Người gắn bó trọn đời với anh Mười Cúc

06:00 | 05/05/2014

655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tá, bác sĩ Lê Hồng Quang (Sáu Quang) là một trong số ít cán bộ có vinh dự được phục vụ rất nhiều cán bộ trong Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN); trong đó, người mà ông gắn bó lâu dài nhất là đồng chí Mười Cúc (cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), người thủ trưởng ông thường gọi thân mật là “chú Mười”.

Năng lượng Mới số 317+318

Quyết định vào nghề y

Đại tá, bác sĩ Lê Hồng Quang, sinh năm 1935, tại Sa Đéc, Đồng Tháp, tham gia kháng chiến lúc mới 11 tuổi. Giai đoạn đầu hoạt động cách mạng ông vừa học tập vừa làm công tác trinh sát, rồi giao thông liên lạc tại địa phương. Đến tháng 7/1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục làm công tác giao thông liên lạc. Đến năm 1958, Trường Luân huấn thuộc Cục Quân y tuyển người học dược và ông quyết định tham gia học dược chính quy. Ông học dược rất giỏi, luôn đứng đầu lớp nhưng khi thi đại học, ông quyết định không thi dược mà chuyển sang thi vào Trường ĐH Y Hà Nội với suy nghĩ, trong chiến trường, nhu cầu cứu chữa thương binh nhiều hơn, do đó học y sẽ giúp ích được nhiều hơn cho kháng chiến.

Năm 1961, ông thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Vốn tính ham học, lại độc thân, không vướng bận gia đình nên ông học rất tích cực, các sách giáo khoa ông đều đọc hết, bài tập thì làm không sót bài nào. Vì vậy, ông học rất giỏi, được chọn làm lớp trưởng, bí thư chi bộ của lớp, lại được các thầy ưu tiên đào tạo để chuẩn bị cho đi vào chiến trường miền Nam, lúc đó gọi là đi “B”.

Đại tá, bác sĩ Lê Hồng Quang kể về quá trình hoạt động cách mạng của ông

Bác sĩ Quang cho biết: “Thời đó hăng hái, ai cũng muốn được đi “B” nên khi được chọn đi phải nỗ lực hết mình. Tôi tranh thủ mọi thời gian để học. Hè cũng không nghỉ mà tham gia thực tập tại các bệnh viện dã chiến. Vì vậy, ngay từ lúc học đã có kinh nghiệm chữa bệnh, giải quyết cứu chữa thương binh. Làm bác sĩ thời chiến phải linh động, không chỉ cứu chữa thương binh mà còn khám, chữa bệnh cho bà con trên đường hành quân nên tôi chọn theo học đa khoa, để khi ra chiến trận, gặp các bệnh nhân thuộc nội, ngoại, sản, nhi khoa đều có thể cứu giúp”.

Tháng 2/1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Lê Hồng Quang vượt Trường Sơn đi “B”. Bác sĩ Quang kể: “Lúc này, suốt dãy Trường Sơn, địch ngày đêm đánh phá ác liệt với đủ các loại bom, đạn đến chất độc hóa học. Bởi thế dọc đường đi, lúc thì trong rừng già ba tầng cây không thấy mặt trời nhưng có đoạn rừng chỉ còn thân cây trụi lá vì chất độc hóa học. Đường đi vô cùng gian truân, trèo đèo lội suối, rừng thiêng, nước độc, đói khát, bệnh tật, muỗi, vắt, máu đổ rỉ rả cả ngày!

Cuối cùng, sau 6 tháng ròng rã trong mọi điều kiện ác liệt từ thiên nhiên đến địch họa, đoàn của bác sĩ Quang cũng về đến được khu căn cứ cách mạng Bắc Tây Ninh. Tại đây, bác sĩ Quang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo TƯCMN, trong đó ông từng chăm sóc sức khỏe cho nhiều lãnh đạo như: đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Hai Văn (Phan Văn Đáng), Hai Hậu (Trần Lương)... Ông cũng sát cánh cùng các đồng chí, đồng đội bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não cách mạng ở miền Nam. Trong các trận càn Ác-tơn-boro (Attelboro), Gian-xơn-xity (Junction City), lãnh đủ những lần dội bom B52 của Mỹ.

