Hồng nhan đa truân (Kỳ 45)

07:00 | 25/01/2014

6,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có tiếng chuông cửa. Ông Cường ra mở cửa. Có hai cán bộ đứng ngoài cổng. Một người thì ông không còn lạ gì, đó là một thanh tra văn hóa. Còn người còn lại đã từng là đạo diễn, nay là cán bộ của Cục Điện ảnh. Nhìn thấy hai người, ông Cường hiểu ngay.

>> Hồng nhan đa truân (Kỳ 44)

Nguyễn Như Phong

Tại nhà ông Cường.

Bữa cơm tối diễn ra trong bầu không khí nặng nề.

Thành nhìn ông Cường.

Thấy mặt ông khó đăm đăm, Thành hỏi:

- Hôm nay bố có chuyện gì thế ạ?

Ông Cường thở dài:

- Bực không chịu được. Không biết có đứa mất dạy nào tố lên đủ các cấp rằng, bộ phim này bố làm để bôi xấu một số ông lãnh đạo, bôi xấu các cuộc thi hoa hậu của Việt Nam. Thậm chí chúng còn nói làm ảnh hưởng đến ngành du lịch. Ở trên đã có công văn xuống đề nghị tạm ngừng quay. Lại còn có ông đòi duyệt lại kịch bản.

Thành nhíu mày:

- Lạ nhỉ? Tại sao lại có chuyện ấy? Con thấy kịch bản của bố có chuyện gì đâu? Chỉ là thân phận cuộc đời thôi, chứ có nói xấu ai đâu.

Ông Cường bức xúc:

- Thế mới bực mình. Ở cái thời buổi này, hình như tin đồn thống trị tất cả mọi thứ. Thấy con rắn trong chậu nước cũng đồn đại là rắn thần, rắn bạc, rồi đến lễ bái loạn cả lên. Cứ có thông tin gì là người dân hình như mất trí hết cả rồi hay sao ấy. Toàn nghe tin đồn. Tin thật thì chẳng nghe. Rồi kể cả mấy ông lãnh đạo cũng thế. Cứ nghe mấy thằng quân sư đểu xúi bẩy, thế là cuống hết cả lên. Được rồi, bố sẽ hỏi cho ra lẽ xem tại sao lại có cái việc này.

Ăn cơm xong, ông Cường và Thành ra phòng ngoài uống nước.

Có tiếng chuông cửa. Ông Cường ra mở cửa.

Có hai cán bộ đứng ngoài cổng. Một người thì ông không còn lạ gì, đó là một thanh tra văn hóa. Còn người còn lại đã từng là đạo diễn, nay là cán bộ của Cục Điện ảnh.

Nhìn thấy hai người, ông Cường  hiểu ngay.

Ông mời hai người vào nhà và nói với anh đạo diễn:

- Hôm nay chú Chi đến gặp anh chắc là có việc gì chăng?

Đạo diễn Chi giới thiệu:

- Em giới thiệu với anh, đây là anh Hùng - thanh tra trên Bộ. Hôm nay chúng em đến gặp anh có chút việc như thế này.

Ông Cường pha nước mời hai người:

- Cứ từ từ. Tôi biết việc gì rồi. Uống nước đã.

Thanh tra Hùng cười cầu tài:

- Em không ngờ nhà của một đạo diễn lừng danh như anh mà lại giản dị thế.

Ông Cường nói:

- Ôi, nhà tôi thế này là khá đấy. Có nhiều anh đạo diễn khổ hơn tôi nhiều. Tất nhiên là bây giờ, anh nào mà làm được phim thị trường thì cũng khá. Chứ còn những ai mà không kịp đổi mới tư duy để làm phim thị trường thì khổ lắm.

Nghe giọng nói mỉa mai của ông Cường, hai người đều biết ông đang khó chịu.

Nhấp chén nước, ông Cường hất hàm hỏi:

- Nào, hai anh thấy bộ phim của tôi làm sao? Chưa gì đã ầm ĩ hết cả lên là thế nào? Ở đâu đã lọt thông tin ra bên ngoài mà chiều nay, một số tờ báo và các trang web điện tử lại đưa tin là phim của tôi bị đình chỉ quay?

