Phái mạnh cũng cần bình đẳng giới

18:05 | 26/06/2013

1,342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã từ lâu, xã hội vẫn cứ mặc định chỉ có phụ nữ mới phải chịu cảnh bất bình đẳng mà không nghĩ rằng nam giới cũng gặp phải chuyện này trong cuộc sống. Họ cũng cần được hỗ trợ để được bình đẳng giới.

Nhìn nhận ra vấn đề này sẽ khiến nam giới cảm thấy mình cũng cần phải đấu tranh cho chuyện bình đẳng của cả hai giới, và đó cũng chính là thông điệp của chương trình “ADAM thời mới”.

Bất bình đẳng do định kiến

Cho đến nay, bình đẳng giới đã thực sự trở thành vấn đề toàn cầu. Đã có nhiều giải pháp khác nhau, tốn kém nhưng dường như chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Ở cả các nước phát triển và đang phát triển, tỉ lệ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo còn rất thấp. Phụ nữ chỉ chiếm 15,7% cán bộ quản lý trong các tập đoàn kinh tế và 11,4% trong các vị trí CEO. Đại diện của nữ trong các vị trí lãnh đạo chính trị cũng thấp. Ví dụ ở Mỹ chỉ có 14% dân biểu và 16% thống đốc bang là phụ nữ. Tương tự như vậy, ở Việt Nam chỉ có 10% bộ trưởng và 24% đại biểu quốc hội là phụ nữ.

Nam giới cũng cần chia sẻ công việc với nữ giới.

Hầu hết các nghiên cứu và phân tích nguyên nhân cho rằng, sự khác biệt giữa nam và nữ là do các yếu tố sinh học, điều kiện kinh tế và cơ hội giáo dục. Rất ít các phân tích về nguyên nhân tâm lý gây ra bất bình đẳng giới. 

Nhiều nghiên cứu về giới gần đây đã soi chiếu nguyên nhân cốt lõi ngăn cản tiến bộ trong bình đẳng giới. Đa số giới trẻ vẫn tin rằng các đặc tính như làm việc chăm chỉ, chịu thương chịu khó, khéo léo và khiêm nhường là các đặc trưng của phụ nữ. Tương tự như vậy, các tố chất như mạnh mẽ, quyết đoán, nóng tính và hào phóng là của nam giới. Điều này tưởng như hiển nhiên, nhưng nó tạo ra rào cản cho phụ nữ làm lãnh đạo vì đa số người dân coi nam tính (mạnh mẽ, quyết đoán) là tố chất cần thiết của lãnh đạo. Nói cách khác, “nam tính” và “lãnh đạo tính” trùng nhau nên tạo lợi thế cho nam giới trong việc thăng tiến.  

Trong công việc cũng có sự phân định về nam tính và nữ tính. Phụ nữ bị gắn với các nghề có thu nhập thấp hơn, ví dụ như nhân viên văn phòng, thợ may, giáo viên tiểu học hay phụ giúp việc. Nam giới được gắn với những việc có thu nhập cao như quan chức chính phủ, cảnh sát và lập trình viên. Phụ nữ thích các công việc ổn định, dành nhiều thời gian cho gia đình, còn nam giới thích việc có thu nhập cao và có thể chu du thiên hạ. 

Theo một nghiên cứu của viện iSEE, trung tâm CGFED và Quỹ châu Á, đa số phụ nữ mong đợi bạn đời của họ kiếm được thu nhập cao trong khi chỉ chưa đến 20% nam giới mong đợi phụ nữ làm điều này. Đa số phụ nữ muốn mình ở thế “bị động” và mong đợi nam giới phải là người chủ động trong mối quan hệ yêu đương.

Hơn nữa, chính phụ nữ lại ít bất bình hơn khi thấy đa số lãnh đạo là nam, và nhiều phụ nữ hơn nam giới muốn sếp mình là đàn ông. Rõ ràng, chính phụ nữ đang tiếp tay cho sự bất bình đẳng giới trong công việc, gia đình và cả trong quan hệ tình cảm. Và chính điều này đã vô tình gây ra sự bất bình đẳng giới nặng nề hơn, cả ở nam và nữ.

Nam giới cùng cần “bình đẳng”

Nhận thức được vấn đề: nam giới cũng rất cần “bình đẳng giới”, chương trình truyền thông “ADAM thời mới” hướng tới việc huy động nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Chương trình do 3 mạng lưới hành động vì bình đẳng giới GENCOMNET, DOVIPNET và NEW, cùng sự tài trợ của tổ chức UNWOMEN đã diễn ra vào ngày 25/6.

