Những câu chuyện ít được kể về chuyên cơ nguyên thủ (Kỳ 2)

07:00 | 15/04/2015

1,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một cách tương đối, có thể xem “Air Force One” là ngôi nhà thứ hai của Tổng thống Mỹ, sau Nhà Trắng. Mỗi tổng thống đều có cách sử dụng “Air Force One” theo kiểu riêng.

>> Những câu chuyện ít được kể về chuyên cơ nguyên thủ (Kỳ 1)

Năng lượng Mới số 412

Kỳ II: “Hậu trường” “Air Force One”

 

Trong bài viết trên U.S. News & World Report, tác giả Kenneth T. Walsh (vừa phát hành quyển Air Force One: A History of the Presidents and Their Planes) đã kể nhiều “giai thoại” liên quan “Air Force One”. Một cách tương đối, có thể xem “Air Force One” là ngôi nhà thứ hai của Tổng thống Mỹ, sau Nhà Trắng. Mỗi tổng thống đều có cách sử dụng “Air Force One” theo kiểu riêng. Lyndon Johnson có tật “hành” nhóm nhân viên phục vụ và thậm chí bắt đặt “ngai vàng” để có thể ngồi cao hơn bất cứ người nào trước mặt. Trong khi đó, Richard Nixon có thói quen chép ghi chú và phác họa kế hoạch triệt hạ thành phần đối lập ngay trên chuyên cơ. Jimmy Carter hiếm khi tỏ ra thân thiện với nhân viên phục vụ, trái ngược với cách đối xử của George H. Bush…

Chuyên cơ Tổng thống Nga

Như đã nói, chuyên cơ tổng thống Mỹ được tính tuổi từ chuyến bay hải ngoại đầu tiên của Franklin Roosevelt, đến Casablanca gặp Winston Churchill trên chiếc Boeing 314 Clipper để bàn kế hoạch đổ bộ châu Âu tấn công Đức quốc xã (khởi hành tại Dinner Key, ngoài khơi Miami, vào ngày 11/1/1943). Sau cuộc họp, trên chặng cuối từ Trinidad về Florida, nhân viên Boeing 314 Clipper đã dọn bữa ăn đặc biệt mừng sinh nhật lần thứ 61 của Roosevelt, với trứng cá, gà tây, khoai tây, cà phê và một bánh kem to…

Không như Roosevelt, Harry Truman thích đi máy bay và ông cũng khoái phô trương khi cho sơn chiếc Douglas VC-118 “Độc lập” hình đại bàng. Trên chuyên cơ, Truman thường đi bắt tay người này, nựng mặt người kia. Ông cũng thích chơi poker với tùy viên và nhắm vài ly bourbon trong những chặng đi dài. Một lần, ông ra lệnh phi công chúi đầu máy bay theo kiểu dội bom, ngay trên Nhà Trắng, nhằm gây ấn tượng với vợ và con gái (đang ngắm màn biểu diễn từ nóc Nhà Trắng). Đến thời Dwight Eisenhower, chuyên cơ tổng thống bắt đầu thực hiện những chuyến kinh lý hải ngoại nhiều ngày. Trong chuyến công du bắt đầu từ ngày 3/12/1959, Dwight Eisenhower đã chu du thế giới trong 18 ngày, ghé sang Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Tunisia, Pháp, Tây Ban Nha và Morocco… Một lần năm 1993, trên đường đến Chicago, Clinton xem sổ tay và nhận thấy lịch làm việc có cuộc hẹn với Thị trưởng Richard Daley nhưng nhân viên “Air Force One” không xếp trong lịch bay. Đỏ mặt tía tai, Clinton gầm lên: “Kẻ quái nào gây ra sơ suất ngu ngốc này?”. Trông thái độ giận dữ của Clinton, vài tùy viên bắt đầu hình dung một màn bạo lực xảy ra trên chuyên cơ tổng thống. Tuy nhiên, cơn nóng giận Clinton nhanh chóng nguội đi chỉ sau vài phút (như những lần trước đó) và cuộc hẹn Richard Daley được vội vã thu xếp bằng điện thoại. Với Tổng thống đương nhiệm George W. Bush, ông có thói quen ngồi trong cabin riêng và đôi khi mời bạn, vài thành viên Quốc hội hoặc khách mời đặc biệt cùng đi trên “Air Force One”.

Cần nói thêm, Phi đội Military Airlift Wing 89th thuộc Căn cứ không quân Andrew là nơi chịu trách nhiệm duy tu Air Force One. Hai chuyên cơ Air Force One hiện tại là chiếc có số đuôi 28000 (xuất xưởng ngày 8/12/1990) và chiếc có số đuôi 29000 (xuất xưởng ngày 23/12/1990). Chuyên cơ dành cho phó tổng thống gọi là “Air Force Two” và trực thăng dành cho tổng thống gọi là “Marine One”, thường chở tổng thống trong những chuyến đi ngắn, chẳng hạn từ Nhà Trắng đến Căn cứ không quân Andrew (và ngược lại) để đáp “Air Force One”; hoặc từ Nhà Trắng đến Trại David (nhà nghỉ tổng thống). Phi đội “Marine One” có đến 19 chiếc.

Năm 1957, Dwight D. Eisenhower lần đầu tiên sử dụng trực thăng (chiếc H-13 Sioux). Khi sử dụng trực thăng, Tổng thống Mỹ không chỉ được bảo vệ từ lực lượng Mật vụ (SS) mà còn từ thủy quân lục chiến (vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, khi bay ngang Grand Canyon, Bill Clinton đã bất ngờ khi thấy một anh lính thủy quân lục chiến đứng chờ ở mỏm đá để nghiêm chào tạm biệt tổng thống).

