Nhà máy Điện Thái Nguyên: Pháo đài thép và những chiến công quả cảm
Pháo đài thép bên bờ sông Cầu
Nhà máy Điện Thái Nguyên được xây dựng từ năm 1960 và chính thức vận hành phát điện năm 1963, với công suất đặt 24MW. Vào thời điểm đó, đây là nhà máy điện có công suất lớn thứ 2 ở miền Bắc sau Nhà máy Điện Uông Bí, cung cấp điện cho hoạt động của Khu Gang thép Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và một phần cho Thủ đô Hà Nội qua đường điện cao áp 110kV Thái Nguyên - Đông Anh.
Bác Hồ đến thăm Nhà máy điện Thái Nguyên (năm 1964) |
Lúc này, miền Bắc đang tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Nhà máy Điện Thái Nguyên vừa đi vào vận hành được hơn một năm, thì Đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 4/8/1964 và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ vào những mục tiêu kinh tế, quân sự ở miền Bắc Việt Nam. Nhà máy Điện Thái Nguyên và Khu Gang thép Thái Nguyên trở thành mục tiêu bắn phá trọng điểm của máy bay Mỹ. Kể từ đây, Nhà máy chuyển sang một giai đoạn mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu với mục tiêu “không để dòng điện chết”.
Trong ký ức của mình, ông Nguyễn Đình Ẩm (80 tuổi) - Nguyên Quản đốc Phân xưởng lò (sau là Bí thư Đảng ủy Nhà máy giai đoạn 1979-1994) vẫn nhớ như in những hình ảnh máy bay Mỹ bắn phá và uy hiếp Nhà máy. Lần đầu vào trưa ngày 17/10/1965. Khi đó, nhà máy được thiết kế rất kiên cố với hệ thống ngầm đặc biệt, tường dày 40-60cm, kết cấu bê tông cốt thép vô cùng vững chắc. Xung quanh nhà máy, CBCNV sử dụng tre, nứa đóng, đan phên to, giữa có đường hào, xây dựng thành các chiến lũy, đề phòng, nếu bị ném bom ở phía ngoài, bên trong nhà máy sẽ không bị ảnh hưởng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Thái Nguyên, nhà máy đã thực hiện tốt công tác phòng không, sơ tán bớt lực lượng, bảo vệ sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Hơn 800 cán bộ, công nhân viên nhà máy lúc đó vừa lao động sản xuất, vừa tham gia đào hầm, đắp ụ, xây đá che chắn thiết bị với khối lượng lên đến trên 10.000m3; sử dụng hơn 550 tấn sắt thép gia cố Nhà máy; đào 450m giao thông hào; đào 2.100 hố phòng không cá nhân; 13 hầm chỉ huy chiến đấu và tận dụng hàng trăm m3 gỗ, hàng vạn cây tre nứa để phòng tránh bom đạn. Lúc này, nhà máy như một pháo đài vững chắc bên bờ sông Cầu, sẵn sàng bảo vệ bầu trời thành phố Thái Nguyên, bảo vệ nhà máy và duy trì dòng điện luôn tỏa sáng.
Ông Ẩm nhớ lại, hồi đó, hầm cáp là nơi an toàn nhất, phía trên có thể bị đánh bom, nhưng bom không thể xuyên xuống hầm cáp được. Tất cả bảng điện được đưa xuống hầm để anh em vận hành bảo đảm an toàn nguồn điện. Ngoài ra, để tránh thương vong, nhà máy có sáng kiến dùng một dụng cụ để “tẩu thoát nhanh”, đó là ống trượt, giúp cho mọi người nhanh chóng rời vị trí làm việc chui vào hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch bắt đầu bắn phá. Ống trượt này đã song hành cùng CBCN Nhà máy trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bên cạnh việc bảo vệ thiết bị, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên và Quân khu 1, nhà máy thành lập Tiểu đoàn tự vệ, trong đó có Đại đội pháo phòng không 12 ly 7 trực liên tục suốt ngày đêm, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, đánh trả quyết liệt các đợt oanh kích của máy bay địch. Nhiều cán bộ công nhân viên nhà máy được trang bị súng trường K44 bảo vệ nhà máy, giáng trả những đòn tấn công tầm thấp của máy bay Mỹ khi chúng lao xuống cắt bom. Chính chiếc máy bay thứ 1.000 của không tặc Hoa Kỳ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi vào đêm 19/4/1966 trên bầu trời Thái Nguyên có phần góp lửa của tự vệ Nhà máy Điện Thái Nguyên. Vị trí mà chiếc máy bay thứ 1.000 rơi xuống từ đó có tên là quả đồi Một Nghìn và tên gọi mang tính lịch sử này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Những chiến công quả cảm
Giai đoạn 1966 - 1968, miền Bắc bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt hơn, Nhà máy nhiều lần bị trúng bom, đạn của kẻ thù. Cán bộ, công nhân và tự vệ nhà máy đã chiến đấu kiên cường, nổ súng kịp thời đánh trả đích đáng, góp phần bắn rơi 2 máy bay F105 tại trận địa bảo vệ nhà máy.
