Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

“Nóng” chuyện đổi đất lấy hạ tầng

08:33 | 31/05/2019

717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Báo cáo giám sát của Quốc hội và kiến nghị của nhiều đại biểu yêu cầu xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013, để hạn chế bất cập và xử lý dứt điểm các vấn đề “nóng” liên quan đến quản lý đất đai tại đô thị, trong đó có những bất cập trong việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Báo cáo của Quốc hội về việc thực hiện các dự án BT cho biết, hiện có 22 tỉnh, thành phố thực hiện các dự án theo hình thức BT. Hầu hết các dự án BT đều chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai, dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề này.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Văn bản luật tạo “kẽ hở” vi phạm

nong chuyen doi dat lay ha tang

Ưu điểm của dự án đầu tư công theo hình thức BT là tạo điều kiện phát triển nhanh hệ thống hạ tầng cả về đời sống xã hội, môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển mà Nhà nước không phải chi ngân sách, mà chi tài sản đất đai. Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức BT là thay vì trả cho nhà đầu tư bằng công trình hạ tầng, bằng tiền thì Nhà nước trả bằng tài sản công. Trên thực tế, những dự án BT giao cho nhà đầu tư thực hiện nơi thì chậm tiến độ, nơi đội vốn, có dự án doanh nghiệp đã nhận quỹ đất đối ứng rồi “mải mê” tiến hành xây dựng, phân lô, bán nền, bỏ quên phần hạ tầng giao cho Nhà nước. Điều này xuất phát từ khung pháp luật về BT còn nhiều bất cập.

Đến nay, dự án BT được quy định ở nhiều văn bản pháp luật nhưng còn nhiều khoảng trống và còn chồng chéo. Cụ thể, trong Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 155 quy định về việc Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư nhưng không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất trả cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Nghị định số 43/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có riêng Điều 54 quy định về đất đai thực hiện dự án BT và BOT, nhưng cũng chỉ quy định về việc Nhà nước giao đất và chuyển giao đất, không có quy định về loại đất và xác định giá trị đất đem đổi lấy hạ tầng.

nong chuyen doi dat lay ha tang

Về nguyên tắc, đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng đã được hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập, lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai công trình xây dựng hạ tầng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án BT. Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ thất thoát tài sản đất đai. Hơn nữa, việc trả đất đai cho nhà đầu tư dự án BT trước khi hoàn thành công trình hạ tầng đặt ra vấn đề quan trọng: Tại sao không đấu giá đất để lấy tiền xây dựng công trình hạ tầng? Đó là “kẽ hở” pháp luật mà Nghị định số 15/2015/NĐ-CP tạo ra.

Tôi đề nghị không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá giá trị công trình của dự án BT. Cần có quy định sử dụng đất ở để trả cho nhà đầu tư hạ tầng phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở cân đối với hạ tầng trong phát triển đô thị. Hơn nữa, mọi dự án theo hình thức đối tác công tư phải được công khai, có sự giám sát của người dân và cơ quan Nhà nước có liên quan. Đây là nguyên tắc cơ bản của một hệ thống quản trị tốt.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): Xác định giá trị sử dụng đất chưa rõ ràng

nong chuyen doi dat lay ha tang

Trong thời gian qua, bên cạnh các dự án BT đã mang lại hiệu quả thực sự phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương, chúng ta phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, dự án BT còn nhiều bất cập. Việc xác định quỹ đất, giá trị sử dụng đất còn chưa rõ ràng về phương pháp và thời điểm xác định dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán.

Các dự án BT thực chất là nhà đầu tư ứng vốn làm hạ tầng và được Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất tương ứng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Để có cái nhìn khách quan, toàn diện, tôi đề nghị cần đánh giá sâu thực trạng việc giao dự án cho nhà đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và việc tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công giám sát có nhiều sai sót gây thất thoát lớn trong quá trình thực hiện các dự án như báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nêu. Khi có đánh giá khách quan, minh bạch thì các giải pháp đưa ra mới bảo đảm tính đồng bộ, khắc phục được hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận): Khó xác định đất sạch và không sạch

nong chuyen doi dat lay ha tang

Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành, tôi nhận thấy ngay cả việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu còn tồn tại những vấn đề chồng chéo về pháp lý. Cụ thể, về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo dự án BT, theo Luật Đấu thầu và Nghị định số 30 quy định, ngoài yếu tố năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, thì việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu dựa trên kết quả đấu thầu công trình chính, không đấu giá quyền sử dụng đất mà thanh toán theo nguyên tắc ngang giá đối với quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư. Từ đó dẫn đến một số bất cập.

Trường hợp quỹ đất là đất sạch, theo tôi, Nhà nước tổ chức bán đấu giá, lập ngân sách, tạo nguồn vốn để đầu tư nhằm bảo đảm hiệu quả, vì thông thường giá đất thông qua đấu giá sẽ cao hơn giá đất do cơ quan nhà nước xác định. Trường hợp quỹ đất sạch giao theo nguyên tắc ngang giá thì không phù hợp với khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 là phải đấu thầu. Còn trường hợp đất phải thanh toán cho nhà đầu tư là đất không sạch thì đây là phương thức mà các địa phương lựa chọn, vì huy động được nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định đất không sạch không phải đấu giá thì tỷ lệ phần trăm không sạch là bao nhiêu lại không rõ. Trường hợp giải phóng mặt bằng chậm, quỹ đất thanh toán của nhà đầu tư kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Có thể nói, thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT hiện nay còn rất nhiều bất cập, nhưng đây là hình thức khả thi nhất nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển hạ tầng.

Minh Loan (ghi)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc