Paris - Hà Nội, đối mặt ô nhiễm thế nào?

16:57 | 11/10/2019

545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hiện nay, việc quản lý ô nhiễm không khí đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các đô thị. Vậy Hà Nội có thể học tập được gì từ cách làm của Paris?

Thành phố Paris là thành phố đông dân nhất châu Âu và là một trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới, với 2,2 triệu dân trên 100 km² trong khu vực đô thị có 11 triệu dân. Người dân Paris rất quan tâm tới chất lượng không khí, đặc biệt là chất lượng không khí ngoài trời, do giao thông đường bộ và hệ thống sưởi nhà ở.

paris ha noi doi mat o nhiem the nao
Người dân ngày càng quan ngại với tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Trong 20 năm qua, Paris đã theo đuổi một chính sách môi trường đầy tham vọng nhằm đáp ứng kỳ vọng cao của người dân: Năm 2004, Hội đồng Paris đã thông qua bản Kế hoạch khí hậu lần đầu tiên. Và sau một loạt các buổi tham vấn bền bỉ, năm 2018, bản Kế hoạch đã được Hội đồng nhất trí đặt ra mục tiêu mới cho vùng thành phố Paris cho năm 2024 - năm của Thế vận hội Olympic và 2030. Bản kế hoạch đưa ra đề cập đến các hành động cấp thiết vì lợi ích của người đi bộ, người đi xe đạp và giao thông công cộng và đặc biệt, trong năm 2017, vùng phát thải thấp (French Low Emission Zone) đầu tiên của Pháp đã được thành lập.

Tuy nhiên, thành phố Paris vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn (PM2.5) là lò sưởi mở vẫn chưa được giải quyết triệt để và nhận thức của người dân về vấn đề chất lượng không khí trong nhà vẫn cần phải được thay đổi. Thành phố Paris có kế hoạch phát triển các nghiên cứu có sự tham gia, thông qua việc sử dụng các cảm biến chi phí thấp để biết rõ hơn về việc sử dụng lò sưởi và thu thập ý kiến công chúng, tạo ra một kênh giao tiếp hiệu quả giữa chính phủ và người dân.

Trong một bối cảnh khác, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Hà Nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt của Việt Nam gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành với dân số hơn 8 triệu người (năm 2019). Việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa đã khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ giữa tháng 9 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn ở mức thấp, liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015 đến 2018. Ngày 2/10/2019, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Hà Nội, TP HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí "không để người dân kêu ca mà không đề ra giải pháp hữu hiệu".

Từ trước tới nay, các tổ chức tại Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức phi chính phủ như Live&Learn, GIZ...) đã và đang thực hiện một số giải pháp: Lắp đặt thêm các trạm cảm biến quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội; hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; hạn chế đốt rơm rạ; xây dựng các đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo; các chương trình truyền thông - giáo dục tại trường học - cộng đồng nhằm giúp công chúng hiểu rõ về chất lượng không khí và các hành động cần thiết...

Vậy chúng ta - những người dân làm thế nào để hiểu và chủ động tham gia vào công tác bảo vệ bầu không khí chung của Hà Nội? Và những bài học chia sẻ và trao đổi của thành phố Paris trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí mang lại cho Hà Nội những kinh nghiệm gì trong khi quản lý chất lượng không khí luôn cần tới một cách tiếp cận cụ thể, tính tới yếu tố mật độ cao và quản trị đô thị phức tạp như ở Paris và Hà Nội?

Nhằm làm rõ vấn đề này, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng cùng Công ty CP Văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức Buổi tọa đàm “Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí” vào 14h ngày thứ Bảy 12/10/2019 tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Buổi tọa đàm là nơi gặp gỡ giữa hai câu chuyện về hai thành phố ở hai châu lục cách xa nhau: câu chuyện về vấn đề ô nhiễm không khí và những nỗ lực thay đổi của thành phố Paris trong 20 năm qua sẽ gặp gỡ câu chuyện ô nhiễm hiện tại của Hà Nội. Sự vào cuộc của cả hai thành phố trong hai câu chuyện này như thế nào cũng sẽ được đề cập tại tọa đàm. Đồng thời, thông qua hoạt động tương tác lồng ghép, các diễn giả và người tham dự sẽ cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe và hiểu đúng về ô nhiễm không khí, cũng như các giải pháp mà mỗi cá nhân có thể thực hiện.

