Người dân còn thờ ơ với dịch cúm H5N1

16:29 | 27/02/2012

778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Dịch cúm gia cầm H5N1 đã quay trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp. Vào đầu tháng 2/2012, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1. Tuy nhiên, nhiều người dân Hà Nội vẫn khá thờ ơ trước căn bệnh nguy hiểm này.

Ế hàng do dân “ngán” gà, vịt

Dạo quanh một số chợ lớn của Hà Nội như: chợ Thành Công, chợ Mai Động, chợ Nhà Xanh…, tình hình chung là lượng gia cầm bán ra không nhiều, giá cả cũng không cao như trong dịp Tết.

Đã 10h nhưng các sạp, các khu vực bán gà vẫn còn nguyên. Chỉ vào số gà sống của mình, chị Khánh (bán hàng chợ Thành Công) cho biết: “Khoảng 1 tháng nay lượng người mua gà, vịt có giảm, giá cũng không tăng. Sau Tết cũng ít người muốn ăn thịt gà”.

Gà ế do dân "ngán" ăn

Chị cho biết, năm nào thời điểm sau Tết, thịt gà, thịt vịt cũng ế vì người tiêu dùng đã “ngán” các loại gia cầm chứ không chỉ do thông tin dịch cúm H5N1. Giá gà ta trước tết dao động khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 110.000 – 120.000 đồng/kg. Giá thịt vịt khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg, trước Tết là 70.000 – 90.000 đồng/kg.

Không chỉ có chợ Thành Công, mà hầu hết các chợ PV Petrotimes khảo sát đều có chung tình trạng này. Lượng hàng bán ra đã giảm khoảng 30 – 40% so với trước Tết, giá cả cũng giảm đáng kể nhưng vẫn rất ít khách mua.

Chị Thoa (bán hàng ở chợ nhà Xanh) cho biết: “Sau tết, nhiều người thích ăn lẩu thì mới hay mua thịt gà, còn đa phần người dân thích ăn thịt lợn, thịt bò hay đồ thủy, hải sản cho đổi món”. Vì thế, lượng gà, vịt chị nhập vào cũng ít hơn, làm cầm chừng để tránh ế.

Khi được hỏi về thông tin bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, nhiều tiểu thương cho biết có nghe thông tin trên TV, báo, đài nhưng họ đều “lấy ở mối quen” nên không có chuyện gà nhiễm bệnh và khẳng định rằng hàng họ bán ra “chỉ có chuẩn”.

Người tiêu dùng còn thờ ơ

Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại Kiên Giang và Sóc Trăng. Hiện nay, Hà Nội chưa phát hiện nhiều và cũng chưa công bố dịch cúm gia cầm, nhưng việc tăng cường thông tin cho người dân về tình hình dịch cúm cũng đã được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ với bệnh dịch nguy hiểm đến tính mạng này. Bác Nguyễn Thị Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hàng ngày bác vẫn mua cánh gà về làm thức ăn cho cả nhà, hiện nay “vẫn chưa có vấn đề gì”. Bác cho rằng: “Trước đến nay tôi vẫn mua ở hàng quen, không phải mua linh tinh nhiều nơi nên tin tưởng chất lượng lắm”.

Gà nấu chín sẽ không có virus H5N1?

Cũng có một số người biết thông tin về dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp nhưng lại có cách phòng tránh rất “lạ” và thiếu hiểu biết. Chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nghe tin có dịch cúm, chị gửi mua ngay gà, vịt và sản phẩm trứng ở quê, rồi nhờ người mang lên Hà Nội. Chị khẳng định: “Mua ở quê thì yên tâm là không có dịch, giá rẻ lại sạch sẽ hơn”.

Hay chị Loan (Thanh Xuân, Hà Nội) lại cho rằng: “Tôi mua hay được cho gà, vịt thì cũng mang ra hàng, người ta làm lông sạch sẽ. Mình chỉ mang về chế biến chín là được, vi trùng vi khuẩn gì cũng chết hết”.

Theo WHO, từ đầu năm 2012 đến nay, thế giới đã ghi nhận 6 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại các quốc gia: Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam. Riêng Việt Nam có 2 trường hợp mắc và tử vong do phát hiện quá muộn (3-6 ngày mới phát hiện bệnh).

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm đầu năm 2012, các cơ quan y tế, truyền thông đã cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng để người dân nắm và phòng ngừa. Tuy nhiên, do thái độ thờ ơ, bàng quan nên nhiều người dân vẫn coi dịch cúm là “chuyện nhà người”, chưa có biện pháp cụ thể để phòng tránh. Thiết nghĩ, người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản về dịch cúm gia cầm cũng như các cách thức phòng ngừa để bảo vệ cho bản thân và gia đình.

Vương Tâm