Nhiều nguy cơ nhiễm DEHP từ các dụng cụ y tế

18:44 | 13/07/2011

908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/7, Hội Y tế Công cộng TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “DEHP và sức khỏe của cộng đồng”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng về DEHP vì không chỉ thực phẩm bị nhiễm DEHP mà có rất nhiều sản phẩm khác cũng nhiễm chất này.

Thạch rau câu khoai môn của New Choice Foods nghi ngờ có DEHP đang bị thu hồi

Ông Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: Không chỉ có trong thực phẩm, DEHP còn làm dẻo nhựa và có trong nhựa PVC. Vì vậy, trong rất nhiều sản phẩm có nhựa như vật liệu xây dựng, áo mưa, bao bì, đồ chơi, đồ dùng trẻ em… có thể chứa từ 1 – 40 % chất DEHP. 40% dụng cụ y tế được tạo bởi nhựa PVC, trong đó DEHP chiếm 20-40% trọng lượng của nhựa PVC. Đặc biệt, đối với nhựa làm ống truyền dịch, truyền máu thì DEHP có thể chiếm đến 80%. Do có, có thể xảy ra sự phơi nhiễm khi DEHP bị nhã ra từ các dụng cụ y tế làm bằng chất dẻo dùng truyền dịch, truyền máu.

Cũng theo ông Hùng, hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP đến sức khỏe con người nhưng cần đề phòng vì DEHP có khả năng gây ung thư, làm tổn thương gan và hệ sinh dục nam, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Ông Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, dụng cụ y tế bằng nhựa PVC góp phần rất lớn vào những thành tựu y học hiện đại. Tuy nhiên, trước nguy cơ dụng cụ này có chứa DEHP và có thể gây phơi nhiễm cho bệnh nhân thì nên thay thế bằng các dụng cụ nhựa PE, PU, PP, dùng các dụng cụ nhựa một lần, bảo quản đúng quy định và hạn dùng.

Đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 17 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát hiện 13 đơn vị có thực phẩm chứa chất DEHP; lấy 121 mẫu thực phẩm để kiểm tra DEHP, hiện đã có kết quả kiểm nghiệm 108 mẫu, trong đó, 69/108 mẫu phát hiện có chứa DEHP (chiếm tỷ lệ 63,9%). Tổng số lượng hàng hóa đang xử lý tiêu hủy là 54.689 kg si rô, nước ép, trà sữa, thạch rau câu…

Mai Phương