Nguyên thủ các nước sử dụng chuyên cơ như thế nào?

Năm 2002, Không quân Hoàng gia Australia mua hai chiếc Boeing 737 được trang bị phòng họp, phòng cao cấp, vệ tinh an ninh và hệ thống liên lạc hiện đại để phục vụ riêng cho thủ tướng, ngoại trưởng và cả thành viên Hoàng gia Anh mỗi khi họ đến Australia (như lần vào năm 2005 với Thái tử Anh Charles và 2006 với Nữ hoàng Elizabeth II). Chính phủ Australia còn có phi đội đặc biệt VIP Bombardier Challenger cũng dùng phục vụ lãnh đạo cấp cao. Tại Trung Quốc, việc phụ trách công tác kinh lý cho giới lãnh đạo và viên chức cấp cao được Hãng Hàng không Quốc gia Air China thực hiện trong đó có một chiếc Boeing 747-400 dùng đi xa; một Boeing 767 đi gần hơn và một Boeing 737-800 đi nội địa. Tại Colombia, phi đội tổng thống được thành lập từ năm 1933 với chiếc Junkers Ju 52/3M (một trong những máy bay hiện đại nhất thời điểm đó), dùng phục vụ Tổng thống Enrique Olaya Herrera cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1950.

Từ 1953-1972, phi đội Tổng thống Colombia sử dụng chiếc DouglassC-54 Skymaster (cho Tổng thống Gustavo Rojas Pinilla) rồi năm 1972 với chiếc Fokker F28 1000 cho Tổng thống Misael Pastrana Borrero. Chiếc máy bay này từng dính vào scandal chấn động thế giới khi ngày 22/9/1996, người ta phát hiện 3kg hêrôin chỉ vài giờ trước khi nó cất cánh từ New York City, nơi Tổng thống Ernesto Samper (1994-1998) dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Sự việc bùng nổ nghiêm trọng bởi trước đó không lâu (tháng 7), Mỹ vừa tung lệnh cấm cấp visa cho Samper do ông bị tình nghi liên quan tội phạm ma túy trong chiến dịch tranh cử; và Samper phải đến Mỹ bằng visa ngoại giao (phần mình, Samper nói rằng ông bị gài bẫy). Năm 2005, Tổng thống tân cử Alvaro Uribe Velez thuyết phục Quốc hội mua một chuyên cơ tổng thống mới (Boeing 737-700).

Với Pháp, phái đoàn cấp cao nước này kinh lý cùng phi đội đặc biệt ETEC (Escadron de transport, d’entraỵnement et de calibragre­ - đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng). ETEC có 6 chiếc Falcon 900 dùng cho các chuyến đi tại châu Âu; 2 Airbus A319 cho đường dài (và gần đây bổ sung thêm hai Airbus A340-200). Tại Philippines, Phi đội không vận 250th là nơi chịu trách nhiệm chuyên chở nguyên thủ và gia đình nguyên thủ, các bộ trưởng, viên chức cấp cao nước ngoài... Phi đội gồm một chiếc Fokker F28 (chở tổng thống trong phạm vi nội địa); 4 trực thăng Bell 412; 3 trực thăng Sikorsky S-76; 1 trực thăng Sikorsky S-70-5 Black Hawk… Khi tổng thống kinh lý nước ngoài, phi đội dùng chiếc Bombardier Learjet 60 hoặc thuê máy bay thuộc Hãng Hàng không Quốc gia Philippine Airlines (trước năm 1962, không quân Philippines thuê máy bay của Công ty Pan American World Airways để phục vụ tổng thống kinh lý hải ngoại). Ngoài chiếc Bombardier Learjet 60, Tổng thống Philippines còn dùng Airbus A340-300 (được gọi tắt bằng tên đặc biệt “PR 001”.

Tại Anh, việc viên chức cấp cao hoặc thành viên Hoàng gia đi nước ngoài do Phi đội 32 thuộc Không quân Hoàng gia chịu trách nhiệm (thuê máy bay dân sự hoặc mua vé máy bay thương mại). Việc giới chức Chính phủ Anh không có chuyên cơ riêng từng được Thủ tướng Tony Blair “la làng” yêu cầu Quốc hội duyệt. Tháng 12/2004, Peter Gershon (Chủ tịch Phòng Thương mại chính phủ - OGC) được yêu cầu xem xét ngân sách nói chung cho vấn đề kinh lý nước ngoài.

Tháng 9/2001, Hãng Diamonite (Anh) đã trúng thầu nâng cấp chuyên cơ Tổng thống Nga (Ilyushin 96, IL-96) với hợp đồng trị giá 10 triệu bảng Anh. Kế hoạch nâng cấp IL-96 được hỗ trợ từ nhóm kỹ sư tại Ulyanovsk (khu vực Volga) - chuyên thiết kế nội thất. Tất cả thông tin liên quan chuyên cơ Tổng thống Nga IL-96 đều là “bí mật quốc gia” - theo Hãng Truyền hình NTV Mir. Ngoài IL-96, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn có hai chiếc IL-62 dùng phòng bị. Đầu tháng 8/2005, Tổng thống Putin đã phải trở về Nga từ Phần Lan trên chiếc IL-62 khi chuyên cơ IL-96 bị lỗi kỹ thuật (ngay sau vụ này, Hãng Hàng không Nga Aeroflot yêu cầu ngưng cất cánh toàn bộ 6 chiếc IL-96 chiếm 40% phi đoàn bay đường dài của mình; hủy tất cả chuyến bay IL-96 đến Hà Nội, Bắc Kinh, Seoul, Tokyo và Washington trong thời gian ngắn).

Mạnh Kim