Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

08:18 | 23/11/2020

143 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tại nhiều địa phương, các hoạt động hưởng ứng đã được tổ chức nhằm phát huy những giá trị của di sản văn hóa trong đời sống hiện đại.
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Hội thảo "Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay". Ảnh: hanoi.gov.vn

Tại Hà Nội, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang… đã bàn thảo vấn đề bảo tồn và phát triển di sản áo dài truyền thống trong xã hội hiện nay.

Áo dài là di sản trang phục truyền thống của Việt Nam. Những năm đầu thế kỷ XX trở về trước, áo dài được may ngũ thân, tay chẽn, cài khuy cổ đứng (áo dài truyền thống). Từ những năm 1930, các hoạ sĩ đã có những thay đổi về thiết kế để tạo ra áo dài hiện đại…

Tại hội thảo, những vấn đề liên quan đến tiềm năng sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội; ứng dụng may, mặc trong đời sống; những vấn đề cải tiến áo dài; giáo dục về áo dài, xây dựng không gian bảo tồn áo dài ở Hà Nội và các địa phương... đã được đề cập.

Có ý kiến cho rằng áo dài không đơn giản là trang phục mà là văn hóa, nếu không bảo tồn tốt thì sẽ bị mai một. Một điều may mắn là áo dài truyền thống đang phát triển rộng rãi trong đời sống hiện nay, trong đó có việc khôi phục áo dài nam. Nhưng để áo dài trở thành quốc phục còn cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, từ năm 2015 đến nay, CLB Đình làng Việt đã không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, tuyên truyền giúp công chúng hiểu được giá trị của áo dài truyền thống. Đến nay việc may, mặc áo dài truyền thống đang có những kết quả khả quan. Người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và điều nãy được lan tỏa trong cộng đồng, trong đó có lớp trẻ…

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức buổi thuyết trình, giới thiệu về một số di sản văn chương thời Nguyễn, trong đó có bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

Về hình thức, bản Kiều chép tay này có tên gọi là “Kim Vân Kiều tân truyện”, gồm 150 mặt giấy dó. Ngoài 4 mặt giấy phụ bìa in hình rồng màu vàng thếp, nền đỏ, sách có 146 mặt giấy dó, tương ứng với 146 trang nội dung.

Về nội dung, theo nhận định, bản Kiều này tương đối thống nhất với các bản khắc in thời Tự Đức nhưng điều thú vị là có nhiều chữ trong bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn được sử dụng dưới dạng phương ngữ, dùng lối phát âm theo giọng Huế.

Tuy nhiên đáng chú ý nhất là phần chữ đỏ mang tính nhận định nội dung của từng trang trong bản Kiều này. Theo điển lệ, chỉ có vua mới được viết chữ màu đỏ, do vậy mới có hiện tượng gọi là “châu phê” trên văn bản. Mỗi trang trong bản Kiều này đều có các dòng “châu phê” như thế. Do vậy, căn cứ vào niên đại và tính chất, có thể khẳng định chính vua Tự Đức là người đã “châu phê” trên các trang của bản Kiều. Nếu đúng vậy, cuốn Truyện Kiều này sẽ nhân lên nhiều giá trị về thư tịch, về văn chương, mỹ thuật, thư pháp; là báu vật văn học gắn liền với tên tuổi của những trí thức tinh hoa dưới thời Nguyễn.

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình "Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2020".

Đây là hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố, nhằm đưa di sản văn hóa đến gần công chúng địa phương và góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn thể cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Chương trình còn tạo cơ hội cho các chủ thể thực hành di sản văn hóa được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường và kết nối du khách, các công ty du lịch với các sản phẩm văn hóa.

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Đại diện gia đình nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (bên trái) trao tặng các hiện vật, cổ vật cho Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp

Tại Đồng Tháp, trong dịp này, Bảo Tàng tỉnh Đồng Tháp tổ chức tiếp nhận 535 hiện vật, cổ vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (trú tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiến tặng.

Số hiện vật, cổ vật gồm: Trang sức, tiền cổ, đồ gốm, đồ đá thuộc các loại hình văn hóa: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chăm, Mạ, Trung Hoa, Nhật Bản…, có niên đại từ trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XX.

Nhân dịp này, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã khai mạc trưng bày 535 hiện vật, cổ vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng.

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hằng năm là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”.

Quyết định nêu rõ việc tổ chức "Ngày Di sản văn hoá Việt Nam" hằng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam trong toàn dân;

Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hoá - thông tin nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng…

Theo baochinhphu.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan