Ngân hàng mắt: Ánh sáng tình người

19:00 | 20/09/2012

809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Một đôi mắt nhắm lại có thể thắp sáng hai cuộc đời tăm tối” là thông điệp kêu gọi hiến tặng giác mạc của Ngân hàng mắt TP HCM.

Ông Trần Thành Long - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM cho biết: Ước muốn thành lập một Ngân hàng mắt để cứu thêm nhiều người thoát khỏi cảnh mù lòa của Hội đã nhen nhóm cách đây hơn 10 năm. Lúc đó, trong một chuyến công tác từ thiện, Hội đã giúp cho hơn chục trẻ em nghèo ở tỉnh Gia Lai được đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để mổ mắt. Trong nhóm đó có em Đinh Thị Choen, bị một cành cây đâm mù một mắt, con mắt còn lại bị ảnh hưởng cũng yếu theo. Các bác sĩ cho biết, giác mạc của mắt em bị tổn thương nặng nên không thể cứu chữa được. Khi đưa Choen trở về nhà, cha của Choen thấy các bạn của em được phẫu thuật sáng mắt còn em thì không. Đau đớn vì nghĩ Giàng bắt con mình phải mù vĩnh viễn ông đã treo cổ tự vẫn.

Sự việc trên gây chấn động mạnh với lãnh đạo Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Chính vì vậy, Hội có nguyện vọng thành lập Ngân hàng mắt để giúp cho nhiều người thoát khỏi cảnh mù lòa. Những người lãnh đạo tiền nhiệm của Hội đã nỗ lực cho ước muốn này và truyền lại tâm huyết cho những người kế nhiệm để cùng nhau thực hiện việc thành lập một Ngân hàng mắt đem lại ánh sáng cho người mù nghèo.

Các bác sĩ thực hành ghép giác mạc

Ngân hàng mắt được thành lập là một bước phát triển của chương trình “Đem ánh sáng cho người mù nghèo” của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Qua 18 năm hoạt động, chương trình đã cứu giúp hơn 370.000 người bị đục thủy tinh thể ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước được nhìn thấy ánh sáng.

Ngân hàng mắt trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM đã được thành lập vào cuối tháng 7 vừa qua. Đây là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận có chức năng vận động ủng hộ giác mạc để cứu sáng mắt cho người bị hỏng giác mạc.

Theo quy trình kỹ thuật, để sử dụng được, giác mạc phải được lấy ra trong vòng 8 giờ khi người hiến tặng qua đời. Giác mạc lấy ra được cho vào lọ có chất nuôi dưỡng và giữ lạnh, sau đó chuyển vào phòng lab vô trùng, các chuyên gia sẽ đánh giá chất lượng của giác mạc. Nếu giác mạc đảm bảo đủ số tế bào cần thiết và không bị nhiễm bệnh sẽ được chuyển vào ngăn trữ giác mạc để chờ ghép cho người mù.

Anh Đặng Văn Chánh ở huyện Nhà Bè (TP HCM) là người đầu tiên được ghép giác mạc từ nguồn giác mạc của Ngân hàng mắt. Anh Chánh bị mù cả 2 mắt do hỏng giác mạc. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chưa từng nghĩ sẽ đi ghép giác mạc. Chính vì mù lòa anh đã bất lực trước cái chết của đứa con gái 4 tuổi. Trong lúc chăm con, biết con bị ngã xuống ao nhưng vì không thấy đường để cứu con anh cứ loay hoay trong khi đứa con cứ chìm dần. Được sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, anh được ghép giác mạc và có một cuộc sống mới với đôi mắt sáng.

Theo ông Trần Thành Long, người tình nguyện hiến tặng giác mạc đã hiếm, đồng thời để lấy được giác mạc từ người hiến tặng cũng là một vấn đề nan giải vì phải có sự đồng thuận của thân nhân người hiến tặng. Vì vậy, Hội đã nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền cho người dân hiểu đây là một việc làm nhân đạo, công đức của người đã khuất đối với người còn sống.

Ông Phạm Vĩnh Khánh, 60 tuổi, ngụ quận 8, một trong những người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời chia sẻ: “Việc làm của mình sẽ giúp cho cuộc sống của những người mù được cải thiện, tôi tình nguyện hiến giác mạc. Như vậy, đến lúc chết đi tôi vẫn còn làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời. Khi đưa ra quyết định này tôi cũng gặp phải sự phản đối của nhiều người trong gia đình nhưng trên tất cả là tình thương, là sự nhân đạo, các con cháu tôi sẽ hiểu!”.

Đến nay đã có hơn 1.000 người đăng ký hiến giác mạc cho Ngân hàng mắt thành phố để ghép giác mạc từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và phối hợp với các cơ sở y tế để huy động thêm nhiều người hiến giác mạc.

“Một đôi mắt nhắm lại có thể thắp sáng hai cuộc đời tăm tối” là thông điệp kêu gọi hiến tặng giác mạc của Ngân hàng mắt TP HCM. Với mục đích thiện nguyện của mình, Ngân hàng mắt hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người đồng hành với công việc này, giúp cho những người mù nghèo được nhìn thấy ánh sáng.

Hiện cả nước có hơn 300.000 người mù cần được ghép giác mạc. Nhu cầu ghép giác mạc rất lớn nhưng số người hiến giác mạc vẫn còn khiêm tốn. Mặc dù, ghép giác mạc là phẫu thuật ghép mô được tiến hành ở nước ta từ rất sớm, ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước, nhưng khó khăn lớn nhất trong công việc này là nguồn giác mạc hiến tặng khan hiếm.

Lê Phương

(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 18/9/2012)