Thanh tra Hùng lắc đầu:

- Điều đấy em cũng không biết anh ạ. Báo mạng bây giờ thì sợ lắm. Cứ có thông tin gì là nó đưa lên ngay, bất chấp phải trái. Nhưng mà thôi, anh đừng quan tâm đến chuyện đấy. Hôm nay em đến là để thưa chuyện với anh. Việc là thế này. Chúng em nhận được một số đơn của một số người mẫu, hoa hậu trước đây và cả một số đồng chí đã giữ cương vị là lãnh đạo Bộ. Họ có đề nghị xem lại kịch bản “Hồng nhan đa truân” của anh, bởi trong phim có nói đến tiêu cực của một số cuộc thi hoa hậu. Nào là chuyện đổi tình, đổi tiền lấy giải, rồi chuyện người đẹp này cặp với lãnh đạo kia, rồi chuyện cô hoa hậu này cặp bồ với đại gia kia, rồi dẫn đến đánh ghen... Nói chung là nhiều chuyện. Thực ra thì cũng chưa ai biết kịch bản ra làm sao. Đây toàn là lời đồn. Thế nên lãnh đạo cũng giao cho em hôm nay đến đây gặp anh, thưa chuyện với anh là chúng em muốn anh cứ tạm dừng quay vài hôm. Còn kịch bản thì anh gửi lên để các anh lãnh đạo xem qua một chút. Nếu không có vấn đề gì thì anh cứ tiếp tục quay.

Ông Cường hỏi:

- Thế nếu như tôi không đồng ý thì sao? Tôi chẳng hiểu cái lối làm ăn của các anh như thế nào. Đây là một tác phẩm điện ảnh thì người viết có quyền hư cấu. Đó là quyền tối cao của nhà văn, của nhà biên kịch. Tại sao lại nói là tôi viết ám chỉ ông nọ bà kia để dừng phim của tôi? Vậy thì ngay trong lời đầu tiên của bộ phim tôi sẽ viết thế này: “Bộ phim này tôi làm ra không ám chỉ ông thứ trưởng A, ông bộ trưởng B, cũng không ám chỉ cô hoa hậu X, cô người mẫu Z”. Thế được chưa nào?

Đạo diễn Chi bật cười:

- Gớm, ông bác làm thế thì có mà bằng đập vào mặt người ta. Theo em thì như thế này. Các anh ấy trọng anh, kính nể anh nên mới có lời với anh như thế. Anh cứ bớt chút thời gian, cho các anh ý xem qua cái kịch bản. Làm như thế sau này cũng tiện cho anh. Khi phim làm xong thì anh cứ việc chiếu. Nếu bây giờ anh cứ quay, đến lúc làm phim xong, hội đồng kiểm duyệt lại cắt, lại băm, lại đòi anh chữa thế nọ, chữa thế kia thì anh tính sao? Lúc ấy vừa mất tiền bạc, vừa mất thời giờ. Bây giờ anh dừng lại vài ngày cũng không ảnh hưởng gì.

Ông Cường nhìn đạo diễn Chi và nói vẻ khó chịu:

- Việc này các anh cứ để tôi suy nghĩ đã. Nếu như tôi thấy cần phải trả lời các anh thì tôi sẽ trả lời, còn không thì tôi sẽ không trả lời. Còn tôi làm phim, bao giờ phim chiếu ra, tôi sai sót gì thì tôi chịu trách nhiệm. Và người chịu trách nhiệm cao nhất về bộ phim này là Ban Biên tập của Đài Truyền hình, của kênh họ chiếu, chứ không phải là các anh.

Thanh tra Hùng nói:

- Ông anh lại nổi nóng rồi. Ông anh nên bình tĩnh lại. Chúng em đến đây thưa chuyện với anh như thế này thì anh biết là chúng em kính trọng anh như thế nào. Ông anh cứ nghe chúng em nói. Chuyện rất đơn giản thôi. Ông anh cứ cho chúng em mượn kịch bản mang về cho các anh ấy xem, xong rồi thì anh lại làm.

Ông Cường thở dài:

- Nói như anh thì đơn giản là tôi đưa kịch bản này cho các về anh xem. Nhưng mà tôi biết các anh có biết gì về kịch bản đâu. Nếu như trong kịch bản của tôi có gào lên là phải “đa nguyên đa đảng”, phải thay hiến pháp, thay người nọ, người kia thì các anh phát hiện ra ngay. Nhưng mà đây là một kịch bản văn học. Tôi chẳng đả động gì đến chuyện chính trị cả. Từ đầu đến cuối phim là cuộc đời của một cô hoa hậu bị lừa đảo, dụ dỗ, có lúc cô ấy sa ngã, có lúc cô ấy tự đứng dậy. Thế thôi. Thế mà bây giờ các anh đòi duyệt kịch bản của tôi. Các anh là cơ quan gì? Thế còn hàng trăm bộ phim đang sản xuất một năm, các anh có đọc được hết các kịch bản không?

