Người cầm vàng, kẻ khát vốn

13:36 | 04/08/2017

2,228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tục ngữ có câu “Buôn tài không bằng dài vốn”, đúc kết chuyện làm ăn từ bao đời nay. Quả thật, những người kinh doanh thì rất thấm thía.

Dù buôn bán nhỏ hay kinh doanh lớn thì vốn là vấn đề đầu tiên từ khi khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên trong tình trạng khát vốn, trong khi có một “kho” vốn lớn chưa được huy động vào vòng quay kinh doanh. Đó là “kho” vàng và ngoại tệ đang được tích trữ trong dân.

Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới công bố con số dựa trên số liệu nhập khẩu vàng của Việt Nam thời gian qua thì lượng vàng dân ta đang nắm giữ khoảng 500 tấn (13,3 triệu lượng), tương đương 20 tỉ USD. Đây là nguồn tài chính lớn, rất cần cho nền kinh tế, trong khi việc huy động vốn của các ngân hàng đang gặp khó khăn. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước, nhưng 70% doanh nghiệp này không tiếp cận được nguồn tín dụng từ các ngân hàng. Vì thế, họ chưa huy động được hết tiềm năng trong sản xuất kinh doanh.

nguoi cam vang ke khat von

Vàng dự trữ trong dân nhiều là thế, nhưng vấn đề là làm thế nào để huy động vào hoạt động kinh doanh thì chưa có giải pháp. Thành thử, kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp khát vốn mà nhìn thấy “kho” vàng vẫn chẳng khác nào “Cơm treo, mèo nhịn đói”. Bởi huy động được số vàng đó của người dân thì phải có những cơ chế, chính sách, mà chờ những chính sách phù hợp được ban hành thì sẽ mất nhiều cơ hội.

Nhớ lại thời mới lập nước, khó khăn chồng chất, ngân khố quốc gia chưa có gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ vàng” và kết quả đạt được ngoài sự mong đợi. Nhân dân ta đang từ kiếp sống nô lệ lầm than, nay được sống trong tự do, độc lập, hồ hởi ủng hộ Nhà nước, không mảy may tính toán gì. Người ít ủng hộ một vài chỉ, người nhiều đóng góp hàng chục cây vàng. Đặc biệt, gia đình doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang, Hà Nội, ngoài đóng góp 117 lượng vàng trong “Tuần lễ vàng” thì suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng.

Người dân ủng hộ vô tư bởi tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm xây dựng Tổ quốc. Sâu xa hơn là ai cũng có niềm tin sâu sắc đối với Cụ Hồ, Nhà nước và cách mạng. Ai cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Thời kỳ bao cấp, nhiều người dân gửi tiền tiết kiệm hay mua các dạng công trái với tinh thần đóng góp xây dựng đất nước, không ai để ý đến lãi suất. Khi đồng tiền mất giá, người gửi tiết kiệm lại không đến điều chỉnh một thời gian dài, dẫn đến giá trị cuốn sổ tiết kiệm giảm dần theo thời gian. Vì thế mới có chuyện gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng sau 34 năm còn 0 đồng. Đặc biệt, từ năm 1982-1985, vợ chồng ông Lê Minh Toán (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi 12 cuốn sổ tiết kiệm, với tổng giá trị là 4.100 đồng vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Ở thời điểm ấy, số tiền ông gửi đủ mua một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Năm 2002, ông Toán ra ngân hàng rút tiền. Sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi chỉ được 109.778 đồng, tương đương 3 bát phở. Tuy nhiên, việc tiền tiết kiệm sau nhiều năm không còn giá trị là hệ quả của nền kinh tế, không phải lỗi của người dân và ngân hàng.

Hiện nay, hoàn cảnh lịch sử đã khác, kinh tế thị trường với sự hội nhập quốc tế đã chi phối mạnh mẽ đến việc đầu tư và kinh doanh. Người dân phải đứng trước những lựa chọn phù hợp và có quyền tự chủ của mình. Họ có vàng và ngoại tệ nhàn rỗi nhưng không dễ dàng mang đi thế chấp vì đề phòng rủi ro.

Để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, cần phải có nguồn lực dồi dào. Nguồn lực không đủ, Chính phủ phải đi vay các nước, nhưng không thể vay mãi được mà còn phải lo khoản trả nợ. Vì thế, nếu huy động được nguồn vốn trong dân (ngoại tệ, vàng) sẽ tạo ra nguồn lực lớn. Nhưng huy động như thế nào là khâu then chốt hiện nay cần tìm ra hướng giải quyết.

Một số chuyên gia kinh tế đưa ra giải pháp huy động vàng và ngoại tệ vào quay vòng để sản xuất kinh doanh với phương án phát hành chứng chỉ vàng nhưng không trả lãi suất. Với chứng chỉ này, người dân được phép thế chấp để đi vay vốn. Rõ ràng nó sẽ năng động hơn, linh hoạt hơn so với phương án cất giữ trong nhà. Làm như vậy không tăng vàng hóa bởi huy động, nhưng không có lãi suất, người dân gửi vàng và ngân hàng cũng không phải trả phí. Đó là sự khuyến khích luân chuyển để vàng không bị tồn đọng. Một số nước đã làm và thành công theo hướng này.

Để tạo được lòng tin trong nhân dân khi họ còn đang phân vân góp vốn thì việc chi tiêu từ nguồn vốn này cần có sự minh bạch, chống lãng phí, thất thoát; chống mọi biểu hiện tham ô, tham nhũng ở các dự án dùng vốn này. Đây cũng là vấn nạn mà Đảng và Nhà nước đang xử lý quyết liệt.

Có được niềm tin, người dân sẽ đồng lòng ủng hộ và sớm chấm dứt được cảnh cầm vàng mà khát vốn hiện nay.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc