Nhận diện tham nhũng ở nhà băng

08:14 | 06/12/2011

809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho rằng, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn coi nhẹ vấn đề phẩm chất đạo đức cán bộ. Người có tiền án, tiền sự về kinh tế, bất minh về lối sống vẫn được trọng dụng.

Cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc cho biết, chỉ trong một năm nước này đã trừng phạt 799 cán bộ thuộc 4 ngân hàng lớn trong nước sau khi phát hiện những người này có liên quan đến các vụ giao dịch bất hợp pháp với tổng số tiền lên tới 588,5 tỉ nhân dân tệ (73 tỉ USD). Ủy ban điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cho biết, những người sai phạm nói trên làm việc tại 103 chi nhánh ở các cấp khác nhau trong hệ thống 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Trung Quốc. Tổng cộng 4 ngân hàng này có 14.039 cơ sở trên cả nước.

Trông người mà ngẫm đến ta, số vụ việc tham nhũng tiêu cực của cán bộ nhân viên hệ thống ngân hàng thương mại vẫn có chiều hướng gia tăng. Mới đây, ngày 30/11, ông Phạm Anh Tuấn (Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng) cho biết, qua khảo sát 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực vực tín dụng, ngân hàng, cơ quan chức năng nhận thấy có thủ đoạn “cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng vàng giả đưa vào thế chấp; giả mạo chữ ký khách hàng, làm giả giấy rút tiền; ép buộc khách hàng chi tiền trong vay vốn ngân hàng”.

Kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đối với 30 vụ án trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy chủ thể phạm tội thường có hai nhóm: Thứ nhất là chính cán bộ của ngân hàng và nhóm thứ hai là các đối tượng ngoài ngân hàng. Có cán bộ ngân hàng phạm tội do bị lôi kéo, mua chuộc nhưng cũng có nhiều cán bộ chủ động lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tham nhũng.

Phân tích nguyên nhân của các tội phạm này, đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho rằng, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn coi nhẹ vấn đề phẩm chất đạo đức cán bộ. Người có tiền án, tiền sự về kinh tế, bất minh về lối sống vẫn được trọng dụng.

Chẳng hạn trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như làm giả con dấu, chữ ký Ngân hàng Công Thương lừa đảo 3.600 tỉ đồng có vấn đề cán bộ. Năm 2008, thị Như đã nổi tiếng trong lĩnh vực lướt sóng chứng khoán, ăn chơi, đạo đức kém nhưng vẫn được bổ nhiệm là Trưởng phòng Giao dịch Vietinbank Nhà Bè, TP HCM. Vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 500 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, hai cán bộ ngân hàng vi phạm đều từng có tiền sự nhưng vẫn được giao nhiệm vụ kinh doanh ngoại tệ.

Trong một vụ án khác, 11 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Trần Lệ Thủy (cán bộ BIDV Chi nhánh Đông Đô), Vũ Khắc Thành và Phạm Thị Hồng Thái (2 Phó giám đốc BIDV Đông Đô), Hoàng Trung Thông (Phó trưởng phòng Dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô), Hoàng Bích Liên (cán bộ BIDV Đông Đô), Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Minh Hằng (2 Phó trưởng phòng Giao dịch 1 VCB Chi nhánh Thành Công) và 4 bị can khác ngoài ngành Ngân hàng.

Cụ thể, Trần Lệ Thủy trong thời gian công tác tại BIDV Thái Bình và BIDV Đông Đô đã cùng một số đồng phạm ở VCB Thành Công sửa chữa, làm giả, tráo đổi 14 giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, chiếm đoạt của BIDV Thái Bình hơn 29 tỉ đồng.

Bị cáo Thủy thừa nhận giao cho Dân sửa 14 sổ tiết kiệm có số dư 100USD thành hơn 2,5 triệu USD. Sau khi giao sổ cho Dân sửa, Thủy giao cho Huyền rút tiền. Kèm theo đó, Thủy làm giả các giấy giải chấp để ngân hàng có căn cứ trao trả tiền.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, có trường hợp người đứng đầu đơn vị ngân hàng không muốn mất uy tín trong kinh doanh, sợ liên quan trách nhiệm người đứng đầu, e ngại khi phát hiện sai phạm, sợ công khai vi phạm ở đơn vị mình nên đã bưng bít vi phạm hoặc chỉ đề xuất và tiến hành xử lý nội bộ, không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét.

Đại tá Trần Duy Thanh (Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng – Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm) quan ngại việc thu hồi tài sản không đáng kể, có vụ không thu hồi được đồng nào do các bị can đã dùng tiền kinh doanh chứng khoán, cá độ bóng đá, kinh doanh bất động sản thua lỗ hết. Theo báo cáo, trong 8.000 tỉ đồng các ngân hàng bị thiệt hại chỉ thu hồi được 2.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia cao cấp trong Ban Chỉ đạo đánh giá, để xảy ra những vụ chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua là do công tác phát hiện và xử lý tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn yếu kém. Cơ chế chính sách trong lĩnh này cũng như thanh tra, kiểm tra giám sát còn sơ hở và dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN lại nhìn nhận rằng, gần đây xảy ra nhiều vụ sai phạm, tham nhũng trong ngành Ngân hàng nhưng tỉ lệ vẫn ở mức thấp “không có gì phải hốt hoảng”. Tiếp thu các đóng góp của đại diện Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: Hệ thống thanh tra của ngân hàng hiện nay là yếu kém, nói thẳng ra là đã bị vô hiệu hóa. Tôi xin nhận khuyết điểm về vấn đề này. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một thông tư liên tịch với Cơ quan Công an để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng chống tội phạm lĩnh vực ngân hàng.

Để làm trong sạch hệ thống ngân hàng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta chạy theo số lượng ngân hàng mà chưa chú ý đến chất lượng. Quy chế chưa chặt chẽ, công tác thanh kiểm tra của ngân hàng chưa tốt, tiêu chuẩn quản lý cán bộ còn lỏng lẻo… Cần phải được củng cố sớm để lấy được lòng tin của nhân dân.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm soát nội bộ để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện sai phạm. Các ngân hàng cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức cán bộ và nhân viên, quan tâm hơn nữa trong khâu đề bạt cán bộ, kiên quyết loại khỏi ngành những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, có sai phạm. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, ngân hàng đã để xảy ra sai phạm.

Bảo Ngân