Ai đứng sau và hưởng lợi từ các cuộc biểu tình ở Hongkong? (Kỳ 2)

11:12 | 01/10/2014

965 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phong trào "Chiếm khu Trung tâm" bất ngờ bùng phát sáng 28/9 (sớm hơn kế hoạch 2 ngày) và đang ảnh hưởng tới nhiều hoạt động bình thường ở Hongkong. Do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình kể trên, chỉ số Hang Seng của Hongkong có thời điểm đã giảm tới 2,31%.

>> Ai đứng sau và hưởng lợi từ cuộc biểu tình ở HongKong (Kỳ 1)

Kỳ II: Những hậu quả nhãn tiền

Các ngân hàng Hongkong cũng bị tác động mạnh, với giá cổ phiếu của HSBC giảm 1,46%, Hang Seng Bank giảm 1,71% và Standard Chartered giảm 1,67%. Thị trường chứng khoán châu Á biến động khác nhau trong phiên giao dịch ngày 29/9. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 1,9% (tức 449,2 điểm), xuống 23.229,21 điểm; chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,93% (tức 49,2 điểm), xuống 5.264,2 điểm; chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,25% (tức 5,04 điểm), xuống 2.026,6 điểm; chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,5% (80,78 điểm), lên 16.310,64 điểm và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,43% (tức 9,99 điểm), lên 2.357,71 điểm.

Ai đứng sau và hưởng lợi từ các cuộc biểu tình ở Hongkong? (Kỳ 2)

Hàng ngàn biểu tình bao vây trụ sở chính quyền Hongkong

Cũng trong ngày 29/9, đồng USD lên giá so với yen và euro, còn đồng đôla Hongkong (HKD) đã giảm xuống mức 7,7623 HKD/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2014. Trong khi đó, giá vàng phục hồi trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Hongkong chưa có dấu hiệu lắng dịu. Cụ thể, tại Singapore, giá vàng giao ngay chiều 29/9 ở mức 1.218,76 USD/ounce, sau khi giảm 0,3% trong phiên sáng 29/9. Theo một báo cáo của hãng tư vấn JL Warren Capital có trụ sở tại New York (Mỹ), thị trường chứng khoán Hongkong có thể sẽ chứng kiến làn sóng bán tháo lớn cùng biến động trong những ngày tới.

Trong khi đó nhiều trường học và doanh nghiệp ở đặc khu hành chính Hongkong đã tạm ngưng hoạt động. Nhiều ngân hàng, cửa hàng kim hoàn và cửa hàng quần áo ở khu Mongkok đã đóng cửa trong ngày 29/9. Cơ quan quản lý Giao thông vận tải Hongkong cho biết, hơn 200 tuyến xe buýt đã tạm ngưng hoạt động hoặc chuyển hướng, còn mạng tàu điện ở một số khu vực trung tâm tạm ngưng phục vụ. Một số mạng tàu điện ngầm bị ảnh hưởng như các quận ở Vịnh Causeway và khu Admiralty do người biểu tình dùng chước ngại vật chặn những nơi này.

Ai đứng sau và hưởng lợi từ các cuộc biểu tình ở Hongkong? (Kỳ 2)

Học sinh, sinh viên Hongkong tham gia biều tình qua đêm trên đường

Theo giới truyền thông, tính đến 22h ngày 29/9 (theo giờ địa phương), cuộc biểu tình “Chiếm khu Trung tâm” ở đặc khu hành chính Hongkong đã diễn ra trong hòa bình, khác với tình trạng náo loạn trong đêm biểu tình 28/9. Một trong những nguyên nhân giúp người biểu tình ôn hoà, không có dấu hiệu quá khích là do lực lượng cảnh sát án binh bất động, chỉ duy trì một lực lượng vừa phải để giám sát đám đông biểu tình.

Ngày 28/9, Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh đã kêu gọi người dân bình tĩnh và những người tham gia phong trào "Chiếm khu Trung tâm" từ sáng 28/9 nhanh chóng giải tán hòa bình để cuộc sống thường nhật không bị ảnh hưởng. Ông Lương Chấn Anh cũng kêu gọi những người tổ chức phong trào "Chiếm khu Trung tâm" cân nhắc tới lợi ích của toàn xã hội và chính quyền luôn lắng nghe quan điểm của người dân, khuyến khích mọi người bày tỏ nguyện vọng một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp.

Trong nỗ lực xoa dịu người biểu tình, ông Lương Chấn Anh hứa hẹn, chính quyền đặc khu sẽ sớm tiến hành vòng tham vấn mới về cải cách bầu cử, nhưng không cung cấp chi tiết về thời gian tham vấn, đồng thời nhấn mạnh cuộc bầu cử năm 2017 sẽ diễn ra theo kế hoạch. Ông Lương Chấn Anh cũng cho rằng, thông tin quân đội Trung Quốc đưa xe tăng vào Hongkong chỉ là tin đồn thổi.

Ai đứng sau và hưởng lợi từ các cuộc biểu tình ở Hongkong? (Kỳ 2)

Những người biểu tình tập trung trước toà nhà chính quyền HongKong

Ngày 29/9, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời bà Ip Lau Suk-yee, cựu Giám đốc Cục An ninh Hongkong, là thành viên Hội đồng điều hành đặc khu này cho biết, nguy cơ một thảm kịch "Thiên An Môn mini" có thể phát triển từ các hoạt động tẩy chay ủng hộ dân chủ tại các trường trung học và đại học ở Hongkong. Cách đây 25 năm (4/6/1989), học sinh và sinh viên Trung Quốc đã xuống đường biểu tình đòi dân chủ và đã kết thúc đột ngột khi quân đội được điều vào quảng trường Thiên An Môn.

Được biết, khi Hongkong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997, một thỏa thuận đã được 2 nước ký, theo đó Trung Quốc cam kết trao cho Hongkong “quyền tự trị” theo mô hình “nhất quốc lưỡng chế” - một quốc gia, hai chế độ - người dân đặc khu này có quyền biểu tình. Theo “Luật Cơ bản” của đặc khu này, Hongkong được giữ quyền lực về kinh tế, pháp luật và Trưởng đặc khu hành chính Hongkong được bầu lên từ tổng tuyển cử.

Theo một cuộc khảo sát công bố hôm 21/9, cứ 5 người Hongkong thì có một người muốn rời khỏi đặc khu này. Cũng theo các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, tỉ lệ ủng hộ chính quyền đặc khu của người dân Hongkong đang giảm mạnh. Sự bất mãn, đặc biệt ở giới trẻ, đang gia tăng bởi cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn. Theo một báo cáo công bố hồi tháng 6, Bắc Kinh cho rằng Hongkong không được hưởng “quyền tự trị hoàn toàn” và người dân đặc khu đang lẫn lộn hoặc hiểu nhầm về mô hình “nhất quốc lưỡng chế".

(Tiếp theo)

Đông Ngàn - Bắc Ninh