Nguyễn Chí Thanh - người học trò xuất sắc của Bác Hồ

07:00 | 31/12/2013

3,489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất của Việt Nam. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng, Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu với bạn đọc một số kỷ niệm của nhà báo Hữu Thọ với Đại tướng.

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ 2014

Đánh giá sự nghiệp vẻ vang của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, anh Thao của chúng ta, một vị tướng tài danh, một nhà chính trị tiêu biểu, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những phát biểu toàn diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị tướng lĩnh và cán bộ đã có thời hoạt động cùng Anh và những nhà khoa học. Tôi chỉ xin phép kể một vài kỷ niệm nhỏ về một đồng chí lãnh đạo đáng kính.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đang là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 50, tôi được Bộ Tư lệnh Tả ngạn sông Hồng điều động về công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh, sau đó Khu ủy Tả ngạn bổ sung cho khu tập kết 300 ngày theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, rồi biệt phái tham gia Thường vụ Thị ủy Hải Dương tiếp quản thị xã. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lại được Khu ủy điều động lên công tác ở Báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng. Về làm báo, tôi được phân công theo dõi, viết bài về nông nghiệp.

Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Quân đội Nhân dân được điều động sang phụ trách nông nghiệp - là mặt trận kinh tế hàng đầu lúc đó thì tôi hay được Anh gọi lên hỏi việc này, việc khác và theo Anh đi các cơ sở nghiên cứu tình hình. Lúc đó, tôi được biết và có dịp được làm việc trực tiếp với Anh, nhưng trước đó, tôi đã có những ấn tượng sâu sắc về Anh.

Bác Hồ cùng các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương bàn kế hoạch mở Chiến dịch Biên Giới - năm 1950 (trong ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người chỉ tay)

Vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, trong cuộc chiến tranh 9 năm, thực dân Pháp mở rộng đánh phá Thái Bình - nơi tôi công tác. Chúng càn quét liên miên và lập các làng tề. Không ít cán bộ hoang mang, bật đất, có người vượt sông Hồng tới Nho Quan, Xích Thổ (Ninh Bình), có người chạy tới Hậu Hiền (Thanh Hóa).

Giữa lúc đó, Thái Bình được Trung ương bổ sung một số cán bộ Bình Trị Thiên. Tôi còn nhớ là gồm đồng chí Tư Quang (tên khai sinh là Chúc) quê Thừa Thiên và các đồng chí Kim, Đạc người Quảng Trị. Chính các đồng chí đó đã truyền đạt kinh nghiệm chiến tranh ở vùng sau lưng địch Bình Trị Thiên cho chúng tôi. Đồng chí nào cũng nhắc tới tư tưởng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Khu ủy: "Tiến vào lòng địch, bám dân, không mất dân thì không bao giờ mất đất".

Chính tư tưởng tiến công, tin vào dân, dựa vào dân đã giúp chúng tôi vượt sông, vượt đường, len lỏi qua đồn bốt địch trở về bám dân, bám đất, giữ vững địa bàn, tiến hành cuộc chiến đấu trong lòng địch, ngày xuống hầm, đêm vượt hầm vận động nhân dân đấu tranh chính trị và vũ trang xây dựng cơ sở, bảo vệ nhân dân.

Khi được làm việc trực tiếp với Anh, chúng tôi hay được gọi đến nhà Anh ở 34 Lý Nam Đế. Biết Anh rất quý nhà văn, nhà báo, nhưng đối với chúng tôi, Anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng là vị trí rất quan trọng trong Đảng và Quân đội nên tiếp xúc lúc đầu không thoải mái. Nhưng Anh thường gợi chuyện để chúng tôi cũng như cán bộ Anh mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận. Anh nói: "Các cậu cứ tranh cãi thoải mái. Mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được giao phụ trách nông nghiệp, có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh luận. Khi tranh luận có ý đúng, có ý chưa đúng là việc bình thường. Còn nếu cậu nào nói đúng một nửa thì cũng đã giữ 50% chân lý, rất oách rồi còn gì!".

Trong không khí thoải mái đó, chúng tôi cũng hăng hái có ý kiến có lúc "quá mạnh bạo", nói xong rồi mới thấy run. Chẳng hạn, lúc đó đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang đã góp ý kiến về phương châm "ba chính" trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính, thủy lợi nhỏ là chính, nhân dân làm là chính. Lúc bấy giờ, ý kiến của Đoàn cố vấn Trung Quốc có sức nặng ghê gớm. Nhưng khi nghe phổ biến phương châm "ba chính", một số cán bộ của ta băn khoăn, nhưng cũng chỉ xầm xì với nhau. Tôi mạnh dạn thưa với Anh: "Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt "giữ nước là chính" để chống hạn thì không bao quát tình hình, rồi cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cung cấp nước và tiêu nước, cho nên chỉ "thủy lợi nhỏ là chính" mà chưa có công trình vừa và lớn thì e chống hạn và chống úng đều không có hiệu quả". Thực ra, tôi thưa với Anh cũng chỉ là nói lại ý kiến của một số cán bộ mà tôi nghe được, nhưng lại động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện lớn, buột miệng nói ra rồi chờ nghe phê phán… Nhưng Anh ôn tồn nói: "Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn, nhưng khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng".

