Nguy cơ thiếu điện vẫn nhãn tiền

14:56 | 02/04/2020

422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong tháng 1 năm 2020, kết quả tính toán cân đối cung - cầu điện giai đoạn 2021-2025 thì nước ta vẫn sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện nghiêm trọng.

Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, trong các năm 2021-2024, hệ thống điện có nguy cơ thiếu hụt từ 0,4 đến 13,3 tỷ kWh điện, trong đó lượng thiếu hụt cao nhất lên đến 13,3 tỷ kWh vào năm 2023.

nguy co thieu dien van nhan tien
Vẫn chưa có kết luận tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho Dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Dự kiến đến năm 2025, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí Lô B, khí Cá Voi Xanh (như: Ô Môn III&IV, Nhơn Trạch 3&4, TBKHH miền Trung 1&2 và Dung Quất I&III) và các dự án nguồn điện sử dụng khí LNG (Nhơn Trạch 3&4, Bạc Liêu 1) đáp ứng tiến độ.

Để có thể đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo cung ứng điện. Trong đó có các giải pháp thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh và triển khai xây dựng quy hoạch điện VIII...

Trong các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện, một nhiệm vụ quan trọng đã được Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị điện lực thực hiện là phải đảm bảo sẵn sàng cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch.

Nhiều giải pháp cụ thể đã và đang được Bộ Công Thương triển khai như đảm bảo cung cấp đủ than, khí, dầu cho phát điện; phối hợp vận hành các hồ thủy điện nhằm góp phần đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở hạ du của các hồ thủy điện; triển khai các Chương trình Quản lý nhu cầu phụ tải, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện, nhằm mục tiêu cắt giảm phụ tải đỉnh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho năm 2020.

Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và một số giải pháp bổ sung. Đáng chú ý có việc tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Trong đó đầu tư, cải tạo lưới điện hiện hữu nhằm vận hành lưới điện linh hoạt và giảm thiểu ảnh hưởng qua lại giữa hai hệ thống điện trong khi vận hành.

Tiếp đến là chuyển đổi, huy động nhà máy điện Hiệp Phước hiện hữu sử dụng LNG, đồng thời đề xuất bổ sung quy hoạch thêm 03 turbine khí, nâng quy mô công suất lên 3x(270+125)MW (tổng 1.185MW).

Đặc biệt là việc sửa đổi, ban hành các cơ chế mới cho năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng tiến độ. Khẩn trương xây dựng lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện này. Xây dựng chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo với cơ cấu và tỷ lệ hợp lý, nhất là các dự án điện mặt trời áp mái.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tổ chức triển khai sớm việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định trên cơ sở tổng thể, đảm bảo tính khả thi và đồng bộ của quy hoạch; khẩn trương thẩm định, trình duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các địa phương và quy hoạch điện VII trong trường hợp cần thiết.

Thành Công

nguy co thieu dien van nhan tien

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải đảm bảo an ninh năng lượng, không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào

Yêu cầu đặt ra với ngành Điện là: Phải đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của nhân dân. Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để thực hiện yêu cầu này, trách nhiệm đặt ra đối với ngành Điện, trong đó EVN đóng vai trò chủ đạo là hết sức nặng nề.

nguy co thieu dien van nhan tien

Bộ Công Thương họp khẩn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện

Chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị có liên quan để đánh giá hiện trạng, đồng thời đề ra giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm.

nguy co thieu dien van nhan tien

Nguy cơ thiếu điện cao, kéo dài tới năm 2022-2023

Trước lo ngại về nguy cơ thiếu điện của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2019-2020 và kéo dài tới năm 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

nguy co thieu dien van nhan tien

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu bám sát, phối hợp Văn phòng Chính phủ để sớm có kết luận đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2

Chiều ngày 26/8, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ với nội dung "đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025". Trong đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc phối hợp Văn phòng Chính phủ để sớm có kết luận của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2.