Những thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ Chánh Tín

12:38 | 15/03/2014

7,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tài năng của nghệ sĩ Chánh Tín là điều mà mọi người luôn công nhận và dẫu ông thất bại trên thương trường nhưng với nghệ thuật, Chánh Tín mãi là nghệ sĩ đáng được tôn vinh.

>> Nợ nần, mất nhà khiến NSƯT Chánh Tín sắp phải… ra đường!

Chánh Tín đang rơi vào cảnh nợ nần và đối mặt với nguy cơ không chốn nương náu khi ngôi nhà duy nhất mà vợ chồng ông đang sống sắp phải bàn giao cho ngân hàng. Bản thân ông lại đang mang trọng bệnh, lâu nay sống nhờ vào tiền vay mượn của bạn bè để trang trải, chữa bệnh; mà theo ông nói thì ông “giống như một kẻ ăn mày” vậy!

Ở ngoài tuổi 60, ông phải lọ mọ đưa đơn cầu cứu khắp các cơ quan chức năng xin tạm hoãn thi hành án để cho vợ chồng ông có thời gian kịp tìm nơi ở mới sau khi bàn giao nhà…

Có thể nói không chỉ có bạn bè ông, người thân ông mà cả những khán giả của ông từ ngày xưa cho đến bây giờ cũng không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh hiện tại đó.

Nghệ sĩ Chánh Tín đã không gặp may trong thời gian qua nên mới ra cớ sự. Nhưng phải thừa nhận rằng những gì mà người nghệ sĩ tài hoa Chánh Tín đã đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà là có ý nghĩa và giá trị bền vững với thời gian. Dù với vai trò nào, là một ca sĩ, một diễn viên phim, kịch hay một nhà sản xuất… thì Chánh Tín đều đã để lại những dấu ấn thành công đặc biệt.

NSƯT Chánh Tín

Từ năm Chánh Tín 18 tuổi, ông đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng chỉ sau một đêm với bài Nghìn trùng xa cách. Hình ảnh Chánh Tín khi đó gắn liền với hình ảnh người đàn ông vừa hát vừa trầm tư bên điếu thuốc lá. Ông kể lại rằng chỉ sau một đêm diễn, ông được khoảng 40 tờ báo của Sài Gòn đồng loạt đăng tin. Rồi ông trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp miền Nam, không chỉ thế, khi được biết đến với vai trò ca sĩ, cũng là lúc ông được nhiều đạo diễn mời tham gia đóng phim mà toàn giao cho ông vai chính!

Năm 1973 là năm thực sự thành công và đáng nhớ của ông với huy chương vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.

Sau đó ông tham gia vào đoàn kịch nói Bông hồng, một đoàn kịch của nhà nước. Và lần nữa Chánh Tín lại nổi đình nổi đám với kịch nghệ qua 5 vở kịch lớn nhất thời bấy giờ như: Hoa sim vải trắng, Đôi bông tai, Đi xa, Cho tình yêu mai sau, Cánh cửa sổ mở rộng. Sau khi hợp tác với đoàn Bông hồng thì ông mới bắt đầu đi đóng phim trở lại. Và cơ duyên của ông với vai diễn kinh điển trong Ván bài lật ngửa cũng đến từ đó.

Ông kể, đầu những năm 1980, đoàn làm phim Ván bài lật ngửa khi đó đã tìm được một vai diễn đóng vai điệp viên Nguyễn Thành Luân, nhưng diễn viên đó không toát lên được cái tinh thần của vai diễn. Khi đó có người nói với ông Sáu Thảo (Giám đốc Sở văn hóa – Thông tin TPHCM) rằng Chánh Tín hợp vào vai Nguyễn Thành Luân hơn. Và được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Sáu Thảo, Chánh Tín chính thức nhận vai Nguyễn Thành Luân. 

Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân

Chánh Tín lao vào diễn vai này với một niềm hứng khởi cao độ, bởi đó không còn là vai diễn vì cơm áo gạo tiền mà còn là vai diễn giúp ông làm lại sự nghiệp. Và lần nữa tài năng của ông đã giúp ông tỏa sáng, Ván bài lật ngửa đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trong cả nước. Chánh Tín, người thủ vai điệp viên Nguyễn Thành Luân trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất khi ấy. Vai diễn này đã mang lại vinh quang cho đời diễn viên của ông và vai diễn ấy có sức sống mãnh liệt mãi cho đến tận bây giờ.

Ở lĩnh vực kịch nói, không ngoa khi nói ông là người có công làm sống dậy làng kịch nói Sài Gòn những năm 1990. Khi ấy làng kịch miền Nam đang trong tình trạng thoi thóp, sân khấu tắt đèn hàng đêm vì không có khách, nhà sản xuất chán nản, diễn viên tuyệt vọng, bỏ nghề. Lúc đó, Chánh Tín đã tập hợp anh em nghệ sĩ lại làm một vở kịch lớn mang tên Tình nghệ sĩ ở nhà hát Hòa Bình. Vở kịch này có ý nghĩa để anh em nghệ sĩ có thể vui chơi thỏa thích một lần cuối rồi… đường ai nấy lo!

Nhưng không ngờ đó lại là vở kịch hồi sinh làng kịch nghệ miền Nam khi thành công vang dội. Vở kịch này cũng đưa những tên tuổi như: Thành Lộc, Hồng Vân, Thương Tín, Hồng Đào… thành công với nghề kịch nói cho đến tận bây giờ. Và cũng từ vở kịch này, người ta bắt đầu chú ý tới kịch để sau đó là hàng loạt các sân khấu kịch đã sống dậy mạnh mẽ, nhiều sân khấu kịch mới ra đời như sân khấu kịch Phước Sang, 5B Võ Văn Tần, Idecaf, kịch Phú Nhuận…

Nghệ sĩ Chánh Tín của một thời hào hoa

Và sẽ thật là thiếu sót nếu nói về đóng góp của NSƯT Chánh Tín với nền nghệ thuật mà không kể đến sự thành công của ông trong vai trò nhà sản xuất phim, từ năm 1990. Đặc biệt ông là người đã góp phần hồi sinh và phát triển dòng phim kinh dị Việt, một dòng phim vốn đã bị bỏ quên từ 15 năm trước đó. Ông làm Ngôi nhà oan khóc (1992) với mức đầu tư rất cao, khoảng 300 triệu và bộ phim thành công vang dội. Sau cú đột phá này, ông sản xuất hàng loạt các phim cùng thể loại như: Xác chết trên cao nguyên, Chiếc mặt nạ da người… Phim Chết lúc nửa đêm (2007) đoạt giải Bông sen vàng, đây là giải thưởng đầu tiên của thể loại này cho đến bây giờ….

Có thể nói, suốt khoảng 40 năm làm nghệ thuật của mình, Chánh Tín đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng qua những tác phẩm, những vai diễn của ông. Cuộc đời thì vốn hay có những bất trắc xảy ra, cũng như thắng thua trong chuyện làm ăn kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Bản thân Chánh Tín lại là một người nghệ sĩ đúng nghĩa, mà nghệ sĩ khi vướng vào kinh doanh thì hầu như đều …“chết”! Song tài năng của ông là điều mà mọi người luôn công nhận và dẫu thất bại trên thương trường nhưng với nghệ thuật, Chánh Tín mãi là nghệ sĩ được tôn vinh.

Trúc Vân