Nhộn nhịp chuẩn bị lễ hóa vàng ngày Tết

16:18 | 25/01/2012

1,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  –  Thông thường vào ngày hôm nay (Mùng 3 tết), mọi gia đình lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ làm lễ hóa vàng đầu năm mới để cung tiễn ông bà tổ tiên.

Dù giàu hay nghèo, gia đình nào cũng cố gắng sắm sửa một mâm cơm có đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, canh măng, gà luộc, dưa hành… để thắp hương dâng lên tổ tiên, những người thân đã khuất bóng để cầu xin tổ tiên phù hộ cho một năm mới an lành, nhiều may mắn, đây cũng là ngày mọi gia đình quây quần, đoàn tụ với nhau.

Đội rét đi mua đồ lễ

Để chuẩn bị cho các món ăn, sắm lễ cho gia đình, từ sáng sớm, theo ghi nhận của phóng viên Petrotimes trên khắp mọi nẻo đường tại Thủ đô, nhiều cửa hàng, khu chợ hoạt động giao thương buôn bán đã bắt nhịp trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Rau tươi tràn ngập tại nhiều chợ

Tại một số chợ như Đồng Xuân, Cống Vị, Ngô Sỹ Liên các loại mặt hàng được bày bán rất đa dạng, chủ yếu là rau, thịt, hoa quả, đồ cúng lễ hóa vàng. Giá cả cũng tương đối cao, nếu ngày thường thịt lợn dao động từ 100.000đồng đến 120.000đồng thì hôm nay được tăng trung bình từ 150.000đồng đến 180.000đồng. Rau các loại, như rau muống, xu hào, bắp cải… cũng tăng giá gấp đôi, có giá trung bình từ 10.000 đồng trở lên như rau muống, bắp cải, các chủ hàng được ngày “buôn may, bán đắt”, có lẽ dịp Tết nhất nên khách mua ai ai cũng tỏ ra “thông cảm”.

Tại phố Hàng Mã, nắm bắt nhu cầu của người dân mua đồ lễ, vàng mã để cúng tiễn tổ tiên nên đồ vàng mã được bày bán khá phong phú, muôn hình vạn trạng từ nhà lầu xe hơi, xe máy cho đến…xe đạp điện, từ điện thoại bàn cho đến Iphone.

Hàng có sẵn hoặc được đặt theo yêu cầu của khách, các chủ cửa hàng tại đây cũng thường chọn mùng 3 Tết làm ngày đẹp, mở hàng cho một năm mới kinh doanh loại mặt hàng “không thể thiếu” này được thuận lợi.

Vàng mã không thể thiếu cho lễ cúng hóa vàng

Xuất phát từ tục lệ bữa cơm cúng vào thời khắc giao thừa, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Để tiễn ông bà, các gia đình thường sắm đồ mới và quà cáp kèm theo ít lộ phí nên mới có tục hoá vàng sau khi cung tiễn. Người Việt tin rằng những thứ này đốt xuống người cõi âm sẽ nhận được. Bác Việt, sống tại phố Hàng Đào cho hay: “Với tâm lý trần sao âm vậy, khác với mọi năm tôi đã “hóa” nhà, ô tô, xe máy, quần áo, năm nay tìm mua cho các cụ chiếc điện thoại và chiếc TV thêm phần trang trọng”.

Hoa tươi xuống phố chuẩn bị cho buổi chợ chiều

Bên cạnh mặt hàng đồ vàng mã, thị trường hoa tươi hôm nay cũng được ngày đắt khách. Những cành đào lộc nhỏ, hoa hồng, hoa ly, lay ơn… đủ màu sắc rực rỡ được chuyển từ các làng hoa nổi tiếng Nhật Tân, Tây Tựu… tụ họp đông đủ tại hầu hết trên các chợ lớn, nhỏ thỏa mãn nhu cầu của người dân.

Thậm chí ngoài mặt hàng hoa tươi, mía cây cũng được bày bán nhiều. Theo quan niệm xưa trong lễ hóa vàng mía được coi là đòn gánh cho các linh hồn mang hàng hóa về thế giới bên kia, một số lái buôn mía cũng ăn nên làm ra không kém. Lái buôn Nguyễn Thị Nụ, trú tại Hải Dương, hồ hởi kể: “Em chở hai trăm cây mía từ rạng sáng, túc tắc đến trưa cũng bán gần hết kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình”.

Mía có giá từ 25.000 - 50.000 đồng/cây

Cùng chung niềm vui với chị Nụ, một số lái buôn khác cho biết thêm mía được bán chủ yếu trong đêm 30 và mùng 3,4,5, thậm chí đánh cả xe tải con cũng không lo lỗ. “Mía bán chạy lắm, 4 ngày này chỉ đi bán mía cũng bằng vài tháng trong năm” – một lái buôn chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hà, trú tại quận Đống Đa cho biết, do thời tiết Tết năm nay quá lạnh nhiều người đã chuẩn bị sẵn đồ ăn, đồ lễ cho ngày lễ hóa vàng từ trước Tết, cho nên sáng nay hàng quán được bày bán nhiều ngoài chợ nhưng cũng chỉ lác đác người mua. “Có lẽ đến chiều nay chợ sẽ lại đông đúc hơn như mọi năm”, chị Hà nói.

Hàng nghìn người đi lễ tại các đền chùa lớn tại Thủ đô

Sau khi thực hiện những nghi thức cúng ở nhà, các gia đình lại đưa nhau đến chùa để lễ tạ thần linh, tổ tiên chứng giám phù hộ cho người thân được an lành trong năm mới. Vì thế tại những đình, đền, phủ và chùa lớn như Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), Phúc Khánh (Đống Đa), Trấn Quốc (Tây Hồ)… từ sáng đến tối đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến thắp hương và du xuân.

Người già trẻ nhỏ thường chọn các chùa thanh vắng để lễ tạ

Trong một không gian khác, không tấp nập như Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ…, các chùa như Một Cột (Ba Đình), Bà Già, Tảo Sách (Tây Hồ)… mang cảm giác du xuân trong không khí thanh tịnh một cách đúng nghĩa. Tại đây, nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa đến có chỗ được vui chơi, chụp ảnh trong khuôn viên chùa. Còn các cụ già được rảo bước chân trong cảm giác thư thái, lễ tạ gia tiên, chư vị thánh phật mà không phải lo chen lấn, xô bồ…

Các cụ già lễ tạ gia tiên, chư vị thánh phật mà không phải lo chen lấn

Gia đình anh Dương Văn Dũng, trú tại quận Ba Đình đi lễ chùa Bà Già (Tây Hồ) cho hay: “Mùng 3 Tết hàng năm, sau khi làm lễ hóa vàng cả gia đình tôi lại đi chùa cầu phúc, thành tâm tạ ơn các cụ cầu mong một năm mới tốt lành Mọi năm thường đi các chùa lớn nhưng đông quá, bởi vậy gia đình chọn đi các chùa trên quận Tây Hồ cho thoải mái”.

Sau khi thành tâm cúng lễ tại các đình chùa, nhiều gia đình còn làm lễ thả chim phóng sinh, viết sớ chữ Nho hoặc câu đối Tết để treo trong nhà.

Những ngày đầu năm, ngoài việc đi chúc Tết, tục lệ đi cúng lễ hay vãn cảnh đền, chùa hóa vàng thường diễn ra trong 3 ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh của mọi gia đình đối với tổ tiên, cũng thường là thời điểm dâng hương kết thúc Tết Nguyên đán, chuẩn bị bắt nhịp với cuộc sống ngập tràn hy vọng trong năm mới.

Mua lễ, viết sớ đầu năm mong mọi điều an vui cho gia đình

Hoá vàng mã là nghi lễ dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời của người Việt, là biểu hiện tâm linh để thấy con người ở “thế giới bên kia” sống gần với thế giới thực tại.

Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (thường gọi là “23 Tết” hay Tết ông Công – ông Táo), rồi lễ cúng Tất niên tại bàn thờ gia tiên chiều 30, cúng Đêm giao thừa (sáng mồng 1 của năm mới) và kết thúc bằng lễ hóa vàng (thường vào mùng 3-5 Tết) để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm. Tục hóa vàng gắn liền với những ngày lễ này. Có thể hiểu hóa vàng mã là một phần trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam từ nhiều đời nay. Vàng mã được xem là một quan niệm về nhân sinh quan, về triết lý uống nước nhớ nguồn, về linh hồn, về thế giới tâm linh. Nghi thức hóa vàng mã như biểu hiện để hiện thực hóa quan niệm triết học về vũ trụ quan đó.

Mạnh Kiên