Nhiều trường học thực hiện đổi giờ không nghiêm túc!

14:22 | 07/02/2012

421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều trường PTTH, ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc quy định về đổi giờ học, giờ làm. Tuy nhiên, cũng có không ít trường “phớt lờ” quy định trên.

Đã có một số ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả từ giải pháp đổi giờ học, giờ làm của ngành Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng, đổi giờ không phải "cây đũa thần” nên chuyện thành công hay thất bại thì còn phải phụ thuộc vào quyết tâm chung của toàn xã hội.

Ngay từ ngày đầu áp dụng việc đổi giờ học, giờ làm, Trường PTTH Yên Hoà đã thực hiện rất nghiêm túc.

Chủ trương đổi giờ học, giờ làm đã áp dụng được 1 tuần và theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì giải pháp này đã bước đầu mang lại những tín hiệu lạc quan cho giao thông Hà Nội. Tình trạng ùn tắc cục bộ đã không còn xuất hiện, các điểm “đen” về giao thông cũng đã dần biến mất.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực trên thì đâu đó vẫn có nhiều đối tượng nằm trong diện điều chỉnh lại không tuân thủ quy định. Và với cách làm theo kiểu “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy, giao thông Hà Nội vẫn chưa được “thông”.

Câu chuyện không tuân thủ hoặc biết nhưng “làm ngơ” với các quy định về giao thông không mới và đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao bao năm nay, bài toán giao thông Hà Nội cứ loay hoay mãi không tìm ra lời giải. Giờ đây, khi một giải pháp mang tính định hướng chính trị cao, nhận được sự đồng thuận rộng rãi của toàn xã hội thì lại có không ít trường hợp đứng ngoài cuộc, tự cho mình cái quyền “tự quyết”.

Có nhiều trường học "phớt lờ" chuyện đổi giờ học, giờ làm.

Dạo một vòng qua nhiều trường PTTH, ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội, điều mà chúng tôi ghi nhận được là các quy định về đổi giờ học, giờ làm đã được thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít trường “phớt lờ” những quy định trên.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy) thì mới 5h30 chiều nhưng cổng trường đã vắng tanh, các phòng học tối đen và chỉ lác đác một vài phòng học là còn ánh đèn (những phòng học này được dùng để dạy thêm – PV).

Em Nguyễn Hương Giang – một học sinh của trường nói, bọn em cũng biết là có quy định đổi giờ học, giờ làm từ hôm 1/2 nhưng trường em thì chưa thấy gì.

Thậm chí, mới 17h15 nhưng cổng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đông kín học sinh THPT Nguyễn Tất Thành ra về. Em Trần Hải Nam – học sinh của trường cho biết, từ 17h chúng em đã tan trường, thời gian học chưa có sự thay đổi và cũng chưa nghe giáo viên thông báo về việc sẽ phải tan học muộn hơn.

Tình trạng này cũng tái diễn ở nhiều trường học khác như trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia), Nguyễn Gia Thiều,… Đáng buồn hơn, trong khi nhiều trường mầm non và phổ thông đang ráo riết triển khai việc đổi giờ học, giờ làm thì nhiều trường ĐH, CĐ lại viện đủ lý do để đứng ngoài cuộc.

Thậm chí nhiều trường ĐH, CĐ đã cho mình cái quyền "tự quyết".

Một giáo viên của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Đối với các trường ĐH thì việc thực hiện theo khung giờ quy định là không thể bởi tính đặc thù riêng. Sinh viên có thể học ca sáng, ca chiều, học một hoặc vài tiết… Khi kết thúc buổi học thì tất nhiên các em phải ra về. Hiện tại trường đang áp dụng khung giờ vào học từ 6h45 và kết thúc vào lúc khoảng 17h”.

Ngoài ra cũng phải kể tới không ít trường “làm lấy lệ” khi mà bề nổi thì vẫn áp dụng giờ học, giờ làm theo quy định nhưng đằng sau thì lại… không. Một chị bạn tôi cho biết, con chị đang học Tiểu học nhưng ngay trong buổi học đầu tiên áp dụng đổi giờ học, giáo viên chủ nhiệm lớp con chị đã bảo có thể đón các cháu từ lúc 16h15.

Phớt lờ quy định, cảnh ùn ứ giao thông vẫn tái diễn tại nhiều cổng trường.

Việc nhiều trường PTTH, ĐH, CĐ không “mặn mà” tham gia vào khung giờ mà UBND TP Hà Nội ban hành đã đặt ra bài toán nan giải trong giải quyết ùn tắc giao thông. Đặc biệt là các trường ĐH, CĐ bởi số lượng sinh viên theo học ở các trường trong nội thành là rất lớn, lượng phương tiện đi lại cá nhân khá nhiều. Những điều này đang vô hình đẩy việc thực hiện một quyết sách lớn gặp nhiều bất lợi nhất định.

Chúng tôi thiết nghĩ, giải pháp nào đưa ra thì cũng có mặt hạn chế của nó nhưng nếu quyết tâm thì những hạn chế đó sẽ được xoá bỏ. Vấn đề thành bại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và quyết tâm chính trị của toàn xã hội.

Và theo cách nói của TS Khuất Việt Hùng – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải thì giao thông là một lĩnh vực đặc thù, mọi chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông đều gần như tác động ngay lập tức tới toàn xã hội. Cho nên, để một chính sách về giao thông đi vào cuộc sống cần phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Thanh Ngọc