Sao không cho hòa bình một cơ hội?

08:52 | 15/02/2012

570 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Ngoài Syria, hiện nay, trên các trang tin quốc tế, tin tức “nóng” nhất vẫn là về tình hình căng thẳng leo thang xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Không ai phủ nhận vai trò và sức mạnh của truyền thông trong thời đại công nghệ cao nhưng giới truyền thông thế giới với nhan nhản các thông tin phỏng đoán, điều tra, phân tích riêng của mình như đang “đổ thêm dầu vào lửa” trong căng thẳng giữa Tehran và Israel, Mỹ và phương Tây.

Mới đây thôi, tạp chí New York Times đã giật tít “Israel vs Iran” (Israel đấu với Iran) “chềnh ềnh” ngay trên trang bìa.

Ở phần nội dung bài báo, Ronen Bergen, một nhà phân tích quân sự cho tờ báo Yedioth Ahronoth của Israel cho rằng một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran trong năm 2012 là không thể tránh khỏi. Mặc dù ông thừa nhận rằng, nếu thành công thì cuộc tấn công trên cũng chỉ có thể làm chương trình sản xuất bom hạt nhân của Iran bị lùi lại một vài tháng nhưng không quá vài năm, còn Tel Aviv thì có thể phải “hứng” những quả rocket phản công từ Iran.

"Israel vs Iran" là title giật trên trang bìa Tạp chí New York Times mới đây

Nếu chiến tranh xảy ra như một việc đã rồi, hẳn truyền thông sẽ thỏa mãn với những “tiên tri” của mình?

Ai có thể quên Judith Miller, phóng viên báo New York Times đã có những câu chuyện, tuyên bố sai lầm rằng Iraq đã phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và những tài liệu này đã được sử dụng như một cái cớ để chính quyền Bush tiến hành cuộc chiến xâm lược đất nước này vào năm 2003 và lật đổ chế độ Saddam Hussein?

Sự thất bại của các phương tiện thông tin trong việc điều tra sự thật về những cáo buộc thường được trích dẫn, sử dụng như một yếu tố quan trọng để những người lãnh đạo đẩy nước Mỹ “sa lầy” vào một cuộc chiến tranh không chính đáng, đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn lính Mỹ và thường dân Iraq và trở thành cuộc chiến tranh tốn kém trong lịch sử nước Mỹ hơn 60 năm qua và tính ra, còn “đắt đỏ” hơn cả cuộc chiến tranh thế giới thứ II ngay cả khi chưa tính đến lạm phát.

Binh sĩ Mỹ cúi đầu trong lễ hạ cờ tại thủ đô Baghdad. Cuộc chiến gần một thập kỷ tại Iraq đã chấm dứt, nhưng người Mỹ sẽ còn nhiều điều để nhìn lại, giống như câu nói của Tổng thống Barack Obama: "Kết thúc một cuộc chiến luôn khó hơn việc bắt đầu nó". Ảnh: AFP

Các phương tiện truyền thông thường là những người quan sát trung lập trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, bằng cách thường xuyên lặp đi lặp lại lập luận của chính phủ và khẳng định chúng như những sự thật, những nhà báo như Judith Miller đã biến những thông tin đó trở thành cơ sở hỗ trợ cho những khẳng định “tiên tri” về một cuộc xung đột của mình.

Một nhà phân tích chính trị khác của tạp chí Times – Thomas Fridedman trong thời kỳ đó thì lại lập luận nhiều lần trong các bình luận của mình rằng can thiệp quân sự vào Iraq sẽ giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực rất quan trọng và giúp “mang lại dân chủ cho Trung Đông”. Và thế là chính quyền Bush đã có một tiếng nói ủng hộ và đầy ảnh hưởng từ truyền thông để tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự.

Không chỉ Times mà một loạt các tờ báo khác của Mỹ cũng tham gia vào chiến dịch truyền thông “lobby” cho cuộc xâm lược Iraq của chính phủ. Show truyền hình có rating hàng đầu của Phil Donahue trên kênh MSNBC đã bị hủy bỏ vì quan điểm chống chiến tranh của ông.