Thanh tra Hùng:

- Nếu mà bác đòi “đa nguyên đa đảng” thì thưa với bác, cơ quan công an họ cũng chẳng để yên cho bác. Nhưng thôi không bàn đến chuyện đấy. Vì phim của bác đả động đến một số lãnh đạo, mà bây giờ các anh ấy về hưu rồi, chuyện đã cũ rồi. Bác đừng để các anh ấy xấu mặt. Đấy, ý nghĩa là như vậy. Bác cứ bình tĩnh.

Ông Cường cười khẩy:

- Ôi giời. Tôi tưởng là động đến các ông đương chức đương quyền, chứ động đến mấy anh về hưu mà các anh cũng sợ hay sao? Lạ nhỉ? Nhưng mà thôi, tôi hứa với các anh là bộ phim của tôi chẳng đụng đến ông to bà lớn nào cả. Còn bảo tôi đưa kịch bản cho các anh xem, thì tôi không đưa. Tôi thấy đây là một việc làm vô lối. Một tác phẩm người ta chưa xuất bản mà các anh đã quy cho người ta tội nọ, tội kia, rồi các anh đòi kiểm tra, đòi kiểm duyệt. Thôi hai anh đi về đi.

Ông Cường nổi nóng và đuổi hai người về.

Anh đạo diễn đi ra ngoài, rồi mới nói:

- Bác ạ! Ông bác chẳng nể mặt thằng em tý nào. Chúng em đến với bác là vì tình, mà bác không thích nghe thì thôi. Chúng em lại phải dùng lý.

Nói xong họ về luôn.

Máu nóng của ông Cường bốc lên mặt. Ông gọi điện cho một lãnh đạo của Bộ Văn hóa.

Chuông vừa reo thì đã có tiếng phụ nữa léo nhéo:

- Alo, ai gọi gì anh Phượng đấy ạ?

Ông Cường nói:

- Chào chị, tôi là đạo diễn Huy Cường. Chị cho tôi nói chuyện với anh Phượng một chút.

Tiếng người phụ nữ đáo để:

- À, anh thông cảm nhé. Giờ này nhà tôi đang nghỉ. Hôm nay họp suốt ngày ở trên Chính phủ, mệt quá. Thôi, hôm nay anh để cho nhà tôi nghỉ ngơi.

Ông Cường vẫn kiên nhẫn:

- Chị cho tôi gặp anh một chút đi. Tôi có việc cần trao đổi với anh ấy. Chị cứ nói là có đạo diễn Huy Cường cần gặp.

Tiếng người phụ nữ xoe xóe:

- Tôi chẳng biết anh là đạo diễn Huy Cường hay Huy Cương nào cả. Tôi đã nói với các anh rồi, nhà tôi suốt ngày đi làm quần quật như thế thì bây giờ để cho nhà tôi nghỉ ngơi một chút. Có việc gì thì mai anh đến công sở nhé.

Nói xong bà ta ngắt máy.

Ông Cường nhìn chiếc điện thoại, rồi bật cười:

- Khiếp thật. Hóa ra là làm quan to như cái thằng này cũng khổ.

Sau đó ông Cường bình tĩnh hẳn.

Ông lấy một cái điện thoại khác và bấm lại số máy đấy.

Vẫn tiếng bà vợ:

- Ai gọi đấy ạ?

Ông Cường khè khà đổi giọng:

- Cô Luân đấy à? Bảo thằng Phượng ra nói chuyện với tôi.

Tiếng bà vợ:

- Dạ, xin lỗi, anh cho biết quý danh để em nói với nhà em ạ.

Ông Cường:

- Cô cứ bảo thằng Phượng ra nói chuyện với tôi. Làm sao mà cô cẩn thận thế? Tôi có phải là “gái” đâu mà cô phải tra, với hỏi.

Quả nhiên, nghe giọng khệnh khạng của ông, vợ Thứ trưởng Phượng vội vàng đưa máy điện thoại đến cho chồng.

Lúc này ông Phượng đang nằm xem tivi.

Ông Cường hỏi:

- Phượng đấy à?

Thứ trưởng Phượng trả lời nhã nhặn:

- Dạ vâng. Xin lỗi, ai đấy ạ?

Ông Cường nói luôn:

- Anh đây, anh Huy Cường đây. Dạo này chú khỏe không?

Phượng đang nằm, vội vàng ngồi dậy:

- Ôi, ông anh à. Lâu quá rồi bây giờ mới được nghe giọng ông anh.

