Petronas vươn tay tới Bắc Mỹ

15:35 | 19/04/2012

1,712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những thương hiệu lớn nhất của thị trường dầu khí Malaysia, Công ty Petroliam National Berhad (viết tắt là Petronas) đang trong quá trình nghiên cứu kế hoạch thu mua mỏ khí đốt khổng lồ của Canada trị giá trên 5 tỉ USD.

Việc tìm kiếm những thị trường mới ít rủi ro hơn so với những quốc gia Trung Đông dù giàu có về trữ lượng khai thác nhưng luôn biến động là một trong những chiến lược dài hạn của Petronas trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt.

“Ông lớn” ở Biển Đông mở rộng thị trường

Thế giới biết đến Petronas như một tập đoàn dầu khí lớn nhất của Malaysia. Tập đoàn này thuộc 100% sở hữu chính phủ và được độc quyền khai thác toàn bộ nguồn dầu mỏ, khí đốt và gia tăng giá trị cho những tài nguyên này. Petronas từng thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới khi tiến hành xây dựng tòa tháp đôi 88 tầng với chiều cao 452m. Bắt đầu khai trương năm 1998, Twin Towers trở thành tâm điểm của quốc tế khi nhắc tới Kuala Lumpur, thậm chí còn được coi là một biểu tượng của thủ đô này.

Vào năm 2011 Petronas từng công bố sẽ dồn nguồn lực chủ yếu vào việc đầu tư phát triển các dự án khai thác dầu trong nước và thực hiện thăm dò những vùng mỏ gần Malaysia hơn là mở rộng thị trường nước ngoài. Đây là mũi nhọn chiến lược nhằm đối phó với sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của nước này trong những năm vừa qua.

Tòa tháp đôi Twins Tower – trụ sở làm việc của Tập đoàn Petronas tại Malaysia

Trải qua gần 40 năm hoạt động, Petronas đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia với hơn 400 công ty con và công ty liên doanh. Năm 2008, Petronas đã vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất thế giới (Fortune Global 500). Tập đoàn khổng lồ này hiện đang đóng góp một nửa nguồn thu ngân sách của Malaysia.

Triển khai chiến lược trên, Petronas đã tham gia một dự án trị giá 5 tỉ USD để khai thác các mỏ khí đốt nằm ở khu vực ngoài khơi phía đông. Dự án “Lưu vực Bắc Malay” dự kiến khai thác dầu khí từ 9 mỏ nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước. Một đường ống dẫn dài 200km cũng sẽ được lắp đặt để vận chuyển khí đốt và sẽ được đưa vào sử dụng bắt đầu từ năm 2013. Theo thông báo của Công ty Petronas, mỏ khí đốt trên khi được đưa vào hoạt động, dự kiến có thể cung cấp sản lượng lên tới 100 triệu khối khí đốt tiêu chuẩn mỗi ngày và có thể tăng lên tới 250 triệu khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày trong năm 2015.

Hoạt động khai thác và xuất khẩu các sản phẩm từ khí đốt của Malaysia là một trong những mũi nhọn kinh tế của nước này. Trong năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu từ khí đốt lên tới 23 tỉ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc.

Hoạt động thăm dò, khai thác và phát triển dầu khí của Tập đoàn Petronas đã được mở rộng ở 31 quốc gia trên thế giới. Lợi nhuận ròng tính riêng trong quý II/2011 đã tăng 54,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm vừa qua giá dầu thô quốc tế tăng cao và nền kinh tế của Malaysia nói riêng cũng như toàn cầu nói chung gặp rất nhiều khó khăn.

Trong năm 2011, Petronas đã đầu tư 20 tỉ USD cho việc phát triển một dự án lọc hóa dầu dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là một trong những hướng đầu tư cho việc phát triển công nghệ nhằm đa dạng hóa nguồn sản phẩm giá trị gia tăng từ khí đốt hướng tới xuất khẩu.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết, dự án sẽ gồm nhà máy lọc dầu, khu tách naphtha và một tổ hợp sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Công suất nhà máy lọc dầu dự kiến đạt 300.000 thùng mỗi ngày, với các sản phẩm chủ yếu là xăng, nhiên liệu máy bay, diesel và một số loại dầu nhờn khác. Cam kết đầu tư này là động thái cho thấy tham vọng của Petronas trong việc nắm bắt các cơ hội trên thị trường năng lượng và hóa dầu ở châu Á.

