Nước mắt của một người chuyển giới

07:19 | 21/07/2015

2,796 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đêm về, Dũng thường hay giật mình khóc tức tưởi… Những vết cắn người ta gây ra trên cơ thể, làm cơ thể vấy bẩn, ghê tởm. Cả những vết thương Dũng tự làm đau mình, để nỗi đau trên da thịt có thể lấp đầy phần nào những nỗi đau trong tim khiến cho cậu uất nghẹn…

Chuyện đời giông bão của cô gái chuyển giới được công nhận đầu tiên tại Việt Nam

Chuyện đời giông bão của cô gái chuyển giới được công nhận đầu tiên tại Việt Nam

Không quá nổi bật nhưng mặn mà và đầy nữ tính. Ít ai biết rằng cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước từng là đàn ông 100% với cái tên khai sinh Phạm Văn Hiệp.

Tôi là ai?

Dũng gửi thư cho tôi, chính xác hơn đó là những lời tâm sự đầy máu và nước mắt của một người chuyển giới. Phải xưng hô với Dũng thế nào bây giờ? Là con trai nhưng mang hình hài con gái. Dũng bảo tôi: “Gọi thế nào cũng được, giờ đã không quan trọng nữa rồi”. Dũng muốn giãi bày, trút bỏ hết mặc cảm cơ thể và tha thứ cho sự nhào nặn của tạo hóa.

Huỳnh Chí Dũng (25 tuổi) trong gia đình đông anh chị em tại Bến Tre. Lúc nhỏ, Dũng xinh và dễ thương. Đến tuổi đi học, Dũng hay mang theo búp bê vào lớp, thích chơi với các bạn nữ. Bạn bè trong lớp thường hay trêu chọc Dũng là: “Đồ pê đê”. Lúc đó, Dũng còn ngây ngô, chưa hiểu pê đê là gì, chỉ biết bạn bè nắm tóc, tụt quần, trêu chọc thì buồn và khóc vậy thôi.

Lên phổ thông, Dũng cũng chưa biết đến kiến thức gì về giới tính. Ở trường, Dũng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Mỗi khi đếm số học sinh nam và học sinh nữ, nhiều bạn nói Dũng là nữ, nhiều bạn khác thì nói là pê đê chứ không phải con trai.

Bạn bè xả đầy rác thối vào ngăn bàn học của Dũng, rồi ném phấn, ném bút, bị dán giấy nhãn ở sau lưng: “Tui biến thái”. Giờ ra chơi, Dũng không dám rời khỏi bàn học, vì sợ bị giấu tập vở. Giờ nghỉ chuyển tiết giữa buổi sáng và buổi trưa Dũng không dám ngủ, vì sợ bị trói vào ghế. Xe đạp Dũng đạp hằng ngày đến trường cũng thường xuyên bị đâm lủng.

Nước mắt của một người chuyển giới
Chí Dũng (bên trái) trong một lần giao lưu cộng đồng người chuyển giới.

Dũng cảm giác rất sợ hãi mỗi ngày đến lớp. Tủi thân, cô độc, nhiều lúc Dũng một mình chạy lên tầng 3 của trường, đứng khóc và tự hỏi: “Mình khác mọi người ở điều gì? Tại sao lại đối xử với mình như vậy?”. Lần đó, một người bạn trong lớp thấy Dũng khóc, đứng ở phía sau và nói với Dũng một câu khiến cậu nhớ mãi: “Nếu Dũng là con gái, mình sẽ yêu Dũng”.

Câu nói đó khiến Dũng trăn trở và bắt đầu suy nghĩ…“Liệu hai người con trai có thể yêu nhau không”? Bản thân Dũng lúc ấy vẫn đang loay hoay câu trả lời: “Tôi là ai?”. Và Dũng cũng không biết cảm giác về tình yêu là gì. Sự việc lên đến đỉnh điểm vào một ngày Dũng đăng ký học thêm lớp vi tính buổi chiều. Vừa tan học, Dũng chạy nhanh đến lớp học vi tính, quần áo xốc xếch, thầy giáo chủ động đến giảng bài lại cho Dũng, bắt đầu hỏi những câu làm quen.

Thầy nắm tay Dũng vuốt ve nói: “Em sao mà giống con gái”. Rồi tự nhiên thầy choàng ôm Dũng vào lòng, bứt hết nút áo trên chiếc sơ mi trắng và thầy bắt đầu quấy rối tình dục… Sự việc đó xảy ra ngay trong giờ lên lớp, trong khi các học sinh khác đang tập trung làm phần bài tập của họ. Dũng như bị một tiếng sét đánh ngang đầu, sợ hãi, không thở nổi, túm lấy cổ áo, vừa khóc vừa chạy ra khỏi lớp, bỏ luôn cả tập vở.

Mẹ mắng Dũng phung phí tiền đăng ký học, lại bỏ học: “Tao đâu phải là cái máy in tiền, sáng tao dậy sớm làm việc, kiếm từng đồng từng cắc cho mày học, người ta coi thường tao, tao cũng cố gắng làm vì chồng vì con…”. Dũng im lặng và khóc. Dũng thật sự rất hoảng loạn. Dũng không biết phải tâm sự với ai, ngày nào cậu cũng nằm mơ thấy ác mộng, cái cảnh thầy giáo rê lưỡi liếm trên cổ, trên ngực, rồi cắn ngấu nghiến vào vai… Suốt mấy tháng học, điểm số của Dũng trong lớp kém đi rất nhiều. Ngày nào cậu cũng mất ngủ, ngủ dậy thì lại bật khóc. Dũng luôn ước có một người bạn thân, hay một ai đó tin tưởng, để có thể lắng nghe tiếng kêu cứu, cho cậu một bàn tay nâng đỡ. Nhưng hoàn toàn không có. Xung quanh Dũng chỉ có bóng tối, sự sợ hãi, cô đơn, sự kỳ thị và câu hỏi lớn: “Tôi là ai?”.

Nước mắt của một người chuyển giới
Chí Dũng luôn muốn người khác gọi mình là Nhã Kỳ.

Một buổi sáng trong năm học mới, cũng là ngày đầu tiên cô T nhận làm chủ nhiệm mới của lớp. Trong giờ học, Dũng chăm chú viết một lá thư tuyệt mệnh và cũng chẳng biết gửi cho ai. Vô tình cô giáo đọc lá thư đó, cuộc đời Dũng như lật sang trang mới. Dũng không kể cho cô nghe bị bạn bè đối xử như thế nào? Không kể cô nghe bị thầy giáo lạm dụng tình dục như thế nào? Nhưng dường như cô có thể cảm nhận được nỗi đau trong lòng và bao dung cho đứa học trò bất hạnh.

Dũng được cô chủ nhiệm tiến cử làm gương mặt học sinh đại diện cho trường Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) trong ngày 20/11 phát biểu cảm nghĩ của học sinh. Một số bạn cùng lớp càng ghét và tẩy chay Dũng nhiều hơn. Họ luôn có suy nghĩ: “Đứa học trò này chỉ là pê đê bệnh hoạn, không xứng đáng được vinh dự đó”. Mặc dù có cô chủ nhiệm chia sẻ, nhưng Dũng luôn đối mặt với cơn ác mộng bị quấy rối tình dục và sự kỳ thị của các bạn cùng lớp.

Dũng không bao giờ nghĩ thời học sinh là thời đẹp nhất của cuộc đời mình. Cậu chỉ thấy máu, nước mắt, và nỗi đau… Không ngày nào cậu không khóc, không ngày nào là Dũng không tự dày vò, đau khổ và dằn vặt. Dũng tự trách bản thân mình, không dám thừa nhận bản thân mình, lo sợ mọi người biết được bí mật của mình. Và Dũng luôn sẵn sàng chuẩn bị cho việc tự sát để được giải thoát khỏi nỗi đau này.

Mong được một lần mặc váy cưới

Tốt nghiệp phổ thông, Dũng lên Sài Gòn một mình. Mỗi ngày ăn một gói mì tôm, lang thang tự tìm công việc để làm, tự tìm nơi để học. Bao nhiêu ngày Dũng không ngủ được vì những gì mà mình đã trải qua, cậu quyết định nói với mẹ sự thật: “Mẹ ơi, có lẽ con yêu đàn ông. Con xin lỗi, con không thể trở thành đứa con trai mà mẹ mong muốn, không thể có vợ, có con cho mẹ ẵm bồng”… Dũng khóc và viết hàng ngàn lần dòng chữ “con xin lỗi” kín mấy đôi giấy vở học sinh.