Ông Cường:

- Này cậu, làm sao mà cái con vợ cậu ghê gớm thế? Lúc nãy tôi gọi điện bảo cho gặp cậu mà nó dứt khoát không nghe. Thế rồi nó còn quát tôi là ngày mai có việc gì thì đến công sở. Nó bảo rằng hôm nay cậu đi họp ở trên Chính phủ nên bận lắm, mệt lắm. Cậu mới lên Thứ trưởng mà đã “oai như cóc” là thế nào?

Phượng cười:

- Thôi ông anh đại xá, chấp làm gì cái bọn đàn bà. Em về nhà rồi là có được dùng máy điện thoại đâu. Ở Bộ có việc gì thì dùng điện thoại bàn, chứ di động không bao giờ được sờ đến. Đấy, anh thấy đấy, em khổ lắm.

Ông Cường nói:

- Cậu phải dạy cô ấy đi. Cậu bây giờ là chức lớn rồi. Quan trên trông xuống, người ta trông vào. Ai lại để vợ ăn nói với khách khứa như thế? Chết thật, đấy là cậu mới là Thứ trưởng. Tôi không hiểu là nếu cậu lên làm Bộ trưởng, hay to hơn nữa thì cô ấy sẽ “oai” đến mức như thế nào?

Phượng vẫn nhã nhặn:

- Thôi, ông anh ơi. Chấp làm gì đàn bà. Rồi em sẽ nói với nhà em. Nhưng mà ông anh này, bộ phim của ông anh thế nào mà em nghe “lộn đô lộn đáo” lên thế?

Ông Cường nói:

- Tôi gọi cho cậu là vì thế. Thứ nhất là ngày xưa tôi cũng có một thời kỳ làm việc với cậu. Cậu cũng đã từng coi tôi như là anh.

Tiếng của ông Phượng:

- Vâng, cái đấy thì ông anh khỏi phải nói. Em chưa bao giờ dám có nửa lời nói hỗn với ông anh. Mà ai hỏi, em cũng nói là sau này em có thành công ở một vài bộ phim cũng là nhờ sự dạy dỗ đầu tiên của ông anh.

Ông Cường:

- Thôi, chuyện ơn huệ thì cậu không phải nói. Cậu sẽ có dịp trả ơn tôi sau. Bây giờ, một việc nữa mà tôi muốn nói - với tư cách của một đạo diễn nói với một lãnh đạo. Đó là hôm nay tôi nhận được lệnh phải tạm dừng quay phim để cho thanh tra, rồi Cục Điện ảnh xem lại kịch bản. Họ nói là phim của tôi nói xấu đủ thứ. Thế nên tôi định hỏi anh xem là anh có biết gì về việc này không?

Thứ trưởng Phượng ngần ngừ một lát, rồi đáp:

- Không, em không biết gì cả.

Ông Cường:

- Có đúng không? Cậu nói thật chứ?

Phượng:

- Em thề với ông anh, em có biết gì về việc này đâu. Em mà biết việc này mà lại ra lệnh ngừng phim của ông anh như thế thì em có còn là giống người không? Nếu như có đúng là như thế thì em phải đến thưa với anh, để anh xem như thế nào. Em mà lại ra lệnh cho anh ngừng quay bộ phim này thì... giống chó còn hơn em.

Ông Cường bật cười:

- Thôi thôi, cậu không phải nói nặng nề như thế. Nếu sự thật là như thế thì tôi rất vui. Tôi không xấu hổ vì cậu. Thế là được rồi. Người ta bảo bạn bè không làm hại nhau thì dễ, chứ không làm ngượng mặt nhau thì khó lắm. Thôi, cậu đã nói thế thì tôi yên tâm. Nhưng bây giờ tôi nhờ cậu một việc. Cậu hỏi giúp tôi xem ai là người nhận được các đơn thư tố cáo bộ phim của tôi có nội dung xấu và cơ quan nào nêu ra việc đòi xem xét lại kịch bản của tôi.

Ông Phượng:

- Vâng, anh yên tâm. Em sẽ hỏi ngay. Có gì thì ngày mai em sẽ báo cáo với ông anh. Thế dạo này tình hình ông anh sống ra sao? Vẫn một mình à?

Ông Cường nói:

- Ừ, chẳng một mình thì mấy mình.

Phượng:

- Thế bà chị ở bên Đức lâu nay có liên hệ gì về không ạ?