Công nhân sửa chữa lò hơi đang sửa chữa máy nghiền than sau cuộc không kích của máy bay Mỹ năm 1972 |
Trong cuộc chiến đấu ác liệt, một mất một còn với máy bay Mỹ, nêu cao tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ công nhân Nhà máy Điện Thái Nguyên vừa sản xuất vừa chiến đấu dũng cảm, giữ vững dòng điện, phục vụ điện kịp thời cho sản xuất và chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, thể hiện tinh thần cách mạng kiên cường, lòng căm thù giặc sâu sắc, như đồng chí Phương Văn Hối – công nhân thí nghiệm điện đã lấy thân mình bịt lỗ dầu do bom Mỹ đánh thủng, cứu được 20 tấn dầu của máy biến áp 3T. Đồng chí Đặng Đức Biện (Trưởng kíp lò) cùng công nhân Nguyễn Công Tường, Nông Văn Lợi, mặc cho máy bay còn đang gầm rít trên đầu, khói bom đạn mù mịt, vẫn cùng nhau bò lên nóc nhà lò cao 25 mét, xử lý kịp thời sự cố hệ thống hơi của 3 lò, đảm bảo nhà máy vận hành an toàn.
Đặc biệt, cứ sau mỗi trận oanh tạc của máy bay Mỹ, thiết bị nào hư hỏng đều được công nhân sửa chữa ngay. Cụ thể, trận ném bom ngày 19/3/1967, máy bay địch đã đánh hỏng 2 máy biến áp 35kV và 110kV, nhưng chỉ sau 24 giờ công nhân nhà máy đã sửa chữa xong, khôi phục sản xuất điện. Trận ném bom ngày 22/6/1967, máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt làm hỏng nhiều thiết bị của nhà máy. Cán bộ, công nhân viên nhà máy đã dốc sức sửa chữa trong 10 tháng mới hoàn thành. Trong thời gian này, nhờ có nguồn điện từ hệ thống điện miền Bắc đưa qua đường dây 110kV về 2 máy biến áp sơ tán ở trong núi, nên điện vẫn được cung cấp ổn định cho Thái Nguyên.
Trong giai đoạn Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc (năm 1972), Đế quốc Mỹ đã tiến hành 13 đợt ném bom rải thảm bằng máy bay B52, trút hàng ngàn quả bom xuống khu vực nhà máy, gây thiệt hại hết sức nặng nề. CBCNV nhà máy đã dốc sức ngày đêm, sửa chữa phục hồi nhà máy trong 2 tháng. Lần đầu tiên, nhà máy đúc thành công bạc cút-xi-nê máy tua-bin, rút ngắn thời gian chết máy 6 tháng. Phục hồi lò hơi số 3 vượt 15 ngày, lò hơi số 2 vượt 22 ngày để đến đúng ngày 6/2/1974, nhà máy đã khôi phục được công suất thiết kế ban đầu 24MW.
Theo thống kê tại Phòng Truyền thống Công ty Điện lực Thái Nguyên, trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã oanh tạc vào Nhà máy điện Thái Nguyên 137 trận, có ngày chúng đánh liền ba trận vào cả ban ngày và ban đêm. Đế quốc Mỹ đã dội xuống khu vực nhà máy tổng cộng hơn 1.000 tấn bom, bình quân mỗi cán bộ công nhân viên nhà máy “gánh” hơn 1 tấn bom. Trong các trận chiến đấu, 4 công nhân của Nhà máy là Hà Thị Tiến, Phạm Thị Vụ (công nhân vận hành lò), Nguyễn Đình Xô (công nhân cơ khí), Ngô Đức Quế (công nhân quản lý đường dây) đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, bảo vệ nhà máy, duy trì dòng điện cho Tổ quốc. Họ nêu cao khí phách anh hùng, xả thân vì sự nghiệp chung để: “Giữ cho dòng điện an toàn/ Như dòng máu đỏ tuần hoàn trong tim”.
Sự cống hiến, hy sinh anh dũng của CBCN Nhà máy Điện Thái Nguyên đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang trong lao động sáng tạo, hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhà máy. Họ chính là những tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và người công nhân ưu tú của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hải Anh
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 1)
-
Giá điện tăng ảnh hưởng như thế nào tới người dân, doanh nghiệp?
-
“Xanh hóa” ngành than
-
Tác động toàn cầu của công nghệ khoan dầu khí ngoài khơi của Hoa Kỳ (Kỳ 2)
-
CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile