McDermott dính vào Scandal tình ái với Kathryn Gannon, vốn là ngôi sao phim khiêu dâm. Tương tự Moffat, McDermott cũng tiết lộ nhiều thông tin mật liên quan đầu tư cổ phiếu và Gannon lại rỉ tai cho anh bồ để anh này bán thông tin kiếm tiền…

Còn gương mặt "cá mập” nào khác?

Trong vụ Rajaratnam – Chiesi, còn có một tên tuổi thậm chí “lớn” hơn Robert Moffat. Đó là nhân vật nổi tiếng thế giới vài năm gần đây với loạt chiến dịch từ thiện cùng Bono, Bill Clinton và Bill Gates. Là con một nhà ái quốc Ấn Độ, ông tốt nghiệp Trường kinh thương Harvard và là người không thuộc phương Tây đầu tiên ngồi ghế giám đốc quản lý hãng tư vấn quản trị lừng danh McKinsey & Co với tư cách cố vấn cho các CEO (tổng giám đốc điều hành) khắp thế giới trong đó có Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, Bill George của Medtronic, A.G. Lafley của Procter & Gamble… Ở tuổi 61, ông là nhân vật thành công và là niềm tự hào cho giới doanh nhân gốc Ấn Độ. Thế mà, trên trang nhất số báo ra ngày 15-4-2010, Wall Street Journal cho biết Chính phủ Mỹ đang điều tra ông, tội “chia sẻ thông tin mật” với Raj Rajaratnam – gương mặt chủ chốt trong vụ Moffat – Chiesi. Tên ông là Rajat Gupta. Bài báo cho biết, Gupta – thành viên ban quản trị Goldman Sachs từ cuối năm 2006 – đã mớm cho Rajaratnam vụ tỉ phú Warren Buffett bơm vốn đầu tư 5 tỉ USD vào Goldman Sachs nhờ vậy mà ngân hàng đang tơi tả này sống được qua trận bão khủng hoảng tài chính Mỹ…

Có thể nói Rajat Gupta là một trong những gương mặt nổi bật nhất lịch sử doanh nhân thế giới đương đại. Sau 34 năm làm việc cho McKinsey với vị trí ban đầu là trợ lý một văn phòng tại New York, năm 1994, Gupta được 148 đối tác cấp cao nhất trí bầu lên ghế giám đốc quản trị toàn cầu, vị trí mà ông giữ trong ba nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ ba năm) – thời gian tối đa được phép. Với tài lãnh đạo Gupta, McKinsey đã phát triển thành công ty hùng mạnh (từ 3.300 nhà tư vấn doanh nghiệp vào thời điểm Gupta đảm nhận chức điều hành lên đến 7.700 chuyên gia tư vấn cùng 23 văn phòng tại 20 quốc gia lúc ông rời ghế). Trước thời điểm nghỉ hưu McKinsey năm 2007, Gupta cũng đã trở thành công dân toàn cầu với vai trò nhà hoạt động từ thiện. Năm 2001, ông gây quỹ được 1 tỉ USD cho nạn nhân trận động đất tại Gujarat (Ấn Độ). Gupta cũng là đồng sáng lập tổ chức American India Foundation với Bill Clinton; cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ; Chủ tịch Phòng thương mại quốc tế (ICC)… Từ năm 2006 đến 2009, Gupta có mặt trong ban giám đốc điều hành 5 công ty lớn: American Airlines, Genpact, Goldman Sachs, Harman International và Procter & Gamble (chưa kể tư cách thành viên ban cố vấn cho ngân hàng lớn nhất Nga và Đông Âu Sberbank, cũng như Trung tâm tài chính Qatar)…

 

Robert Moffat - chết vì đàn bà!

Với bề dày sự nghiệp đáng nể như vậy, khó có thể tưởng tượng Rajat Gupta lại chấp nhận bán rẻ mình để kiếm vài đồng lẻ từ hoạt động giao dịch nội gián. Đến nay, FBI vẫn tiếp tục điều tra vụ Gupta. Sự nghi ngờ Gupta xuất phát từ mối liên quan giữa ông với Raj Rajaratnam. Năm 2006, Gupta cùng Rajaratnam và Mark Schwartz (cựu viên chức điều hành Goldman Sachs) thành lập Công ty Quỹ đầu tư rủi ro Taj Capital (sau đổi thành New Silk Route) mà hiện Gupta ngồi ghế Chủ tịch. Theo Wall Street Journal, FBI bắt đầu nghi Gupta khi họ nghe lén các cuộc điện đàm của ông với Rajaratnam; rằng việc quỹ đầu tư Galleon của Rajaratnam bắt đầu ào ạt mua cổ phiếu Goldman Sachs chỉ được thực hiện sau khi biết Warren Buffett tung ra chiếc phao cứu sinh 5 tỉ USD vào ngân hàng này nhờ thông tin nội gián được cung cấp từ “người nhà Goldman Sachs”. Gupta là nhân vật cựu viên chức McKinsey thứ hai liên quan vụ Rajaratnam. Tháng 1-2010, Anil Kumar – cựu chuyên gia tư vấn McKinsey – đã bị buộc tội kiếm được hơn 2 triệu USD từ việc bán tin cho Rajaratnam một thương vụ sáp nhập của AMD (Advanced Micro Devices).

 

"Cá mập" tội phạm chứng khoán Raj Rajaratnam

Thời của những "gián điệp cổ phiếu”!

Giao dịch nội gián là phi vụ đầu tư chứng khoán bất hợp pháp khi mua – bán cổ phiếu bằng cách sử dụng thông tin nội bộ lấy từ viên chức cấp cao trong công ty, đặc biệt từ những người có hơn 10% cổ phần công ty. Giao dịch nội gián cũng xảy ra khi chính viên chức cấp cao (thí dụ tổng giám đốc điều hành) mua cổ phiếu công ty nhà, nhờ biết trước công ty sắp đạt doanh thu to (chẳng hạn chuẩn bị sáp nhập). Trường hợp ngài tổng giám đốc điều hành không trực tiếp mua cổ phiếu công ty nhà mà rỉ tai cho người quen thì cũng bị xem là giao dịch nội gián (theo luật Mỹ, khi viên chức cấp cao mua cổ phiếu nội bộ, họ phải báo cáo cho SEC). Và nhờ yếu tố công việc (nhà báo chẳng hạn) mà biết trước thông tin tốt nào đó để mua trực tiếp cổ phiếu hay cung cấp thông tin lại cho người khác cũng bị xem là giao dịch nội gián. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp trao đổi thông tin đều bị kết tội giao dịch nội gián. Chẳng hạn, khi ăn trong một nhà hàng và tình cờ nghe tổng giám đốc điều hành công ty A ngồi bàn kế bên nói chuyện với một viên chức cấp cao khác trong công ty về vụ sáp nhập sắp tới với công ty B và nhờ đó cổ phiếu công ty A sẽ tăng, bạn vội vã mua hoặc thông báo cho người thân để mua cổ phiếu công ty A thì trường hợp này không bị quy kết giao dịch nội gián. Để hiểu rõ hơn về giao dịch nội gián, cách tốt nhất là khảo sát vài trường hợp cụ thể.

Tháng 11-2001, viên chức điều hành Wall Street, Mitchel Guttenberg, ngồi cùng với người bạn Erik Franklin trong quán bar Con Hàu nổi tiếng tại Manhattan để bàn về việc Guttenberg trả lại khoản vay 25.000USD. Tuy nhiên, nội dung câu chuyện không chỉ xoay quanh vụ nợ mà có vẻ hấp dẫn hơn khi Guttenberg đề nghị cung cấp thông tin mật về loạt đánh giá cổ phiếu do Công ty UBS Securities LLC của mình thực hiện (UBS Securities thuộc một ngân hàng Thụy Sĩ – Union Bank of Switzerland). Khuôn mặt của Erik Franklin rạng rỡ khi thộp được thông tin trên. Thế rồi từ đó hai người liên lạc bằng điện thoại di động (dùng xong vất ngay) hoặc gửi tin nhắn bằng mật mã riêng. Vụ làm ăn bắt đầu lôi kéo thêm nhiều người và không chỉ thông tin mật trong UBS mà cả trong Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley cũng bị bán ra ngoài. Tổng cộng có 14 người tham gia vụ giao dịch nội gián trên (được tiết lộ thượng tuần tháng 3-2007), trong đó có 8 chuyên gia Wall Street, hai nhà môi giới và ba nguồn quỹ. Guttenberg là viên chức điều hành tại bộ phận nghiên cứu cổ phiếu UBS và có mặt trong ủy ban tổ chức các cuộc họp hàng ngày để khảo sát báo cáo phân tích thị trường.

Theo kết quả điều tra SEC, Guttenberg liên tục cung cấp cho Erik Franklin thông tin liên quan cổ phiếu của nhiều công ty, trong đó có Amgen Corp, Whole Foods Market Inc và Union Pacific Corp; và Franklin dùng thông tin này để trực tiếp mua cổ phiếu thông qua hai công ty quỹ mà chính mình quản lý (Q Capital Investment Partners và Lyford Cay Capital). Franklin còn cung cấp thông tin lại cho Mark E. Lenowitz. Phần mình, Guttenberg còn bán tin cho David Tavdy… Tổng cộng, vụ UBS đem lại cho các đối tượng liên quan ít nhất 14 triệu USD!

Cao Minh – Mạnh Kim