Nỗi đau da cam: 23 năm lột da như rắn…

20:18 | 05/07/2014

888 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng những vết thương của nó vẫn âm ỉ rỉ máu từng ngày trong cuộc sống đời thường của những người lính từng tham gia trận mạc...

Hòa bình lập lại trên mảnh đất Quảng Bình khô cằn sỏi đá, từng là tọa độ lửa trong chiến tranh khiến bao làng xóm tan hoang vì bom đạn, nhưng người dân nơi đây luôn cố gắng vươn lên dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào. Có biết bao gia đình trên mảnh đất này, vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau do những di chứng của chiến tranh để lại.

Trường hợp của ông Lê Công Nông (SN 1948) ở xóm Rậy, thôn Ngô Xá, xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) có một người con trai Lê Văn Tư (SN 1991) đã bị mắc căn bệnh da lột như rắn suốt 23 năm nay, là một trong những hoàn cảnh như vậy.

Lột da như rắn…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Lê Công Nông nói: “Tui tham gia bộ đội trong những năm chống Mỹ thuộc Đoàn 22, đơn vị huấn luyện quân binh thuộc Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ. Tui bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vào mùa hè 1972 trong một lần hành quân qua gần Thành Cổ - Quảng Trị. Hồi đó, cả đơn vị bị quân Mỹ rải chất độc xuống trong lúc hành quân, mọi người phải nhúng khăn xuống nước trong hố bom để bịt kín miệng và mũi nhằm hạn chế chất độc nhiễm vào người”.

Chiến tranh kết thúc, ông may mắn trở về và lập gia đình với bà Võ Thị Yêm (SN 1956). Có với nhau 6 người con thì hai người con mất từ khi còn rất nhỏ. Anh trai đầu của Tư mất năm 1979 khi mới 7 tháng tuổi, còn chị gái thứ 3 mất năm 1982 khi vừa được mẹ sinh ra.

“Khi cháu mới chào đời, tui ngất xỉu đi vì thấy con mình đỏ hỏn, da trơn tuột với vài chòm tóc thưa thớt quanh đỉnh đầu”, bà Yêm nhớ lại.

Bà Lê Thị Yêm đang chăm sóc cho đứa con của mình.

Suốt 23 năm trời, ruột gan bà lại tím bầm cùng những lần lột da, chảy máu và tiếng khóc dai dẳng từ cơn này đến cơn khác của Tư. Ông Nông lặng người mỗi khi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe, lúc nào cũng mọng nước, vằn lên những tia máu dị hình bởi tất cả các tuyến mồ hôi của Tư chủ yếu bài tiết qua đường mi mắt. Tư sống lay lắt, chỉ biết khóc cả ngày lẫn đêm.

Ông Nông bên cạnh con của mình.

Ông và bà thay nhau chăm sóc Tư từ khi con nhỏ cho đến bây giờ… Vào những ngày những ngày đông giá rét làm da khô nứt nẻ, hai người phải thay nhau người ra đồng cấy lúa, người ở nhà chăm con. Những ngày hè nóng nực, nhà không có bể nước, ông bà phải mua những tấm nilon mới về đào hố đổ nước xuống cho Tư ngâm mình tránh khỏi cái nóng từ bên trong người và ngoài trời. "Vào những lúc con mình da sần sùi khô lại và bốc ra từng mãnh chảy máu mà ruột gan tui như đứt từng khúc…”, ông Nông nghẹn lời.

Ước muốn trở thành thợ điện

Trong câu chuyện với chúng tôi, em Tư cho biết rất buồn vì thân thể mình lại bị căn bệnh quái lạ hành hạ suốt 23 năm qua và rất thương ba mẹ. “Nhiều lúc em nghĩ và nói với ba mẹ sao không bóp chết con khi vừa mới sinh ra cho rồi. Ba mẹ nhìn em và hai hàng nước mắt lai lăn dài trên gò má…”, Tư nói.

Thân thể của em Lê Văn Tư luôn nhăn nheo do những lần bị lột da.

Biết mình là gánh nặng của ba mẹ, Tư luôn ấp ủ một mong ước phải làm một cái gì đó để bố mẹ được vui. Do bốn mùa bị lột da nên làn da luôn nhăn nheo khiến Tư mặc cảm không bao giờ tiếp xúc với ai, chỉ quanh quẩn suốt ngày trong nhà. Niềm vui duy nhất của em đó là sửa chữa những đồ điện hỏng hóc trong gia đình… và em đã thành công khi mày mò tự học sửa chữa đồ điện tử trong nhà bị hư hỏng như TV, đài, quạt điện… Ngay cả hệ thống điện sinh hoạt trong nhà mỗi khi bị sự cố cũng do một tay Tư xử lý. Xem TV, Tư tự học lấy rất nhiều điều đủ để hiểu được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cha và nhủ lòng mình phải cố gắng vượt qua những cơn đau để không làm buồn lòng mẹ cha nhiều thêm nữa.

Nghe nói có một người cùng huyện cũng bị căn bệnh như em và đang được điều trị trong Thành phố Hồ Chí Minh, ba muốn em vào trong đó điều trị bệnh nhưng em không nghe. Vì theo em căn bệnh này không chữa được được, đi vào lại thêm gánh nặng cho ba mẹ nữa.

“Em muốn học nghề sửa chữa đồ điện để vừa đỡ buồn vừa giúp đỡ những người xung quanh, nhưng em chưa một ngày đến trường và lại mang trên mình căn bệnh lạ này nữa, không biết có ai nhận em không?”, Tư nói khi tiễn chân chúng tôi.  

Trần Hùng