Vượt Trường Sơn với “chú Mười”

Trong quá trình hoạt động, Đại tá, bác sĩ Lê Hồng Quang có rất nhiều kỷ niệm với các thủ trưởng mà ông từng phục vụ. Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là chuyến vượt Trường Sơn ra Bắc với thủ trưởng Mười Cúc. Chuyến công tác đặc biệt đó ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hai thủ trưởng lãnh đạo TƯCMN vượt Trường Sơn ra Hà Nội họp với Bộ Chính trị trong tình hình mới khi Hiệp định Paris vừa được ký kết. Trước chuyến đi ấy, nhà báo Thép Mới còn nói vui với ông rằng: “Cậu đi A đấy!”.

Bác sĩ Quang còn nhớ rõ: Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 16/3/1973 đoàn công tác xuất phát. Trong đoàn gồm có: đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư TƯCMN (Trưởng đoàn), đồng chí Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, đồng chí Nguyễn Minh Đường (Sáu Đường), Bí thư T2 - miền Trung Nam Bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Bí thư T3 - miền Tây Nam Bộ, cùng các đồng chí trong văn phòng TƯCMN, bộ phận bảo vệ và bác sĩ phục vụ. Trong đó, bác sĩ Quang nhận nhiệm vụ đặc trách chăm lo sức khỏe cho đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Võ Văn Kiệt.

Dự kiến, chuyến đi sẽ tranh thủ mọi điều kiện và phương tiện tối ưu nhất cho từng đoạn thích hợp, kết hợp cả đường thủy đi canô, đường bộ dùng honda, ôtô hoặc cuốc bộ, lội suối… Bác sĩ Quang kể lại: “Người ta cứ tưởng Hiệp định Paris đã ký rồi thì vượt Trường Sơn “dễ thở” hơn nhưng thực tế trên trường Trường Sơn bấy giờ địch vẫn “canh tuần” đánh phá ác liệt ngày đêm; không lúc nào trên đầu không có máy bay gầm rú, bắn phá, nhất là loại AC130 bay chậm, có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh ban đêm”.

Ban ngày, đoàn đi ôtô qua những đoạn rừng trụi lá vì chất độc hóa học thì bụi mù mịt, địch dễ phát hiện. Ban đêm thì chỉ dùng đèn gầm qua những đoạn đường hẹp, đèo ngoằn ngoèo, nguy hiểm khó lường. Mặc dù các binh trạm cố gắng sắp xếp thời gian đi và nghỉ xen kẽ, giữ sức khỏe cho các thủ trưởng nhưng kế hoạch thường bị động bởi địch bắn phá liên tục. Có khi địch vừa đánh phá và ném bom xong, đoàn phải đi ngay vi khói lửa còn đang bốc cháy chính là lúc tận dụng đám khói ấy “che mắt” địch, tạo thuận lợi cho đoàn công tác hành quân trót lọt qua khu vực hiểm nghèo. Đôi khi phải vượt qua cung đường mà đáng lẽ hôm sau mới phải đi theo kế hoạch.

Bác sĩ Quang tâm sự: “Hành trình gian khổ như vậy nên lớp trẻ dưới 50 tuổi cũng mệt nhoài huống hồ các thủ trưởng, nhất là chú Mười, người cao tuổi nhất trong đoàn lúc bấy giờ đã ở tuổi 60. Đi đường mệt, có khi một hai giờ đêm mới đến binh trạm có chỗ nghỉ nhưng trước khi nghỉ ngơi bao giờ chú cũng luôn để ý kiểm tra xem anh em có mắc màn đầy đủ trước khi ngủ hay không. Suốt chuyến đi, chú cũng thường xuyên bảo tôi nhắc nhở anh em phòng bệnh trong ăn uống, sinh hoạt”.

Nói về nếp sống của đồng chí Nguyễn Văn Linh, bác sĩ Quang cho biết: “Chú Mười sống rất giản dị nhưng trật tự, nề nếp, kỹ lưỡng, chặt chẽ và đặc biệt rất nghiêm khắc. Mọi người đều mến phục chú và coi như cha, chú trong nhà”.

“Ở chặng cuối của cuộc hành trình ra Hà Nội, đoàn đi đến đoạn đầu của đường 559, tiễn đoàn ra khỏi cửa rừng là Đại tá Đặng Tính. Tôi còn nhớ hình ảnh Đại tá bắt tay tạm biệt từng thành viên trong đoàn. Thật không ngờ đấy là những cái bắt tay vĩnh biệt. Hai hôm sau khi đoàn về đến Hà Nội thì ở Câu Lạc bộ Quân đội (khu Cột cờ) có tổ chức lễ tang, hỏi ra mới biết đồng chí Đại tá Đặng Tính sau khi tiễn đoàn quay trở lại thì bị vướng bom nổ chậm và hy sinh”, bác sĩ Quang bùi ngùi nhớ lại.

Đến Hà Nội, sau một thời gian khẩn trương làm việc với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có được nghị quyết trong tình hình mới. Thế là ngày 2/7/1973, đoàn TƯCMN từ Hà Nội trở về lại miền Nam bằng cả đường thủy và đường bộ, trong đó đoàn do đồng chí Võ Văn Kiệt dẫn đầu về bằng đường thủy “trực chỉ” T3. Đoàn đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đi bằng đường bộ về căn cứ TƯCMN. Bác sĩ Quang tiếp tục tháp tùng đồng chí Nguyễn Văn Linh về căn cứ. Hành trình mang theo lúc này là mỗi người một balô bọc vài lớp nilon. Chiếc balô trở thành chiếc phao mỗi khi bơi qua suối nhỏ. Vượt qua suối lớn thì sử dụng dây cáp hỗ trợ do anh em ở các binh trạm chuẩn bị. Đoàn đi bất kể ngày đêm, mưa nhỏ thì đi, mưa lớn thì nghỉ. Cứ thế, sau một tháng trời gian nan, vật lộn trong mưa gió, hành quân liên miên, đoàn đã về tới khu căn cứ cách mạng Bắc Tây Ninh.

Bác sĩ Quang kể lại: “Khi về đến căn cứ TƯCMN thì chú Mười gọi tôi đến bảo: “Cậu đưa ngay cho tôi nghị quyết của Bộ Chính trị để chuẩn bị làm việc”. Lúc này tôi giật mình, ngớ người vì thật sự tôi chưa bao giờ được nghe nói đến nghị quyết của Bộ Chính trị. Lấy lại bình tĩnh tôi thưa: “Thưa chú, cháu chưa thấy nghị quyết ấy bao giờ”. Chú Mười nghiêm nghị: “Cậu nói lạ! Chính tôi giao cho cậu giữ mà!”. Lúc đó tôi thực sự hốt hoảng và lần đầu tiên trong đời tôi cãi chú một cách quyết liệt: “Thưa chú, cháu chưa bao giờ nghe và thấy nghị quyết nào chú giao cho cháu cả”. Chú Mười vốn đã nghiêm, lúc ấy nóng giận thật sự, chú phán ngay một câu lớn tiếng tưởng chừng như trời sập: “Chính tôi trực tiếp giao cho cậu một gói và dặn kỹ phải giữ gìn cẩn thận, sao cậu lại bảo không được”.

Chính câu nói đó đã giải tỏa nỗi lo lắng cho bác sĩ Quang, thì ra trên đường đi, đồng chí Nguyễn Văn Linh có đưa cho bác sĩ Quang một gói đồ, bảo giữ cẩn thận. Không biết bên trong là gì nhưng ông vẫn bọc thêm mấy lớp nilon để tránh bị ướt và mang theo không rời. Khi đồng chí Nguyễn Văn Linh hỏi bác sĩ Quang mới biết trong đó chứa nghị quyết của Bộ Chính trị. 

Bác sĩ Quang nói: “Nghe chú Mười hỏi nghị quyết của Bộ Chính trị mà tôi điếng hồn, lỡ mất chắc “tru di cửu tộc” cũng không hết tội vì lộ cả kế hoạch tổng tiến công năm 1975. Mãi đến khi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh tôi mới hiểu tầm quan trọng của chuyến đi vượt Trường Sơn với chú Mười. Đó là chuyến đi bí mật, an toàn, vượt mọi gian truân, mang về một nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị (Nghị quyết 15) để triển khai cho giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Năm 1978, sau 30 năm hoạt động cách mạng, bác sĩ Quang về quê nhà ở Đồng Tháp làm Viện trưởng Viện Điều dưỡng Đồng Tháp. Đến năm 1980, bác sĩ Quang được điều về Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương (Bệnh viện 108) và tiếp tục trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Nguyễn Văn Linh cho đến khi đồng chí qua đời. Đến nay, khi đã nghỉ hưu, bác sĩ Quang vẫn tích cực tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí, đồng đội, phối hợp với các bệnh viện khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc