Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Để chậm, hủy chuyến là có lỗi"

15:14 | 11/07/2014

694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị liên quan và hãng hàng không nhằm tháo gỡ, giải quyết tình trạng chuyến bay chậm, hủy chuyến...

Bát mì tôm cũng đến tay Bộ trưởng giải quyết

Mở đầu buổi họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra bức xúc và thẳng thắn nói về tình trạng chậm, hủy chuyến bay tăng cao. Ngành giao thông phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng vọt tỉ lệ chậm, hủy chuyến so với cũng kỳ 2013. Nguyên nhân chủ quan là gì, khách quan là gì, trách nhiệm thuộc về ai… là những vấn đề mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ, trách nhiệm phải bắt đầu từ chính lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ rồi mới đến các doanh nghiệp. Không thể cứ có vấn đề là nghĩ ngay đến doanh nghiệp có lỗi. Cấm triệt để tình trạng dồn chuyến, chậm chuyến rồi đổ lỗi cho thời tiết, kỹ thuật. Rồi sự phối hợp của các hãng hàng không còn chưa tốt, còn tình trạng kinh doanh chưa lành mạnh. Dịch vụ phi hàng không thì lộn xộn, sân bay thì như ga tàu, hành khách mang chăn chiếu, xe ôm, hàng rong ở sân bay.

Câu chuyện chậm, hủy chuyến bay không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc các chuyến bay bị chậm hoặc hủy tăng cao cả về mức độ, số lượng, ảnh hưởng đến việc đi lại của ngươi dân. Việc chậm, huỷ chuyến gây bức xúc dư luận, mất thời gian của hành khách. Chậm đã đành, nhân viên phục vụ trong thời gian chậm chuyến lại còn có thái độ không tốt, ảnh hưởng tới hình ảnh của Hàng không Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng rất cao, chiếm khoảng 25% trong tổng số chuyến bay. Trong đó, 72,7% chuyến bay bị chậm hoặc hủy là do lỗi chủ quan của hãng hàng không và Cục Hàng không Việt Nam. Còn 27,3% lại do các điều kiện khách quan như thời tiết, hành khách... Tuy vậy, so với một số nước trong khu vực, tỷ lệ hủy chuyến này vẫn thấp hơn.

Trước những vấn đề mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Ngành Hàng không tại sao không tự so sánh với chính mình. Năm 2013, đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng việc chậm, hủy chuyến lại ít. Năm nay máy bay đủ, điều kiện sân bay tốt hơn tại sao tỉ lệ hủy, chậm chuyến lại tăng hơn. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận ra được khuyết điểm của mình và ngành Hàng không thì chưa thể có giải pháp được. So sánh phải nhìn lên, thấy người ta hơn mà học hỏi. Tình trạng ngành Hàng không đi xuống như hiện nay mà ông Lại Xuân Thanh vẫn vui vẻ, vô cảm thì còn chậm còn hủy và rồi hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm.

“Mặc dù đã được Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến, nhưng Cục Hàng không Việt Nam lại chưa đi sâu vào nguyên nhân để có khuyến cáo và yêu cầu các hãng khắc phục. Từ đó cho thấy, Cục Hàng không Việt Nam chưa nghĩ được hết trách nhiệm của mình, luôn có tư tưởng chê trách mấy hãng hàng không, mà không nghĩ rằng họ kinh doanh phải lăn lộn, vất vả như thế nào. Các anh (lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam -PV) phải vào cuộc cùng doanh nghiệp mới biết được” - Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, lãnh đạo Ngành Hàng không vẫn còn theo kiểu đá bóng trách nhiệm. Để các chuyến bay phải chậm, hủy, Lãnh đạo Cục Hàng không phải là người nhận trách nhiệm đầu tiên. Các đơn vị liên quan đến bay phải tự nhìn nhận và đánh giá trách nhiệm của mình. Có như thế mới giải quyết triệt để được vấn đề.

“Giải pháp đầu tiên để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện Cục Hàng không Việt Nam. Có Cục Hàng không Việt Nam mà từ giá cả một bát mỳ tôm ở sân bay cũng để Bộ trưởng giải quyết. Vậy Cục Hàng không làm gì…?” – Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra câu hỏi.

Cam kết giảm tỉ lệ chậm, hủy chuyến…?

Theo đại diện hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, tình trạng chậm, hủy chuyến xuất phát từ những nguyên nhân khác như: hệ thống check in ở các sân bay chưa đồng bộ, việc tiếp xăng dầu chuyến bay chậm, thời gian soi chiếu an ninh lâu (15 - 20 giây), khả năng cung cấp dịch vụ khai thác mặt đất ở một số sân bay chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của VietJet Air.

Ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành VietJet Air cho biết, là một hãng hàng không giá rẻ còn trẻ, VietJet Air dù đang sở hữu 15 tàu bay, nhưng tỉ lệ hủy chậm chuyến dẫn đầu. Thay mặt hãng hàng không, VietJet Air xin nhận trách nhiệm về mình, chúng tôi sẽ tìm mọi biện pháp để khắc phục tình trạng chậm hủy chuyến trong thời gian tới”.

Việc phục vụ hành khách đi đúng giờ là quan trọng nhất bên cạnh an toàn. Dù chỉ chậm 1 phút cũng phải có trách nhiệm trước khách hàng. VietJet Air không có hiện tượng dồn chuyến. Để tránh xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến, VietJet Air kiến nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sớm đầu tư trang thiết bị để phục vụ hành khách. VietJet Air cam kết, trong tháng 7 và 8 tới sẽ giảm 50% tỉ lệ số chuyến bay chậm, hủy chuyến. Đến tháng 9/2014 sẽ giảm 95% tỉ lệ chậm hủy chuyến.

Còn theo Jetstar Pacific Airlines, hãng chỉ có 6 tàu bay, mỗi chuyến bay được điều hành cách nhau 15 phút, nếu 1 trong số này phải đưa vào bảo dưỡng kỹ thuật thì khả năng khai thác cũng giảm đi 1/6. Thời gian chậm chuyến của Jetstar Pacific thường xảy ra vào lúc đầu ngày và mỗi chuyến chậm khoảng 20 phút. Cuối năm nay, hãng sẽ nâng quy mô đội bay lên 10 chiếc, sẽ giảm 85% tỉ lệ chậm hủy chuyến vào cuối năm.

Hành khách tại nhà chờ sân bay vì chậm chuyến.

Còn theo ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, để đạt được tỉ lệ chuyến bay đúng giờ cao nhất và chậm hủy thấp nhất, Vietnam Airlines đã phải đầu tư trong nhiều năm cả về con người, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật, đặc biệt là số lượng máy bay dự phòng tại các đầu sân bay nhằm đảm bảo thay thế vận chuyển kịp thời khi cần thiết. Trong việc tổ chức bộ máy chuyên quản lý điều hành các chuyến bay, điều hành trên toàn mạng, chỉ số bay đúng giờ là quan trọng nhất. Các chỉ số đo, đếm cho 6 tháng đầu năm nay xấu hơn 6 tháng cùng kỳ 2013. Nguyên nhân là do thời tiết dẫn đến đổi hướng, động cơ va chạm vật thể lạ, chim trời... khiến động cơ trục trặc.

Cũng trong buổi làm việc, ông Đỗ Quang Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam nói, đơn vị không liên quan đến huỷ chuyến, mà chỉ có thể là chậm chuyến do người kiểm soát viên dẫn bay không chính xác. Còn đại diện Cảng vụ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, Cảng vụ lập biên bản và ra quyết định xử phạt 16 trường hợp, nhưng không có vụ nào phạt chậm, huỷ chuyến.

Chậm, hủy chuyến là điều xấu hổ

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, dồn chuyến mới là nguyên nhân chính dẫn đến chậm, hủy chuyến bay. Huỷ chuyến năm nay cao hơn năm trước đã ảnh hưởng không nhỏ tới khách hàng. Dù là hãng nào đều mang thương hiệu, hình ảnh hàng không Việt Nam, đều cờ đỏ sao vàng, phải thấy xấu hổ khi tình trạng chậm hủy chuyến gia tăng. Còn vô cảm, còn bàng quan, còn đổ lỗi trách nhiệm thì không thể khắc phục được.

Cục Hàng không Việt Nam phải là đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm, tiếp đến là các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, rồi mới đến các hãng. Thế nhưng, các cơ quan liên quan chưa nhận thức được vấn đề, vẫn coi thường, thiếu tôn trọng khách hàng, đỗ lỗi cho người khác. Lỗi lớn nhất đang tồn tại trong Ngành Hàng không là luôn cho rằng “tôi không có lỗi gì mà là lỗi người khác”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không, Tổng Công ty Quản lý Bay, Cảng vụ sân bay đến các hãng hàng không đều phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình trong việc chậm, hủy chuyến. Phải xem việc chậm, hủy chuyến là lỗi chung của cả Ngành Hàng không, là sự xấu hổ của toàn Ngành Giao thông Vận tải.

Sau khi “vạch mặt chỉ tên”, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, sửa ngay những tồn tại bất cập trong Luật Hàng không dân dụng. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc để chất lượng dịch vụ hàng không xuống dốc. Đặc biệt là chậm, huỷ, dồn chuyến phải đưa vào Luật và có chế tài xử lý. Có thể thu giấy phép kinh doanh nếu vi phạm quá mức.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng “Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về hàng không”. Tổng Công ty Quản lý Bay, Tổng Công ty Cảng Hàng không... phải làm “Đề án nâng cao năng lực, chất lượng, đáp ứng yêu cầu” và báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 7/2014. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam khẩn trương đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay, mở rộng sân đỗ. Đồng thời kiểm tra lại dịch vụ phi hàng không tại các cảng. Giá cả có hợp lý không, có bình đẳng không... Để làm được việc này, mỗi mặt hàng phải có 3 nhà cung cấp độc lập. Còn về vấn đề không lưu, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ rõ, Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam đang quá chủ quan, chưa thấy được trách nhiệm của mình, luôn tự coi mình là nhất.

Kết thúc buổi làm việc, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải chỉ đạo: “Trong tháng 7/2014, các đơn vị liên quan phải đảm bảo an toàn, đúng giờ, nâng cao chất lượng. Khách hàng là thượng đế mà cứ bắt thượng đế phải "lang thang, cơ nhỡ" ở sây bay”.

Thiên Minh