Những cái chết từ thuốc... diệt cỏ

06:50 | 29/03/2013

12,124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thuốc diệt cỏ paraquat tác dụng khá hữu hiệu trong việc diệt trừ cỏ dại. Nhưng thời gian qua có không ít người (nhất là giới trẻ) vì lý do nào đó đã tự hủy hoại cuộc sống của mình bằng loại thuốc diệt cỏ này, để lại nỗi đau không nguôi cho gia đình và người thân…

Cái chết đau lòng 

Sau tết Quý Tỵ, Nguyễn Thị Ngoan ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội nằng nặc đòi cha mẹ cho cô cùng bạn vào TP Hồ Chí Minh tìm việc.

Trước một ngày Ngoan lên đường, bất ngờ ông Tỉnh được bà Lan ở xã bên cho biết, năm ngoái con gái bà cũng được một số người rủ vào TP Hồ Chí Minh tìm việc, nhưng khi con gái bà Lan vào đến nơi thì mới biết mình bị đối tượng xấu lừa đảo để đưa vào các ổ tệ nạn xã hội nằm sát biên giới, mãi sau con gái bà mới tìm cách trốn thoát trở về với gia đình. Câu chuyện của bà Lan đã khiến ông Tỉnh đổi ý định cho con gái mình vào miền Nam tìm việc. Mờ sáng hôm sau, ông Tỉnh trở dậy để ra đồng làm cỏ nhưng không thấy chai thuốc diệt cỏ paraquat đâu. Linh tính có điều chẳng lành, ông vội đi tìm thì phát hiện vỏ chai thuốc vứt ở ngoài cửa sổ buồng ngủ của con gái…

Khi biết Ngoan đã uống thuốc diệt cỏ, vợ chồng ông Tỉnh hốt hoảng đưa con gái đến bệnh viện huyện rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Nhưng chất kịch độc của thuốc diệt cỏ đã ngấm vào cơ thể Ngoan gây hỏng nội tạng và chưa đầy một tuần sau cô tử vong.

Một bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ paraquat cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Hay như trường hợp anh Trần Hồng Nam, ở Thái Nguyên,hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên chị Mai xuống Hà Nội để làm thuê, kiếm tiền nuôi con. Sát tết Nguyên đán 2013, chị mang tiền về nhà và dặn chồng sắm tết cho gia đình để chị tranh thủ xuống Hà Nội kiếm thêm ít tiền nữa rồi mới về ăn tết cùng chồng. Anh Nam nhất quyết không nghe, vì vậy họ xảy ra to tiếng. Tức vợ, Nam đi uống rượu và trở về nhà trong tình trạng say bí tỉ. Thấy chồng như vậy, chị Mai bực tức nói mấy câu rồi đi ngủ.

Nửa đêm hôm đó, chị Mai tỉnh dậy, thấy chồng nằm ngoài hiên, khi bật đèn chị phát hiện vỏ chai thuốc diệt cỏ paraquat màu xanh để gần nơi chồng đang nằm… Ngay trong đêm, anh Nam được chuyển gấp đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng cũng không kịp nữa.

Trên 70% bệnh nhân tử vong vì uống thuốc diệt cỏ 

Hơn một năm trở lại đây có rất nhiều người vì các lý do như trốn nợ, chán đời, say rượu, vợ chồng cãi nhau hay giận người yêu, hoặc vì muốn dọa người thân trong gia đình, dọa bạn gái… mà  đã uống thuốc diệt cỏ paraquat dẫn đến tử vong. Đặc biệt, một trường hợp đau lòng xảy ra vào tháng 10/2012 đó là em Trần Thị Minh, học sinh lớp 10 ở huyện Mê Linh, Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự tử chỉ vì đánh mất 500.000 đồng tiền quỹ lớp. Khi gia đình em Minh phát hiện việc trên thì đã muộn… Nhiều người dù chỉ uống một ngụm nhỏ (tương đương với 1 thìa cà phê) thuốc diệt cỏ paraquat cũng dẫn đến tử vong. Hoặc có trường hợp uống xong rồi nôn ra, nhưng do chủ quan không đến bệnh viện cấp cứu ngay, khi phát hiện thì cũng không thể cứu chữa được nữa.

Tự tử là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Theo báo cáo WHO, hằng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử, nghĩa là khoảng 3.000 người chết vì nguyên do này mỗi ngày. Tỷ lệ các bạn trẻ từng nghĩ đến chuyện tự tử và từng tìm cách kết thúc cuộc sống của mình đã tăng cao hơn gấp đôi so với 8 năm trước. Tính đến nay, số vụ tự tử đã tăng gấp 60% so với 50 năm qua và dự báo đến năm 2020, con số người chết vì tự tử trên toàn cầu sẽ tăng thành 1,5 triệu mỗi năm, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang bị trẻ hóa, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25. Tại Việt Nam, số lượng người có ý nghĩ tự tử chiếm khoảng 8,9% dân số.

(Theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Thị Thanh Hương và các đồng sự)

Theo thống kê, trong năm 2012 ở một số tỉnh phía bắc đã có trên 70 trường hợp (trong đó có 6 trường hợp ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ paraquat tự tử. Còn ở các tỉnh phía nam, số người tử tự bằng thuốc diệt cỏ paraquat lại tăng cao hơn rất nhiều. Trong 20 bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào mấy tháng cuối năm 2012, thì chỉ có 4 bệnh nhân được cứu sống. 4 trường hợp được cứu sống đó là do họ chỉ uống một lượng thuốc diệt cỏ rất nhỏ và được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu trước 7 tiếng đồng hồ sau khi uống thuốc. Còn các trường hợp khác đều tử vong khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, hoặc đã điều trị một thời gian. Có trường hợp kéo dài gần 3 tháng sau mới tử vong. Theo các bác sĩ, những trường hợp bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ dù được cứu sống nhưng về lâu dài cũng khó tránh khỏi di chứng bệnh phổi tắc nghẽn…

PGS.TS Phạm Tuệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu như bệnh nhân bị rắn độc cắn, tự tử bằng thuốc ngủ, hay các loại thuốc độc khác thì tỷ lệ tử vong chỉ đến 2%. Nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ paraquat là trên 70%, mặc dù việc cứu chữa rất tốn kém. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước xung quanh cũng có tỷ lệ bệnh nhân tử vong do uống thuốc diệt cỏ paraquat rất cao.

Bất lực nhìn bệnh nhân chết dần

Nếu như trường hợp người bệnh uống thuốc ngủ, hay các thuốc độc khác tự tử sẽ dẫn dến tình trạng bị hôn mê và co giật. Nhưng người bệnh uống thuốc diệt cỏ paraquat lại không có các triệu chứng trên (nhất là những người uống một lượng nhỏ), họ chỉ thấy lẩm nhẩm đau bụng một lúc, sau đó lại khỏe như bình thường khiến họ chủ quan không đến bệnh viện. Vì vậy, không ít bệnh nhân khi được đưa đến bệnh viện thì đã bị paraphat hủy hoại nội tạng cơ thể, bởi paraquat có tính ăn mòn rất mạnh, tính kịch độc cao.

Nhiều người bệnh uống thuốc diệt cỏ được đưa đến bệnh viện cấp cứu, khi chụp phổi các bác sĩ không khỏi giật mình vì phổi của họ đã xơ trắng do chất kịch độc trong thuốc diệt cỏ hủy hoại. Sau đó người bệnh sẽ bị suy thận, dẫn đến suy gan… Những trường hợp như vậy điều trị rất tốn kém mà không có kết quả, bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân chết dần. Và không ít bệnh nhân đau đớn khi chứng kiến mình đang chết dần.

Điều đáng báo động là thời gian gần đây số người uống thuốc diệt cỏ paraquat tự tử ngày càng tăng, mà chủ yếu lại rơi vào giới trẻ. Nhiều bạn trẻ chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt thường ngày cũng tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Họ đâu có biết chỉ một lượng 5ml paraquat (1 thìa cà phê) thôi thì nội tạng trong cơ thể của họ đã bị hủy hoại, việc điều trị rất tốn kém nhưng cũng không qua khỏi. Hoặc có ít người dù được cứu sống nhưng cũng để lại di chứng nặng nề. 

Đáng chú ý là trong khi nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng loại thuốc diệt cỏ paraquat, thì ở nước ta lại có thể mua loại thuốc này một cách dễ dàng ở bất kỳ nơi đâu... Vì vậy, các nhà quản lý cần quy định chặt chẽ hơn việc mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ paraquat.

Hiện tại, Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP) -  một tổ chức phi chính phủ Việt Nam ra đời năm 2009 cũng đang có những hỗ trợ tốt nhất cho các cá nhân trong cộng đồng vượt qua khủng hoảng tâm lý và phòng chống tự tử. PCP cũng cảnh báo các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử bao gồm: Rối loạn tâm thần, lạm dụng chất gây nghiện, hút thuốc lá, nghiện cờ bạc, yếu tố sinh học và yếu tố xã hội...

Tình trạng tự tử trên thế giới tăng cao khiến WHO đã lấy ngày 10-9 là “Ngày chống tự tử”. Theo PCP, việc ngăn ngừa tự tử trong xã hội cần những nỗ lực đa chiều và những cách tiếp cận đa chiều. Những người có thể đóng góp vào việc ngăn ngừa tự tử bao gồm: các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các cán bộ xã hội, nhà nghiên cứu, giáo viên, cảnh sát, người đứng đầu các tôn giáo, các nhà chính trị, các tình nguyện viên, bạn bè và người thân của những người đã mất vì tự tử.

 

(Tên nạn nhân đã thay đổi)

Vĩnh Yên