Nhiều người tự ứng cử, tốt... nhưng?

07:00 | 19/03/2016

1,518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoặc Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp đang được triển khai những khâu đầu tiên từ cơ sở. Đây là khâu hết sức quan trọng, bởi nếu thiếu thận trọng và minh bạch sẽ để lọt những phần tử cơ hội, thiếu cả tâm lẫn tài vào bộ máy điều hành và giám sát, làm mất niềm tin của nhân dân.

Ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, do cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời, ổn định nên cũng hình thành những dòng họ gồm nhiều thế hệ chung sống trong cùng địa bàn. Trước mỗi kỳ bầu cử HĐND khóa mới, như một phản xạ tự nhiên, các dòng họ hình thành một “thế trận” liên hoàn để tranh giành “ghế” hội đồng. Dòng họ nào có “máu mặt” và số lượng cử tri đông hơn thường chắc thắng.

Cuộc “chiến” này không công khai, không ồn ào mà cứ âm ỉ với những quy định ngầm của nội bộ từng dòng họ. Người ứng cử từ động cơ quyết giành phần thắng của dòng họ như vậy thì chắc gì đã có tâm, có tài!

nhieu nguoi tu ung cu tot nhung

Ngoài cuộc “chiến” dòng họ còn có những mâu thuẫn cá nhân. Chỉ vì không ưa nhau bởi một lý do nào đó, người ta cũng sẵn sàng gạt ra khỏi danh sách đề cử người có đủ khả năng gánh vác trọng trách của HĐND. Đến khi đưa ra danh sách công khai để hiệp thương thì cuộc “chiến” giành quyền lực bắt đầu bộc lộ. Và rồi từ đó, mâu thuẫn từ những cuộc cãi vã nảy lửa xảy ra khiến các vòng hiệp thương lâm vào thế khó xử.

Mới đây, ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân về danh sách bầu cử mà các cử tri đã xô xát, đánh nhau, gây thương tích. Chuyện xảy ra ở thôn Phúc Lập, xã Kỳ Thượng hôm tổ chức cuộc họp giới thiệu nhân sự của thôn vào HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021. Danh sách đề cử có 3 người, 2 người trúng sẽ vào HĐND xã. Khi lấy ý kiến cử tri, ông Lê Văn Lý (trú tại thôn Phúc Lập) cho rằng, ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Khương không đủ tiêu chuẩn và điều kiện do lối sống, đạo đức không đảm bảo. Thế là ông Vũ Văn Vẽ và Vũ Văn Miệu (họ hàng của ông Khương) nhảy lên, dùng ghế đánh liên tục vào đầu ông Lý và ông Lai, người ủng hộ ý kiến của ông Lý. Ông Khương cũng hùa theo người nhà, nhảy vào đánh ông Lý, ông Lai. Vụ xô xát khiến ông Lý và ông Lai bị sứt đầu, mẻ trán, phải vào viện điều trị. Vụ việc này đã được xã chuyển lên công an huyện xử lý. Thế là chưa được vào danh sách ứng cử thì ông trưởng thôn đã vi phạm pháp luật. Và như vậy, ông ta đã không đủ tư cách ứng cử nữa.

Có những đại biểu là cán bộ, công chức khóa vừa qua rất lu mờ, kém hiệu quả trong công tác nhưng vẫn muốn tái cử với động cơ giữ ghế hoặc tìm cơ hội leo cao hơn.

Vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề xuất ý kiến là người ứng cử ĐBQH cần phải được khám sức khỏe, bởi ở TP HCM đã từng xảy ra trường hợp người tham gia ứng cử được bác sĩ kết luận là bị tâm thần phân liệt thể khiếu kiện. Đây không phải là đề xuất mới bởi trước đó, tháng 11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đã từng đề nghị: “Khám sức khỏe cho người được giới thiệu hoặc ứng cử ĐBQH không phải như khám sức khỏe lái xe, mà phải có trắc nghiệm về trình độ và thần kinh, tâm lý. Nếu tâm thần mà không ổn định thì hậu quả nhiều khi khó giải quyết vì nhiệm kỳ kéo dài tận 5 năm”.

Mấy khóa Quốc hội gần đây, nhiều cử tri là người ngoài Đảng và các cử tri tự do tự ứng cử. Điều đó được pháp luật cho phép. Những người tự ứng cử này phải qua thẩm định của cơ sở từ cấp thôn xóm, tổ dân phố nơi cư trú. Hồ sơ xin ứng cử có xác nhận của chính quyền cấp xã, phường, sau đó mới đến các bước hiệp thương. Đã có những cử tri tham gia tự ứng cử và trúng cử ĐBQH hoặc HĐND, phát huy tốt vai trò, chức trách nhiệm vụ của mình, thực sự vì nước, vì dân. Tuy nhiên, cũng có những cử tri tự ứng cử chỉ để cho oai hoặc muốn nổi tiếng trong một thời điểm trước ngày bầu cử. Bởi có người vốn lâu nay thờ ơ với mọi hoạt động của địa phương, không gương mẫu tham gia bất cứ phong trào nào. Họ xin ứng cử với động cơ “tự sướng”. Thậm chí, có người còn có những hành vi chống đối, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xin ra ứng cử chỉ nhằm gây khó dễ cho Hội đồng bầu cử địa phương.

Tất cả những trường hợp nêu trên đặt ra cho các Hội đồng bầu cử mà trước hết là Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác khi chọn lọc họ vào danh sách đề cử. Để lọt bất cứ trường hợp nào cũng đều gây hậu quả khôn lường. Tất nhiên, khi loại ra khỏi danh sách đề cử những phần tử cơ hội, động cơ thiếu trong sáng thì Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng bầu cử phải có giải thích, phân tích cụ thể cho những đối tượng này tâm phục, khẩu phục và để họ không thể quy kết rằng, việc lựa chọn người ứng cử và bầu cử là sự độc quyền của các cấp lãnh đạo. Tai, mắt và ý kiến của nhân dân nơi ứng viên cư trú là sự thẩm định rất quan trọng.

Không để những phần tử có động cơ thiếu trong sáng lọt vào danh sách đề cử, ứng cử trong nhiệm kỳ 2016-2021, đó là trách nhiệm thuộc về Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương.

Bùi Đức

Năng lượng Mới số 506