Chương trình cũng tạo ra một không gian để người tham dự có thể chia sẻ về các ý kiến và kỳ vọng đóng góp tiếng nói, hành động của mình, hướng tới một bầu không khí trong lành và một thành phố đáng sống.

Diễn giả trong buổi tọa đàm, bà Karine LEGER - Giám đốc của Airparif - Mạng lưới quản lý chất lượng không khí Paris đã có 20 năm kinh nghiệm là kỹ sư nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực ô nhiễm không khí trong các dự án quốc tế về truyền thông, phát triển quan hệ đối tác, sáng tạo. Bà từng là trưởng phòng quan hệ quốc tế và truyền thông trước khi trở thành giám đốc của Airparif vào năm 2018. Bà tham gia vào các nhóm nghiên cứu đưa ra các kịch bản ô nhiễm dự đoán và hỗ trợ chính quyền đưa ra các quyết sách. Đồng thời, bà cũng quản lý và phát triển các dự án quốc tế với đối tác của Airparif tại nước ngoài, ví dụ như Trung tâm Giám sát môi trường Bắc Kinh, Ủy ban kiểm soát chất lượng không khí Teheran hay chính quyền thành phố Hà Nội.

Một diễn giả khác là ông Olivier Chrétien - Trưởng phòng Tác động môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô Thị thành phố Paris. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu và là chuyên gia trong lĩnh vực ô nhiễm không khí, tiếng ồn, đất và sóng điện từ. Ông tham gia vào việc phát triển các chiến lược môi trường của thành phố thông qua các bản kế hoạch hành động môi trường (khí hậu, không khí, năng lượng, tiếng ồn) và là cố vấn kỹ thuật cho các dự án về ô nhiễm đô thị của thành phố. Ông cũng tham gia phát triển các công cụ sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm và nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề môi trường.

Ông Trần Huy Ánh - diễn giả Việt Nam trong tọa đàm - hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam từ năm 1993. Ông đã tham gia dự án phát triển nhà ở và công trình công cộng Hà Nội tại các đơn vị quản lý và xây lắp thuộc Sở Nhà đất Hà Nội. Ngoài ra, ông còn là thành viên và từng tham gia rất nhiều Hội nghị quốc tế về sự phát triển của thành phố gắn liền với con người và sinh môi như: Thành phố thân thiện với người cao tuổi tại Ailen, hành động toàn cầu về môi trường tại Thụy Điển, thành phố không khói xe tại Nhật, cộng đồng bảo vệ môi trường tại Philippines, diễn đàn đô thị thế giới lần thứ 9 tại Malaysia, không khí sạch - thành phố xanh ở HongKong, chợ công cộng tại Anh, đô thị và nông thôn xanh tại Hàn Quốc. Hiện nay đang tham gia chương trình Đường đi bộ an toàn tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - một gương mặt nổi bật trong những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam, là đạo diễn và biên kịch của "Đập cánh giữa không trung" - bộ phim Việt Nam gây tiếng vang ở nhiều liên hoan phim quốc tế cũng tham gia buổi tọa đàm. Chị còn là một người Hà Nội mang rất nhiều trăn trở vùng đất này, từ những vấn đề văn hóa đến môi trường. Chị vinh dự nhận tước hiệu Hiệp sĩ văn chương nghệ thuật của Bộ Văn hóa Pháp, do bà Frédérique Bredin, Chủ tịch cơ quan quốc gia về điện ảnh Pháp CNC thay mặt Bộ trưởng trao tặng.

Việt Châu