Nợ của Hy Lạp giảm xuống một nửa, liệu có cứu được đồng Euro?

10:51 | 28/10/2011

344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau cuộc họp kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ, các nhà lãnh đạo của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào sáng 27/10, đã đạt được một thỏa thuận quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực.

Theo đó, các thống đốc ngân hàng chính phủ và tư nhân chấp nhận xóa 50% trong khoản nợ đươc ước tính là 350 tỉ euro của Hy Lạp. Tháng 7 vừa qua, các ngân hàng đã chấp nhận xóa 21% nợ cho Hy Lạp trước tình hình khó khăn ở Athens và đến nay, con số này là 50%.

Bên cạnh việc giảm các khoản nợ của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo của Eurozone còn đồng ý chi 106 tỉ euro (khoảng 150 tỉ USD) để phục vụ việc tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng trong khu vực, tăng tỉ lệ vốn an toàn tối thiểu của các tổ chức tài chính lên 9% trước tháng 7/2012.

Họ cũng quyết định tăng các khoản tài trợ của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) lên tới 1 tỉ euro.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vào cuối cuộc họp đã phát biểu: "Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã lên tới đỉnh điểm”.

Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Yorgo Papandreu cho biết rằng, đất nước ông "sẽ sụp đổ” nếu không có thỏa thuận này. Ông nói: "Một ngày mới đã đến với đất nước Hy Lạp, chúng tôi cũng hy vọng rằng đây cũng là một ngày mới cho châu Âu và điều tồi tệ nhất đã trôi qua. Việc giảm nợ đã truyền sinh khí cho những người dân và cho nền kinh tế”.

"Quyết định mạnh mẽ”

Theo ông Sarkozy, việc đạt được thỏa thuận giữa các nước thuộc Eurozone chính là một câu trả lời "đáng tin cậy và đầy tham vọng” trước cuộc khủng hoảng nợ công.

Đối với Tổng thống Pháp, kết quả của cuộc hội nghị thượng đỉnh đã "làm an lòng thế giới vốn đang chờ đợi một quyết định mạnh mẽ từ Eurozone”.

Loan báo về thỏa thuận này đã giúp vực dậy giá trị của đồng euro tại thị trường châu Á, tạo cho các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu cũng như của đồng tiền chung châu Âu.

Trong nhiều tháng gần đây, có nhiều dư luận đã cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu việc họ đã không làm đủ những việc cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực, làm gia tăng sự bất ổn về tài chính.

Chủ tịch CE Herman Van Rompuy trong cuộc họp báo khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, cho biết rằng, ngoài các quyết định trên, các nhà lãnh đạo của Eurozone đã tiến trước một bước với các biện pháp tài chính hợp nhất, xuất phát từ các nước cần "sự bền vững hơn về tài chính công và cải cách cơ cấu”.

Theo nghĩa này, những nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự hài lòng của họ với "cam kết rõ ràng” của Italia nhằm làm giảm sự thâm hụt tài chính. Hôm thứ Tư 26/10, tại Brussels chính phủ của ông Silvio Berluscono đã giới thiệu một chương trình giảm chi phí, bao gồm việc tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 67, việc bán tài sản nhà nước và tính linh hoạt của thị trường lao động.

Theo phóng viên của BBC ở Brussels Chris Morris, một trong những lý do khẩn cấp khiến các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đã đưa Hy Lạp tới bờ vực phá sản chính là cuộc khủng hoảng này đã lan rộng tới những quốc gia mạnh hơn như trường hợp Italia và Tây Ban Nha.

Cẩn trọng

Thỏa thuận trên được thông qua với sự cẩn trọng của những nhà đầu tư và thị trường.

BBC dẫn lời chuyên gia Andrew Robinson của công ty tài chính Saxo Capital Markets: "Thỏa thuận này của châu Âu sẽ giúp ích cho các ngân hàng cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu. Toàn bộ ý tưởng về việc chúng ta đang tiến tới những con số cụ thể đang được tiến hành rất thuận lợi”.

Thỏa thuận đó, điều đã gây ra rất nhiều tranh cãi, đã loại bỏ trở ngại lớn trong nỗ lực bình ổn thị trường nợ công của châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói: "Gói cứu trợ mà chúng tôi đồng ý tối nay, một thỏa thuận toàn diện chứng minh rằng châu Âu sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ ổn định tài chính trong khu vực. Đây là một cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút”.

Sau khi thỏa thuận trên được công bố, đồng euro đã đạt mức cao nhất trong vòng 7 tuần so với đồng USD.

Các thị trường chứng khoán trên khắp châu Á cũng tăng điểm. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0.5%.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của nhiều công ty châu Á, và một số quốc gia như Trung Quốc đang nắm giữ một lượng lớn tài sản bằng đồng euro.

Hà Khổng

BBC