Người giàu cũng quỵt tiền bảo hiểm

14:25 | 09/10/2011

410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đáng buồn nhất trong câu chuyện xù tiền BHXH của người lao động lại chính là các vị đại gia này sẵn sàng chi tiền tấn để PR, để mua máy bay riêng hoặc tài trợ các hoạt động thể thao…

Trên Báo Năng lượng Mới số 27 ra ngày 13/6 đã phản ánh tình trạng hơn 735 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng nợ tồn đọng tiền lương và tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động với số tiền trên 40 tỉ đồng, gây bức xúc cho hàng nghìn người lao động. Song, khi nói về việc xù tiền BHXH của người lao động thì ta không thể không nhắc đến việc ba tập đoàn kinh tế lớn ở phố núi Gia Lai: Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai và Quang Đức xù tiền BHXH của hàng nghìn người lao động đang miệt mài tạo ra lợi nhuận cho họ.

Sự việc đó được một lãnh đạo BHXH ở thành phố Pleiku công khai chi li từng chi tiết. Sự việc được báo chí đăng tải giữa tháng 8 vừa qua, gây nhiều bức xúc trong dư luận. BHXH thành phố Pleiku nêu ra như sau: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Gia Lai có 5.000 lao động nhưng chỉ có hơn 1.300 lao động được đóng bảo hiểm và chỉ đóng với mức lương 3-4 triệu đồng. Tập đoàn Đức Long Gia Lai có khoảng 2.000 lao động làm việc thường xuyên nhưng chỉ vỏn vẹn có 45 người được đóng BHXH (!?). Công ty Quang Đức nói là đã đóng BHXH cho 800 người nhưng không tiết lộ số lao động thực tế là bao nhiêu. Theo ông Chủ tịch xã Ia Puch – nơi Công ty Quang Đức đầu tư trồng cao su thì nhiều lao động làm việc cho công ty này 2-3 năm nay vẫn chưa được đóng bảo hiểm!

Đáng buồn nhất trong câu chuyện xù tiền BHXH của người lao động lại chính là các vị đại gia này sẵn sàng chi tiền tấn để PR, để mua máy bay riêng hoặc tài trợ các hoạt động thể thao… Như vậy, rõ ràng ngày nay không chỉ các ngôi sao giải trí mà các doanh nhân cũng có xu hướng tạo ra thương hiệu bằng những chuyện giật gân hơn là các giá trị nhân văn.

Vậy là cứ 3 lao động mới có 1 người được đóng BHXH ở những doanh nghiệp siêu lớn ở phố núi.

Các doanh nhân nổi tiếng Việt Nam hẳn không xa lạ với những quy tắc quốc tế để ứng xử với những doanh nghiệp không đảm bảo quyền lợi người lao động, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Đó cũng là lý do những thương hiệu lớn trên thế giới đã chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với hình ảnh bảo vệ môi trường, với hạnh phúc của người làm công.

Đức Long là một tập đoàn lớn ở Gia Lai đang xù tiền BHXH của người lao động cũng là chủ đầu tư của Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang bị phản ứng vì xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Một khi doanh nghiệp đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng, không đảm bảo được các tiêu chí phát triển bền vững, tước mất quyền lợi căn bản của người lao động… rất cần cách ứng xử của cộng đồng như từng nói không với sản phẩm của Vedan khi họ không chịu bồi thường cho nông dân. Thương hiệu của họ cần bị tẩy chay và phải phạt cho thật nặng.

Lê Trúc