NSƯT Quang Hưng: Ca sĩ của dấu ấn lịch sử

09:42 | 23/01/2014

2,973 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không kịp đợi mùa xuân Giáp Ngọ tràn về, NSƯT Quang Hưng đã trở về với tổ tiên. Trong lòng tôi miên man nghĩ về một trong những giọng ca lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Tiếc là chưa một lần được gặp NSƯT Quang Hưng ở ngoài đời, nhưng giọng hát và danh tiếng của ông thì đã quen với chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên sau khi đất nước đã thống nhất. Biết và yêu mến ông qua những lời kể của bố tôi - một giọng ca phong trào của tỉnh Hà Bắc trước đây rất yêu mến ông - và qua những bài hát do ông thể hiện được phát qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cố NSƯT Quang Hưng

Cũng như một cái duyên, còn nhớ đầu những năm 2000 khi tôi phụ trách chương trình Ca nhạc theo yêu cầu của Đài Truyền hình Bắc Ninh, trong vô số những lá thư gửi về chương trình dù chủ yếu là nhạc trẻ, nhưng cũng có không ít lời tâm sự dài tới cả trang giấy phê-đúp kèm theo lời yêu cầu được nghe bài “Anh quân bưu vui tính” (Đàm Thanh) qua giọng hát của NSƯT Quang Hưng. Trong tâm trạng đầy sự thú vị và háo hức, tôi đã sưu tầm bằng được clip hình ảnh giọng ca gạo cội ấy thể hiện ca khúc này để phục vụ khán giả. Các cụ ta có câu “thầy đàn già, con hát trẻ”, điều này hình như chẳng đúng với ông. Hình ảnh trong clip là một ông già hom hem mặc quần áo bộ đội đầu đội mũ tai bèo nhưng lạ sao có một sự duyên dáng rất đáng yêu hút mắt người xem. Và cả giọng hát nữa, cho dù đã có những dấu ấn của tuổi tác nhưng vẫn hết sức hóm hỉnh, vui tính và cảm nhận được sự trẻ trung trong tâm hồn.

Hát như NSƯT Quang Hưng thì ai dám bảo những ca khúc ra đời từ thời chiến đấu bảo vệ tổ quốc là không còn phù hợp với thời đại và lớp khán giả sinh ra sau chiến tranh? Nhưng tất nhiên, nói đến NSƯT Quang Hưng thì phải nhắc tới sự nghiệp ca hát đáng nể của ông trải dài trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và vĩ đại của dân tộc.

Quang Hưng sinh năm 1934, gia đình ông sống ở Hà Nội. Chính thời điểm ấy đã có tác động lớn đến thế giới quan của nghệ sĩ, tư tưởng và sự khát khao đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc đã lớn dần theo tuổi thơ của ông. Những ngày Hà Nội mùa đông năm 1946, toàn thành phố gồng mình trong 60 ngày đêm đánh đuổi quân viễn chinh cướp nước, cũng là lúc ghi dấu sự xuất hiện của một giọng ca lớn của đất nước sau này, lúc bấy giờ  mới chỉ là cậu bé 13 tính theo tuổi ta, một giọng hát trong trẻo mà kiên cường với những giai điệu của “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Cảm tử quân” (Hoàng Quý), “Du kích ca” (Đỗ Nhuận).

Sau đó rời Hà Nội, Quang Hưng đã dành trọn 9 năm theo kháng chiến trường kỳ để rồi cùng góp lời ca tiếng hát là nguồn động viên tinh thần cho quân và dân ta tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và cùng đoàn quân tiến về Hà Nội những ngày 10/10/1954 thiêng liêng của dân tộc. Về đầu quân tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, năm 1957 ông được cử sang Liên Xô tham dự Liên hoan Thanh niên thế giới lần thứ 6 tại Moskva, sau đó ông tiếp tục được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky.

Trong cuộc đời ca hát, có lẽ kỷ niệm mà NSƯT Quang Hưng coi như một vinh dự lớn nhất mình có được đó chính là giọng hát của ông với những giai điệu hừng hực ngọn lửa yêu nước và khát khao chiến thắng thống nhất đất nước trong ca khúc “Tiến về Sài Gòn” được vang lên trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn ngay sau khi quân ta chiếm được đài phát thanh.

Ông từng chia sẻ: Trưa ngày 30/4/1975 ông đang chăm chú theo dõi Đài Phát thanh Sài Gòn, bỗng vào lúc 12h15 đài im bặt rồi tiếng nhạc vang lên, giọng hát ông vút bay cao lan tỏa khắp đất trời Sài Gòn. Non sông đã thu về một mối. Tim ông thắt lại, ông khóc. Và như thế, giọng hát của ông đã gắn liền với thời điểm lịch sử vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc thế kỷ 20.

Thực ra, ca khúc ấy đã được Quang Hưng thu từ chừng 7 năm trước đó. Năm 1968 chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, dịp đó nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ra Hà Nội công tác đã đưa cho Quang Hưng ca khúc “Tiến về Sài Gòn” và đề nghị thu 2 lần, một theo giọng Bắc và một theo giọng Nam. Ngay sau đó, một băng được nhạc sĩ trao cho các chiến sĩ có nhiệm vụ chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn nhưng trận chiến đó đã không thành, các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Còn một băng nhạc sĩ giữ theo bên mình và nó đã được sử dụng đúng thời điểm lịch sử 30/4/1975.

Tên tuổi và sự nghiệp ca hát của NSƯT Quang Hưng còn gắn với thành công vang dội khi ông thể hiện ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” (nhạc: Ewan MacColl - lời Việt: Phú Ân). Một buổi trưa cuối năm, có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Phú Ân, ông chia sẻ ca khúc này đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ thì chừng ấy thời gian gắn với tên tuổi của NSƯT Quang Hưng. Chính ông đã mang theo ca khúc này giới thiệu tới bè bạn trên khắp thế giới. Hơn một năm trước, NSƯT Quang Hưng đã thể hiện lại ca khúc này với phần nhạc đệm bằng ghi-ta gỗ do chính nhạc sĩ Phú Ân đảm nhiệm đã được phát sóng trên VTV. Cũng qua câu chuyện, mới biết ông lâu nay đang bệnh, vừa mới ra viện được chưa đầy một tháng. Định bụng mấy chú cháu sẽ rẽ qua thăm ông nhân dịp Tết Nguyên đán.

Ấy vậy mà Tết chưa về thì ông đã đi xa. Dẫu thế, tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ sống mãi với lịch sử âm nhạc Việt Nam. Không quá khi nói ông là ca sĩ của dấu ấn lịch sử dân tộc.

Nguyễn Quang Long

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.