Theo một tiết lộ gần đây, Phil Donahue – người đã từng đạt giải thưởng truyền hình danh giá Emmy đáng lẽ đã bị sa thải bởi quan điểm của ông đã “làm khó” cho NBC (tập đoàn truyền thông sở hữu kênh MSNBC) trong thời gian chiến tranh. Và dường như “hiếu chiến” là tinh thần chủ đạo mà giới truyền thông quốc gia Mỹ hướng tới hiện nay.

Truyền thông đã “hả dạ” chưa khi Iraq ngày nay đang tiến gần tới một cuộc khủng hoảng sắc tộc và bạo lực lan rộng dưới sự cai trị ngày càng độc đoán của Thủ tướng Nouri al-Maliki và ngọn hải đăng dân chủ người Mỹ mang đến “thắp” ở Iraq chỉ phát ra thứ ánh sáng leo lắt, lập lòe? Thomas Friedman chắc đã không hình dung được “cơ sự lại thế”. Còn cái gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Iraq mà phóng viên Judith Miller “điều tra ra” cũng chẳng tìm thấy ở đâu trên đất nước này.

Trong khi cựu Tổng thống Mỹ George W Bush thì tâm sự trong cuốn Hồi ký xuất bản năm 2010 rằng vẫn cảm thấy “day dứt” vì đã không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, nguyên nhân chính khiến ông phát động cuộc tấn công lật đổ chính quyền Saddam Hussein.

Tuy thế, truyền thông nước Mỹ và các nhà phân tích bình luận có vẻ vẫn chưa học được bất kỳ bài học nào từ những sự thất bại đau thương như thế.

Những tờ báo chính thống như tờ New York Times liên tục cáo buộc rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân, bất chấp tuyên bố trái ngược của Tehran. Thậm chí, tờ báo này còn “lờ đi” những đánh giá của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện hồi tháng 3 năm ngoái rằng: các nguồn tin tình báo có độ tin cậy cao cho biết Iran chưa có quyết định tái khởi động chương trình hạt nhân vào thời điểm này.

Vấn đề ở đây không phải là kết luận mặt này hay mặt khác của cuộc tranh luận về mục đích hạt nhân của Iran. Chỉ là giới truyền thông cần biết vấn đề đã được giải quyết và một thông tin không đúng có thể kích động một cuộc chiến tranh.

Và nếu vậy, thì hành động trên cũng chỉ là một chuỗi dài các hành động khiêu khích chiến tranh trong lịch sử của truyền thông Mỹ. Trong những năm 1890, các nhà báo đã dùng ngòi bút và thậm chí đôi khi còn “tự sản xuất” ra một loạt các sự cố trong hàng loạt các bài báo đăng trên tờ Hearst để kích động Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến với Tây Ban Nha ở Cuba. Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ đôi khi được gọi là “nạn nhân” đầu tiên và không phải là “nạn nhân” cuối cùng của “chiến tranh phương tiện truyền thông”.

Kể từ đó, báo chí đã thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong việc khuấy động nỗi sợ hãi và kích động sự hiếu chiến cũng như chuẩn bị của công chúng với các cuộc xung đột vũ trang.

Báo chí đã cổ vũ cho các giải pháp đơn giản để chữa trị những “căn bệnh” của xã hội thực tại mà không có giải pháp nào đơn giản hơn là chiến tranh, sử dụng các ứng dụng vũ lực gây chết người. Nếu bạn muốn khuyến khích dân chủ, đảm bảo nguồn cung cấp dầu cho Mỹ, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, không cần phải vật lộn với thực tế xã hội và chính trị gai góc làm gì, chỉ cần hô lực lượng thủy quân lục chiến và tiến hành một cuộc chiến tranh!

