Người gom nhặt kỷ vật thời chiến để… lập bảo tàng

06:46 | 06/05/2013

2,935 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hơn 20 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn một mình âm thầm, lặn lội trong Nam, ngoài Bắc gom nhặt những kỷ vật thời chiến để làm bảo tàng cá nhân.

Đó là bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý giá và cũng là nơi mà các cựu chiến binh đã từng chung chiến hào gặp gỡ, cùng ôn lại về thời kỳ lịch sử hào hùng và gian khổ nhất của dân tộc ta.

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên những kỷ vật chiến tranh tại “bảo tàng”.

Ký ức một thời chiến trận

Vỏ bom 500 kg, cùng các loại vỏ đạn pháo được ông Hiệp đặt ngoài cửa gian trưng bày.

Với ông, việc siêu tầm, gom nhặt những kỷ thời chiến trận – nơi ông cùng đồng đội một thời vào sinh ra tử là bổn phận, là trách nhiệm và là lời hứa tri ân với đồng đội.

Năm 1967, khi vừa 18 tuổi và mới học hết lớp 9, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì có người anh ruột đã hy sinh ngoài chiến trường, nhưng chàng trai Nguyễn Mạnh Hiệp một mực xin đi lính. Bước vào quân ngũ, chàng thanh niên Hà Nội được biên chế vào Tiểu đoàn 420, Sư đoàn 320B. Trải qua 3 tháng huấn luyện tân binh, Hiệp được lệnh đi B và nhận nhiệm vụ làm trinh sát bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên. 

Ba lô, bát ăn, mũ tai bèo... những vật dụng quen thuộc của quân đội Việt Nam.

"Hành quân ròng rã bằng đường bộ hàng trăm cây số trong suốt 3 tháng từ Ninh Bình đến A Lưới (Thừa Thiên - Huế), bao nhiêu bom rơi, đạn nổ quanh mình, cái đói luôn thường trực, chỉ có khoai sắn, rau rừng là thức ăn chính qua ngày, chưa kể phải chịu những trận sốt rét kéo dài, nhưng cuối cùng tôi và đồng đội đã đặt chân đến nơi", ông kể lại.

Năm 1968, mặt trận Quân khu Trị Thiên hồi đó gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn lương thực, vũ khí. Kẻ địch tập trung hỏa lực ngày đêm đánh phá, nhiều đồng đội bị thương nặng và hy sinh, bản thân ông cũng là thương binh hạng 4/4. Sự kiện cùng với Sư đoàn 324 đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch tại đồi Abia (có tên là đồi Thịt băm) khiến ông nhớ mãi.

Đạn pháo 175mm, 155mm được mệnh danh là “vua chiến trường” của Mỹ.

Ông Hiệp kể: "Trận chiến ấy của Mỹ vốn có cái tên lãng mạn là "Tuyết rơi trên đỉnh núi' nhưng sau đó đã bị quân ta biến thành "Máu rơi trên đỉnh núi". Đó là một ký ức không bao giờ quên đối với người bộ đội Cụ Hồ chúng tôi, mỗi khi có dịp ôn lại".

Bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu năm 1969, khi ông bị thương nặng phải chuyển về điều trị tại Đoàn 580 (Quảng Bình). Sau đó, ông được phân công làm cán bộ khung, huấn luyện tuyển quân bổ sung cho các đơn vị. Rồi năm 1972, ông chuyển về công tác tại Bộ Văn hóa.

Lặn lội tìm kỷ vật

Để tìm được những kỷ vật này ông Hiệp đã vào Nam ra Bắc, trải qua rất nhiều khó khăn.

Suốt 20 năm qua, một mình người cựu chiến binh già ấy lặn lội hết trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí sang cả nước bạn Lào để tìm kiếm kỷ vật từ chiến trường năm xưa ông tham gia chiến đấu.

Hễ hay tin ở đâu người dân tìm được các kỷ vật như nhật ký, bom mìn, quân trang và vật dụng của bộ đội ta và địch còn sót lại là ông tìm đến hỏi mua bằng được. Hoặc có những đồng đội cũ biết được tấm lòng của ông cũng mang những kỷ vật quý báu của mình đến nhờ ông cất giữ.

Máy thông tin được dùng trong thời chiến của bộ đội Cụ Hồ.

Ông Hiệp tâm sự: “Tôi có ý tưởng xây dựng “bảo tàng” kỷ vật chiến tranh từ rất lâu rồi, nhưng do điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên mãi đến ngày 22/12/2011, đúng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông mới khánh thành “bảo tàng chứng tích chiến tranh”.

“Bảo tàng” của ông Hiệp rộng chừng 30 m2, trước đây vốn là sân để cây cảnh của ông. Ngay từ ngoài cửa vào là quả đạn pháo 203 mm và 2 quả đạn 175 mm, “vua chiến trường” một thời của quân đội Mỹ.

Bên trong là các tủ kính dùng để bày hiện vật. Trong các tủ kính đủ cả những vật dụng thời chiến của bộ đội ta cũng như của lính Mỹ: từ chiếc bát ăn cơm, cốc nước, ba lô, mũ cối…của các chiến sĩ ta hay áo giáp, súng đạn, máy tra tấn điện… của quân thù.

Ngoài ra, ông còn sưu tầm được rất nhiều bức ảnh về thời chiến.

Trên tường có rất nhiều bức ảnh sinh động về thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, chân dung 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… Hiện “bảo tàng” đang trưng bày hàng ngàn hiện vật.

"Bảo tàng chứng tích chiến tranh" - nơi tái hiện lại ký ức sinh động về thời kỳ lịch sử hào hùng và gian khổ của dân tộc ta.

Những kỷ vật tại “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh" đã phần nào thể hiện một cách chân thực sinh động, sâu sắc về cuộc chiến đấu oanh liệt của Bộ đội Cụ Hồ tại một trong những mặt trận khốc liệt bậc nhất, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay về truyền thống lịch sử của dân tộc ta.

Nguyễn Hoan