Trịnh Ngọc Diệp, một thành viên của mạng lưới DOVIPNET cho biết: “Được khởi động từ đầu tháng 5/2013, đã có rất nhiều những ý tưởng tham gia được gửi đến chương trình. Tại vòng 1, ban tổ chức lựa chọn 15 tác phẩm và cấp kinh phí để các bạn thực hiện. Tại chương trình chung kết ngày 25/6, ban tổ chức đã lựa chọn ra 6 tác phẩm đặc sắc, có nội dung hay nhất để chiếu và thuyết trình”.

Tại chương trình, sinh viên đến từ 6 đội đã đưa ra khá nhiều ý tưởng tuyên truyền về bình đẳng giới dưới các hình thức: thông qua bài hát, video clip, hùng biện…

Nhóm Đam Mê, đến từ trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, đã đưa ra một cái nhìn khác về định kiến giới: dưới hình thức video clip, các bạn kể về một nam sinh viên đã phải từ bỏ ước mơ học múa ballet của mình chỉ vì những định kiến xã hội từ cha mẹ, bạn bè: “Con trai thì không được học múa, học múa như pê- đê…”.

Video clip về một bạn nam muốn trở thành vũ công ballet của nhóm Đam mê.

Các thành viên trong nhóm chia sẻ: “Một người bạn của mình bị đau chân, nếu nói bạn hãy cảm nhận nỗi đau của người đó thì có lẽ nhiều người sẽ chẳng thấy gì cả. Cũng như việc kêu gọi bình đẳng giới chỉ chú trọng đến phụ nữ thì chẳng thể nào thu hút được nhiều nam giới tham gia. Thực tế, nam giới cũng phải chịu những định kiến về bình đẳng giới, vì vậy cần thu hút họ tham gia đấu tranh bình đẳng cho cả hai giới”. Với ý tưởng này nhóm đã giành được giải nhì của cuộc thi.

Nhóm Ami đến từ đại học Thăng Long đã đưa ra thông điệp: “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chia sẻ công việc gia đình đối với người phụ nữ của mình” thông qua một clip kể về một người đàn ông đã có gia đình và thường xuyên không có thời gian để giúp đỡ vợ công việc nhà hay chăm sóc con cái. Trong một giấc mơ người chồng đi nhậu say xỉn về và sáng ra bị tráo đổi vai trò với vợ. Anh ở nhà tất bật cơm nước, chăm con, còn vợ thì tất bật với công việc, ăn nhậu và thường xuyên không về nhà ăn cơm tối. Với ý tưởng này nhóm đã giành giải nhất của cuộc thi.

Không chỉ gói gọn trong những video clip, những bài diễn thuyết, chương trình đã có sự góp mặt của nhiều người đàn ông dám đứng lên vì bình đẳng giới. Điển hình là anh Hoàng Văn Thể đến từ trường mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Vượt qua rất nhiều dị nghị của gia đình, bạn bè, người thân, anh đã gắn bó với nghề giáo viên mầm non – nghề vốn chỉ mặc định dành riêng cho phụ nữ - đã 10 năm nay.

Anh Hoàng Văn Thể (áo trắng) trong buổi giao lưu.

Anh chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, anh đã có niềm đam mê được làm thầy giáo dạy trẻ, nhưng nhiều người phản đối: "Đàn ông con trai ai lại chăm sóc trẻ". Không chỉ có bạn bè, thời gian đầu khi theo nghề nuôi dạy trẻ, anh cũng không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Anh chia sẻ: “Vợ mình chưa hiểu và thông cảm, phụ huynh cũng không tin tưởng gửi con đến trường để mình dạy dỗ...”. Cứ thế, anh im lặng vượt qua mọi định kiến, dồn tình yêu thương và trách nhiệm cho những đứa trẻ, và cuối cùng thì gia đình cũng đã thông cảm và chấp nhận công việc của anh. 

Vấn đề bình đẳng giới đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong các chương trình tuyên truyền về bình đẳng giới, dường như chỉ tập trung đến việc tuyên truyền về quyền bình đẳng cho nữ giới, coi đây là đối tượng bị bất bình đẳng. Điều này khiến hầu hết nam giới nghĩ rằng vấn đề này không liên quan đến họ, chính vì vậy các chương trình về bình đẳng giới trong thời gian qua ít thu hút được sự tham gia từ phía nam giới.

Vì vậy, cũng cần đưa nam giới vào các chương trình tuyên truyền, bởi đây cũng là đối tượng phải chịu những bất bình đẳng giới. Điều này có thể giúp họ nhận ra vấn đề bình đẳng giới cũng liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của họ, từ đó thu hút họ tham gia vào các chương trình này.

Nhã Anh