Lại nhớ, khi chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm 1960 về nông nghiệp để chuẩn bị kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (1961-1965), mà bây giờ ai cũng nhớ những khẩu hiệu nổi tiếng như "Phá xiềng ba sào", "Đuổi kịp mức sống trung nông" và "Phong trào làm thủy lợi hai năm" - một khẩu hiệu sinh động để thực hiện mục tiêu tăng vụ, khai hoang, nâng cao đời sống nhân dân… Anh cho tôi đi theo xuống Đồ Sơn, ở trong nhà nghỉ của quân đội lúc đó còn lợp mái tranh. Anh mời các chuyên gia đến báo cáo, nêu vấn đề, góp ý với đề cương. Sáng làm việc, chiều cùng tắm biển, tạo điều kiện tốt và gần gũi cho các chuyên gia để có không khí thoải mái khi làm việc… Còn nhớ, một cán bộ kỹ thuật rất nổi tiếng được mời đến phát biểu về kỹ thuật đối với cây lúa. Chắc vì thấy Anh là Ủy viên Bộ Chính trị nên ông này nói một thôi một hồi đến gần nửa tiếng quan điểm của Mác, Lê-nin và các nhà kinh điển về sản xuất. Anh rất sốt ruột vì muốn nghe kỹ thuật thì báo cáo viên đó lại thao thao về chính trị nên Anh ghé tai tôi nói: "Cậu ta nói dông dài về Các Mác thực ra "khác Mác". Tôi muốn cười mà không dám cười vì biết tính Anh muốn nghe những chuyện thực tế, chứ không phải lúc nào cũng nói lập trường, quan điểm chung chung.

Làm việc với Anh thật thoải mái vì Anh cho phép thế. Nhớ một lần đi công tác miền Trung, đến khe Nước Lạnh, ở vùng Nam Thanh, Bắc Nghệ đã quá trưa, Anh rủ ngồi dưới gốc cây gạo, giở cơm nắm ra ăn rồi nghỉ ngơi. Trong lúc nghỉ, cái máu nhà báo liều mạng của tôi nổi lên, tôi xin phép hỏi Anh: "Được biết, Anh được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương giới thiệu để bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương ở Hội nghị cán bộ toàn quốc Tân Trào, là người lãnh đạo nhưng vốn là nông dân tá điền, Anh nhớ câu ca dao nào nhất?". Sở dĩ hỏi Anh câu đó vì khi được giao phụ trách nông nghiệp, tôi đã phải tìm hiểu cuộc sống của người nông dân, trong đó có học qua ca dao, tục ngữ mà tôi đang đọc sách của các ông Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, nay hỏi Anh để hiểu ca dao trong cuộc đời người nông dân Việt Nam. Thấy tôi hỏi, Đại úy Chắt bảo vệ lừ mắt, ý nói “nên để Anh nghỉ”, nhưng Anh nghĩ một lúc, rồi nói: “Mình nhớ nhất câu: “Rồi mùa toóc rã, rơm khô/ Bạn về quê bạn, biết xứ mô mà tìm”.

Gặt xong thì thóc của nhà chủ vào bồ, rơm lên đống, rạ (toóc) ngoài đồng đã mục mà mình mất luôn tình bạn của những kẻ làm thuê theo mùa”. Cái máu đậm tình nghĩa bạn bè thuở hàn vi cứ đeo đẳng cái tính cách người lãnh đạo. Ở Anh luôn nặng lòng với những người nghèo khổ.

Anh là người lãnh đạo thích đi cơ sở, thích trò chuyện tâm tình với dân và không bao giờ “sáng đi, tối về”, không có chuyện thao thao diễn thuyết, chỉ thị. Xuống xã là ở lại qua đêm với dân như tôi đã từng theo Anh ở Trai Trang (Hưng Yên), Đồng Tâm (Phú Thọ)… Nhớ những ngày theo Anh về Hợp tác xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để nghiên cứu tình hình, tổng kết công tác “đuổi kịp trung nông” theo gợi ý trong một bài báo của Bác Hồ. Anh cũng ngủ tại xã chứ không nghỉ tại nhà khách huyện. Quần áo bộ đội bạc màu, đi dép râu, ngồi bệt xuống đất ven bờ sông Kiến Giang trò chuyện với cán bộ xã và nông dân… Làm việc xong, Anh nói: “Cậu Thọ tối nay đi cấy với bà con xem tâm tình bà con đánh giá chủ nhiệm Ánh thế nào?”.

