Như & Na Ná

07:00 | 07/05/2016

|
Bạn đọc: “Như” và “na ná” thì đồng nghĩa với nhau nhưng sau khi đọc một số bài của ông về từ nguyên, tôi đâm ra thắc mắc: Không biết hai từ, ngữ này có đồng nguyên không? Xin ông vui lòng giải đáp giúp. Cám ơn ông nhiều. Nguyễn Việt Bắc (Gia Lâm, Hà Nội)  

Học giả An Chi: Bạn đã nêu một thắc mắc thú vị và chúng tôi xin trả lời ngay rằng “như” và “[na] ná” đúng là những từ đồng nguyên.

Trước nhất, về mối quan hê phụ âm đầu N ↔ NH, ta có nhiều dẫn chứng:

-“nệm” trong “chăn êm nệm ấm” ↔ nhẫm [衽] là… nệm;

-“nùi” trong “nùi giẻ” ↔ “nhuy” [緌], mà âm xưa hơn là “nhuỳ”, là cái ngù gắn vào cờ hoặc giải mũ;

-“nấu” trong “nấu nướng” ↔ “nhu [燸] là hâm [nóng], đốt. Chữ này đồng nguyên với chữ “nhu” [鑐] là nấu cho kim loại chảy ra.

“nẫng” ( = ăn cắp nhanh chóng) ↔ “nhưỡng” [攘] là ăn cắp;

-“nằm” trong “nằm ngồi” ↔ “nhẫm” [衽] là nằm. Từ điển Couvreur dịch là “être couché sur”. Nếu là danh từ thì có nghĩa là nệm.

-“nên” trong “nên người”, “[không] nên nết” ↔ “nhiên” [然], mà từ điển Couvreur dịch là “être”, “exister” (là, tồn tại); v.v...

Trở lên là nói về phụ âm đầu; còn bây giờ xin nói về vần, ở đây là giữa hai nguyên âm chính Ư ↔ A. Trước nhất, mà có lẽ cũng là quen thuộc nhất, là trường hợp :

-chữ “lữ” [呂] cũng đọc là “lã” (Lữ Bất Vi = Lã Bất Vi; Lữ Bố = Lã Bố; Lữ Động Tân = Là Động Tân; v.v.).

Dĩ nhiên là ta còn có những trường hợp khác nữa, như :

-“cử’ [舉] là tất thảy, toàn thể ↔ “cả” trong “tất cả”;

-“cự” [拒] là ngăn chống ↔ “cạ” là chạm vào, đụng vào và “cà” là mài, nghiền trong phương ngữ Nam Bộ;

-dã [野] trong “dã man” ↔ “dữ” trong “hung dữ”; v.v…

Trở lên là nói về mối quan hệ phụ âm đầu giữa  NH với N, rồi về nguyên âm chính giữa Ư với A. Trở lại với chữ “như” [如], xin nói rằng đây là một chữ được hài thanh bằng chữ “nữ” [女], nghĩa là một chữ có phụ âm đầu NH nhưng lại được hài thanh bằng một chữ có phụ âm đầu N. Đặc biệt là chính chữ “như” [如] này cũng có âm “nạ”, nghĩa là được đọc với phụ âm đầu N và nguyên âm chính A, như đã ghi nhận trong Tập vận và Loại thiên (dẫn theo Khang Hy): “nãi cá thiết” [乃箇切]. Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc hài thanh (tức sử dụng thanh phù), chữ “nữ” [女] cũng từng được phát âm thành “nạ”. Đây là âm mà ta có thể thấy trong từ “nạ”, một từ Việt cổ mà Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001) giảng là “mẹ”, “đàn bà ở tuổi làm mẹ”. Ở đây, chúng tôi muốn bàn thật kỹ về từ “nạ” này. Nghĩa gốc của từ “nạ” nằm trong chữ “nữ” [女], là “đàn bà”, “con gái”, rồi mới có nghĩa phái sinh là “mẹ” (mẹ thì không thể là đàn ông, con trai).

Nhiều quyển từ điển chỉ giảng “nạ” là “mẹ” thì chưa đủ. Câu “Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng” trong Chinh phụ ngâm là một minh chứng. Trong Những khúc ngâm chọn lọc, Tập I (NXB Giáo dục, 1994), danh ngữ “nạ dòng” được giảng là “đàn bà lớn tuổi, nhiều con” (Xin x. tr. 60, cước chú 344). Lời giảng này rất xác đáng: phải là “đàn bà [lớn tuổi]” thì mới đối ý với “gái tơ” một cách thích hợp chứ ở đây mà đưa khái niệm “mẹ” vào để giảng thì sẽ hoàn toàn lạc lõng.

Về nghĩa thì như thế còn về âm thì chúng tôi xin lưu ý rằng tiếng Việt xưa chỉ có “nạ” chứ không phải “ná” như đã được A. de Rhodes ghi nhận tại mục “áng, áng ná” trong Từ điển Việt Bồ La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Roma, 1651). Đây là một cách ghi sai về thanh điệu của A. de Rhodes (cũng có thể là do ấn loát) nhưng nó đã lây lan theo dây chuyền trong những quyển từ điển mà tác giả là người Công giáo như từ điển của Pierre Pigneaux de Béhaine, Huình-Tịnh Paulus Của, J.F.M. Génibrel, v.v... Đáng tiếc là có tác giả làm từ điển về từ cổ trong tiếng Việt lại ghi nhận nó một cách quá dễ dãi, chẳng hạn Vương Lộc trong Từ điển từ cổ (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001).

Chúng tôi xin lưu ý rằng âm “ná” chỉ có trong từ điển của người Công giáo rồi, rủi thay, cá biệt lại có người ngoài Công giáo chép theo mà thôi. Âm chính xác của từ cổ đang xét ở đây là “nạ”. Đây mới là từ mà ta thấy trong lời ăn tiếng nói của dân gian, như: - Con có nạ như thiên hạ có vua; - Đòng đòng theo nạ, quạ theo gà con; - Lấy con xem nạ, lấy gái goá xem đời chồng xưa; - Quen việc nhà nạ, lạ việc nhà chồng; - Sểnh nạ quạ tha; v.v... Và dĩ nhiên là trong cả một số tác phẩm thời xưa nữa.

Trở lại với từ “ná”, chúng tôi xin nói rằng “na ná” là một hình thức láy cú pháp theo kiểu “giảm nghĩa”. “Na ná” là hơi giống, cũng như “đo đỏ” là hơi đỏ, “nằng nặng” là hơi nặng, “trăng trắng” là hơi trắng, v.v... Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn gì với ý kiến của chúng tôi trên Năng lượng Mới số 516, cho rằng tiếng Việt không có từ láy khi viết “cái mà đa số các vị đã hoặc vẫn gọi là tiếng đệm hoặc tiếng láy thực chất vốn là những từ độc lập, nên dĩ nhiên là những từ vốn đã có nghĩa cụ thể”. Khi viết mấy dòng này, chúng tôi nói về việc tạo từ, nghĩa là chuyện từ pháp. Còn với “na ná” thì đây lại là chuyện cú pháp. Từ pháp và cú pháp là hai khái niệm rất khác nhau.

A.C

Năng lượng Mới 520