Song song với việc xuất khẩu nguồn khí đốt cũng như các sản phẩm giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên này, Petronas cũng không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh dưới hình thức sáp nhập, mua lại cổ phần từ các công ty nước ngoài.

Tháng 9/2010, Công ty Dầu khí BP (Anh) đã đồng ý bán một số tài sản năng lượng cho Petronas với giá khoảng 363 triệu USD. Trước đó, tập đoàn dầu khí lớn nhất Malaysia cũng đã tiến hành một thương vụ khác ở Việt Nam với việc mua lại 28,83% vốn góp của Công ty Khí Việt Nam (PVGas) tại Công ty TNHH Khí hóa lỏng Thăng Long. Thương vụ này đã tạo điều kiện cho Petronas tăng cường cung cấp khí hóa lỏng tại Việt Nam – nơi được coi là thị trường đầy tiềm năng cho mặt hàng này. Petronas là đối tác truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam từ năm 1991. Với việc triển khai thành công các hoạt động dầu khí tại PSC lô 01&02 – lô hợp đồng dầu khí đầu tiên của Petronas tại nước ngoài, đến nay, Petronas đang có quyền lợi tham gia trong các hợp đồng dầu khí lô 10&11.1; 46-Cái Nước, 46/02, 01/97&02/97, 102&106, 122 và 103&107, trong đó có những dự án đang trong giai đoạn khai thác. Ngoài ra, Petronas còn tham gia trong các dự án khâu sau tại Việt Nam.

…Và Bắc Mỹ tiến

Trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ thế giới đang biến động từng ngày, đặc biệt sau khi Mỹ và các nước liên minh châu Âu (EU) tuyên bố lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Iran thì việc tìm kiếm và mở rộng thị trường nguồn cung mới trở thành vấn đề cấp thiết của các hãng dầu khí lớn. Trong số đó “đại gia” Petronas cũng không phải là ngoại lệ.

Để bù đắp khoản thiếu hụt này, “gã khổng lồ” Petronas đã cùng với 3 tập đoàn dầu khí hùng mạnh khác của châu Á là Petrochia, Mitsubishi Corp và Cnooc Ltd tham gia vào một kế hoạch thu mua mỏ khí đốt ở Canada trị giá 5 tỉ USD. Giới chuyên gia cho rằng, nếu thành công trong thương vụ này, Petronas đã có được lợi nhuận béo bở trong việc mua được một nguồn khí đốt chỉ với giá thấp hơn 15% so với giá chuẩn tại châu Á.

Canada nói riêng và Bắc Mỹ nói chung đang trở thành thị trường mới đầy hấp dẫn đối với các hãng khí đốt châu Á. Giám đốc điều hành Petronas cho biết, các nước này đang là môi trường khai thác an toàn vì không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro như ở những quốc gia Trung Đông. Các hãng khí đốt châu Á đã bắt đầu “để ý” tới Canada từ năm 2009 với hàng loạt những thương vụ mua bán, sáp nhập.

Giá cả nguồn khí đốt tự nhiên ở Bắc Mỹ thực tế thấp hơn nhiều so với mức giá ở châu Á. Petronas đã nhanh nhạy nhận ra sự thu hút đặc biệt này. Vào thời điểm tháng 6/2011 tập đoàn này đã đồng ý trả cho nhà sản xuất khí đốt tự nhiên Canada (PRQ) số tiền trị giá 1,7 tỉ USD. Với số tiền trên, Petronas đã chiếm 50% cổ phần trong việc phát triển 3 lĩnh vực sản xuất khí đốt ở nước này. Không dừng lại ở đó, Petronas còn dự kiến sẽ sở hữu 80% cổ phần dưới hình thức liên doanh với một số tập đoàn của Canada.

Giám đốc điều hành, ông Shamsul Azhar Abbas cho biết, tháng 8 tới tập đoàn sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi trong việc xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng tự nhiên trên bờ biển phía tây Canada.

Chiến lược tìm kiếm thị trường mới của các “đại gia” dầu khí trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại “điểm nóng” Trung Đông đã làm dấy lên kỳ vọng về một viễn cảnh bình ổn lâu dài của thị trường này trong thời gian tới.

Quỳnh Thái (tổng hợp theo Bloomberg)