Ở đây có thủy triều cho nên bà con phải chờ nước rút cấy “lấn nước”, ra đồng từ nửa đêm vừa cấy vừa hát hò vui vẻ. Sáng ra đã thấy Anh đứng ở đầu bờ thăm hỏi bà con… Ở  Đại Phong, Anh muốn đến tận nơi khai hoang Bến Tiến đi dọc sông Kiến Giang cũng tới mười cây số. Ngồi đò chở đi, có lúc Anh thay tay cầm chèo, cùng hò Lệ Thủy mà Anh mới học được như người nông dân Đại Phong thực thụ. Khi tổng kết công tác, Anh thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ. Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “bám đội lội đồng” nêu tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó chính là câu trả lời của chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh mà Anh rút ra thành chuẩn mực tác phong của người lãnh đạo nông nghiệp… Sau này, khi được nghe Anh nêu phương châm đánh Mỹ ở miền Nam “nắm thắt lưng địch mà đánh” vừa tỏ rõ khí phách, vừa chỉ rõ phương pháp chiến thuật, nghe nói lại là Anh cũng tổng kết phương châm đánh địch của một đại đội ở Núi Thành - Quảng Nam… Nói vậy để hiểu thêm phẩm chất của người lãnh đạo là sát dân, sát lính, không phải là một kiểu mị dân mà ở sự đồng cảm, chân thành, tôn trọng dân, học dân, tổng kết sáng tạo của dân để nâng tầm lãnh đạo… Đó thực sự là phong cách của Hồ Chí Minh mà Anh là người học trò xuất sắc.

Khi Đài Phát thanh báo tin anh Nguyễn Chí Thanh mất, tôi là phóng viên chiến trường của Báo Nhân dân đang theo bộ đội hành quân vào Khe Sanh. Điều này thật sự rất bất ngờ và là nỗi đau đối với tôi, cũng như đơn vị bộ đội đang hành quân. Hy vọng sẽ gặp lại để tâm sự với Thượng tá Mai Quang Ca, thư ký của Anh, đang là Phó chủ nhiệm chính trị Mặt trận, người đã từng cùng nhau phục vụ Anh hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong” đầu năm 1961. Viết tới đây, tôi lại nhớ vào dịp giáp tết, khi cùng Mai Quang Ca nghe Anh nêu dàn bài cuốn sách thì có người đưa đến một tập thơ đã đánh máy. Anh hỏi: “Cái gì thế này?”. Đồng chí đó thưa: “Đây là những bài thơ của Anh viết trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Chúng tôi sưu tầm lại để in ở Nhà xuất bản Phổ thông. Các anh ở Bộ Văn hóa, Hội Nhà văn và anh Tố Hữu đã xem. Tôi đến xin chữ ký của Anh”. Anh giở tập thơ đã đánh máy, rồi nói: “Đúng là thơ của mình. Lúc đó, anh em chúng mình làm thơ để tỏ rõ ý chí, khí tiết cách mạng để tự động viên, động viên nhau tiếp tục chiến đấu, chứ có giá trị văn học gì đâu mà in thành sách. Đồng chí về nói tôi cảm ơn Bộ và Hội, nhưng không nên in, để giấy in những bài thơ hay!”. Thế là tôi lại hiểu thêm về Anh, con người luôn hiểu rõ giá trị thực chất những việc mình làm. Xem ra nịnh được những người như Anh thật không dễ.

Sau chuyến công tác ở Khe Sanh, trên đường về Quảng Bình, tôi đạp xe về Lệ Thủy, nhờ các đồng chí giúp đỡ lên Bến Tiến để nhớ lại những kỷ niệm về Anh. Rồi hai năm sau, vào mồng Một tết Kỷ Dậu 1969, theo Bác Hồ đi trồng cây trong tết Trồng cây lần thứ X và cũng là tết Trồng cây lần cuối cùng của Người trên đồi Đồng Váng, Sơn Tây, tôi được ngồi dưới bóng cây bạch đàn dự buổi nói chuyện của Bác với nông dân và chợt nhận ra chị Đỗ Thị Soạn, cô em út trong mười hai cô gái có thành tích trong phong trào học tập Đại Phong. Soạn ở Tòng Lệnh, ven sông Đà, nay đã là Bí thư Chi bộ, chợt nhớ ngày Anh về Tòng Lệnh gặp thanh niên, phát động phong trào “Trai gái Đại Phong” và căn dặn những người làm báo chúng tôi nêu gương những người trẻ tuổi trong phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” làm nên phong trào Đại Phong trong nông nghiệp sôi nổi.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi xin kể lại mấy kỷ niệm về Anh để luôn nhớ tư tưởng hết lòng vì dân, luôn tin vào dân, dựa vào dân, nhớ tác phong sâu sát cuộc sống, hòa đồng với đồng bào, sống gần gũi, bao dung của một đồng chí lãnh đạo, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Anh, tư tưởng, phong cách lãnh đạo, phong cách sống của Anh vẫn là tấm gương cho thế hệ hôm nay.

Nhà báo Hữu Thọ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc