Những dấu ấn của “bà đầm thép” Thatcher

13:00 | 12/04/2013

1,328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xuất thân từ gia đình trung lưu (bố là chủ tiệm tạp hóa) nhưng Margaret Thatcher đã trở thành một tượng đài trong lịch sử ngoại giao thế kỷ XX, đặc biệt giai đoạn Chiến tranh lạnh, khi trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Vương quốc Anh kể từ thời Nữ hoàng Elizabeth I năm 1603, với vị trí thủ tướng mà bà nắm giữ lâu nhất lịch sử nước này trong 150 năm. Được đánh giá là một hiện tượng chính trị độc đáo, Thatcher là nguyên thủ nước ngoài duy nhất, tính đến nay, mà tiếng nói của bà không thể không được lắng nghe đối với các tổng thống Mỹ.

“Người đàn bà thép”

“Các người muốn quay đi đâu thì tùy nhưng bảo người đàn bà này nghe theo thì không thể có chuyện đó!” - đó là một trong những câu nói nổi tiếng của Margaret Thatcher. Cái “hỗn danh” “bà đầm thép” mà người ta đặt cho bà không phải tự nhiên mà có. Nổi tiếng rắn rỏi, mạnh mẽ, cương nghị, quả quyết, không khoan nhượng… Thatcher đã trở thành một biểu tượng của nước Anh. Lãnh đạo đất nước ở giai đoạn mà nước Anh được miêu tả là “một lão già lâm trọng bệnh của châu Âu”, Thatcher đã tiến hành loạt chương trình cải tổ kinh tế.

Và bà đã hiện đại hóa không chỉ kinh tế đất nước mà cả hệ thống chính trị lẫn đường lối ngoại giao, đưa nước Anh từ “nơi tăm tối” với một nền kinh tế “tường xiêu cột vẹo”, trì trệ không sức sống (đình công triền miên và thất nghiệp thành dịch) trở lại thời huy hoàng. Ít ai có thể phủ nhận bà là một thiên tài chính trị (Tony Blair sau này đã học theo bà đầm đảng Bảo thủ Thatcher để tái thiết và hồi sinh Công đảng của mình)…

Margaret Thatcher - người mang lại những giá trị mới cho nước Anh 1970-1980

Tờ The Economist (8/4/2013) đánh giá: “Winston Churchill đã thắng một cuộc chiến tranh nhưng ông chưa bao giờ tạo ra được một “ism” - một “chủ nghĩa”, một học thuyết, theo cách như người ta đặt ra từ “Thatcherism” khi nói đến các chính sách tạo ảnh hưởng của Thatcher. Nước Anh trước thời bà là một đất nước không có trọng lượng trên các diễn đàn thế giới. Nước Anh giai đoạn bà cầm trịch là một quốc gia hùng mạnh đóng vai trò và chiếm vị trí đáng kể trong việc định dạng chính trị thế giới, đương đại lẫn tương lai. Nhút nhát và hèn yếu không là những tính từ dành cho Margaret Thatcher. Năm 1982, khi Argentina đánh chiếm quần đảo Falkland, bất chấp nhiều can gián, Thatcher vẫn thực hiện chiến dịch quân sự trả đũa khi phái 40.000 lính đặc nhiệm Anh vượt 12.874km trong mùa đông buốt giá Nam Đại Tây Dương để tái chiếm Falkland thành công…

Ngày 12/10/1984, lúc 2 giờ 45 phút, thành phần ly khai Đạo quân lâm thời Cộng hòa Ireland (IRA) - vốn liên tục thực hiện nhiều chiến dịch khủng bố nghiêm trọng trong suốt thập niên 70-80 của thế kỷ trước - đã tổ chức cuộc đánh bom khách sạn Grand ở Brighton với mục đích giết “mụ già cứng đầu” Thatcher (khi bà tham dự một hội thảo với đảng Bảo thủ tại địa điểm trên). Một ngày sau vụ khủng bố làm chết 5 người, trong đó có nghị sĩ Anthony Berry, Thatcher vẫn tiếp tục đọc bài tham luận với nội dung gần như không thay đổi…

Cách mà bà Thatcher thực hiện để phục hưng nền kinh tế Anh nay vẫn còn nguyên giá trị và thậm chí được phổ biến khắp thế giới nhiều thập niên sau: phải mở cửa thị trường, phải để thị trường tự quyết định số phận của nó, phải để tư nhân làm động lực chính thúc đẩy kinh tế quốc gia, phải tư nhân hóa các ngành công nghiệp chủ chốt… Một loạt tập đoàn nhà nước lần lượt được tư nhân hóa: British Telecom, British Gas, Rolls-Royce, British Airways, British Coal, British Steel…; rồi đến các công ty điện, công ty cấp nước… Xáo trộn trước rồi trật tự sau là phương châm làm việc của Thatcher.