Nhưng một cuộc chiến như vậy là một sự thất bại của trí tưởng tượng, không suy nghĩ sáng tạo về các lựa chọn thay thế cho cuộc xung đột bạo lực, ví dụ như sử dụng giải pháp ngoại giao hòa bình. Đó là lập luận của “Báo chí Hòa bình”, một lĩnh vực nghiên cứu và thực hành lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970 từ những công trình nghiên cứu của nhà xã hội học và hoạt động hòa bình người Na Uy, Johan Galtung.

Galtung, người đạt giải thưởng Nobel Alternative năm 1987, tin rằng việc truyền thông thiên vị các “nguồn tin chính thức” từ chính phủ và quân đội có nghĩa là chúng ta đã chỉ được nghe những lập luận từ những người có quyền ra quyết định mà ít khi được nghe những lời gan ruột từ những người phải trả giá (nhiều khi là bằng máu của mình) cho quyết định đó.

Những lập luận bào chữa cho hành động quân sự được đóng khung trong những lý thuyết địa chính trị trừu tượng và những kêu gọi mơ hồ về “lợi ích quốc gia” hơn là tập trung cho các chi phí nhân lực, vật lực khủng khiếp mà chính phủ tiêu tốn cho mỗi cuộc xung đột vũ trang.

Galtung lập luận rằng chính phủ và các phương tiện truyền thông chia sẻ quan điểm hiếu chiến bởi vì, xét một cách thẳng thừng, chiến tranh tốt hơn cho kinh doanh, mặc dù theo những cách hoàn toàn khác.

Việc kinh doanh của chính phủ, trong chế độ đế quốc, là để phô trương sức mạnh và gây áp lực lên các quốc gia yếu hơn. Báo chí qua đó cũng tăng xếp hạng, kinh doanh được hơn bởi còn cách gì thu hút độc giả tốt hơn là làm ra, ăn theo những sự kiện nóng bỏng, nghiêm trọng như thế và làm cho độc giả luôn khát thèm những thông tin liên quan đến những sự kiện này?

Chính những hậu quả kinh hoàng do chủ nghĩa khủng bố gây ra và "cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ phát động đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng nước Mỹ đang bị vây hãm và cần tấn công trở lại. Ai cũng biết, tội ác của chủ nghĩa khủng bố là không thể tha thứ nhưng một nhà báo vì hòa bình sẽ hướng độc giả nhìn vào động cơ “khủng bố” và hiểu được “kẻ thù” của mình là ai bởi nếu chúng ta không biết “kẻ thù”, chúng ta sẽ không thể chung sống hòa bình với anh ta.

Nhưng như “đổ thêm dầu vào lửa”, các phương tiện truyền thông thường xuyên tin tức, phát sóng những khung hình phóng sự chiến tranh một chiều về “người tốt” và “kẻ xấu”. “Người tốt”, đương nhiên là người Mỹ và các đồng minh, còn kẻ xấu là những người khác. Phóng viên được “nhúng” vào các đơn vị lực lực vũ trang, kể những câu chuyện của họ qua mắt một người lính mà không bao giờ từ quan điểm của một chiến binh “kẻ thù” – lực lượng còn có số lượng người ít hơn số thường dân bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.

Phóng viên người Australia Jake Lynch viết: “Báo chí hòa bình là khi biên tập viên và phóng viên biết lựa chọn viết cái gì và viết như thế nào để tạo cơ hội cho xã hội nói chung xem xét và đánh giá giá trị của bất bạo động so với xung đột vũ trang”.

Người phóng viên không tạo ra chiến tranh nhưng ở vị trí người quan sát trung lập, họ có thể thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, tuyên truyền cho những mục đích không minh bạch của chính phủ với những thông tin, bình luận bất cẩn cũng như có thể hướng công chúng vào những câu chuyện đơn giản về bản chất của cuộc xung đột và đề ra những giải pháp.

Tại sao truyền thông lại không cho hòa bình một cơ hội? Xét cho cùng, điều đó nằm ở lương tâm những người cầm bút!

Phương Anh