Ông Cường thở dài:

- Cũng thi thoảng mấy mẹ con hỏi thăm nhau. Tôi cũng nghe nói là vừa rồi làm ăn khó khăn. Còn cụ thể như thế nào thì nói thật là từ ngày ấy đến giờ tôi cũng không quan tâm nữa. Mà có quan tâm cũng chẳng được.

Phượng thở dài:

- Hồi tháng trước em sang Đức, rồi đi mấy nước Đông Âu. Em có sang Tiệp Khắc, bây giờ gọi là Séc. Em có gặp bà chị ở bên đấy. Mà bà chị trí nhớ tốt thật đấy. Mười mấy năm rồi mà bà chị nhận ra em ngay. Bây giờ gần 60 tuổi rồi bà chị vẫn đẹp. Em có hỏi chuyện làm ăn thì chị cũng nói là gặp khó khăn. Chị có cho em mấy chai rượu và mấy gọi kẹo chocolate để mang về làm quà. Em hỏi chị là có gửi gì cho anh không thì chị lắc đầu và bảo có gửi về thì anh cũng ném đi.

Ông Cường bật cười:

- Cũng có khi thế thật đấy. Thôi, lúc nào cậu đến đây thì anh em mình ngồi uống rượu, đàm đạo. Việc tôi nhờ thì cậu cứ xem cho tôi.

Tiếng của Phượng:

- Dạ vâng, anh yên tâm. Việc này em sẽ hỏi ngay.

***

Ngày hôm sau, đoàn làm phim vẫn tiếp tục quay nhưng mọi người vẫn xì xào bàn tán. Một không khí rụt rè, ngần ngại bao trùm tất cả. Mấy diễn viên thì hình như cũng chẳng có đầu óc nào để đóng phim nữa.

Ông Cường nhận thấy điều ấy.

Ông nói với phó đạo diễn Hữu Tùng:

- Cậu bảo tất cả vào đây để tôi hỏi chuyện. Chứ bây giờ đóng phim mà mặt mũi diễn viên cứ như là mất sổ gạo, thì còn diễn xuất cái gì nữa. Mà Diệu Linh đâu? Sao hôm nay không thấy?

Hữu Tùng nói:

- Em cũng không biết. Trong lịch thì hôm nay Diệu Linh không đến anh ạ.

Nói đến đấy, trong lòng Hữu Tùng thầm nghĩ: “Tình hình này lại phải triệu Diệu Linh đến rồi, chứ không có thì ngừng quay mất”.

Cả đoàn làm phim họp ở ngay hiện trường.

Ông Cường nói vẻ điềm tĩnh:

- Hôm nay tôi thấy các bạn làm phim mà tất cả cứ như là thiếu ăn, thiếu ngủ, ai cũng như là có chuyện buồn. Tại sao lại thế nhỉ?

Quay phim Minh Đức nói:

- Báo cáo ông anh, cũng chẳng qua là vì từ hôm qua đến nay, cái chuyện bị ngừng quay đồn khắp nơi, rồi báo chí lại réo mệt quá.

Ông Cường:

- Cũng lạ thật. Tôi chưa nhận được một văn bản nào ra lệnh ngừng quay cả. Đây chỉ là có ý kiến họ đề nghị mình xem lại kịch bản. Thế mà các anh các chị đã làm như là nó liên đới đến các anh các chị, rồi sợ sệt như thế này thì làm ăn kiểu gì?

Một diễn viên nói:

- Thưa chú, cháu thì chưa đọc hết kịch bản phim vì vai của cháu chỉ có mấy đoạn thôi, nhưng hôm nay có người nhắn tin cho cháu là tránh xa cái phim này ra.

Lại một diễn viên khác:

- Thưa chú, hôm nay một số phóng viên gặp cháu và hỏi về tình hình bộ phim. Cháu cũng chỉ nói rằng: “Tôi chỉ đóng vai phụ thôi.Các vai chính thế nào tôi cũng không biết”. Thế nhưng mà có vẻ căng thẳng lắm ạ. Các báo thì nói rằng nội dung phim có quá nhiều vấn đề.

Ông Cường gật gù:

- Cũng hay đấy. Thôi được rồi. Các anh chị cứ yên tâm. Tôi cũng đã có trao đổi với lãnh đạo rồi. Chắc lát nữa là sẽ có ý kiến chính thức. Nhưng mà tôi thấy các anh các chị cũng lạ thật. Chuyện chưa ra đâu vào đâu, mà mọi người đã sợ đến như thế này. Chẳng hiểu bản lĩnh của các anh chị thế nào cả.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P