Không chấp nhận hỗn loạn giai đoạn đầu, khó có thể chứng kiến được sự lột xác - đó là cách Thatcher xử lý sự khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế Anh thập niên 70. Phải thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn ngắn hạn để nhắm đến một sự thịnh vượng dài hạn - đó là giải pháp và sự chọn lựa duy nhất mà bà Thatcher tin rằng phải tuân theo. Với sự quyết đoán tương tự, “bà đầm thép” thậm chí khuất phục được các công đoàn lao động - những nhóm lợi ích từng tạo ảnh hưởng thao túng chính trường trong thời gian dài. Tất cả điều đó đã được thực hiện, một cách thành công, trước làn sóng chỉ trích dữ dội ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Người phá băng

Khi Margaret Thatcher ngồi ghế thủ tướng (nhiệm kỳ một), Tổng thống Mỹ là Jimmy Carter. Quan hệ Anh - Mỹ lúc đó vẫn là thứ ngoại giao lịch sự, ngoại giao tế nhị, ngoại giao “cho phải phép”. Chỉ đến thời Ronald Reagan, cuộc tình Washington - London mới thật sự được thiết lập, khi Thatcher nhìn thấy quan điểm Reagan tương hợp với bà (quan hệ gắn bó Anh - Mỹ tiếp tục được củng cố ở các thời thủ tướng kế nhiệm, đặc biệt vào thời Tony Blair). Điều đó đã thể hiện ở việc Thatcher và Reagan đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ nhằm đề phòng Liên Xô, đặc biệt sau sự kiện Liên Xô tiến vào Afghanistan cuối năm 1979. Tiếp đó, Thatcher tăng cường nâng cấp hệ thống tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trên các tàu ngầm (thay thế hệ thống Polaris bằng dàn Trident II của Mỹ với tổng phí 7,5 tỉ bảng); cho phép Mỹ dựng hơn 160 tên lửa hành trình tại căn cứ không quân Hoàng gia Greenham Common...

"Bà đầm thép" trong ngày đầu tiên đến số 10 phố Downing với vai trò Thủ tướng

Năm 1986, Thatcher thậm chí ủng hộ việc sáp nhập hãng sản xuất trực thăng Westland (đang trên bờ phá sản) với tập đoàn Sikorski của Mỹ, hơn là với một tập đoàn châu Âu mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Heseltine đề nghị (một sự kiện từng làm châu Âu lục địa bất bình)… Quan hệ Anh - Mỹ thời Thatcher còn thể hiện ở nhiều sự kiện khác. Tháng 4/1986, bất chấp dư luận trong nước phản đối, Thatcher vẫn cho phép chiến đấu cơ F-111 của Mỹ sử dụng các căn cứ không quân Anh để bỏ bom Libya (trong chiến dịch quân sự trả đũa vụ khủng bố Libya đánh bom một sàn nhảy tại Berlin làm chết nhiều người Mỹ). Thatcher cũng ủng hộ giải pháp quân sự nhằm vào Iraq khi Saddam Hussein đưa quân đánh chiếm Kuwait vào tháng 8/1990 (trong buổi nói chuyện với Tổng thống George H. W. Bush tại Washington DC, bà Thatcher đề nghị can thiệp bằng quân sự và yêu cầu ông Bush phải triển khai lực lượng tại Trung Đông để dằn mặt Saddam)…

Tuy nhiên, bà Thatcher chính là một trong những nguyên thủ phương Tây đầu tiên móc nối với “phía bên kia”, góp phần phá được tảng băng thời Chiến tranh lạnh trong quan hệ giữa phe tư bản và khối xã hội chủ nghĩa. Đánh giá lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev là nhân vật mà “chúng ta có thể làm việc được”, bà là người đã góp phần “bắc cầu” cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Reagan và Gorbachev (sau cuộc họp trên, tháng 11/1988, Thatcher tuyên bố: “Bây giờ chúng ta không còn ở trong một cuộc Chiến tranh lạnh nữa mà là trong giai đoạn của mối quan hệ rộng hơn lúc nào hết”). Trước đó 4 năm, năm 1984, Thatcher đã đến Liên Xô, gặp Gorbachev lẫn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikolai Ryzhkov - chuyến công du “làm bạn với cộng sản” bị nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước...

Tái đắc cử nhiệm kỳ III năm 1987, sự nghiệp chính trị của Margaret Thatcher hẳn sẽ trọn vẹn hơn nếu bà không phạm các sai lầm vào cuối thập niên 80, khi áp đặt một chính sách thuế gây nhiều tranh cãi. Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại London lẫn nhiều thành phố lớn khác, dẫn đến nhiều vụ bạo động nghiêm trọng chưa từng có tại thủ đô nước Anh trong hơn một thế kỷ. Ngày 22/11/1990, bà Thatcher tuyên bố từ chức. Sau khi gặp Nữ hoàng, điện cho một số nguyên thủ quốc gia, đọc bài diễn văn cuối cùng trước Quốc hội, Thatcher rời số 10 phố Downing, trong nước mắt...

Dù thế nào, lịch sử chính trị thế giới vẫn nhìn nhận Thatcher như là một người đã “ủi đất mở đường” trên con lộ mà thoạt tiên tưởng chừng không thể: phá sập định kiến bảo thủ và truyền thống tin rằng sân khấu chính trị không là nơi của đàn bà. Đó là một “nhà lãnh đạo vĩ đại, một thủ tướng vĩ đại, một người Anh vĩ đại” - như nhận xét của Thủ tướng Anh David Cameron.

Mạnh Kim