Mẹ nói: “Tao sinh ra mày là con trai chứ không phải là con gái. Ở Sài Gòn mày sống như thế nào cũng được, nhưng về đây mày đừng để cho ai biết, tao không muốn người ta nói tao vô phước… Mày mà mặc đồ con gái, tao tống cổ mày ra đường, đừng có hòng mà quay về nhà nữa”. Mỗi lần về thăm nhà, Dũng vẫn luôn bị kỳ thị, mọi người mang giới tính cậu ra để giễu cợt. Dũng bị phân biệt đối xử, không cho ngồi chung bàn, phải ăn riêng, uống riêng, bị đối xử giống như một người mang bệnh truyền nhiễm.

Có lần mẹ đánh vào tay em gái, vì em gái cầm ly của Dũng uống nước: “Mày có biết thằng Dũng bệnh hoạn không mà dám lấy cái ly nó uống?”. Những mảnh vỡ thủy tinh chạm đất vỡ tung lên cắt sâu vào trong tim Dũng, đau nhói. Phải mất 10 năm, mẹ mới hiểu, suy nghĩ khác đi và bắt đầu quan tâm đến đứa con “bệnh hoạn”. Tuy nhiên, lời động viên của mẹ vẫn không xoa dịu được nỗi đau trong Dũng, cậu vẫn lặng lẽ, cô đơn giữa thành phố.

Dũng mua một vỉ thuốc ngủ, một chai nước lọc và tuôn hết vào miệng. Dũng tưởng mình sẽ chết, nhưng thật ra là tệ hơn cả chết. Đôi mắt Dũng mở to hết cỡ nhìn lên trần nhà. Hai tay, hai chân cứ như bị dán chặt xuống sàn nhà, mất hết sức lực, không thể cử động. Đầu óc cậu vẫn tỉnh táo và nước mắt tiếp tục lăn dài. Những hình ảnh bị tổn thương cứ như những đoạn phim lặp đi lặp lại trong đầu. Đau đớn, đắng nghét…

Nước mắt của một người chuyển giới
Chí Dũng ngày chưa công khai giới tính.
Giá như cứ mặc kệ tạo hóa, sống gian dối trong lớp vỏ bọc là thằng đàn ông đúng nghĩa, Dũng đã có cuộc sống rộng mở ở Sài Gòn. Nhưng Dũng đã đánh đổi tất cả để được là chính mình. Dũng phải cắn răng bơm chích hóc môn, đau tê tái về thể xác. Nhưng điều đó chưa khủng khiếp bằng ánh mắt dè bỉu, coi khinh của những người bình thường. “Em không biết em đã nằm như chết trong phòng bao lâu. Nhưng em nhớ ngày hôm sau là ngày sinh nhật em, ngày 25/10, cũng là ngày trường báo tin em đậu thủ khoa học kỳ I, được một phần học bổng khá lớn. Điều đó giống như một ngọn lửa tiếp tục giúp em đốt cháy cuộc sống của mình”, Dũng chia sẻ.

Từ ngày công khai là người chuyển giới, công việc của Dũng ít hơn, bị trêu cợt nhiều hơn. Có công ty sự kiện họ đặt hàng diễn đơn múa một tiết mục mặc đồ phụ nữ, nhưng thái độ của họ là muốn Dũng dùng hình ảnh của người chuyển giới để câu khách, mua vui. Dũng nhận ra ánh mắt kỳ thị, mỉa mai, coi thường của họ và thà chết đói chứ không làm trò cười.

Hiện Dũng đã tạm bỏ Sài Gòn, về Bến Tre phát triển bản thân. Dũng lập nhóm Cocoboy (công tác xã hội tình nguyện), kết nối những người cùng cảnh ngộ, chia sẻ cô đơn để hòa nhập cộng đồng. Công việc hiện giờ của Dũng là một diễn viên múa tự do. Dũng thường đi diễn vào ngày thứ bảy, chủ nhật tại các nhà hàng tiệc cưới hoặc sự kiện.

Được đi chúc phúc cho những người yêu nhau, tìm thấy nhau và cưới nhau, Dũng thấy rất thích thú. Trong nhiều lần như thế, Dũng thầm ước mình được mặc áo cưới một lần.

Cảnh sát toàn cầu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc