NSND Trung Kiên: “Âm nhạc hoang dã sẽ sinh ra một xã hội hoang dã”

07:41 | 18/06/2013

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước băn khoăn nền nhạc Việt đang đi lệch thẩm mỹ âm nhạc, NSND Trung Kiên cho rằng: “Người nghệ sỹ có đạo đức là phải biết lựa chọn ca khúc để trình diễn. Vì mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nếu chọn những thứ âm nhạc hoang dã, thì sẽ chỉ sản sinh ra một xã hội hoang dã mà thôi”.

- Là một nghệ sỹ qua bao nhiêu năm gắn bó với sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, để nói một điều tiên trước về nền âm nhạc hiện tại, ông muốn nói điều gì?

- Có nhiều điều tôi muốn nói, nhưng đã nói nhiều rồi, không thấy có thay đổi mấy. Ở Việt Nam mình có những vấn đề hết sức to lớn, nhưng không mấy ai quan tâm, trừ những người hành nghề thì chính họ phải quan tâm đến nghề của họ là lẽ đương nhiên. Tôi cho rằng, bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, điều cần đầu tư trước hết là đầu tư vào con người. Trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, không đầu tư vào con người là chết. Đầu tư không phải bằng cách sắp thức ăn cho người ta ăn, mà phải quan tâm đến sự phát triển của họ. Trong âm nhạc, nếu không kịp thời thì chỉ 5-10 năm nữa thôi, người có trình độ thực thụ rồi cũng qua đi, lớp trẻ thì ngoi ngóp, thiếu niềm tin vào sự nghiệp...Như vậy thì thử hỏi, âm nhạc sẽ còn lại gì?

Không đầu tư vào con người là chết

- Nghĩa là theo ông, chúng ta chưa biết chú trọng đầu tư vào con người?

- Theo tôi là chưa đầu tư một cách thỏa đáng. Chỉ nói riêng về lĩnh vực âm nhạc bác học, hàn lâm...để thành danh thì người nghệ sỹ phải lao động vô cùng cật lực, vì thế mà phải trải qua muôn vàn khó khăn. Đơn cử một việc thế này, một người theo học đàn piano, phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài. Xét trên một lớp học, độ tuổi học sinh thì số lượng tham gia đông, phần này học do yêu thích một phần nhưng đa phần gia đình muốn quản lý con cái mình bằng cách lấp thời gian. Lớn hơn một chút sẽ có sự phân loại dần, đến lớn hơn vào ĐH thì số lượng lại càng ít đi. Những người theo đến cùng nếu thực sự xuất sắc sẽ có thiên hướng ra nước ngoài học, còn lại đến khi tốt nghiệp, thì chỉ còn một vài người...mà những người này thì chưa thực xuất sắc.

Thế nên, trong nước tồn tại một hình chóp về cả số lượng lẫn chất lượng. Nói vậy để thấy rằng, học nhiều đào tạo nhiều nhưng đi đến cuối con đường là rất ít, rằng nghệ sỹ theo nghệ thuật chính thống là vô cùng vất vả... Nên nhà nước phải có được chính sách đãi ngộ cho họ xứng đáng.

Tôi đã có cuộc khảo sát thực tế các nước trên thế giới thì ngay cả các nước có nghệ thuật truyền thống phát triển như nước Ý chẳng hạn, nghệ sỹ họ cũng không thể tự sống bằng bán vé được, mà họ phải dựa vào bàn tay tài trợ của nhà nước hoặc đơn vị tài trợ tư nhân thông qua nhà nước. Các cụ cũng có câu rồi: Có thực mới vực được đạo, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến đời sống nghệ sỹ thì họ mới toàn tâm, toàn ý với nghề được.

- Vậy xem ra học được đã khó, sống được bằng nghề còn khó hơn nhiều?

- Bây giờ âm nhạc chuyên nghiệp hay bị lấn át bởi nền âm nhạc giải trí, hơn nữa các chương trình đậm chất giải trí chiếm sóng truyền hình quá nhiều. Tôi không cho đó là con đường lâu dài. Nền nghệ thuật giải trí tôi cho không phải là xấu, vì nếu làm tốt thì như cầu giải trí lành mạnh của giới trẻ được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, là sự hỗ trợ biểu diễn, giúp nhau cùng đi lên, nghĩa là dòng nhạc chính thống cũng phải được đầu tư và làm những chương trình chất lượng phủ sóng trên truyền hình.

Cứ bảo sao mà nghệ thuật truyền thống nói chung ở nước ta cứ loay hoay mãi không tìm nổi lối thoát. Đó là do hai yếu tố quan trọng nhất là khán giả và tác phẩm, thì đều thiếu ở nghệ thuật truyền thống. Trong khi khán giả không nhiều, tác phẩm mới không có thì làm sao nhạc chính thống chả đi xuống.

Người ca sỹ có đạo đức trước tiên phải biết lựa chọn tác phẩm

- Nhưng hãy làm phép so sánh một chút. Ở đây tôi không phủ nhận những rèn luyện của nền âm nhạc giải trí nhưng rõ ràng trong khi nghệ thuật chính thống rèn luyện rất vất vả hơn nhưng thu nhập lại thấp hơn nhiều so với nghệ sỹ theo dòng nhạc giải trí?.

- Đừng bao giờ so sánh như thế bởi một cái đi theo con đường dài, còn cái kia là gì thì tôi cũng không dám chắc. Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ việc gì cũng cần phải có chuyên môn vững vàng thì anh mới đi dài hơi được. Nếu anh chỉ xuất hiện trong một vài chương trình rồi anh thản nhiên đi làm nghề cũng mang danh này, danh kia thì chỉ mang tính chất thời điểm thôi. Tôi không đánh giá cao, bởi chuyên nghiệp nó khác với nghiệp dư. Nói vậy không phải tôi chê gì các em, bởi để kéo được với khán giả về phía mình không phải là dễ, các em có tài năng bẩm sinh, thiên phú. Nhưng, với cái tài năng đó mà không được rèn rũa thì sẽ mau chóng bị phai mờ. Thử hỏi, làm gì có cái tài năng xuất chúng nào không có đào tạo. Nhất là nghệ thuật nếu nghiêm túc phải đào tạo một thời gian sau sẽ chỉ thành thằng hề.

Đã mang danh ca sỹ thì phải biết những kiến thức cơ bản nhất định, không thể mù mờ trước những nốt nhạc. Mà điều đó thì chỉ có rèn luyện. Nên nếu các em đã có năng khiếu rồi, cứ ... rèn luyện từ từ...các em sẽ chững chạc hơn và đi được dài hơi hơn. Nghệ thuật không thể nóng vội và đừng có ẩu.

- Thế là một người thầy trực tiếp giảng dạy thanh nhạc ở Nhạc viện, ông có sốt ruột cho những lứa học trò của mình không?

- Sốt ruột chứ, nhưng thôi nói chẳng để làm gì. Mà học trò của tôi cũng rất nhiều em ra trường sống khá, đó là chúng cũng biết nắm bắt cơ hội. Tôi tin rằng có căn bản thì không sợ gì cả.

- Trực tiếp giảng dạy, theo sát thế hệ trẻ, ông có đánh giá gì về họ?

- Xét một cách tổng thể thì tôi thấy rằng, lớp trẻ bây giờ thông minh lắm. Thế hệ chúng tôi ngày xưa chắc gì đã bằng. Nhiều cái học trò của tôi nó dám làm, tôi thấy là được, chứ chúng tôi ngày xưa chưa chắc làm được. Nhưng cái thiếu ở đây là chúng thiếu những bàn tay dẫn dắt đến nơi đến chốn. Mà điều này cũng là quan trọng, có khi mang tính quyết định đến tương lai thành bại của một người nghệ sỹ.

- Nhưng chắc chắn điều ông cũng nhận thấy là, đại bộ phận có những nghệ sỹ trẻ hời hợt, mờ nhạt cả trong sáng tác và biểu diễn. Với một đội ngũ tạo ra sản phẩm như thế thì e rằng, nguy cơ lệch lạc thẩm mỹ âm nhạc rất lớn?

- Một trong những đạo đức đầu tiên mà người ca sỹ cần phải học đó là biết chọn lựa tác phẩm để biểu diễn. Không phải tôi thích ca khúc này là tôi chọn, mà cần nhìn nhận đến đối tượng khán giả. Không thể chọn bừa, sáng tác ba lăng nhăng rồi đưa lên phát, điều này rất nguy hiểm.

Với một đội ngũ như thế thì nó đã lệch rồi đó thôi. Quanh quẩn với đề tài tình yêu, mà đúng là tình yêu tuổi trẻ đấy, nhưng viết cũng sáo rỗng không có cảm xúc. Ca sỹ trình diễn thì đau đớn, quằn quại, ăn mặc nham nhở...nhìn rất chán. Đấy tôi cho rằng, các em đang đi lệch, các em nên nhìn rõ tâm thế của mình. Ngày xưa, phần quản lý sáng tác chúng tôi có hội nhạc sỹ, hát là đội phát thanh quản lý. Nhưng bây giờ, quản lý có phần bát nháo quá, cũng khó khăn đấy.

Nên cấp chứng chỉ hành nghề cho các nghệ sỹ

- Bởi vậy mới có việc hiến kế là cấp chứng chỉ hành nghề cho giới nghệ sỹ?

- Tôi thấy việc làm này thiết thực đấy chứ. Cũng như báo chí, công an,... họ hoạt động cũng cần thẻ hành nghề đấy thôi. Theo tôi đó cũng là một cách quản lý hay, nắm chứng chỉ hành nghề, anh bi phạm là tôi cắt cho anh khỏi biểu diễn luôn. Điều đó không có gì khó khăn, mà đó cũng là tôn trọng nghề nghiệp của người nghệ sỹ. Có thẻ tức là tôi đã được công nhận ở một mức độ nhất định, không cho tôi diễn là không được... Vì thế nên chăng là hình thức này tôi nghĩ là cũng khá khả quan.

- Vậy theo ông thì tiêu trí gì nên được đặt lên hàng đầu để cấp thẻ hành nghề?

- Đầu tiên là đạo đức của người nghệ sỹ. Nghề gì cũng cần đạo đức, mà nghệ sỹ lại càng cần hơn, không thể bát nháo được. Tôi có nhớ một câu nói rất hay đại ý rằng: Âm nhạc hoang dã sẽ sinh ra một xã hội hoang dã. Thế nên, để không “hoang dã” thì một người nghệ sỹ trước tiên phải biết lựa chọn sản phẩm sạch và lành mạnh để đem đến cho công chúng của mình. Mình phải là người đầu tiên tự thanh lọc thẩm mỹ âm nhạc, đừng vì một điều gì đó hời hợt mà tra tấn khán giả bằng những sản phẩm rác, như vậy là có lỗi với biết bao con người.

- Thế theo riêng cá nhân nghệ sỹ, ông cho rằng thế nào là thẩm mỹ âm nhạc?

- Thẩm mỹ âm nhạc nó phục vụ cho tư tưởng tân tiến, văn minh của xã hội. Cái gì không phục vụ cho sự phát triển của xã hội thì không phải là nghệ thuật văn minh cũng như tư duy phát triển mà xã hội đang cần.

- Nhưng theo tiêu chí này thì thẩm mỹ âm nhạc đang đáp ứng như cầu giải trí của xã hội đó thôi?

- Giải trí cũng có thẩm mỹ của giải trí. Giải trí hướng con người đến cuộc sống tươi đẹp chứ không phải hướng đến một cuộc sống sa đọa. ...

- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Huyền Anh (Thực hiện)