Nỗi khổ của công nhân tại các khu công nghiệp

14:51 | 18/05/2011

1,823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công nhân đang đối diện với hiện thực khá nghiệt ngã, lương thì tăng nhỏ giọt nhưng giá cả thì tăng cao chóng mặt...

Lạm phát và bão giá đang tràn vào mọi ngõ ngách đời sống, dù Chính phủ đã có chính sách bình ổn và trợ giá nhằm giảm bớt khó khăn cho người có thu nhập thấp, trong đó có công nhân (CN), nhưng với mức lương eo hẹp thì đời sống của họ ở các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Khổ trăm bề

Có mặt tại các KCN-KCX ở TP HCM trong những ngày này mới thấu hiểu hết tình cảnh của CN. Sau giờ tan ca, CN KCX Tân Thuận đổ về chợ tạm Bùi Văn Ba mua thức ăn. Chị Hồ Thanh Hương, CN Công ty Nidec Copal, KCX Tân Thuận cho biết: “Hơn 10 năm trước đây, lương CN hơn 1 triệu đ/tháng nhưng 1 bó rau muống chỉ có 1.000 – 2.000 đồng, giờ lương hơn 2 triệu nhưng cầm 1.000đ ra chợ mua hành lá người ta còn không muốn bán”. Chị tâm sự: “Giá càng tăng cao bao nhiêu, CN càng khổ bấy nhiêu. Giá tăng 10 đồng trong khi đó lương vẫn giậm chân tại chỗ hoặc họa may tăng thêm được 1 đồng. Làm tăng ca hết cỡ, lương của CN cũng chỉ ở mức 2,2-2,5 triệu đồng mà giá cả thì tăng hằng ngày”.

Căn phòng trọ tạm bợ của công nhân

Còn anh Quy, có thâm niên làm CN ở KCX này hơn 8 năm không chỉ lo cho mình mà còn vợ và đứa con vừa tròn 3 tháng tuổi. Anh cho biết: “Lương CN hiện nay của tất cả các KCN- KCX đều tăng nhưng không đáng là bao. Họ tăng một nhưng đòi hỏi mình phải bỏ sức gấp đôi. Ở nhiều nơi số lượng sản phẩm tăng lên gấp rưỡi, nhưng số lượng CN không tăng và có khi công ty còn giảm bớt nhân sự”. Và “nhiều khi công ty chỉ tăng thêm hoặc thưởng thêm 50 ngàn đến 100 ngàn đồng cho một người mà nhiều CN khi đi làm cứ bàn tán xôn xao, mừng rỡ”.

Chị Trang, quê ở Bạc Liêu, làm ở KCX Tân Thuận thì có nỗi niềm riêng khó tỏ bày: “Từ ngày giá cả leo thang, những cuộc hẹn hò giữa em và người yêu cứ thưa dần chị ạ. Vào quán một ly nước cũng tăng từ 5.000–15.000đ, như nước mía quán cóc, hồi trước có 1.500-2.000đ/ly giờ cũng tăng lên 4.000-5.000đ/ ly”.

Lương thấp, phải tăng ca, mỗi tháng, CN thường tăng ca hai tuần nhưng ai không đi làm đủ thì cuối tháng mất gần cả triệu tiền thưởng. Nhiều CN than phiền: Tiền lương chỉ đủ gối đầu cho cuộc sống, tháng này nợ, tháng sau lại trả, giờ lại thêm giá cả leo thang chóng mặt, cứ như thế biết chừng nào mới khá…

Như vậy, CN đang đối diện với hiện thực khá nghiệt ngã, lương thì tăng nhỏ giọt nhưng giá cả thì tăng cao chóng mặt; từ tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền lương thực – thực phẩm, tiền học phí cho con cái…

Mâu thuẫn lao động nảy sinh

Vấn đề tiền lương, đời sống và điều kiện làm việc của CN quá thấp là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh và dẫn đến việc CN đình công, lãn công. Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các KCX–KCN TP HCM: “Lương CN ở nước ta gần như thấp nhất thế giới. Ngoài ra, tại nhiều doanh nghiệp, bữa ăn của công nhân rất đạm bạc. Vẫn còn tồn tại các doanh nghiệp suất ăn cho CN chỉ trị giá 10.000đ. Trong suất ăn 10.000đ thì người lao động hưởng thực tế chỉ từ 7.500–7.700đ vì phải trừ tiền thuế, nhân công, lãi cho bếp ăn…”. Một bữa ăn chưa bằng giá của một ổ bánh mì hiện nay thì làm sao có thể đảm bảo có được bữa ăn chất lượng, đủ dinh dưỡng để CN có sức làm việc. Anh Quy – CN KCX Tân Thuận cho biết thêm: “Hiện nay đang trượt giá nhưng tiền bữa ăn không hề tăng”. Bình quân suất ăn trưa của CN là 11.000-12.000đ, với giá tiền như thế, nhẩm tính so với giá thịt 90.000đ/kg bây giờ thì chắc chắn chất lượng bữa ăn rất thấp.

Khu nhà trọ trong ngõ sâu của công nhân

Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều than thiếu lao động nhưng thực tế là người lao động chê việc vì thu nhập thấp, điều kiện làm việc không hấp dẫn. Do đó, CN hiện nay thường đổ về các tỉnh để làm vì làm KCN ở tỉnh, lương cũng tương đương trong khi đời sống, giá cả thấp hơn nên dễ sống hoặc nhiều CN chuyển sang làm công việc khác thu nhập cao hơn như đi phụ hồ cũng được 80.000–100.000đ/ngày; người có học hành khá hơn thì đi bán hàng, thu nhập cũng hơn 2 triệu/ tháng mà công việc cũng nhẹ nhàng, thoải mái hơn; và có người thì quay về quê tiếp tục làm nông dân.

Do không xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động nên tình trạng đình công, lãn công xảy ra ngày càng phổ biến. Trong đó, tỉ lệ này khá cao ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tại TP HCM hiện có 3.425 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với lực lượng lao động 439.672 người, trong đó có 688 doanh nghiệp Hàn Quốc, chiếm tỉ lệ 20,09%. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chế độ lương bổng, chế độ bảo hiểm – đảm bảo những quyền lợi chính đáng mà người lao động được hưởng, nên dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh. Trong năm 2010, TP HCM có 36 vụ đình công, lãn công ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 21 vụ xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, chiếm tỉ lệ 58,33%. Ngoài ra, theo thống kê, chỉ có 18% doanh nghiệp Hàn Quốc có ký kết thỏa ước lao động tập thể, 39% doanh nghiệp có xây dựng nội quy lao động và đa số doanh nghiệp chưa thành lập hội đồng hòa giải cơ sở để làm giảm bất đồng, tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM đề nghị các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để đại diện cho quyền lợi của người lao động. Thông qua tổ chức này, người sử dụng lao động và người lao động sẽ xây dựng được các thỏa ước lao động, tạo ra được mối liên hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động để người sử dụng lao động hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của người lao động, kịp thời giải quyết khi có mâu thuẫn nảy sinh.

Đó là mong ước của nhà làm chính sách, nhưng thực tế, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp tư nhân hiệu quả đến đâu vẫn là vấn đề cần giải đáp.

Giải pháp nào để cải thiện đời sống công nhân?

Hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP HCM triển khai các chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đời sống CN. Điển hình như quận Thủ Đức đã vận động 55.000 hộ gia đình có phòng trọ cho thuê không tăng giá nhà trọ đến hết năm 2011 và vận động các chủ nhà trọ điều chỉnh giá điện theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho người ở thuê. Các chủ nhà trọ đã ký cam kết không tăng giá, nếu tự động tăng giá thì chính quyền địa phương sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Những cố gắng của quận Thủ Đức đã giúp cho không ít CN yên tâm ổn định cuộc sống, cải thiện đời sống trong cơn “bão giá”. Do đó, thời gian sắp tới, UBND TP HCM sẽ hướng dẫn triển khai thực hiện vận động chủ nhà trọ ở các quận Tân Bình và Bình Tân không tăng giá nhà trọ vì đây là những quận tập trung khá nhiều CN.

Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho rằng: Trước hết, các doanh nghiệp nên chủ động xây dựng kế hoạch ổn định sản xuất dài hạn, có sự điều chỉnh lương và các mức hỗ trợ khác để ổn định đời sống CN. Trong thời “bão giá” này, để có thể chia sẻ với khó khăn của CN thì không chỉ có tổ chức công đoàn mà người sử dụng lao động và người lao động cũng phải cùng nhau nỗ lực vượt khó trên tinh thần tổ chức sản xuất và làm việc một cách có hiệu quả nhất. Liên đoàn lao động TP HCM cũng sẽ giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu cho CN theo đúng quy định tại các công ty, xí nghiệp và tiếp tục thực hiện chương trình giá điện cho CN, thúc đẩy các chương trình đưa hàng bình ổn đến với CN. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã chỉ đạo công đoàn cơ sở tập trung chăm lo đời sống CN; đẩy mạnh việc vận động các chủ doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ người lao động như: tăng lương, trợ cấp xăng xe, hỗ trợ tiền nhà trọ…; khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt cho đời sống CN lao động.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các KCX–KCN TP HCM cho biết: Để các doanh nghiệp ổn định sản xuất cần có những biện pháp để giữ chân CN như trích quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú, nhà trẻ cho con em CN.

Cần những giải pháp bền vững

Về lâu dài, liệu đời sống CN ở các KCN–KCX có khá hơn không vẫn là một câu hỏi. Như anh Hữu – CN KCX Tân Thuận cho biết: “Nhiều đứa bạn mình nói, ngày xưa làm còn có dư chút ít mua vàng để dành chứ bây giờ thì “bó tay”, chỉ đủ chi phí hàng tháng một cách rất tằn tiện”. Điều đó góp phần lý giải vì sao hằng năm các KCN-KCX cứ phải tuyển người liên tục và than thiếu lao động. Nhất là sau mỗi đợt nghỉ lễ – nghỉ tết thì doanh nghiệp đều phải tuyển lao động trước để dự phòng vì rất nhiều CN về quê và không bao giờ trở lại. Hiện nay ở các KCN-KCX ở TP HCM, xuất hiện tình trạng di cư ngược từ thành thị về lại nông thôn.

Nói như PGS–TS Trần Hữu Quang: “Hiện tượng CN quay về làm nông dân thể hiện sự dịch chuyển cơ cấu lao động xã hội không ổn định, điều này phụ thuộc vào nhiều nhân tố nhưng về lâu dài, sẽ gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, nhất là tại các KCN–KCX. Và những thanh niên mới bước vào các KCN-KCX vẫn trong tâm thế tạm bợ, vá víu, lâu ngày ở đô thị trụ không nổi lại quay về nông thôn. Nó thể hiện sự phát triển không bền vững, bấp bênh”.

Sự bấp bênh, tạm bợ, thiếu bền vững cũng như thiếu những tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của CN tại các KCN-KCX hiện nay, cũng là nhận định của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: “Điều này làm cho họ bơ vơ hơn, đương nhiên là họ sẽ rơi vào thảm cảnh trầm trọng hơn khi có những rủi ro xảy ra như tai nạn lao động, mất việc làm, đau ốm, hay sinh con nhỏ, thiếu tiền. Nói một cách khác, vốn xã hội của họ rất nghèo và mạng lưới xã hội của họ rất mỏng. Vì vậy, CN dễ mất phương hướng, sa vào nhậu nhẹt, đánh nhau, bởi vì họ biết làm gì sau giờ làm việc, không có gia đình bênh cạnh, không có tổ chức nào đóng vai trò hướng dẫn, kiểm soát điều tiết, hay ít ra là có một tổ chức làm chỗ dựa về mặt tinh thần”.

Mặc dù gần đây, tại các KCN-KCX bắt đầu xuất hiện các tổ chức phi chính thức của CN nhằm chia sẻ và tương hỗ lẫn nhau như các hội đồng hương, câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích… nhưng chủ yếu là tự phát và chưa thực sự trở thành những tổ chức mạnh để bảo vệ và bênh vực quyền lợi của CN.

Vẫn là điệp khúc, phải cải thiện đồng lương của CN. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Vấn đề này, lâu nay đã bàn nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin nêu lại bức xúc của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba về thực trạng đời sống CN tại kỳ họp Quốc hội vừa qua: “CN người ta rất băn khoăn. Đi ra chợ thì đều gặp các bà, các chị lo lắng về giá cả tăng cao, đời sống rất khó khăn, đồng lương không đảm bảo. Đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề điều hành của Chính phủ khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá. Giải pháp nâng cao đời sống CN phải thế nào?”.

Thanh – Phương – Ngà